HOÀNG CHIẾN THẮNG
Có trường liên tưởng làm
người ta bực mình, bên cạnh đó lại có rất nhiều liên tưởng, dẫu vụn lại khiến người
ta giật mình... văn chương mà để người đọc nảy sinh tâm trạng đó thì đúng thật
hiếm lắm. Xưa nay, tôi vốn rất ghét phải khen một ai đó, chẳng phải ích kỷ, hẹp
hòi, song quả thực, để khen đãi bôi cho có thì quá bằng “khen cho nó chết” (chữ
dùng của nhà văn Nguyễn Khải) vậy nào có khác gì ghét bỏ thù hằn mà làm hại
nhau vậy.
Một bước cũng là đi
Với Du An, có lẽ là
trường hợp không nhiều khiến tôi đặt bút, cũng bởi một phần vì tôi không phải
nhà phê bình chuyên nghiệp, có chăng thì cũng chỉ dừng ở mức cảm tính hay tài
tử... song, với Trước dấu ba chấm (...), Nhà Xuất bản Văn học ấn hành năm 2013 của
Du An cùng một số tác phẩm khác mà tôi đã tiếp cận thì lại chẳng thể đừng cho đặng.
Phải nói ngay rằng, điều
khiến tôi chú ý chính bởi cái sự khác, đúng vậy, khác lạ về tứ đã đành mà khác
lạ bởi những liên tưởng vụn thì quả hiếm gặp, còn cả khác lạ về tính dục nữa. Thơ
Du An rất thông minh, nhiều câu thơ khiến người đọc bật cười và đó là cái sự
khác với những gì mặc định kiểu như, nói thịt thì nghĩ ngay là thịt lợn chứ chẳng
thể nghĩ thịt dê, thịt vịt, thịt chó hay thịt bò ... và tôi tạm gán cho sự mặc
định ấy là “cái khung của sự thói thường” để trên cơ sở đó tìm đến sự rung ngân
của người viết, và thử lý giải về một người thơ.
Sẽ
có người bác bỏ những nhận định trên, có sao đâu, bởi đó cũng chỉ là nhận định
mang tính chủ quan của cá nhân tôi. Và, quan trọng hơn cả, không phải tôi đang
làm cái việc cố thuyết phục một ai đó đồng thuận với những gì tôi đang viết mà
chính ở chỗ tôi đang nói lên từ những gì tôi thấy, tôi cảm, có chút ngỡ ngàng,
có sự nể phục và quý mến cũng bởi, như tôi đã nói trước đó, tôi không phải nhà
phê bình chuyên nghiệp nên tôi không bị lý trí lấn át trong những cảm xúc về
thơ mà để sự mẫn cảm cùng trực giác dẫn dụ.
Có người bảo, rằng thì anh là người miền núi,
hay chí ít anh sinh sống ở miền núi thì anh phải có cái chất, cái giọng của
núi, có cái nhìn xanh sắc lá, có nhịp đập hòa với cỏ cây, muông thú, thác
ghềnh... thì khi đó cái anh viết ra mới bản địa, mới đúng ngữ cảnh, kiểu như
đang ăn thịt chó thì không được nghĩ đó là thịt cừu chứ đằng này lại đành hanh,
ngoa ngoắt, sao thế được... chẳng giống tính cách người miền núi chút nào. Chính
nếp nghĩ đó, cái lề đó, cái thói thường phải thế... đó mới tạo ra trăm bè như
một, trầm thì như nhau mà cao thì cũng hệt.
Một
bước ngoài khung, chính là sự vượt thoát ra khỏi “cái khung của sự thói thường”
mà làm một Du An hiện sinh. Thoát ra được cái thói thường là vứt bỏ được cái
tôi khái niệm để Du An là Du An chứ không phải là Du A, Du B, Du C hay Du X, Y
cờ rách nào khác! Nghĩ thì dễ mà làm thì khó lắm lắm. Bởi khi đó anh sẽ bị cho
là bất thường, bị chiếu bởi hàng trăm đôi mắt khác và bị quay lưng, nhếch mép
kiểu “văn chương gì nó”. Ai cũng hiểu, người viết không làm nên tác phẩm, chính
đối tượng tiếp nhận mới làm nên tác phẩm và đưa anh ta trở thành nhà văn, song
khi lựa chọn theo hướng khác biệt, dị thường thì rõ ràng đối tượng tiếp nhận
của Du An đã bị thu hẹp và khu trú trong một phạm vi nhất định. Vậy điều gì
khiến Du An quyết tâm là Du An, phải chăng bởi quan niệm, có một độc giả thực
sự đúng nghĩa kiểu Bá Nha - Chung Tử Kỳ thời Xuân Thu Chiến Quốc thì ắt phải hơn
bạt ngàn những con người “thói thường”? Vậy thì rõ rồi, dù sao đã nhấc chân, nửa
bước, một bước hay một chuyến cũng là đi. Và tôi thấy Du An đã đi như vậy trên
hành trình thơ của mình.
Khước từ “cái khung của sự thói thường”
Khảo sát thơ Du An
chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời cho câu hỏi điều gì làm nên sự khác biệt? Từ những
bài thơ được đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tuần báo Văn nghệ, và các
diễn đàn văn học khác và ngay trong tập thơ mới nhất Trước dấu ba chấm (...) (đối
tượng khảo sát chủ yếu của chúng tôi trong
bài viết này); điều mà chúng ta nhận thấy rõ nét và có hệ thống hơn cả chính là
những liên tưởng vụn trong thơ anh, tôi gọi đó là những liên tưởng vụn, bởi nó
vụn theo đúng nghĩa, giống như lối phân mảnh trong nghệ thuật viết truyện ngắn,
song liên tưởng vụn ở đây còn vụn hơn nhiều. Nếu lạm dụng trào lưu, thì có thể
coi đó là sự đập tan, vụn vỡ kiểu giải trung tâm của Hậu hiện đại, hay có gì đó
của Đa Đa, nhặt ghép ngẫu nhiên nên thật vụn, vụn lắm, thậm chí chẳng ăn nhập
gì nhưng nó vẫn là thơ thậm chí là rất thơ... thì liên tưởng vụn tưởng ngẫu
nhiên ấy lại đã là chủ ý và chính điều này đã làm nên sự vượt thoát khỏi “cái
khung của sự thói thường”.
45
bài thơ thì ý tứ, những liên tưởng đều vụn, cảm giác giống như con nước bập
bềnh với vạn ngàn cánh hoa bung vỡ nổi nênh, vụn đấy, chi tiết là vậy nhưng
tổng thể thì đó là một thảm hoa, đúng vậy, một thảm mềm mại lung linh, chính
cái thảm mềm mắt mềm môi, chính cái lãng mạn, trác tuyệt ấy lại được làm nên
bởi những mảnh vụn, nghĩ vậy, thấy vậy thì thật tài lắm lắm.
Giở
ngẫu nhiên, bất kì bài thơ nào trong Trước dấu ba chấm (...) đều có thể
thấy được những bài thơ, khổ thơ với những liên tưởng vụn, thậm chí vụn trong
từng câu, kể mà cũng lạ, ví như Bụi chó đẻ bên đường: Một mùa mưa xanh mướt/ một mùa mưa bị ong
đốt/ nở hoa ra để chấm hết/ một năm xanh/ Hở ra một chiêc dép/ một khoảng tròn
tròn như mông con gái/một quả còn/ cách một tầm tay với/ Hở ra một con dao
quắm/ trồi lên một đồng tiền xu/ cả tiếng nói/... thóc hôm nay năm nhăm cơ/ Thầy
cô giáo đi vào/ đoàn gánh củi đi ra/ mấy bà hàng sáo đứng dậy bỏ gốc mít/ ngô
thóc còn tít đằng xa/ Con ngựa hí không chịu/ cái đồng hồ chân đi/… thêm một
vật nữa làm chi.../ Năm nay chưa đứa trẻ nào đốt/ cuối chạp rồi/ bụi chó đẻ có
tự nẩy mầm được/ mùa xuân lội suối sắp vào tới nơi. Chỉ là một bụi chó đẻ
với vòng đời theo quan sát và kinh nghiệm: bật mầm, xanh non, nở hoa, tàn lụi,
đốt, tiếp tục bắt đầu cho một chu kì mới mà Du An cứ đi nói tận đẩu đâu, tưởng như
chẳng liên can gì, ấy vậy mà có, ấy vậy mà nên, vòng đời thì ngắn, còn vòng
người liệu có được bao năm? Rồi cũng thở dài, rồi cũng tất bật và nhoắng nhoằng,
thời gian “chân đi” thêm làm chi cái thứ đếm chỉ làm thêm xót ruột, xót lòng, thì
đã đành ai chẳng sinh ra để chết, có hay không để rồi cũng hết để mà lại luân
hồi, tái sinh; hay như: Anh với em như
tia chớp/ xoẹt nhau trên mái tóc/ không ai cười, không ai khóc/… chẳng còn đống
củi mà đi đậy/ lâu rồi không xem ti vi dự báo thời tiết (Khi mùa mưa đến). Nội
trong một khổ thơ, đã thấy có những liên tưởng vụn, lướt trôi, lia nhanh như
thể ống kính, một thủ pháp trong điện ảnh. Đang lãng mạn, man man bỗng dưng ụp
cái nhảy ngay sang liên tưởng thực, cụ thể đến ngạc nhiên, đến bất ngờ, giống
như chiếc bánh đa nhúng nước, phần nhúng thì mềm mà phần khô thì giòn gẫy. Chớp
đấy là chớp nào? Chớp từ ánh mắt hay từ trái tim hận thù oán thán để nỗi xoẹt
nhau cái nhìn lên tóc lạnh tanh không cười không khóc; đang thế, ấy mà người
viết đã lại nghĩ ngay đến cơn mưa thực rồi liên tưởng như một phản xạ “chẳng
còn đống củi mà đi đậy” rồi nhảy sang kiểu tự trách mình “lâu không xem ti vi
dự báo thời tiết” như thể lên đồng, đang nói nhảm vậy. Song giải mã những liên
tưởng vụn này lại thấy có sự gắn kết. Và thực tế, vụn ấy chỉ là đánh lừa người
đọc bằng cái vỏ ngôn từ, bởi thẳm sâu, sau bóng chữ, liên tưởng có vụn đâu, vẫn
một mạch thống nhất đấy chứ! Này nhé, “chẳng còn đống củi mà đậy” phải đâu nghĩ
chớp thì mưa mà đó hẳn phải là chớp của tắt nguội lửa lòng, là sự tức giận hay
đại loại thế. Và bởi đó nên chớp ấy ắt phải nảy sinh từ cái sự “chẳng còn đống
củi mà đậy”, đó là khi đã tan vỡ, đã không còn gì phải tiếc nuối, gìn giữ,
chẳng còn gì luyến lưu. Cơ mà lạ, thật lạ, ấy mà cũng nói được, ấy mà cũng
khiến người đọc phải căng óc mà đoán mò. Biết đâu Du An lại chẳng đang xem dự
báo thời tiết mà liên tưởng quáng quàng vậy! Ai dám chắc là không? Hay như đây:
Thèm như đứa trẻ thấy người lớn tài thật/
lại sợ người lớn 1+1 mà cũng hỏi bằng bao nhiêu/ vô lý có lý chung một cái chăn/
đắp vào thì nóng, bỏ ra thì rét... Và nữa: Có lúc tự hỏi nếu không có tiếng rao Hà Nội sẽ ra sao?/ đêm ngủ mê mỗi
người mỗi phòng ai đến gỡ tay ra khỏi ngực... Cũng vẫn là kiểu liên tưởng
vụn, song lại là một chuỗi đồng nhất, ấy rằng, nếu không có tiếng rao, Hà Nội
mỗi người mỗi phòng, nhẹ vía chìm vào cơn mê, ai đến lay dậy bây giờ, và tiếng
rao là ân nhân, tiếng rao như thánh thần, là thuốc tiên kéo người ta trở về
thực tại, vùng thoát khỏi cơn mê những tưởng sẽ cứ vậy rồi thế kéo ta đi.
Thơ
Du An lạ, bảo kiệm lời thì cũng phải mà dài thì cũng đúng, và thậm chí nhiều những
câu đơn, không hề phức tạp nhưng ngữ nghĩa và ngôn từ được lựa chọn cộng với
những liên tưởng vụn lại làm nên sự phức tạp và đó là sự phức tạp của khả năng
tư duy ngôn ngữ, thì đó là một sự khác rồi, kiếm tìm làm gì mỏi mắt, ở đấy chứ
đâu!
Bảo khác nhưng có hay
đâu, thế thì khác để làm gì, thì đây, câu thơ hay đây: Tại sao em lại mua ngoài chợ/ một nghìn một bó mưa hay: Pú Khớ không hỏi ai... đến từ đâu.../ bảo
uống rượu ăn cơm đi ngủ/ bảo yêu nhau thì ngồi với lửa... lúc lên miên man
ngược suối/ lúc về dốc đuổi bàn chân/ em phanh gấp bằng đôi mắt/ anh còn lên
đây nữa không và: con ôm mẹ mười
ngày, mỗi ngày mẹ đi nghìn bước/ con chẳng thấy mẹ ở đâu mà chạy đằng trước.
Rồi thì: Ếm về rồi, lạ đã thành quen/ có
muốn ở Mường Nhà mãi không?/ cầm hộ em cái váy... mà bài thơ hay thì cũng nào
có hiếm, đây: Lên Pú Khớ, Trước dấu ba
châm (...), Nằm ôm mẹ, khi mùa mưa đến... thế thì gia tài thơ Du An nào có
phải đâu ít thơ hay. Còn nhiều yếu tố khác khiến Du An làm nên sự khác biệt, và
đều xuất điểm từ những liên tưởng vụn mà ra. Và sự rung ngân của người thơ này
cũng rất khác lạ. Cùng lúc rung ngân hướng đến mọi chiều, mọi trạng huống, chi
tiết, và anh đã đưa cả vào thơ mới thành
nên những liên tưởng vụn.
Và tính dục trong thơ Du An
Tính dục/ yếu tố sex
trong thơ Du An cũng xuất hiện với tần xuất kha khá, và có lẽ hình ảnh thường
thấy là cây chuối, lá chuối, khe nước... rất cổ điển song qua liên tưởng, qua
những nhảy cóc của tư duy hay sự đập tan trong những liên tưởng vụn lại kết
thành những cái khác lạ. Và như đã nói trên, cái vụn của Du An là cái vụn của
sự rung ngân, kiểu như phàm đã thính tất nghe nhiều tạp âm, và lọc lại trong
những tạp âm đó thì sẽ có sự hẫng, thiếu liên kết, rất vụn. Song ưu điểm, những
thanh âm đã được chắt lọc rất đa dạng; có sự thanh, trong và gợi, mỏng mảnh, âm
dồn, ùng oàng hay ri ri đều có cả. Ấy mới làm nên cái đa dạng trong mớ hỗn độn,
và đó cũng lý giải cho cái sự vì sao liên tưởng vụn mà vẫn thấy hay, thấy đẹp
thấy là thơ với nhiều lớp lang, thậm chí với ngay cả những câu đơn vẫn có sự
phức hợp. Từ đặc điểm này, tính dục trong thơ Du An cũng không ngoại lệ, bởi đó
là anh, là Du An hiện sinh, nên tính dục cũng được nói theo cách rất Du An.
Người đọc không khó để tìm thấy những hình ảnh như này: Những cây chuối rừng mang trong mình khe suối/ chảy ngược vào đôi môi
khát cháy/ những cây chuối tham gia giao thông/ cuộc hành quyết không ngoái
lại/ bao nhiêu đùi con gái/ gào thét đứt phanh... những thân chuối trắng ban
ngày không chịu bóc bẹ/ buổi trưa ấy hai mươi mốt tuổi/ buổi trưa này liệu có
mai sau (Chuối rừng); hay như: Suối
trôi dọc, em đi ngang/ và như thế chín bản trên về, mười núi theo khe ra may
mắn/ sung sướng hợp lưu chật chội/ lách nhau đi va chạm lần lượt... mong suối
chiều ngang dài hơn chiều dài/ nhưng suối sâu đến đâu váy em kéo đến đấy (Qua
suối); và: những quả cà chua bị bắt quả
tang nằm bên nhau hồng hào (Chợ đêm). Đôi khi lại là: Khát/ rễ bỏ qua cọc đi tìm trâu và bài ATM rõ nét hơn cả: Khe khẽ đút sự thật vào êm êm cuối tháng/
ATM nhớ ta vẫn thủ tục nghi ngờ... cuộc thanh toán nhấp nháy/ lập trình rồi cứ
thế dắt nhau đi... se sắt vuông vuông/ òa ập đường chuyển khoản/ lúc em còn
ngủ/ có nụ hôn bị ướt/ ATM anh vẫn màu vàng năm trước... nếu để kể ra thì
còn nhiều, nhiều lắm... nhưng thế thì cũng đã là đủ. Còn những câu, những khổ khiến
người đọc bật cười mà đau mà ngấm kiểu như Nhớ
con lợn: Chục năm rồi máng cất đi kỉ
niệm/ hôm nay con bị điểm 2/ bài văn tả con lợn có sừng, kêu zaza như siêu nhân
/chục năm rồi lại nhớ con lợn. Hay như: không
gặp được rái cá/ câu chuyện tiếp tục râm ran, tanh tanh/ nó bằng con bê, mồm
ngoạm con cá trắm bằng bắp đùi...?/ ai cũng thấy và tranh nhau nói/ Rái cá
không lên tiếng/ cứ mập mờ, xa xa/ chợt thương con mèo, con chó/ vừa meo meo
gâu gâu đã ăn một cái đập (Rái cá).
Và nói gì đi nữa tôi
vẫn giữ quan điểm, thơ Du An lạ với những liên tưởng vụn và hay. Dưng, bỗng nhớ
lời của GS. Hoàng Ngọc Hiến dành cho Nguyễn Huy Thiệp khi nhà văn này mới xuất
hiện trên văn đàn rằng: tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió. Còn Du An, chắc
anh cũng biết con đường thơ của mình chông gai thế nào!
H.C.T