Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017


ĐIỆN BIÊN TRONG TRUYỆN NGẮN DU AN

Điện Biên là vùng đất nổi danh từ những năm giữa TK XX với chiến công lừng lẫy Điện Biên Phủ, là vùng văn hóa độc đáo, có vị trí chiến lược về an ninh, chính trị quốc gia. Ngoài ra, đây còn là một mảnh đất đẹp, thơ mộng, đang thay da đổi thịt từng ngày. Tiếp nối những mạch cảm hứng về đất và người Điện Biên trong các sáng tác của Nguyễn Khải, Mạc Phi..., Du An đem đến cho văn đàn những sáng tác về một mảnh đất hùng vĩ như lời thủ thỉ tâm tình, khi nhặt, khi khoan. Bài viết khảo sát tập truyện ngắn Người rừng, rừng người của tác giả để qua đó thấy được sức hấp hẫn của thiên nhiên cũng như sự thay da đổi thịt của một Điện Biên đang trên đà đổi mới, nhiều hứa hẹn hôm nay.

Du An với tác phẩm - Người rừng, rừng người
Du An tốt nghiệp khoa ngữ văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, hiện là cây bút chủ đạo của Hội Văn học Nghệ thuật Điện Biên. Với hơn 20 năm cầm bút, ông đã trình làng một số lượng lớn tác phẩm, từng giành các giải thưởng về văn chương.
Giọng văn của Du An trẻ, lời truyện đẹp như thơ, lập lờ như sấm ký nhưng lại chuyên chở vấn đề nhức buốt.Người rừng, rừng người là tập truyện ngắn, gồm 15 truyện, với đề tài chủ đạo là cuộc sống của người miền núi, đa số được viết ở Điện Biên. Qua tác phẩm, tác giả cho thấy sự thấu hiểu của một người sống gần gũi với đồng bào nơi đây, một sự sẻ chia, thấm thía. Qua những mảnh đời của người đàn bà mù, của Muốn (Người rừng, rừng người), bữa ăn chan nước mắt, xúc cảm đáng yêu của những em học sinh người Mông (Hạt cơm đau), những vật vã, đau khổ của một chàng thanh niên đến con lợn cũng không nuôi nổi (Nuôi lợn), những suy tư, trăn trở của một chàng trai hay chữ tên Nghiên (Đông Xên)..., giúp độc giả cảm nhận được sự chất phác, hồn hậu, thân thiện, đáng yêu của con người miền sơn cước.
Mảnh đất với núi rừng hùng vĩ, tươi đẹp
Đến với tập truyện ngắn Người rừng, rừng người, cảm quan đầu tiên là sự xuất hiện của rừng như một biểu tượng của Điện Biên. Khắp nơi cùng chốn, đi vào mọi sinh hoạt của đời sống đều gặp hình tượng núi rừng; rừng cho con người củ mài, củ sắn; rừng cho con người một chỗ nương thân; rừng cho con người những thanh tre, thanh nứa; rừng là anh em, là tri kỷ, là cuộc sống. “Muốn đi tiếp, giật mình thấy phần phật. Gió rừng. Không, những chiếc váy chéo trái, chéo phải trên con đường xanh xanh. Mùi thơm không giống một loại quả rừng nào. Gió cũng thơm, xoáy xoáy. Muốn xoay tròn, rồi lướt lướt theo đoàn người. Họ đến một bãi đất, mây xanh sà xuống. Họ ngửa mặt lên trời, tay quay quay, lại gió, vút đi một quả gì. Nắng bất ngờ óng ánh đuổi theo. Tiếng cười nói, những đôi má long lanh, lấm tấm mồ hôi” (1). Trong cảm xúc của người con gái bản Tênh Hông cũng như những nếm trải của người đàn bà mù là thấy rừng đêm mênh mông. Giữa bạt ngàn của rừng xanh ấy, trong ánh nhìn cuối của người đàn bà trước khi gửi lại đôi mắt của mình cho núi rừng, bà còn thấy được những cây nứa mở hội, cây xanh, cây vàng loang loáng thẳng tưng lên bầu trời, luồng nắng không làm sao đuổi kịp, chỉ xiên chéo một đường đầy những hạt bụi vàng.
Cùng với cảm thức về sự mênh mông, bao la, ngút ngàn, trong tâm khảm của người con Điện Biên, rừng là những giá trị thiêng liêng, cao quý. Trong Ở nương, “Hiêng bảo, chiều qua đi khám đất, phát hiện ra một rừng củ mài. Ngay sau lều, chỉ tụt xuống, rẽ sang một tí mà không biết. Liến thấy giọng Hiêng như khoe với bố mẹ bẫy được con hoẵng” (2).
Có thể thấy rất rõ, rừng là người bạn tâm giao của những con người sinh ra ở nơi đây, lớn lên nhờ vào rừng, khi chết cũng tìm về với rừng. Người mẹ mù trong truyện Người rừng, rừng người là một con người như thế. Chị ta lớn lên với một cuộc đời không mấy suôn sẻ, bị mù cả hai mắt ở tuổi trăng tròn, một mình nuôi con giữa núi rừng bao la, nhưng cũng nhờ giời, chị có rừng để trông cậy. Trong suy nghĩ của đứa con, “mẹ sinh ở rừng, ăn rừng, ngủ rừng, không mang cái gì ra khỏi rừng. Không lấy cái gì ngoài rừng vào”(3), “mẹ về với rừng; nhìn con dao thấy lạnh, nhìn túi lửa thấy nóng; người nóng lạnh thất thường”(4).
Mảnh đất đang trở mình trỗi dậy trong cuộc sống mới
Tiếp nối cảm hứng từ Mùa lạc của Nguyễn Khải, những cây bút trẻ viết về Điện Biên đã phản ánh không khí hăng say làm việc với một khát vọng tự khẳng định bản thân, khẳng định những giá trị tốt đẹp của con người trong cuộc đời mới. Du An, Nguyễn Đức Lợi hay những cây bút trẻ trong Hội Văn học Nghệ thuật đều có chung cảm hứng đó.
Trong Ở nương, vợ chồng Hiêng Liến, bé Hoài Thương trải qua biết bao vất vả, chịu cả sự hắt hủi của cha mẹ mà sống trên nương, thiếu ăn, thiếu mặc nhưng kết thúc tác phẩm là cảnh của đoàn tụ, sum vầy. Hay như ởNgười rừng, rừng người, trong tâm khảm của Muốn thì “Muốn là trụ cột, cắt đặt lo toan cho đại gia đình. Những lần hổ vồ trượt, khỉ ném đá, rắn mai phục màu lá cây... Những trận mưa, lũ ống, lở đất; những ngày nắng nghe tiếng da xèo xèo. Khổ. Tất cả kêu khổ. Một ngày kia có tiếng nổ, khói đen. Không phải sấm, không phải cháy rừng. Người ta mở một con đường xuyên từ bản cũ, qua bản mới, qua rừng Tênh Hông, đi nữa, hình như đến chân trời. Các con Muốn reo hò. Vợ Muốn chưa tối đã tắm. Muốn nấu cơm gọi tất cả vào ăn” (5). Rõ ràng, ta đọc được trong sâu thẳm tâm hồn Muốn là một sự đổi thay đến trong từng đường gân thớ thịt, trong từng cảm nhận rất nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc. Số phận, đường đời của bà mẹ mù khốn khổ cũng giống như số phận của người phụ nữ trong Bên hồ. Yêu hết mình một chàng kỹ sư xây dựng nghe nói là người Thái Bình, rồi chị ta có thai đúng lúc anh ta phải đi chuẩn bị hồ sơ nghiệm thu công trình. Mà thời gian chuẩn bị quá lâu, chị sinh con, nuôi lớn ở trong lều một mình mà chưa thấy anh quay trở lại. Có những lúc tưởng chết đói giữa rừng thẳm. Thế rồi, trời cũng không tuyệt đường sống của ai: “Bảy năm nay, nàng bỏ hẳn mót ngô, núi đồi nương rẫy; nàng chỉ đi phụ vữa, dọn nhà, trông trẻ… Con gái nàng đã biết nấu cơm, nấu cám lợn. Tối mịt nàng về, nó dọn cơm sẵn, líu ríu khoe đủ chuyện ở nhà” (6).
Một cuộc sống vui vẻ sẽ đến với dân làng, trong đó có gia đình Muốn, gia đình của những người đàn bà kia. Đó cũng chính là tâm sự chung, là thành công chung của tất cả người dân trên mảnh đất này. Rõ ràng là cuộc sống đã đổi khác, thay da đổi thịt hoàn toàn. Đến rừng như cũng chung vui với con người, rừng bảo lá giết người (lá ngón) chạy hết đi, để lại cho người toàn lá ăn được, để lại những thơm thảo cho đất, cho người Tây Bắc.
Bên cạnh dòng văn học dân gian vốn là niềm tự hào của người dân nơi đây, sáng tác văn học viết được xuất bản khá nhiều, đặc biệt là các sáng tác tái hiện, ngợi ca tinh thần dân tộc bất khuất trong chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Có thể kể đến Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai, Người người lớp lớp của Trần Dần, Tuyển tập thơ văn Điện Biên Phủ từ các tác phẩm của Trần Độ, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hoài An, Hồ Phương, Lê Kim, Dũng Hà… Bên cạnh đó, sự ra đời đều đặn của Tạp chí Văn nghệ đã cho thấy đời sống văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc nơi đây với các sắc thái độc đáo mới lạ so với các vùng, địa phương khác trong cả nước.
Tuy chưa thật đồ sộ, nhưng các tác phẩm của Du An cho thấy, một Điện Biên đẹp, thơ mộng, căng tràn nhựa sống trong thời đại mới. Chắc chắn rằng phải có một sự thâm nhập rất sâu, một tình cảm rất nồng hậu đối với đất, với người Điện Biên thì Du An mới có thể mang đến cho độc giả những áng văn thơ như thế.
____________
1, 2, 3, 4, 5, 6. Du An, Người rừng, rừng ngườiNxb Hội Nhà văn, 2015, tr.6, 120, 183, 185, 188, 192.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017
Tác giả : PHẠM HÀ NAM - NGUYỄN THỊ THU HOÀI
Read More..

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

HOA NẮNG MÙA ĐÔNG


          Đã in Văn nghệ Thái Nguyên số 1/ 2017                          (http://vannghethainguyen.vn/ctview/id/7595)
Không bán chẳng mua, không vào nhà xây nhà sàn, cứ thấy bóng loáng là cúi đầu buồn rũ. Có nhiều bạn thân trên facbook, ai héo gặp là tươi, ai già gặp là trẻ... ai lang thang không biết đi đâu về đâu gặp là thảng thốt, giác ngộ.
… Đấy là hoa cúc quỳ (dã quỳ) - Hoa hậu mùa đông. Dân bản rất yêu, khách phượt rất thích.  
Con gái chỉ đẹp khi ở miền gái đẹp, cúc quỳ chỉ rạng ngời hấp dẫn khi chung quanh đơn sơ, thô thô. Hoa nở là nắng đuổi nhau, trập trùng núi non cao nguyên, gọi lên… gọi lên...

Cúc quỳ sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống… phóng khoáng. Nơi, cánh rừng, nương ngô, đồng lúa, con đường, bản làng… đều khát khao phía núi bên kia, bầu trời trên kia. Vậy mà, chẳng chút ồn ào, trong ngày thường đêm thường ở bản luôn có những đoàn quân li ti qua đèo dốc, đằng trước tiếng hú gọi. Gió đương rất nhẹ, biết hay không biết, chỉ thấy thêm nhiều rập rờn từ thung nọ lũng kia. Tới một lúc, thấy bước chân như lá rơi, lan lan trập trùng mãi. Bầu trời vừa vặn đang đứng đón. Không xanh ngắt sâu thẳm mấy tầng cao, không hút tầm mắt chân trời vô định… để có một chuyến bay nho nhỏ, có cánh rừng, đàn chim căng cánh.
Cúc quỳ sinh ra và lớn lên trên quê hương rất mộc, nguyên chất núi rừng. Váy sơn nữ “mượn” hình hoa quả, cày cấy, dệt vải… Áo cóm căng vồng dáng núi, hàng cúc bạc đậu vào rập rờn những cánh bướm mừng vui. Con đường, dù lối mòn sợi chỉ đỏ hay bắt đầu rộng dài thì cây cỏ đâu đâu cũng ùa ra náo nức. Thấy cành nghiêng xuống, thấy lá vẫy tay,  lao xao quanh người má hồng, lưng ong.
Đã vào đông, bầu trời xanh lơ hôm nào, nay đã sang xam xám bàng bạc. Rồi có hôm mập mù, sáng trưa chiều như… tối; người nhìn thấy nhau chẳng biết vui hay buồn, tận mãi khi cười lên thành tiếng. Nắng đâu về đi, cho xột xoạt váy áo; ấm đâu về đi, cho trò chuyện nở ngô rang... Những tiếng gọi xuống ruộng, lên nương, ra suối, vòng vòng hạ hạ. Tưởng lời rơi xuống đất, bay như phấn hoa xuân ngày xa. Đã quên, đã không nghĩ gì, đã mang áo rét ra hong…
… Thì hôm nay bừng vàng, nhất loạt vàng, rồm rộm rười rượi, sâu hơn cao hơn ấm áp. Nắng, hoa đi vào nhau. Thấy người rạo rực, nhanh nhẹn hẳn lên. Tự nhiên muốn đi, muốn cầm cái cuốc con dao, làm một việc gì đó. Như không vô tâm trước ngày rất đẹp.
Cúc quỳ là nắng, nắng bằng hoa mình, bao nhiêu mùa rồi, tôi vẫn cứ cảm giác ấy. Trong không gian màu trầm tưởng như tàn úa thì nắng bừng lên. Một thứ “nắng hoa”, không từ trên trời xuống, mà từ đất lên, ngang ngang la đà, vừa tầm người chào người, bắt tay lời chúc.
Những ngày này trên facebook ngập tràn cúc quỳ. Khách có nàng môi thắm da trắng, nghiêng đầu, giơ tay ngón chữ V lên - Yêu lắm nha, lên đi các bạn ơi. Và hàng trăm comment rào rào tung hứng - Ở đâu “thía”? Sao không thấy bồ? Điện Biên phải không? Sướng nhất mi… Sao không đợi đến mùa hoa ban rồi lên… Cúc quỳ đẹp dã man lun… Đừng có ở nhà mà tiếc như con diếc nhá… Lập tức hàng loạt cúc quỳ năm trước ra chào. Những địa danh lạ hoắc, thoáng chốc thành người nhà.

Trước kia tôi nghĩ, cúc quỳ có gì mà đẹp, thậm chí còn mùi hăng hắc khó chịu nữa cơ. Cây này hầu như xanh tốt quanh năm, sâu bọ chả thèm ăn, người cũng thờ ơ, thậm chí ghét bỏ vì nó khỏe quá, hay lấn đất cây trồng. Suốt một thời đói kém, ngày ngày đi học, nhấp nhô qua bạt ngàn cúc quỳ, chả thấy làm sao, chỉ nghĩ nhanh nhanh về nhà chén củ khoai củ sắn. Có lần giữa trưa, thấy mắt lóe lên tia chớp, đầu quay cù tít mù… mấy phút thăng bằng lại thì… dứt khoát là tại cúc quỳ. Cúc quỳ vẫn im lặng, rưng rưng như sắp khóc. Tôi về kể chuyện này cho mẹ, mẹ ngùi ngùi bảo đừng đổ oan cho nó và cầm rá đi vay gạo.
Nỗi oan của cúc quỳ phải hai chục năm sau mới được giải tỏa. Không có củ như sắn, không có hạt như hướng dương, thì có nắng treo trên cành, dẫn đường ấm áp. Người bản tôi hay nói, ăn cho bụng cũng phải ăn cho mắt. Cái ăn cho bụng giờ không phải lo nữa. Cái ăn cho mắt thì trong nhà có tivi, biết nhiều nơi đầu óc sáng lên. Ra đường, thấy đồng lúa cánh rừng xanh xanh… được mát. Còn vàng rực cúc quỳ thì người ốm khỏe lên, như bên bếp lửa, như dang tay đón mặt trời.
Cúc quỳ, hoa nắng mùa đông, hoa ngược đồng hồ thời tiết, hoa dẫn đường đi về phía mặt trời. Hoa bàn giao đầy đủ mọi người khỏe mạnh vui tươi cho mùa xuân.

4/12/2016
                                                                                                                     
D. A
Read More..

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Bay lên từ Pú Khớ, 
Tác phẩm mới của Du An

(Đọc “Xuống phố”, tập truyện ngắn của DU AN - Nxb Kim Đồng, 2016)

TRẦN ĐỨC TIẾN

Du An sinh ra ở miền xuôi, nhưng có nhiều năm sống và làm việc ở Điện Biên, Lai Châu, nên văn chương của anh khá tự nhiên, nhuần nhuyễn khi chạm đến đề tài vùng cao.
(Bài đã đăng trên zing.vn, nxbkimdong.com.vn)


          Bối cảnh miền núi thì rõ rồi: núi non, rừng rú, nương rẫy, bản mường... Nhân vật chính là những đứa trẻ người Thái, người Mông, người Kinh… Nhưng phong vị miền núi, hay nói nôm na là cái “chất” miền núi trong tập truyện của Du An không phải vay mượn từ tên đất, tên người, quần áo, cách ăn nói, đi đứng… mà thể hiện khá đậm nét qua tâm lý, tình cảm, cách hành xử của các nhân vật. Một thứ miền núi chân thật, mộc mạc, dễ thương, không giả bộ “làm hàng”. Tác giả sinh ra ở miền xuôi, nhưng có nhiều năm sống và làm việc ở Lai Châu, Điện Biên nên văn chương của anh khá tự nhiên, nhuần nhuyễn khi chạm đến đề tài vùng cao.
          “Mỗi khi viết cho thiếu nhi, tôi hoàn toàn thoải mái đầu óc, lâu lâu mê đi, tự nhiên cười hí hí như bọn chúng. Khoảnh khắc ấy, tôi sung sướng biết mình là bạn của các em rồi… Viết cho thiếu nhi là cùng các em “chém gió”, nghĩ suy, mong muốn. Các em chỉ thích, chỉ đọc những gì hợp với tuổi của mình, tự nhiên, trong trẻo”… Du An từng bộc bạch tâm sự như vậy. Ý thức rất rõ về sự hồn nhiên trong tâm hồn trẻ thơ nên truyện của anh bình dị, đời thường, vui hóm cả khi nói về những gian khó thiếu thốn, tránh xa giáo huấn, áp đặt. Học trò đi trọ học. Học trò đói quá ăn trộm gạo của bạn. Bạn bè giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Tình bạn gắn bó khi chia tay. Con rắn ngoài đồng. Con gà nuôi vã. Mơ ước được đi máy bay… Tất cả những gì nghe thấy, nhìn thấy, trải qua hàng ngày ấy đều có thể trở thành đề tài truyện ngắn của Du An.
          Đây là cảnh ba cậu học trò trên bản xuống trọ học ở thị trấn: “Buổi tối đầu tiên ba thằng đều nhìn cái bóng điện. Cái bóng điện cũng nhìn ba thằng - vải áo láng đen ánh lên, tóc hoe hoe vàng cũng ánh đẹp. Nếnh giở hết mọi thứ trong lu cở bày ra giường. Túi gạo, gói thịt khô, hai bộ quần áo, quyển vở, cả con dao bao gỗ. Mua nhìn Nếnh làm cũng làm theo nhưng chỉ có mỗi túm gạo thì hết. Sùng giống như Mua nhưng có thêm ba tờ tiền hai mươi nghìn, một tờ mười nghìn” (Hua Nậm ở thị trấn). Rảnh rỗi không biết làm gì, đem “tài sản” ra kiểm kê như thế xem ra có vẻ hơi lẩn thẩn. Nhưng hóa ra ba thằng đang cố tìm cách lấp liếm đi nỗi nhớ nhà, nhớ bản...
          Học trò thiếu gạo, bụng đói: “Chữ CHÁO hiện về làm tất cả các bụng kêu èo èo / Tao đói quá chúng mày ạ. Trong bụng như có con gì gặm cồn cột ý - Anh Tủa mặt nhăn, mắt nheo, tay ôm bụng / Hay là còn bát gạo mình nấu cháo nốt - Thằng Bia nói, giọng rất vui / Không… không… không được. Mai ăn bằng gì? - Mua kêu lên rồi giang tay, lùi lùi về phía túi gạo” (Hai lần là một lần…).
          Gian khó, thiếu thốn, phải “kiểm kê” chắt bóp từng đồng xu hạt gạo như thế, nhưng những giấc mơ vẫn bay bổng. Đây là mơ ước được một lần đi máy bay của trẻ con bản Pú Khớ: “Chao ôi, lúc ấy đỉnh núi gọi máy bay bằng cụ. Mây trên cao thấy bảo là xanh lắm, dễ chịu lắm. Xanh, dễ chịu là phải. Bao nhiêu sông suối, cánh đồng, khu rừng bay lên nước mát màu xanh. Mình ở sông ở suối, ở rừng mà chả bao giờ được ngắm nó đầy đủ đầu mình chân tay… Cả Pú Khớ bay lên. Tận cùng rừng xanh, tận cùng mây trắng. Pú Khớ đang gặp giấc mơ. Thật nhiều giấc mơ ban đêm thì sẽ đến giấc mơ ban ngày. Đi nữa, bay nữa” (Máy bay lên Pú Khớ).
          Bọn trẻ trong truyện trở nên đáng yêu hơn, văn Du An đem đến cho người đọc nhiều bất ngờ thú vị hơn, chính là nhờ những trang tươi tắn, mát xanh như thế.
          Theo tôi, có ba truyện làm cho cuốn sách đầu tiên của Du An ra mắt người đọc thêm phần chững chạc và hứa hẹn những vượt trội sau này của tác giả. Ba truyện, giống như ba cuộc “thử nghiệm” và ít nhiều đã thành công.  “Con dao sáng mồng một”: hiện thực, cảm động, một ví dụ ngắn gọn và thật hay về tính cách người miền núi - thật thà, trọng chữ tín. “Máy bay lên Pú Khớ”: hiện thực đã được bay trên đôi cánh của tưởng tượng, trở nên nhiều vẻ hơn, lung linh hơn. Đọc truyện này bất giác nhớ đến V.M. Shukshin (1929 - 1974), nhà văn Nga có biệt tài khắc họa chân dung tinh thần người dân Nga ngây thơ, hồn hậu bằng những chi tiết thật tinh tế. “Chuyện từ lửa khói”: giống như một cái cây phát triển mạnh mẽ mà hiện thực chỉ còn như lớp vỏ mỏng bên ngoài. Tưởng tượng tối đa. Phấn hứng cao độ. Lạ và cuốn hút. Những truyện viết theo kiểu này còn rất hiếm trong văn học dành cho thiếu nhi của chúng ta.

Gấp sách lại, người đọc còn có thể nhận ra: tất cả những đứa trẻ miền núi của Du An, một cách vô thức, đều có xu hướng muốn “xuống phố”. Không phải là từ bỏ cái nơi đã sinh ra mình, mà là khát vọng vươn tới ánh sáng, vươn tới những gì văn minh, tốt đẹp ở phía trước. Những khát vọng rất đáng được cảm thông, chia sẻ.

25.10.2016

T. Đ. T
Bạn đọc mua sách tại các nhà sách Kim Đồng trên toàn quốc;
Mua online tại một trong các địa chỉ:
http://www.nxbkimdong.com.vn/products/product/view/21/11234.html
http://www.fahasa.com/xuong-pho.html?attempt=1              
Xuống phố vinabook
Read More..

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

KHĂN MẶT TRẮNG VẮT VAI

          


          Khói súng đạn đen đặc. Bầu trời, mặt đất như sắp ệp vào nhau.
Rừng rực, hừng hực, nghẹt thở, phấn chấn.   
          Đụn khói quay tròn, tiến lên xoay xoáy.
Mờ mờ đường cong nóc hầm đờ - cát.  
Nhạc Giải phóng Điện Biên vang rộn.
Chợt, khói thành cột, dựng đứng. Và, khói tan ra, đội lên một người.  
Đấy đấy, tôi kia kìa. Cái người khăn mặt trắng vắt vai ấy. Đang từ đồi A1 sang… lúc này là qua cầu rồi… chú ý, chuẩn bị đến hầm Đờ-cát nhé... Đâu đâu. Kia, như ông khổng lồ mà không thấy à. Chả thấy gì, toàn khói là khói… à thấy  rồi, nhiều người quá, lẫn hết vào khói thế này.... Lẫn là lẫn thế nào, thế cái khăn mặt trắng, vắt vai cái ông cao to kia không nhìn thấy à… Ờ ờ, có có nhưng nhoằng một cái lại hết. Tua lại đi, mọi người đã bị cuốn hút. Tua cái con khỉ, tivi chứ cát -séc đâu. Đây, người thật làm thật cho mà xem này.
Ông Soái cởi phăng áo, vớ cái khăn mặt, hắt vèo một cái lên vai. Đầu gối nhấc cao… hai vai nhâng nhâng… khuôn mặt đón gió. Ông bước như cảnh quay chậm. Nhạc Giải phóng Điện Biên càng lúc càng vang vang, rầm rập từ tivi. Những đôi mắt no nê, mở to… gần gần, xa xa.
Ông Trà như vô thức, bắn một điếu thuốc lào, tiếng rít như súng liên thanh. Khói khói khói, trắng trắng trắng… lờ lững, rập rềnh. Một lúc thì cái làn mỏng mảnh ấy tan trên đầu mọi người, quẩn xuống mất hút. Cái chiếc khăn mặt trắng trên vai ông Soái như đang bốc khói.
Tivi đã chuyển sang bản tin tài chính. Mọi người như máy hết điện nhưng còn quán tính, vẫn ơ ơ rung rung. Im lặng. Ông Soái đứng đơ giữa nhà, dễ đến hơn phút như tượng. Ông Trà nói to - ông Soái, lại uống nước đi.
Ông Soái lần ra ghế, đưa chén trà lên môi, đặt xuống. … Thằng Tiến, thằng Minh, chúng nó về đông lắm Trà ạ. Cứ chạy đằng trước tao ý, trắng trắng, thoăn thoắt thoăn thoắt… Thôi, làm điếu cho tỉnh táo đi, nhìn mặt ông ghê lắm, ông Trà đưa điếu sang. Ông Soái ngồi xổm, đầu gối đến cằm, hai vai quá tai, mắt hõm vào, hoăm hoắm.
Xuất xứ “Khăn mặt trắng vắt vai” là như thế. Nhưng lạ, mấy hôm sau thì cả xóm Minh Khai ồn ào chuyện ông Soái “vào tivi giải phóng Điện Biên”. Chỗ nào có tivi mở là chỗ đấy bàn luận. Rôm rả, trầm trồ, tự hào, cảm phục… rất thích.
- Cái dáng cao cao, xương xẩu thì đúng là ông Soái rồi.
- Nhưng mà sao lại đen thế?
- Toàn súng với đạn. Năm mươi sáu ngày đêm/ khoét núi ngủ hầm/ mưa rầm cơm vắt…(1) còn đen hơn bùn ao, củ súng ấy chứ lị.
- Ừ, thì bà đi dân công lên đó, biết chiến trường khốc liệt… Nhưng mà tôi hỏi tất cả mọi người ở đây nhá… làm sao giữa khói lửa mịt mù lại có cái khăn mặt trắng thế? Tôi cứ  thấy… ỡm ờ… làm sao.
Chuyện tắc. Không ai giả nhời được. Tivi chớp một cái, chuyển sang chương trình khuyến nông. Lại đợi, 15 phút nữa là có thôi. Thì chuyện, dây cà dây muống…
Chuyện cái ngày xưa, 12 thương binh đánh Điện Biên Phủ về làng làm con nuôi 12 gia đình. Ông Soái về nhà ông Mít. Ông Mít nấu rượu lậu bị dân quân xã bắt, Soái bỏ đi buôn bè, lên Điện Biên, rồi về, rồi già… ra cái khăn mặt trắng vắt vai.
Chuyện vèo một cái như thế không được, chậm chậm, kĩ kĩ đi…
Soái cưới vợ sau cùng, rất đột ngột nhưng vui nhất. Hôm ấy cả xóm Minh Khai đều tắt bếp. Lính Điện Biên nổi bật. Các chàng trai áo trấn thủ, mũ lưới, sao vàng bên những cô vợ chửa khềnh khàng. Anh Trà làm chủ hôn, điều khiển văn nghệ. Giải phóng Điện Biên, Hò kéo pháo, Đường lên Tây Bắc, Ing lả ơi… mãi không hết. Cỗ lo hẻo quá, hóa ra ổn. Tiếng hát nhiều, rượu vừa độ. Vui ngân mãi.
Mâm dọn đi rồi, bàn nước chỉ còn mấy người chuyện vãn. …Thế là mừng cho cánh lính Điện Biên. Từ nay con chim có tổ hết rồi. Phục ông Mít thật đấy. Con nuôi mà hơn cả con đẻ. Tôi cũng phục nhưng vừa vừa thôi…Vừa vừa là thế nào? Sát đất đi chứ. …Ừ thì sát đất nhưng mọi người cứ thử nghĩ đi…
Câu chuyện đang ngoặt đi hướng khác thì Soái đến. Cánh lính bảo luôn, mang vợ ra đây, chuyện với chúng tao một lúc. Nó còn đang rửa bát, thôi kệ. Nói thế nhưng Soái vẫn gọi, Tỵ ơi Tỵ ơi ra đây ngay. Tỵ ra, cả bọn tròn mắt như nhìn lần đầu. Tỵ ngồi xuống, anh nào cũng lập tức uống nước. Cái khăn mỏ quạ còn ánh nhựa nâu, cái áo bà ba diềm bâu trắng chả nước non gì với khuôn mặt gân gân khô khốc, cái mũi tẹt dí, cái môi như vều như sưng, nước da đen cháy... Nhà em ở dưới Lải à, sao bọn anh không biết nhỉ? Vâng, nhà em ở trên đồi bạch đàn. Thế nào mà anh Soái lại tìm được em nhỉ, em tốt số thật đấy. Không, anh Soái không tìm, ông Mít nói gả cho thằng Soái với bố em. Em mới biết anh Soái từ phiên chợ trước. Chồng thương binh, vợ gái đồi về xóm soi biết có nuôi nổi nhau không - có người lắc đầu, thở dài...  

Sau tuần trăng mật ở cái nong dưới bếp thì Soái ra ở riêng. Cái ăn, vợ chồng được mang theo một tải thóc. Nhưng cái ở thì… một ngôi nhà mới tinh bên bờ sông. Cột tre, vì kèo, đòn tay hóp, dui nứa, vách nứa, mái gianh...  (toàn bộ vật liệu lẽ ra là nhà của Xoan, em cô). Trước khi “phạt mộc” ông Mít nói, gì thì cũng phải ưu tiên con trai. Bà Mít có bậm bục, lủng bủng; Xoan thì xị mặt ra, mãi sau mới nói một câu, con chẳng tiếc gì nhưng… ghét mặt cái con cá mắm ấy. Ông Mít quát luôn, tao không muốn để cái loa trong nhà. Bà Mít bỏ xuống bếp. Ông Mít chạy theo nói, đang sắp hết “nước hai”, để tôi, bà động vào là hỏng đấy.  
Đương mùa lũ, sông nhiều củi, bến nhà Soái thành điểm tụ họp của những người vớt củi đêm.
Chập tối, Soái đã treo cái đèn bão lên cành xoan. Dưới gốc xoan có ấm trà nóng, điếu cày thuốc lào, đóm nứa ngâm.
Tầm nửa tiếng, thuyền về bến. Tiếng vứt củi lịch kịch, tiếng kể sung sướng, tiếng xuýt xoa tiếc rẻ vì để tuột mất cây gỗ… Rồi trà đấy, thuốc đấy làm chén, làm điếu cho tỉnh táo. Lúc khoan khoái quá thì chuyện với vào - Soái ôi, buông vợ ra đây làm chén nước đã. Anh Soái này, có con am am (2), tóc xõa đen xì đang ngồi với em, nó bảo yêu anh Soái cơ… Như Nguyễn Văn Soái là nhất, vợ sẵn, nhà sẵn, tối tối rượu say bò cưỡi…
Những câu nói vào bụi tre, dòng sông. Trong nhà tối đặc, theo gió đêm có tiếng cọt kẹt, không biết có phải bụi tre cựa mình hay không...
Mặc kệ, bên ngoài cứ tán, cho đêm đỡ buồn, cho sông đỡ rợn.
Nhưng đêm nay thì Soái ra, lúc gà gáy sang canh hai.
- Mọi người uống nước đi.
- Chúng tôi uống no rồi.
- Sao không đi vớt củi… mê vợ quá à?
- Gà không, lợn không. Mỗi hai thằng người đun đáng bao nhiêu.
- Có mà lí sự lười ý.
- Ừ, thì tôi lười nhưng tự nhiên chán, cả làng này chăm mà vẫn đói… Có khi phải tìm việc khác thôi. Soái thở dài.
Cả đám tức quá, xịt răng nghĩ câu đốp lại. Chợt lúc ấy, phía Lang Sa, sấm ùng ùng nổi lên, cơn giông ập đến. Mưa liền ngay. Đám vớt củi nháo nhào xuống thuyền, xuôi dòng về nhà.

Đêm hôm sau, dân quân ập đến nhà ông Mít. Không còn chối cãi vào đâu được nữa, nồi rượu đang sôi, vòi đang tong tong, lại còn một chum dễ đến trăm lít giấu tít bụi chuối góc vườn.
- Nể ông nuôi thương binh chúng tôi chỉ xin mấy tang vật này.
Thằng cháu họ nói và giơ thẳng chậu nước lên, dội xuống bếp. Khói nóng, bụi than sộc lên mắt. Ông Mít òa khóc, nhìn bỗng đổ lênh láng ra nhà; xoong nồi, ba ba, vòi, chai… đang trong cái sọt khênh đi. Ông há mồm nhìn, rồi tự nhiên rống lên, Soái ơi, Soái ơi…

Sáng hôm sau, chiếc thuyền đầu tiên xuống bến báo tin buồn cho Tỵ. Tỵ vào gọi chồng thì giường không, xuống bếp, ra vườn cũng không. Lúc quay vào thì Tỵ chợt thấy bức vách có dòng chữ bằng than - tôi phải đi xa, ở nhà tự lo liệu, nếu thấy chửa thì đừng tham gánh phân. Tỵ vuốt tay xuống bụng, nước mắt cứ thề trào ra.
*

 Soái lên ngọn sông với cánh phường bè. Chuyện này mình Soái quyết. Cái đêm đầu tiên ra nhà mới, sau khi vợ chồng làm cái ân ái gọi là chào mừng, Soái vơ vẩn ra bến. Đang ngồi chồm hỗm nhìn dòng nước lóa lóa thì thấy cái bè bắt neo. Người dưới bè lên, ướt như chuột lụt. Em hết thuốc, hết chè từ chiều, sợ đêm nay ngủ gật, thấy chỗ này có ngọn đèn… Được, thoải mái, ngồi đấy đợi nhé. Soái về nhà, một loáng mang ra, một cái bị con, một cái rá còn ba củ khoai. Soái nhìn anh ta hút, uống, ăn lâu quá thì sốt ruột hỏi:
- Thế bè này xuôi về đâu?
- Em về Thái Bình.
- Thái Bình chắc lúa tốt lắm nhỉ?
- Chỉ được cái tiếng thôi. Bất đắc dĩ vì cái dạ dày bố mẹ vợ con, em mới phải đem mạng mình nhem nhem hà bá thuồng luồng thế này.
- … Cho anh đi theo được không?
Nói xong Soái mới biết mình lỡ lời. Nhưng anh kia đã reo lên:
- Ôi tốt quá, em đang cần người, anh đi với em … người ven sông chắc chắn là thạo sông nước.
- Không, anh không phải là người đây, nhưng bơi lội, thuyền bè cũng tạm.
Soái kể thật thân thế. Anh kia mừng rỡ - càng hay, bè em mà được anh thì như có lá bùa hộ mệnh rồi.
*
Soái đi, một tháng, hai tháng… nửa năm, không tin tức.
Bụng Tỵ đã to như cái trống, việc hợp tác xã cũng chỉ nhổ mạ, cấy, gặt ngày lấy 7, 8 điểm. Dạo này Tỵ không trèo lên được cây xoan nữa, cái đèn bão vẫn trên đó, lắc lư như cái tổ không có chim.
Ông Mít đã kệch hẳn nấu rượu từ đận ấy. Mùa nước bắt đầu thấy ông vớt củi đêm. Thuyền ông không ở dòng chính, cứ một mạch tít sang gần bờ bên kia. Ấy thế mà toàn củi chũa, bằng bắp chân bắp tay, thau tháu, ánh nước. Ba đêm, đống củi vợt lên bến to như quả núi thì ông nghỉ. Cả ngày một mình ông vác, gánh lên vườn nhà con dâu. Tỵ thấy bố chồng vất vả, vừa mon men lại thì bị quát, đành lấy cái chổi quét lá tre lá nhãn.
Đến tối mò thì xong, ba cầu gọn gẽ, đậy điệm yên tâm. Ông Mít gọi Tỵ ra bảo, nấu ăn hàng ngày một cầu này nhé, còn hai cầu này lúc nào đẻ sẵn đấy mà sưởi, sấy tã lót… Mẹ mày tính lúc đẻ là rét đấy. Tỵ rơm rớm nước mắt bảo, giá anh Soái ở nhà thì bố không phải khổ. Ông Mít lắc đầu, tại nó… mà cũng tại cả bố.
Đêm ấy, Tỵ không ngủ được. Lũ đã hết đợt, không còn ai vớt củi. Tỵ ngồi vơ vẩn, đăm đắm vào phía xa đen đặc. Anh Soái ơi, anh bỏ đi mà chẳng bảo đi đâu. Anh Soái ơi, chúng mình có con rồi, chắc là con trai đấy, em thấy nó đạp mạnh lắm. Anh Soái ơi, anh về đi, không con gọi bố là anh nóng tai đấy. Tỵ chắp tay, lạy lạy lạy... Đêm vẫn đặc quánh, tiếng bồi băng, “tang giếng” ngoài dòng ùm ùm, oẳm oẳm như như am am gặp người tháo chạy.
- Chị ơi, cho em hỏi anh Soái…
Tỵ giật mình tưởng ma. Không, một người ướt lướt thướt đang cầm cái sào đứng trước mặt. Anh ở chỗ anh Soái về à? Tỵ không suy nghĩ, hỏi luôn. Không, anh Soái đi với bọn anh nhưng lại đi… không biết đi đâu. Kệ cho Tỵ nắm áo, cào cấu, hết mệt thì anh phường bè kể.
… Thật không hiểu anh Soái là người gì. Lần ấy, bọn anh xuôi hơn trăm cây dổi. Đã dặn trước, cả năn nỉ phân tích với Soái là gặp kiểm lâm thì như thế, như thế... Nhưng đến trạm thì hỏng bét. Kiểm lâm hỏi, nghe nói trong bè có anh là thương binh Điện Biên Phủ phải không? Tay kiểm lâm quần áo lính, mặt mũi dễ gần, giọng nói lại có vẻ ủng hộ. Tôi ẩy tay sang Soái, nói khẽ, cứ thế anh nhé, anh bảo đúng, rồi chìa thẻ ra…
 - Bè này không có ai là thương binh hết. Không có ai là lính Điện Biên Phủ hết…
Chết rồi, Soái nói xong rồi, hết đường thoát rồi. Chúng tôi lên bờ, ký vào biên bản. Độ hơn tiếng anh em chán đời, vạ vật trên bãi cỏ thì một kiểm lâm đi ra:
- Mời các đồng… chí… buôn… bè…. vào ăn cơm.  
Chúng tôi lưỡng lự, không dám, vì thân phận tội phạm, vì hai tiếng buôn bè vừa đai ra, giễu nhại. Một lúc, không ai vào, anh mặc bộ quần áo lính lúc nãy ra tươi cười, thôi việc gì ra việc ấy, chúng tôi vì nhiệm vụ không thể khác được… Gặp bữa sông nước như thế này, xin mời các anh.
Kiểm lâm ngồi sẵn, phường bè vào, tròn hai mâm. Tôi giật mình không thấy Soái. Ra ngoài tìm, gọi mãi không thấy…
Sau vụ ấy, chúng tôi không dám liều nữa. Xé lẻ mà đi, hai ba người một bè, mỗi chuyến mươi cây gỗ “tàu ngầm” dưới nứa bương.  
Bây giờ tôi cũng chẳng biết là anh Soái đi đâu. Chuyến này nước êm, tôi lên nhà, có khi anh Soái đã về. Tỵ xụt xịt khóc. Anh bè đưa cái ba lô, còn cái này của anh Soái bỏ lại, gửi chị. Tỵ ôm ba lô, thọc tay vào thấy lạnh ngắt. Bình tông, cái lược, con dao.
Ới anh Soái ơi, anh Soái ơi, anh ở đâu về với mẹ con em…. Tỵ vật vã khóc váng cả bến sông. Cả xóm tỉnh giấc chạy ra, thấy mỗi người đàn bà quay tròn. Dòng sông lóa lóa, nhập nhằng như đánh nhau ngoài xa.

Tỵ sinh con trai tại nhà. Bà Mít, cô Xoan đỡ đẻ trong buồng, ông Mít ngồi ngoài dỏng tai nghe. Có tiếng oe oe, ông Mít chạy vào, bị xua ra.
May không giống mẹ - tiếng Xoan. Rồi nữa… cái mũi cao, trán rộng, mắt sáng rõ là Soái con rồi - tiếng bà Mít.
Ông Mít nhắm mắt, gật gật đầu, phải thế chứ.

*

Hai năm sau Soái về. Đen cháy.
Soái không về nhà mình ngay mà vào nhà Trà.
Trà đang đan dành dưới búi tre. Có một cái đò dọc ngược dòng. Trên mũi, cao hẳn lên một người cởi trần, áo vắt một vai, khăn mặt bộ đội vắt một vai. Trà bắt xong bốn góc, chợt ngẩng mặt lên, lập tức kêu toáng - Soái! Đúng thằng Soái rồi. Và…; Trà ơi… phóc một cái, Soái lên bờ, ngay trước mặt. Hà hà hà, tưởng tao chết mục xương rồi à. Soái giang tay, ưỡn ngực; đánh D1, A1 không chết, chết làm quái gì mấy cái trò ma toi.
Trà bỏ cái dành đan dở, kéo Soái về nhà. Tao phải trốn chúng nó về, bí mật bất ngờ… mỗi cái thằng Soái và cái khăn mặt, xung phong… xung phong...
Tiếng Soái oang oang dọc vườn chuối, vườn xoan. Loáng một cái, mấy nhà xung quanh biết; Soái, Trà bị già trẻ gái trai quây kín. Ghế hết, người đứng, người ngồi giường, ngồi bậu cửa…
- Thế anh đi đâu mà bỏ vợ con, bỏ bố mẹ, xóm làng.
- Dạ… con đi buôn bè.
- Anh nói thế, đi bè thì phải qua sông. Vợ trẻ hơ hớ trên bờ… có mà nửa đêm cũng nhảy ùm xuống.
Khà khà khà. Thôi con nói thật. Con trốn đi bè, trốn bè lên Điện Biên, rồi lại trốn Điện Biên về đây.
Lên Điện Biên, mày không đùa đấy chứ? Trà đứng lên, lắc vai Soái. Soái hát to - Giải phóng Điện Biên/ Bộ đội ta vẫn không quên chiến trường/ Giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng reo…Đoàn binh Việt Nam pay/ Lao hừ hứa hướn…(3) Vòng người rộng ra, Soái ở giữa, như cái xoáy nước, tất cả xoay xoay theo lời hát. Cái khăn mặt màu cỏ như bay cùng đôi vai vạm vỡ…
Tiếng hát, cuộc vui chẳng biết lúc nào dừng nếu cụ Thinh không hỏi - Thế anh Soái chưa về nhà à?
Tất cả ớ ra. Soái như bị ngộ gió, mặt mũi im tinh.
Đoàn người lại rầm rập theo lối bờ sông. Soái dẫn đầu, gần đến nhà, mấy đứa trẻ ẵm em lếch thếch chạy lên trước báo tin.
Tỵ đứng nép vào con, mắt đỏ hoe. Soái ào tới, bế bổng thằng cu lên, quay tròn, thơm má chụt chụt, thổi rốn phịt phịt. Ông Mít rẽ đám đông, kéo bà Mít vào; hai người ôm vừa hết một vòng bố con Soái. Tỵ bị ở vòng ngoài, nước mắt đầm đìa, đang nấc lên thì cái vòng ông bà bố con tiến đến, nhập vào.
Bà Dương hàng xóm xách sang con gà trống, bảo, may quá nó hay lêu lổng vẫn úp sập từ hôm qua, bà biếu anh Soái, mừng chị Tỵ.
Hai chị đón gà, xuống bếp cắt tiết. Mấy chị khác vội lấy dao cắt đài chuối khô trước sân... Cứ như nhà có đám.
Mãi, đến chiều tắt mặt giời, khách mới vãn vãn. Bà Mít bảo, thôi tranh thủ ăn cơm, tối còn nhiều khách nữa.
Mâm cơm dọn dưới bếp, chị hàng xóm lên giục, cơm xong rồi mấy lần. Đến khi bà Mít phải bảo vợ chồng Soái, khách khứa để bố mẹ tiếp, xuống mà ăn đi mới được.
Tỵ gắp cho thằng cu cái còng, Soái miếng tiết xong, thì chợt nhớ chưa có rượu. Tỵ đứng lên, Soái nắm tay lại, Tỵ hỏi, thế không uống rượu à. Soái nắm tay Tỵ, lắc đầu, cai rồi. Tỵ để yên tay mình trong tay Soái, râm ran, khó thở... Một lúc thì Tỵ nói, nghèn nghẹn như đầy lưỡi… đồ phét lác, có mà cai đội. Soái ôm vợ, nói như gió mát, thật mà… tại rượu bố Mít mới cưới em cho anh, tại rượu anh mới phải bỏ đi… Tỵ nhớ lại, những điều dân làng xì xào, bây giờ thì chồng nói rõ.
Buổi tối, nhà Soái Tỵ sáng trưng. Đèn trong nhà, chục cái Hoa Kỳ; đầu hồi, trước sân bốn cái đèn bão; cả cái trên cành xoan ai cũng đã thắp từ lúc nào. Tiếng cười nói, tiếng điếu cày roét roét rung cả vách. Cánh lính Điện Biên ngồi hai bàn với Soái. Soái kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần… Tóm tắt lại là - … Soái lên Điện Biên, có mỗi cái khăn mặt, cái thẻ thương binh. Lính Điện Biên ở lại Điện Biên rất đông, nông trường gần như trăm phần trăm công nhân lính. Soái đến, cánh trên đấy mừng hú. Soái chơi hai hôm thì chính thức thành công nhân. Vui lắm, nhổ lạc, hái cà phê, lao động, sinh hoạt theo hiệu lệnh kẻng, chả khác mấy thời lính.
Làm sao lại ở trên đấy được những hai năm nhỉ? Mày trả lời đi, tại sao biệt tích. Trà ngắt lời Soái. Mấy anh bạn cũng nhao nhao - đúng đấy, khó hiểu, ma mãnh rủ rê làm sao!
… Thì cái nấu rượu đấy… thì cái lấy vợ đấy… Soái cười cười nói nói.
Ha ha ha… Ruỳnh ruỳnh ruỳnh…. Tiếng cười, tiếng đập bàn của cánh lính hút ánh mắt về. Hàng xóm, người không hiểu ra làm sao; người nói dựa, bộ đội với nhau lúc nào cũng bốc thế đấy.
Căn nguyên bỏ làng của Soái đã vỡ ra. Soái lại đang oang oang tiếp… tao sang hầm Đờ-cát giữa trưa nắng gió Lào. Tao vừa bước chân lên cầu sắt, cơn lốc ở đâu ập đến, như muốn bốc người lên giời. Tao đã tưởng mình biến thành đám mây trắng trên kia liền véo đùi một cái. Vẫn không hạ, càng lên cao càng khó thở, chuyến này chắc chết rồi… Lúc ấy tự nhiên tao gọi Minh ơi, Tiến ơi… lập tức người dễ chịu hẳn. Tao gọi tiếp hai chục đứa đại đội mình, thấy thăng bằng luôn. Nhưng đến đoạn rẽ sang hầm Đờ-cát thì chân như đeo cối đá, tao lại gọi tên từng đứa, không được, người mình cứ xoay tròn như con trâu bị lãm quanh cái cọc. Mà hầm Đờ-cát ngay kia; đen xì, cong cong như trêu ngươi. Có khi bọn nó không muốn cho mình đến chỗ ấy cũng nên. Tao vò đầu bứt tóc, bốc mồ hôi đầy mắt. Tao lấy cái khăn mặt, lau xong, vắt lên vai thì chao ôi… nhẹ tênh thênh thênh…
- Đúng rồi, chúng nó phải có chỗ đậu chứ.
- Có khi chúng nó đi theo để bảo vệ mày đấy.
- Thấy anh em tiến về phía địch thì dứt khoát phải yểm trợ, nguyên tắc chiến trường mà…
… Anh Soái kể chuyện ma à? Không làm gì có ma nhưng tôi thề có con sông trước nhà… chuyện thật đấy. Đúng rồi ở đâu thì không tin, chứ ở Điện Biên Phủ thì dứt khoát là thật.
Tự lúc nào, các bàn tụ lại bàn Soái, cánh lính. Vòng trong vòng ngoài. Há mồm, nín thở.     

Soái trình bày kế hoạch đưa vợ con lên Điện Biên Phủ định cư nhưng ông Mít trước sau như một, dứt khoát không đồng ý. Soái nghĩ là mình nói bộp đột ngột, bố sợ nơi rừng thiêng nước độc, xa cùng xa kịt… bèn nhẹ nhàng. Soái bảo trên đấy mát lắm, chả bao giờ phải cất chăn bông, mùa đông cũng không bao giờ mưa phùn gió bấc, rét cứ êm êm. Đồng Mường Thanh, lúa phân gio đơn giản mà tốt ù ù, nhãn xoài vụ nào cũng sai trĩu cành… Ông Mít có vẻ bị cuốn hút, mấy lần hỏi thật hay là mày bốc lên đấy. Được dịp, Soái quay lại chủ đề, con nghĩ là đất đâu cũng đất nhà giời, vợ chồng con lên đấy sẽ khá giả... Ông Mít tỉnh ngay lập tức, không được, nếu anh khăng khăng đi thì hết luôn bố con. Rồi ông khóc… hay là anh nghĩ tôi là bố nuôi, không máu mủ ruột rà. Tôi chỉ có mình anh với cái Xoan, cái Xoan là phận gái, lại nhỡ nhàng. Còn anh, bố hiểu lính trận có điều thiêng liêng vẫy gọi… Nhưng 11 thương binh cùng đợt với anh, ai cũng lấy Động Lâm làm quê hương của mình rồi. Quê hương có bố mẹ, anh em, làng xóm… có nghĩa trang liệt sỹ.
Im lặng… Khó khăn lắm Soái mới cất nhời tiếp được - vâng, con nghe lời bố, bố là bố của con. Nhưng con chỉ xin với bố một điều, dịp nào đó cả nhà mình sẽ lên Điện Biên, thăm nơi con đã chiến đấu, bạn bè con còn nằm lại…
Soái gục mặt xuống bàn, đôi vai rung lên thổn thức. Ông Mít đứng lên, đi vòng quanh chả biết làm gì cho nên cho phải.

*


Việc lên Điện Biên với Soái cứ mãi xa tít. Năm sau thằng cu thứ hai ra đời. Tiếp theo hai lần ba năm đôi, vợ chồng thêm bốn cô con gái. Ngôi nhà tre chật níc tiếng khóc quấy, đòi ăn, mũi dãi, xoong nồi, dành, sọt, liềm, hái…
Anh Soái, chị Tỵ thoắt thành ông Soái, bà Tỵ. Điện Biên với Soái chỉ còn mờ mờ. Rất lâu, mới có những buổi mưa dầm đến nhà ông Trà chuyện phiếm và dịp 22 tháng 12, hội cựu chiến binh gặp mặt dưới ủy ban xã. Thế không đi Điện Biên nữa à? Một lần ông Trà nhắc lại (cũng là mình muốn), Soái cười như mếu, muốn đi nhưng đếch có tiền.
Dựng vợ gả chồng cho sáu đứa con xong thì Soái đích thị là một ông già - Tóc trắng, miệng móm, mặt mũi nhăn nheo (may lưng không còng).
Cuối năm 2013, sáu đứa con quyết tâm, hợp lực xây ngôi nhà cấp 4 cho bố mẹ. Cuối năm đó điện lưới về xã. Lập tức thằng cả lên ngay thị xã rước hẳn cái tivi màu 21 in về.
Có tivi ông Soái lại hay đi chơi. Thời sự, ca nhạc, quốc phòng, nông nghiệp nông thôn… đủ thể loại, vùng miền, toàn chương trình hay; thế mà ông chả chịu ngồi xem. Có, ông thích xem, nhưng từ dạo ra giêng… hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Giải phóng Điện Biên” trùm khắp các chương trình. Điện Biên Phủ… Điện Biên Phủ… Điện Biên Phủ… từ sáng đến khuya làm cả xóm rộn rã. Ông Soái xem đi xem lại cảnh khói lửa, quân ta ào ạt qua cầu sắt, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm Đờ-cát. Đúng rồi! Đúng quá! Ông kệ tivi đấy bước đi như trong mơ.
Đấy đấy, tôi kia kìa. Cái người khăn mặt trắng vắt vai ấy. Đang từ đồi A1 sang… lúc này là qua cầu rồi… chú ý, chuẩn bị đến hầm Đờ-cát đấy...
Ông vào những nhà đang mở tivi, giảng giải, chỉ trỏ. Ông ra ngoài đường hát vang. Cái dáng cởi trần lêu đêu, khăn mặt trắng vắt vai đang chầm chậm trong khói lửa Điện Biên Phủ.
Ông Soái như người khác, khỏe khoắn vui tươi hẳn lên, thanh niên hẳn lên. Cứ như thế, tận sang tháng 6/ 2014 thì ông mất. Lúc tắt thở, miệng còn he hé nụ cười nhưng đôi mắt… vẫn mở to, long lanh, náo nức. Anh trai cả vuốt mãi mà mắt bố không nhắm. Bà Tỵ bảo lấy rượu bóp. Ông Trà nghe sợ quá, quát luôn - đưa ngay cái khăn mặt trắng đây?
Ông Trà ra, cầm cái khăn, tự nhiên lưng còng xuống như bê bao thóc. Cái khăn vừa chạm mặt thì ông Soái từ từ khép hàng mi. Nụ cười vẫn nguyên.
Tiếng khóc nổi lên. Nắng sớm, gió ngoài sông òa vào, quẩn quẩn rập rờn lay lay ngọn khói hương.
Soái ơi, tao thấy chúng nó về rồi, mày đi với chúng nó nhé - ông Trà nấc lên. Những mái đầu bạc trắng, cúi lặng xuống cái khăn, tất cả cùng bạc trắng.

 (1) Thơ Tố Hữu.
 (2) Con gần như ma, hay tóc tai xõa xượi ngồi ở bờ sông, dân ven sông hay lấy nó để dọa người yếu bóng vía.   
(3): Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc (Quốc ca - Tiếng Thái)

Viết xong, 20/8/2015

D. A
Read More..

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Chùm thơ mới về biên giới

Lên biên gii

 
Trận lũ quét ngược đồng hồ thời tiết
cúc quỳ chẳng đợi được hoa ban
cánh rừng đã xuôi xuôi ngày cũ
mây trắng còn đuổi mây đen
 
Đường biên da thịt mỏng mảnh
lối mòn mạch máu li ti
sương ngút ngàn lau để lặng
cử hoa mạ(1) đỏ điều chi
 
“Chặt chặt chặt chặt chặt…”
cành cây rụt lại như bàn tay
“trói trói trói trói trói…”
dây sắn thít vào câu ai vừa nói
 
Viettel Vina mất sóng
những bộ xương gọi nhau
dao rỉ cát tút cựa quậy
hình như có tiếng thở
 
Ì oàng, ì oàng lom khom
bầu trời “lột mo cau trắng toát”
ràn rạt mồ hôi thành hạt 
lúc ấy cánh rừng mất hút
 
Gió đánh võng eo đàn ông
người đâu mà đông thế
rì rầm rì rầm rì rầm
lốp xe muốn nghỉ
 
Một người nhặt được con dao khắc chữ H
vung lên thì oặt như băng giấy
một người cười lại ra khóc
tất cả thèm uống nước mưa
 
Đã quá trưa
sương thành nắng
gió thành lá
lạ lạ quen quen
 
Mây trời vắt chéo ngực
cột mốc thẳng vào tim
rõ ràng có tiếng gọi mẹ
đoàn người dính chặt đường biên.
 

------
1. Một loại cây hoa đỏ như hoa vông, có nhiều ở núi rừng Tây Bắc.

 

Sóng biên cương
 
Đồi sóng cùng núi
núi sóng cùng mây
cây cây nắm tay
hú hòa òa ập
 
Lối mòn làm dây điện
nối mạng biên cương
 
Tiếng gọi đi nương, đi học
những bóng đèn trong sương
mõ trâu lốc cốc, lợn kêu hộc hộc
bắt sóng ban mai
 
Ngang dọc dọc ngang biên giới
núi rừng ít nói
hoa nở thầm thì
nghìn bước chân đi
 
Ngày mùa đi trong men say
đám cưới vừa đi vừa hát
ma túy đi luồn giấc khuya
buôn lậu chìm trong bước gió
 
Đồn biên phòng làm máy chủ
không sót một tiếng động rừng
biên cương dân bản chiến sĩ
bảo vệ bằng ăng ten chung.


Read More..