Bay lên từ Pú Khớ,
Tác phẩm mới của Du An
(Đọc “Xuống phố”, tập truyện ngắn của DU AN -
Nxb Kim Đồng, 2016)
TRẦN ĐỨC TIẾN
Du An sinh ra ở miền xuôi, nhưng có nhiều năm sống và làm việc ở Điện Biên, Lai Châu, nên văn chương của anh khá tự nhiên, nhuần nhuyễn khi chạm đến đề tài vùng cao.
(Bài đã đăng trên zing.vn, nxbkimdong.com.vn)
(Bài đã đăng trên zing.vn, nxbkimdong.com.vn)
Bối
cảnh miền núi thì rõ rồi: núi non, rừng rú, nương rẫy, bản mường... Nhân vật chính
là những đứa trẻ người Thái, người Mông, người Kinh… Nhưng phong vị miền núi,
hay nói nôm na là cái “chất” miền núi trong tập truyện của Du An không phải vay
mượn từ tên đất, tên người, quần áo, cách ăn nói, đi đứng… mà thể hiện khá đậm nét
qua tâm lý, tình cảm, cách hành xử của các nhân vật. Một thứ miền núi chân thật,
mộc mạc, dễ thương, không giả bộ “làm hàng”. Tác giả sinh ra ở miền xuôi, nhưng
có nhiều năm sống và làm việc ở Lai Châu, Điện Biên nên văn chương của anh khá
tự nhiên, nhuần nhuyễn khi chạm đến đề tài vùng cao.
“Mỗi khi viết cho thiếu nhi, tôi hoàn toàn
thoải mái đầu óc, lâu lâu mê đi, tự nhiên cười hí hí như bọn chúng. Khoảnh khắc
ấy, tôi sung sướng biết mình là bạn của các em rồi… Viết cho thiếu nhi là cùng
các em “chém gió”, nghĩ suy, mong muốn. Các em chỉ thích, chỉ đọc những gì hợp
với tuổi của mình, tự nhiên, trong trẻo”… Du An từng bộc bạch tâm sự như
vậy. Ý thức rất rõ về sự hồn nhiên trong tâm hồn trẻ thơ nên truyện của anh
bình dị, đời thường, vui hóm cả khi nói về những gian khó thiếu thốn, tránh xa
giáo huấn, áp đặt. Học trò đi trọ học. Học trò đói quá ăn trộm gạo của bạn. Bạn
bè giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Tình bạn gắn bó khi chia tay. Con rắn ngoài đồng.
Con gà nuôi vã. Mơ ước được đi máy bay… Tất cả những gì nghe thấy, nhìn thấy,
trải qua hàng ngày ấy đều có thể trở thành đề tài truyện ngắn của Du An.
Đây
là cảnh ba cậu học trò trên bản xuống trọ học ở thị trấn: “Buổi tối đầu tiên ba thằng đều nhìn cái bóng điện. Cái bóng điện cũng
nhìn ba thằng - vải áo láng đen ánh lên, tóc hoe hoe vàng cũng ánh đẹp. Nếnh
giở hết mọi thứ trong lu cở bày ra giường. Túi gạo, gói thịt khô, hai bộ quần
áo, quyển vở, cả con dao bao gỗ. Mua nhìn Nếnh làm cũng làm theo nhưng chỉ có
mỗi túm gạo thì hết. Sùng giống như Mua nhưng có thêm ba tờ tiền hai mươi
nghìn, một tờ mười nghìn” (Hua Nậm ở thị trấn). Rảnh rỗi không biết làm gì,
đem “tài sản” ra kiểm kê như thế xem ra có vẻ hơi lẩn thẩn. Nhưng hóa ra ba
thằng đang cố tìm cách lấp liếm đi nỗi nhớ nhà, nhớ bản...
Học
trò thiếu gạo, bụng đói: “Chữ CHÁO hiện
về làm tất cả các bụng kêu èo èo / Tao đói quá chúng mày ạ. Trong bụng như có
con gì gặm cồn cột ý - Anh Tủa mặt nhăn, mắt nheo, tay ôm bụng / Hay là còn bát
gạo mình nấu cháo nốt - Thằng Bia nói, giọng rất vui / Không… không… không
được. Mai ăn bằng gì? - Mua kêu lên rồi giang tay, lùi lùi về phía túi gạo”
(Hai lần là một lần…).
Gian
khó, thiếu thốn, phải “kiểm kê” chắt bóp từng đồng xu hạt gạo như thế, nhưng những
giấc mơ vẫn bay bổng. Đây là mơ ước được một lần đi máy bay của trẻ con bản Pú
Khớ: “Chao ôi, lúc ấy đỉnh núi gọi máy
bay bằng cụ. Mây trên cao thấy bảo là xanh lắm, dễ chịu lắm. Xanh, dễ chịu là
phải. Bao nhiêu sông suối, cánh đồng, khu rừng bay lên nước mát màu xanh. Mình
ở sông ở suối, ở rừng mà chả bao giờ được ngắm nó đầy đủ đầu mình chân tay… Cả
Pú Khớ bay lên. Tận cùng rừng xanh, tận cùng mây trắng. Pú Khớ đang gặp giấc
mơ. Thật nhiều giấc mơ ban đêm thì sẽ đến giấc mơ ban ngày. Đi nữa, bay nữa”
(Máy bay lên Pú Khớ).
Bọn
trẻ trong truyện trở nên đáng yêu hơn, văn Du An đem đến cho người đọc nhiều
bất ngờ thú vị hơn, chính là nhờ những trang tươi tắn, mát xanh như thế.
Theo
tôi, có ba truyện làm cho cuốn sách đầu tiên của Du An ra mắt người đọc thêm
phần chững chạc và hứa hẹn những vượt trội sau này của tác giả. Ba truyện,
giống như ba cuộc “thử nghiệm” và ít nhiều đã thành công. “Con dao sáng mồng một”: hiện thực,
cảm động, một ví dụ ngắn gọn và thật hay về tính cách người miền núi - thật
thà, trọng chữ tín. “Máy bay lên Pú Khớ”: hiện thực đã
được bay trên đôi cánh của tưởng tượng, trở nên nhiều vẻ hơn, lung linh hơn.
Đọc truyện này bất giác nhớ đến V.M. Shukshin (1929 - 1974), nhà văn Nga có
biệt tài khắc họa chân dung tinh thần người dân Nga ngây thơ, hồn hậu bằng
những chi tiết thật tinh tế. “Chuyện từ lửa khói”: giống như một
cái cây phát triển mạnh mẽ mà hiện thực chỉ còn như lớp vỏ mỏng bên ngoài. Tưởng
tượng tối đa. Phấn hứng cao độ. Lạ và cuốn hút. Những truyện viết theo kiểu này
còn rất hiếm trong văn học dành cho thiếu nhi của chúng ta.
Gấp sách lại, người đọc còn có thể nhận
ra: tất cả những đứa trẻ miền núi của Du An, một cách vô thức, đều có xu hướng
muốn “xuống phố”. Không phải là từ bỏ cái nơi đã sinh ra mình, mà là khát vọng
vươn tới ánh sáng, vươn tới những gì văn minh, tốt đẹp ở phía trước. Những khát
vọng rất đáng được cảm thông, chia sẻ.
25.10.2016
T. Đ. T
Bạn đọc mua sách tại các nhà sách Kim Đồng trên toàn quốc;
Mua online tại một trong các địa chỉ:
http://www.nxbkimdong.com.vn/products/product/view/21/11234.html
http://www.fahasa.com/xuong-pho.html?attempt=1
Xuống phố vinabook
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét