Theo “Người rừng Du An” đến “rừng người” Tây Bắc
(Đọc Người rừng rừng người
của Du An, NXB Hội Nhà văn, 2015)
Trong một lần trà dư tửu hậu, khi bàn về
“nẻo vào văn học” của giới cầm bút, nhà thơ Nguyễn Bình Phương cho rằng: mọi
người đều khởi nghiệp bằng thơ, sau đó tiếp tục “chung thân” với thi ca hay rẽ
sang văn xuôi hay nghiên cứu - phê bình, tùy vào tạng viết bản thân. Chúng tôi muốn nói tiếp thêm rằng, trên con đường
ấy, dẫu đã “trung thành”, “an phận” thì họ (những nhà thơ, tiểu thuyết, nghiên
cứu - phê bình) cũng sẽ có đôi lúc “dính” vào truyện ngắn vào một thời điểm nào
đó trong đời. Có nhà văn cả cuộc đời cầm bút không viết một cuốn tiểu thuyết,
một bản trường ca, một bài nghiên cứu - phê bình nhưng sẽ “dan díu” với truyện
ngắn vì sức quyến rũ của nó. Không viết truyện ngắn, con người ta sẽ có cảm
giác “thiêu thiếu” một cái gì đó.
Du An là một trong những trường hợp như
thế. Xuất phát điểm từ thơ, đã giành nhiều giải thưởng thơ có uy tín như của
Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số, tạp chí Văn nghệ Quân đội… song Du An vẫn “cặp kè” với truyện ngắn một cách
“tất nhiên nhi nhiên”. Sau tập truyện ngắn Lông
gà và lá chuối xuất bản năm 2014,
chỉ sau đúng…365 ngày, anh lại in tiếp Người
rừng rừng người như một lời khẳng định chắc nịch về khả năng cơ động “hai
tay hai súng” của mình.
Truyện ngắn theo quan
niệm của nhà văn Nguyễn Minh Châu là một lát cắt về cuộc sống. Tuy nhiên, lát
cắt ấy dài hay ngắn, dầy hay mỏng, nông hay sâu, ở vị trí nào lại phụ thuộc vào
quan niệm, tài năng của từng người. Trong Người
rừng rừng người, Du An đã lựa chọn cảnh sắc, địa danh, con người, phong tục
tập quán, lề thói sinh hoạt mang dấu ấn đặc trưng của vùng núi Tây Bắc - nơi
anh coi là quê hương thứ hai của mình - làm đích đến của nghệ thuật. Sẽ thật
không ngoa khi nói rằng có một “xã hội” thu nhỏ đang vận động, biến chuyển trong Người
rừng rừng người. Miền núi phía Bắc hiện lên qua ngòi bút của Du An với một
bên là những con trâu cày, ngựa thồ thong thả bước đi trên ghềnh núi ngoằn
ngoèo, một bên là tiếng gầm rú của động cơ xe máy, ô tô lao vun vút trên những
con đường nhựa mới mở. Không gian vùng Tây Bắc ấy trải dài đến mênh mông với
những nương đồi xanh bát ngát đang đến độ thu hoạch của những người dân yêu lao
động và thu mình, nhỏ bé với những viên ma túy đá, những gói heroin được giấu
kín trong bụi cây, lùm cỏ bởi khát vọng đổi đời nhanh chóng và sự tham lam vô
độ của con người. Ở đó, có những con người vùng cao sống thật thà chân chất và
có những màn đấu đá, kèn cựa, vòi vĩnh lẫn nhau của những công chức, viên chức
tỉnh lẻ. Để lột tả chân thực sự vận động, dịch chuyển ấy, Du An đã sử dụng không gian như một giải pháp chính.
Trong nhiều không gian của Người rừng rừng người như núi rừng, vực sâu,
công sở, trường học…chúng tôi đặc biệt chú ý đến không gian ngôi nhà. Nhà là không gian gia đình,
tượng trưng cho tổ ấm, cho sự che chở, yêu thương, đùm bọc với mỗi con người.
Trong tâm thức người Việt Nam
nói riêng, người phương Đông nói chung (và có lẽ là tâm thức của toàn nhân
loại) hai tiếng “nhà - gia đình” ẩn chứa những giá trị thiêng liêng vô cùng.
Nhà - với tư cách là một thủ pháp nghệ thuật - trong truyện ngắn Du An lại mang
tính “hai mặt”. Nhà một mặt vừa là tổ ấm, chỗ dựa vững chắc của mỗi con người,
mặt khác lại là nơi con người muốn chối bỏ, giũ bỏ vì những lý do, hoàn cảnh
khác nhau. Ngôi nhà là chỗ dựa, là nơi Nghiên (Đông xên) tìm lại chính mình sau khi thất bại trong việc hiện thực
hóa giấc mơ công chức, là nơi che chở cho những em thơ (Hạt cơm đau) ngày ngày đi tìm ánh sáng toát ra từ những con chữ.
Nhưng ngôi nhà là chốn mà Liến (Ở nương)
buộc phải chối bỏ vì bố không chấp nhận việc cô lấy chồng sớm, đứt gánh giấc mơ
đại học giữa đường. Bà mẹ (Tìm người)
muốn trốn bỏ khỏi căn nhà nơi các thành viên khác trong gia đình (con trai, con
dâu, cháu) ngày càng hờ hững, không quan tâm gì đến mình. Nhân vật nàng (Bên hồ), phải từ bỏ gia đình vì trót
chửa hoang với một gã Sở Khanh. Bà Dẫn (Tiếng
khóc từ nồi cơm) thường xuyên đến chơi, ăn cơm nhà người quen đến tối mịt
với về. Bà sợ về ngôi nhà của mình, sợ phải đối mặt với di ảnh của hai người
con trai đã hi sinh, sợ phải ăn cơm trong nỗi cô độc một mình. Thúy (Thúy không về) sau những cay đắng, tủi
nhục với người chồng nghiện ngập đã bén duyên với người mới, cô không muốn về
ngôi nhà chỉ để lại trong mình những tủi nhục, uất ức đấy nữa. Quả thật, không
gì thích hợp hơn với việc miêu tả sự biến động của xã hội bằng việc xuất phát
từ những biến động của ngôi nhà. Đây là biện pháp được nhiều nhà văn ưa chuộng.
Tuy nhiên, bên cạnh không gian không thể không kể đến vai trò của
chi tiết. Nếu không có chi tiết hay
thì những thủ pháp nghệ thuật đơn thuần chỉ là cái vỏ vô hồn. Đáng mừng là
nhiều truyện của Du An có những chi tiết độc
và đắt. Trong truyện ngắn Hạt cơm đau, chi tiết các em học sinh
ngỡ ngàng hỏi người phụ nữ rằng ăn cơm với thịt cá, nước canh, nước mắm có làm
cơm… đau không, thật đắt giá. Nó phản ánh chân thật đến mức nhức nhối, khó chịu
hoàn cảnh đói khổ, cơ cực của học sinh vùng cao. Sự giả dối đến đắng lòng của
người lớn, sự hồn nhiên, ngây thơ, chất phác đến tội nghiệp của các em học sinh
qua câu hỏi quyện lại thành những tiếng nén đầy chua xót cho những ai “trót”
đọc. Truyện viết dung dị, ngắn về câu chữ cũng như dung lượng nhưng chỉ bằng
một chi tiết, một câu hỏi đã làm tất cả bừng sáng trong thứ ánh sáng của nước
mắt và tình thương được đánh thức ở tâm hồn mỗi con người. Một chi tiết phản
ánh quá trình thâm nhập thực tế sâu sát của tác giả. Song, chi tiết chúng tôi
đánh giá cao nhất trong toàn tập truyện lại nằm ở truyện ngắn Đông Xên. Một chi tiết cho thấy sức sáng
tạo, trí tưởng tượng phong phú, tinh tế của Du An. Trong truyện ngắn này, Du An
nhắc đến một thứ mùi kì lạ, chưa từng xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ
cuốn từ điển khoa học, sách vở nào: Mùi Nậm Tắc. Nậm Tắc là tên một huyện vùng
cao mà Nghiên, một chàng sinh viên trẻ ra trường, muốn xin về làm. Trong những
tháng ngày thử việc đó, thay vì công việc chuyên môn, Nghiên phải làm những
việc như pha trà, rót rượu, giặt quần áo, nhậu đỡ các bậc cha chú… để mong có
một suất biên chế chính thức. Sống trong tâm trạng lúc phải căng người ra phục
vụ, dạ vâng; Nghiên thấy cuộc đời mình tệ hơn…chó: “Phải, mới tháng trước thôi,
Nghiên làm con chó. Con chó chẳng được sủa gâu gâu, ngoáy đuôi chào mừng”. Không thể chịu được cảnh “vào luồn ra
cúi”, Nghiên bỏ về nhà. Ở nhà, Nghiên bị thứ mùi nhuốm từ Nậm Tắc ấy hành hạ
đến dở sống dở chết. Thứ mùi “tanh tanh lợm lợm như tinh trùng, khai khai nước
đái, chua loét mồ hôi, khăn khẳn rượu thịt từ dạ dày nôn ra” làm Nghiên nôn
thốc nôn tháo, nằm vật ra như người trúng gió. Thứ mùi ấy ngấm vào mùi Nghiên
sâu đến mức “nó trốn vào xương tủy bây giờ bò ra lỗ chân lông sao”. Sau này chỉ
nhờ lao động và bằng lao động, Nghiên mới rũ bỏ được cái mùi Nậm Tắc. Chỉ có
lao động thật sự, không chịu quỳ lạy hay xin ân huệ của ai thì con người mới là
chính mình. Ý nghĩa mùi Nậm Tắc thật thâm thúy, đáng suy nghĩ nhất là trong bối
cảnh cử nhân thất nghiệp chưa bao giờ đông như hiện nay và tình trạng nhờ vả,
chạy chọt xin việc đã là chuyện “thường ngày ở huyện”.
Mọi chi tiết đều được thể hiện qua nhân vật. Nhân vật không
những là người mang vác chi tiết mà còn là linh hồn của câu chuyện. Về khía
cạnh này có thể nói Du An đã xây dựng nên những nhân vật có chiều sâu. Anh có
cái nhìn nhân hậu về con người. Trong
quan niệm của anh, ai cũng có mặt được và chưa được, không ai hoàn hảo tròn
trịa và không có kẻ táng tận lương tâm. Dưới ngòi bút của anh, một gã nghiện
như Đương, Ban (Thúy không về), một
kẻ buôn ma túy như Hoặc (Dưới vực)
đều có những điểm, những cư xử hành động rất con người, những người con gái bỏ
chồng theo giai như Thúy (Thúy không về),
không nghe lời cha mẹ học hành, chạy theo tiếng gọi như Liến (Ở nương) hay nhẹ dạ cả tin bị lừa gạt
như nàng (Bên hồ) đều đáng thương hơn
đáng trách. Mặt khác, Du An còn xây dựng hệ thống nhân vật chức năng năng làm
giảm thiểu những căng thẳng, xung đột, mâu thuẫn trong truyện. Đó đều là những
người tốt, yêu thương và giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn như thầy giáo
Quảng trong Ở nương, thầy giáo Phong
trong Nuôi lợn, tôi trong Hạt cơm đau, mợ Chiên trong Tiếng khóc từ nồi cơm… Chính nhờ các
nhân vật này (và hành động của họ) nên mặc dù đều xoáy vào những bi kịch con
người, nhưng các truyện ngắn của Du An không tạo nên cảm giác nặng nề, bức bối
cho người đọc. Thêm nữa, xuyên xuốt tập truyện ngắn Người rừng rừng người là hình tượng người thầy giáo. Nhân vật này xuất hiện trong khá nhiều truyện. Đó là
thầy Quảng trong Ở nương; cô giáo
trong Hạt cơm đau; các thầy cô giáo Dũng,
Phong… trong Nuôi lợn; Thắng, tôi
trong Chữ đêm; Thanh, Hường, Hoan…
trong Vườn khế. Ở các nhân vật này,
đặc biệt là nhân vật xưng tôi trong các truyện đều phảng phất bóng hình của tác
giả. Du An viết về những đồng nghiệp cũ bằng cảm hứng hồi cố, bằng con mắt của
người từng trải nghề, qua đó giúp mọi người hiểu thêm về nỗi lòng và cả những
“bí mật”, “khúc mắc” của những người “gõ đầu trẻ” nói chung, giáo viên vùng cao
nói riêng.
Nhân vật, chi tiết được hòa quyện vào nhau trong một tổ hợp có
tên gọi kết cấu, hay cấu trúc. Nơi quyết định chi tiết nào xuất hiện trước, chi
tiết nào xuất hiện sau, nhân vật nào còn, nhân vật nào mất, giọng điệu của từng
câu truyện… Và trong trò chơi về kết cấu ấy, Du An đã có sự dụng công, biến hóa
rất khéo trong từng truyện. Với những câu chuyện như Hạt cơm đau, Tiếng khóc từ nồi cơm, truyện có kết cấu theo lối tuyến
tính, giản dị, đưa người đọc đến ngay với điều mình muốn nói bằng những chi
tiết xúc động. Những truyện cần truyền tải thông điệp nhiều tầng được mã hóa
bằng những kết cấu phức tạp hơn. Bài hát
nắng vàng có kết cấu song tuyến khá với dòng ý thức đan xen cùng những đoạn
miêu tả hội thoại, ngoại cảnh, trữ tình… để làm bật lên cái…”phức tạp” trong
đời sống tinh thần của người trí thức. Người
rừng rừng người có kết cấu tựa
bản trường ca huyền thoại nhằm tôn vinh tính mẫu…. Đó đều là những kết cấu hợp
lí giúp câu chuyện có diễn tiến tự nhiên, không gượng gạo.
Có thể nói, với 14 truyện ngắn trong Người rừng rừng người, Du An đã hoàn thành bức tranh cảnh sắc và
con người Tây Bắc của mình. Với những gì đã làm được trong tập truyện ngắn thứ
hai này, chúng tôi tin anh sẽ chiếm được cảm tình của bạn đọc ngay cả với những
người khắt khe nhất.
Đ. M. T