Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Mường Phăng thích thú

(Thay lời anh bạn lần đầu đến Mường Phăng)


Tôi đến Điện Biên đã vài lần, nhưng chỉ là đi công tác, thời gian ngắn nên dù muốn cũng chỉ thăm thú chớp nhoáng những điểm di tích lịch sử ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ. Còn những điểm khác, nhất là Mường Phăng, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ thì vẫn còn trong mơ.
Lần này, nhân đợt nghỉ 30/4, 1/5; tôi cùng anh bạn quyết định lên Điện Biên, đích đến cụ thể luôn là Mường Phăng. Từ thành phố Điện Biên Phủ, qua những cánh rừng mát mắt, những tràn ruộng bậc thang đường nét; những người Thái, Khơ Mú hồn nhiên… khiến cái máu nghệ sỹ của tôi được dịp trỗi dậy. Trước mắt; tôi sẽ có nhiều ảnh đẹp, hấp dẫn để về khoe với vợ con, bạn bè; và, sau này biết đâu những cốt, tứ của truyện, thơ sẽ tự nhiên nảy nở.
Đây rồi, đã đến “Rừng Đại tướng”! Rừng già, cổ thụ cao ngất, nắng sớm vừa nãy ngoài đường có vẻ hơi gắt mà vào đây chỉ còn ánh sáng mờ mờ nhẹ nhẹ. Dễ chịu vô cùng. Không khí mát mẻ bao trùm, có phần hơi lành lạnh như thời tiết ôn đới. Chúng tôi chầm chậm bước, có điều gì sâu lắng thiêng liêng trên tán lá tán lá rì rào, rừng cây dẫn dắt.
Đây, khu trung tâm Sở chỉ huy chiến dịch khiến cái tên Điện Biên Phủ trở thành một động từ quốc tế. Lán tranh, ghế cây rừng, hầm xuyên núi… thật đúng là chân đất mà làm nên lịch sử. Chúng tôi im lặng, ngẫm nghĩ, suy tưởng về những điều sách báo, tivi trong nước, quốc tế đã nói. Giờ tận mắt, tận làn da thấy những lán trại đơn sơ, vật dụng nhỏ bé của bộ đội ta… mới thấm thía tầm vóc to lớn của chiến thắng. “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cụm từ này, tôi nghe đã nhiều, thậm chí có lúc có khi như cảm giác sáo ngữ. Thì đây, tán rừng không nói, những âm thanh không lời cho một câu trả lời về tương quan lực lượng, về ý chí của cả dân tộc…
Tháng 5 là tháng Điện Biên Phủ. Ngoài phố các điểm di tích người đi quấn áo chen chân. Trong Mường Phăng đây, cũng nhộn nhịp núi rừng. Lối đi nhỏ nhỏ, người hàng một; đoàn lên, đoàn xuống nghiêng nghiêng tránh nhau; nụ cười, cả cái bắt tay như từ lâu thân thiết. Bạn tôi kể, trưa 1/5/2004, Mường Phăng bị tắc đường hơn 30 phút. Lúc đó, tôi không tin bởi non cùng rừng tận chứ đâu phải Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Nay thì tôi mong, bao nhiêu du khách đang lên xuống nói cười kia sẽ một lúc tụ lại như niềm vui chung một bó hoa.
Sẽ là rất thiếu nếu tôi kể về Mường Phăng mà toàn có núi rừng di tích. Những con người nơi đây thật chất phác, hấp dẫn. Đó là một cô gái Thái, hai chúng tôi gặp lúc trở về. Tại bìa rừng, chỗ trạm gác Sở chỉ huy, em chào chúng tôi và mời mua đồng bạc, mật ong. Trước đó, chúng tôi đã nghe những lời này nhiều… nào thuốc uống vào hết đau lưng, nào rượu ngâm chồng uống vợ khen, quả “sung sướng” ăn vào cả nhà vui… nên nghe em nói có phần không vào lắm. Nhưng phần vì mệt bởi cả chặng đường leo dốc, phần vì sắp phải xa Mường Phăng không biết bao giờ trở lại… nên có cuộc chuyện trò giữa chủ và khách. Em bảo nhà em ngay đây thôi, chồng làm ao cá, thỉnh thoảng đi bắt ong rừng; hai đứa con đi nhà trẻ, mẫu giáo; em dệt vải, thêu khăn, nắng ráo rỗi rãi thì lên hầm bán hàng. Em bảo mua cho em đồng bạc về đánh cảm, mật ong rừng Mường Phăng về uống tốt cho ăn uống, đường ruột. Em mời chúng tôi về nhà chơi với chồng, xem ao... và quả đồi hơn 2ha sau nhà định trồng trám hoặc cây ăn quả gì đó… Giọng nói, cách nói, từ ngữ, cử chỉ chả có gì là lơi lả chèo kéo; cứ hồn nhiên như nói chuyện với người bản mình khiến hai chúng tôi bị thuyết phục. Tôi mua hai đồng bạc và nói: “Anh chả cần biết đồng bạc này thật hay giả. Nhưng anh thích em hồn nhiên chân thật. Anh mua giúp, để kỷ niệm”. Em có vẻ ngại ngùng khi nhận tiền. Đã trưa trưa, anh bạn tôi mời em xuống “phố Mường Phăng” ăn cơm. Tôi không kịp “kéo áo” anh… Sao lại mời rơi, xã giao như thế! Tôi nghĩ chưa hết thì em đã bảo, em gọi cả chồng em nữa nhé. Em gọi điện, tiếng Thái, chúng tôi chỉ nghe bằng nét mặt, giọng nói. Rồi em, quay sang nói - Chồng em bảo em về nhà đã, rồi cùng đi.  Chúng tôi lấy số máy của nhau, hẹn tại quán; và giao ước, không được “lừa nhau” đâu nhá.
Tại quán… ở trung tâm xã Mường Phăng. Bàn ăn, các món đã xong xuôi; tôi bảo đợi, anh bạn bảo “thôi cứ chén đi, đi đường mời rơi mời rụng ai người ta đến”. Bạn tôi nói vậy, nhưng vẫn chiều tôi, cùng đợi. Mất mươi phút, chúng tôi ngắm măng đắng, cá nướng… thì vợ chồng em đến. Em rực rỡ - áo cóm, cúc bướm bạc, váy thướt tha (khác hẳn lúc nãy). Hai chúng tôi cảm động, ra tận đường bắt tay, mời vào.
Em rót rượu tự nhiên như ở nhà mình và giới thiệu chồng. Tôi giới thiệu mình và bạn. Nâng chén, cụng nhau “au hảnh”… câu chuyện cứ lên dần. Tôi và anh bạn thay nhau hỏi; về gia cảnh, về phong tục người Thái trên này… Anh chồng kể, hai đứa cùng hoàn cảnh nhà nghèo, không được học lên, hạnh phúc đến nhau là tự tay làm thôi. Em bảo, các anh biết Mường Phăng, biết vợ chồng em rồi, thì bao giờ lên nữa, “lấy” cả vợ con cùng thăm nhà, biết nhau tất cả.
Câu chuyện mỗi lúc càng đậm đà, chén rượu càng thêm ngọt ngào, bay bổng. Chúng tôi mời em hát, chồng em cũng động viên em cứ hát cho các bác nghe. Em nhìn trước nhìn sau như xấu hổ… rồi khe khẽ, rồi cao dần. Bài hát tiếng Thái như nói, như kể; tôi không hiểu lời nhưng thấy như có ruộng, có nương, nhà sàn, áo cóm thướt tha… Hai chúng tôi còn đang bay trong giai điệu thì em ngừng và “dịch”… Bài hát bảo, các anh đến thăm Mường Phăng, biết hầm Đại tướng; chúng em rất vui, chào đón; có gì không vừa ý các anh thì các anh đừng mang về nhà; các anh lên một lần thì lên nhiều lần nữa, bảo nhiều người, bạn bè, vợ con cùng lên…
Chợt em rót rượu phẳng đều các chén và trùng giọng nói: “Đồng bạc em bán cho các anh lúc nãy là không thật. Đồng thật thì đắt lắm, ít người mua”. Tôi sững người, một lúc mới nói: “… Nhưng tình cảm của vợ chồng em là thật”. Câu chuyện hết gợn ngay bởi tôi nói thẳng lại: “Bọn anh biết, nhưng vẫn mua vì thấy các em chân thật, vất vả. Thôi coi nó như một kỷ niệm, bọn anh chia sẻ với em”.
Câu chuyện có chậm chậm lên dốc một tí, rồi lại lướt lướt đầy men rượu, men người hồn hậu. Anh bạn tôi có điện thoại, tôi tủm tỉm cười khi anh khoe khéo, kiểu lợn cưới áo mới - Anh đang ở Mường Phăng, uống rượu với đôi vợ chồng người Thái, hay lắm. Dừng cuộc điện, nét mặt anh vẫn còn phấn chấn. Dường như Mường Phăng đã chinh phục anh hoàn toàn.
Tạm biệt Mường Phăng, đường về sao mà nhanh thế, dù chúng tôi đã cố đi chậm để khắc ghi những hình ảnh nơi đây mang về phố phường Hà Nội. Khi nghỉ tại một bóng cây ven đường, tôi hỏi bạn: “Anh thấy chuyến đi này thế nào?”. “Tuyệt vời, đầu nhẹ tênh tênh”. Tôi định nói với anh về năm trước, đến một bản văn hóa ven thành phố Điện Biên Phủ uống rượu. Cũng có các cô gái Thái nhưng uống rượu kiểu “mông cổ”, “khát vọng 1”, “khát vọng 2”; cũng có hát nhưng là … “Nếu không zô thì thôi đã zô rồi một trăm phần trăm”… thật quá thể. Tôi định vậy nhưng kìm lại được bởi anh và tôi đang có một Mường Phăng lan lan thích thú. Mường Phăng! Mường Phăng! Hẹn ngày trở lại mảnh đất lịch sử, hấp dẫn du khách bởi sự chân thật, mộc mạc, hồn nhiên.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét