Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Chúc mừng Hội VHNT tỉnh Điện Biên, hội viên Nguyễn Đức Lợi đạt giải nhì, cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ (Hội nhà văn Việt Nam) hai năm 2011 - 2012



Kết quả cuộc thi truyện ngắn
Tuần báo Văn nghệ 2011- 2013

Giải nhất: Chùm truyện ngắn của Lê Thanh Kỳ:
1-       Bạn khách
2 -        Sợi dây
3 -        Mồng Chín, tháng Tám

Giải nhì:
1-      Gia phả mùi rơm rạ - Thu Trân
2-      Ma núi rắn –  Nguyễn Đức Lợi
3-      Lá bùa bỉ ngạn hoa – Vũ Thị Thanh Huyền

Giải ba:
1-      Hồng trần – Chu Thị Minh Huệ
2-      Đêm dài qua –  Nguyễn Tiến Bình
3-      Chùm truyện: Thị; Chị Mỵ làng Minh Quang –  Văn Chinh
4-      Hàng xóm –  Chu Thùy Anh
5-      Phương Nam   Phùng Hy
6-      Người đàn bà ở bến xe thành Rôm –  Nguyễn Đăng An

Khuyến khích:
1-      Trong đám tang của mình –  Uông Triều
2-      Mười hai chiếc bánh flan –  Phạm Thanh Thúy
3-      Suối nguồn –  Phan Đình Minh
4-      Đất tụ long –  Nam Ninh
5-      Phật ngoài khơi xa – Nhụy Nguyên
6-      Người chợ Kệ  -  Dương Đức Khánh
7-      Bữa tiệc ly –  Lê Hoài Nam
8-      Seo Ly –  Chu Văn Nghiêm




Read More..

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Bài hát ngoài trời


Với một chàng trai  hát giữa trời nắng

Nắng, bụi, gió… khán giả
Những cái tai, đôi mắt vụt vèo
Ôi khổ quá, tội giời đày…
Câu cảm nhất cách 50 mét

Ớ ơ ờ ơ
Không có ai chuyển ngữ
Ế ê ề ê
Phải chăng khúc ru ngày cũ

Bao nhiêu bài hát chưa ra sân khấu này
Bao nhiêu điệu múa máu mủ
Bao nhiêu không người trong phòng trong tủ
Giai điệu ngoài kia đi tìm

Bài hát sẽ tan thành nước mắt
Chàng trai sẽ bốc hơi cho mình mát
Các nhà hàng, cơ quan, xí nghiệp… ơi
Mở cửa, ra cảm ơn người ta một câu.
08/4/2013





Read More..

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Xay xúm Mường Thanh sang Mỹ


Ông đã từng sang Mỹ, hẳn mười hai ngày ở Oa sinh tơn…bao nhiêu người Tây tròn mắt ngưỡng mộ, bao nhiêu nhà báo quốc tế hỏi chuyện… Ông chỉ là một người Thái Mường Thanh; chân đất, sang “bên kia quả đất” để làm những việc y như ở nhà - Đan xay (lờ), đan xúm (nơm)…


Những ngày ở Mỹ
Ông là Cà Văn Cu, 65 tuổi, ở bản Phiêng Quái (xã Noong Luống, huyện Điện Biên). Gặp ông, sau gần tiếng xuôi con đường bên dòng Nậm Rốm, qua những thửa ruộng, tràn ao, cánh rừng xanh mát; trong ngôi nhà sàn, mái lợp broxi măng còn mới, ông kể: “Đan xay (lờ) ở Mỹ nhiều người thích lắm. Họ quây vào người xem, lúc đầu cũng hồi hộp; gài, bắt mấy nan đầu tiên xong thì bình thường như ở nhà. Người ta nhìn như ăn tay mình. Đan xong họ nhao tay, đưa cả trăm đô đòi mua; nhưng ban tổ chức không cho bán, tất cả đồ làm ra phải đem về bảo tàng lưu giữ”.
Ông Cu là một trong 40 nghệ nhân Việt Nam sang Mỹ tham gia Chương trình Mê Kông dòng sông kết nối các nền văn hóa, tại Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian, tại Washington - Hoa Kỳ từ 27/6 đến 8/7/2007. Đối tượng được mời hẳn nhiên là cư dân sông Mê Kông - Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Mianmar, Cam Pu Chia, Việt Nam… Ngoài văn nghệ dân gian phụ trợ thì nội dung chính của lễ hội là - Các nghệ nhân ở mọi miền sông Mê Kông trình diễn cách làm dụng cụ đánh bắt thủy sản. Cùng uống chung dòng nước Mê Kông; cùng là bắt cá, bắt lươn, ba ba… mà mỗi nước, ngay cả nước mình cũng khác nhau. Người Thái Lan, Cam Pu Chia, người Nam Bộ mình đan cái chài to; cái lờ cũng gấp bốn, năm lần so với Điện Biên; cái hom, kiểu đan cũng khác... “Băn khoăn hỏi họ; họ bảo, sông rộng như biển thì cái bắt cá phải to thôi”. Ông Cu nói và lại gác bếp lấy cái lờ ra như để so sánh. Đó là chiếc lờ hai hom, kiểu nan bắt chéo, toàn bộ sản phẩm không thấy một vết nối; dù nhìn, sờ rất kĩ. Nếu đan phần thân riêng, hom riêng, rồi lắp vào như họ thì dễ nhưng như thế độ chắc chắn, cả đẹp nữa sẽ kém. Mấy ông Nam Bộ rất thích kiểu đan Điện Biên, họ bảo muốn học kiểu khó, cá xuôi cá ngược đều bắt được. Thời gian ngắn quá, tôi dạy một lúc, chắc họ về nhà cũng chưa làm được.
Trình diễn tại lễ hội ba ngày, ông Cu cùng các nghệ nhân được đi thăm một số nơi trên nước Mỹ. Thấy nhiều nhà chọc trời, nhiều cảnh đẹp, nhiều rừng nhưng ông  chỉ để ý đến con cá, con thú… xem người ta đối xử với chúng như thế nào? Ông hỏi chuyện người dân (qua phiên dịch) thì thấy họ rất quan tâm, tự giác giữ gìn môi trường, chỉ đánh bắt (mà cũng rất hạn chế) bằng dụng cụ thủ công. Súng, mìn, sung điện… tóm lại những loại giết con vật, ai sử dụng sẽ bị pháp luật xử rất nặng.    
Tri kỷ với ruộng Mường Thanh, sông Nậm Rốm
          Ông Cu sang Mỹ là đại diện cho khu vực đầu nguồn Mê Kông (sông Nậm Rốm vào dòng Mê Kông ở Pắc U - Lào). Theo thước đo thành tích, xuất chúng như các cuộc hội thảo quốc tế… thì ông không có gì. Ông chỉ biết ruộng sông ở trong mường bản. Vì cuộc sống gắn bó nên trọn đời tri kỷ với dòng sông đất Mường Trời.
                  

Tuổi thơ của ông ở bản Kha Chít (xã Thanh Minh), lớn lên, đi ở rể rồi sinh cơ lập nghiệp tại Phiêng Quái (Noong Luống) cho đến nay. Như bao đứa trẻ người Thái Mường Thanh khác trong tập quán “Ở theo suối, ăn theo nước”; cậu bé Cu theo cha, rồi dần dần cũng tự bắt được con lươn, con cá; từ ruộng, suối gần nhà đến ra dòng Nậm Rốm. Nậm Rốm thời ấy rộng và sâu lắm, đôi bờ rừng cây um tùm rậm rạp; ban ngày cũng đầy bìm bịp đuổi nhau. Dòng sông là cả một “kho thức ăn sống”. Nào chép, trê, trạch, cá quả; nào lươn, ba ba to tướng, lâu lâu gặp người còn lồi mắt lên chào! Người hồi đó một phần ít, phần nhiều là biết yêu sông yêu cá. Đánh bắt thì cũng xay (lờ), xúm (nơm) nhưng vừa đủ ăn thôi. Con to mới lấy, ăn vừa một hai bữa, con bé thả về sông nuôi cho lớn. Người không tham, không ác; sông hiền lành, cá tôm phởn phơ; cả hai thành bạn bè yêu nhau như vợ chồng con cái.
Nhìn cha làm, rồi cha dạy; năm 15 tuổi, anh Cu đã thành thạo các loại dụng cụ bắt cá. Việc đan cũng lắm công phu, giai đoạn. Đầu tiên lên rừng chọn cây sặt bánh tẻ, đem về chẻ ngay rồi cho lên gác bếp lấy khói chống mọt. Rồi sau đó, những hôm trời mưa, rỗi rãi… lấy ra đan. Đan chả ai tính theo công theo buổi nhưng nếu làm liên tục thì hai ngày xong một cái xay (lờ). Còn đan xay moi (rọ) thì nhanh hơn, bởi dụng cụ này nhỏ, chỉ có một hom, kiểu đan cũng đơn giản.
Đan lát và bắt cá, lươn; ông Cu đều giỏi. Hỏi mấy thanh niên bản Phiêng Quái, chuyện ông Cu bắt lươn, cậu nào cũng lè lưỡi… chịu ông ấy, tay như có thần có ma. Cũng dùng rọ, chập tối cho mồi cua đập chết, rồi đặt ven ao, ruộng mà sáng ra lấy; bao giờ rọ ông Cu cũng nhiều nhất.
Ông Cu bảo, từ năm 2000 trở về trước lươn nhiều, rọ nào cũng được, có rọ ba, bốn con. Người Thái Noong Luống, Sam Mứn, Thanh Yên còn nhớ… dạo ấy các nhà nuôi cá bột chả hiểu làm sao cứ bị mất dần mất mòn. Ông Cu biết chuyện liền bảo – Thằng lươn nó ăn đấy, để tôi có cách.  Ông đến, mỗi ao đặt hai, ba rọ…, có hai đêm, lươn chúa 3 - 4 lạng/con cũng phải qui hàng. Không những giỏi bắt bằng rọ, ông Cu còn tay không tóm lươn. Nghe chuyện bắt lươn bằng tay cũng nhiều, được dịp tôi muốn tận mắt. Ông vui vẻ xuống bờ ruộng. Ông dạy cách phân biệt hang lươn và hang cua. Hang cua cứng, hang lươn mềm; nếu thọc tay vào hang mà có cảm giác mút thì đích thị  họ nhà trơn rồi. Gặp lươn lập tức dùng ngón trỏ kẹp, chỗ cách đầu nó độ mươi phân. Con to thì làm như thế, còn loại nhỏ, chỉ cần lấy ngón cái bấm là nó phải ngoan ngoãn theo tay mình vào giỏ.
Khi hỏi về cá tôm sông suối Điện Biên bây giờ, ông Cu buồn rầu nói: “Còn ít lắm, có khi sắp hết sạch rồi. Tại dùng thuốc trừ sâu bừa bãi. Tại sung điện giết cả trứng…”. Mấy năm nay, ông cũng không đan cái lờ, cái nơm nào vì sông sắp cạn, suối sắp khô. Ông chỉ mong những kẻ giết cá, động vật hoang dã bị phạt thật nặng. Tôi chỉ biết chia sẻ cùng ông; rằng… những đồ đan lát của bác có thể làm quà lưu niệm du lịch; rằng… sẽ có lúc người với sông suối cá tôm lại trở về chung sống như xưa. Ông ngồi thừ, đôi mắt như mơ. 
Read More..