(Truyện đoạt giải thưởng cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, Hội Nhà văn Đan Mạch - NXB Kim Đồng, 2013-2015)
Lớp tôi có hai anh em ruột - Lý Sơn Lâm
và Lý Thị Thúy Tình.
Cái Tình tóc dài, da trắng, học ngang
ngửa với tôi nhưng mặt lúc nào cũng cúi xuống. Thằng Lâm to cao, đen cháy,
không bao giờ nói câu gì, trừ khi bị lên bảng kiểm tra miệng.
Hai anh em nó chẳng thấy giày dép bao
giờ. Có lẽ như thế cho dễ cuốc bộ. Trường THCS dưới trung tâm xã, rất gần so
với bàn chân lũ trẻ đồng rừng. Lớp tôi trừ ba đứa là hàng xóm của trường, còn
lại đã có xe đạp. Những chiếc xe không phanh, kêu vang, xích đánh lung tung,
nhảy tâng tâng trên con đường, đoạn cấp phối, đoạn hoang sơ. Thường thường bọn
tôi gần đến trường thì gặp Lâm và Tình. “Lâm ơi, lên tao đèo”, thằng Lâm như
điếc vẫn cùn cụt bước. “Tình ơi, lên xe tớ đi”, bạn cứ đi đi còn một tí thôi mà.
Thật chẳng hiểu ra làm sao, muốn thân thiết một tí cũng không được.
Hôm nay, giờ sinh hoạt, cô Thơm nhận xét
lớp sơ qua một tí thì thông báo, lớp ta có hai bạn Thanh và Tình được vào đội
tuyển thi học sinh giỏi văn cấp huyện. Từ thứ hai tới, các buổi chiều Thanh và
Tình sẽ đi học bồi dưỡng.
Tôi hơi cúi mặt nhưng vẫn sung sướng thấy
đám bạn đang dồn mắt về phía mình. Còn Tình, kìa sao lại đứng lên…
- Thưa cô nhà em… em không đi được đâu,
cô cho bạn khác đi.
- Bài viết về gia đình em hay lắm. Các
thầy cô tổ văn đều cho 9 điểm. Em không được nói thế.
Cô Thơm mở cặp, mở quyển sổ to, lấy tờ
giấy thi. Cô đọc: “Nhà em ở trong rừng
sâu, bên hồ nước xanh, có cây hoa đỏ rực trùm lên mái nhà. Hàng ngày, bố em ở
trong rừng, gặp cái gì lấy cái đấy. Mẹ em hay ở nhà nuôi lợn, lâu lắm mẹ không
đi đâu, mẹ sợ đốt nương cháy nhà mình. Hàng ngày em dậy từ lúc nghe tiếng gà
rừng gáy, cá quẫy một lúc rồi đi học luôn. Trời tối om nhưng em vẫn đi đúng
đường. Có hôm gặp người đi rừng họ kêu ma ma rồi bỏ chạy. Em cũng chạy vì sợ nhưng
lại đến trường nhanh quá…
Ma ma ma ha ha ha, ma thật chúng mày ôi…
Một tiếng rú lên, một tràng a a a, ruỳnh
ruỳnh bàn ghế. Cô Thơm cũng đập bàn, quát, nhưng chả ai nghe tiếng gì. Cái Tình
gục xuống, hình như là khóc vì thấy đôi vai rung lên.
- Chúng mày điên à. Im ngay. Im hết…
Thằng Lâm hét lên. Nó đã nhảy ra dãy giữa
từ lúc nào, hàm răng cắn chặt, mặt như sát thủ. Im hết thật, ai dại gì mà ngo
nghoe lúc này, lơ mơ ăn một chưởng thì tàn tật. Im lặng thì tiếng khóc của cái
Tình rõ lên. Nấc nấc, sịt sịt, hư hư… Bọn tôi nhìn nhau, chả biết làm gì. Ngột
ngạt thật là khó thở.
Cô Thơm kết thúc giờ sinh hoạt bằng câu,
thôi cả lớp nghỉ và đi xuống chỗ cái Tình. Thằng Lâm đã ra trước, nó ngồi dưới
gốc phượng, trông xa như một phụ huynh đợi con.
Buổi tối, lúc ăn cơm, tôi kể chuyện anh
em thằng Lâm cái Tình ở lớp. Mẹ chửi luôn, lũ quỉ nó mang chuyện nhà nó ra cho
mà biết lại đi làm trò hề. Tôi im lặng, như mình là thằng đầu têu. Bố hỏi, con
biết nhà nó chưa? Tôi bảo, con thấy
chúng nó đến chỗ đập Huổi Vả thì mất hút. Bố lắc đầu, cười, thằng này
nói như chuyện ma. Tôi lại gần, húc húc đầu vào ngực bố.
*
Chủ nhật ấy, tôi cùng bố mẹ đi nương.
Nương không xa lắm, tổng số thời gian hơn ba tiếng, nhưng lằng nhằng cả đi bộ,
bơi thuyền.
Đoạn đi thuyền trên đập là thích nhất.
Nước trong leo lẻo nhìn rõ lưng, mồm bọn cá thiểu, tép dầu. Những thuyền chở rọ
tôm mờ mờ trong sương. Những chú le le thấy người thi nhau ngụp lặn khoe tài
năng. Tôi ngửa mặt, hít hà. Gió mơn man, ngọt ngọt, từ mặt hồ lăn tăn lên. Bố
nhìn tôi cười, mẹ cu xem cái mặt nghệt kìa. Tôi bị bắt quả tang, mất hứng nhưng
núi non trời nước vẫn râm ran trong người.
Thuyền đang lướt lướt giữa hai khe núi.
Sát mép nước có một ngôi nhà, đúng ra một túp lều. Mấy bậc đá, một bụi tre, một
cây gì hoa đỏ rực trùm lên khiến túp lều lung linh như trong phim.
- Đây là nhà bà Sính. Bà này hồi trước ở
bãi giữa sông, ngoài xóm nhà mình. Cái đêm lũ về, sáng dậy nước mênh mông gào
thét, tưởng cả nhà đi theo hà bá rồi.
Bố chưa nói xong thì có một bà xách hai
cái xô xuống bến. Hình như là xô có cám lợn hay thức ăn gì đó. Bà vừa chạm mép
nước, lập tức mặt hồ từng đợt sóng gồ lên ào ào về. Cá, nhiều cá thế. Nhao
nhao, đớp đớp, nhảy cao biểu diễn, một vùng hoa mắt. Tôi bị thôi miên, chỉ
loáng thoáng nhòe nhòe một người, như cái nhụy của bông hoa cá.
- Hôm nay ông ý đâu mà để bà lơ vơ thế
này.
- Đi xẻ. Cả tháng nay có về đâu.
- Ừ, kiếm ít gỗ mà làm nhà. Ngoài bãi đã
đành vậy, giữa rừng mà ở lều khó coi lắm. Bao giờ phạt mộc cho em giúp vài buổi
nhá.
- Chả biết có làm không, xẻ thì xẻ vậy
thôi.
Thuyền vẫn đi, bố vẫn chuyện chả để ý gì.
Mãi một lúc sau, mẹ mới bảo tôi, xem bố mày kìa, có ai nghe đâu mà vẫn nói kìa.
Tôi bơi nhanh thế cơ à, bố giật mình chống chế.
Câu chuyện giữa bố và mẹ lại tiếp tục.
- Nhà này được hai đứa con, một đứa
trắng, một đứa đen, nghe nói học giỏi lắm.
- Đen hay trắng, giỏi hay dốt, ở cái xó
rừng này thì cũng đời con trâu cả thôi.
- Đã bảo bao lần rồi, đừng có kiểu đánh
đồng. Nhà này nó khác đấy…
- Ừ. Khác. Rồi xem khác thế nào nhé. Mẹ
có vẻ rỗi.
Nhà cái Tình, thằng Lâm hình như cũng ở
trong này? Tôi nghe bố mẹ nói chuyện với nhau, đã ngờ ngợ, giờ mới hỏi.
- Thì đang nói nhà ấy chứ nhà ai, cái
thằng đần này. Mẹ vẫn còn giọng tức bố.
Hóa ra vừa rồi là nhà cái Tình, thằng
Lâm. Tôi im lặng, tiếc rẻ, nhớ lại, tưởng tượng. Loang loáng túp lều, trời
nước, núi rừng.
Bố mẹ đã chuyển đề tài sang nương sắn. Bố
nói, có khi mình chuyển nhà vào trong này, giờ cần phải làm kinh tế, các con
lớn rồi, còn học cao lên không thể trông vào mấy sào ruộng. Mẹ bảo, tôi lạy
ông, ông thích thì cứ đi mà làm người rừng, tôi ở ngoài xóm, đói tí nhưng văn
minh. Bố lắc đầu, đúng là đàn bà chưa chi đã rụt vòi lại. Mà tôi nói cho bà
biết, đừng có khinh người rừng nhá… Tôi hỏi, tôi bà, thằng Thanh hôm nay làm
người gì đây?
*
Nương sắn nhà tôi tít trên đỉnh núi.
Khoảng chục nghìn hốc từ đỉnh xuống. Bao nhiêu mét vuông, héc-ta, người làm
nương chả bao giờ tính thế.
Lên đến nương, kệ tôi hổn hển thở, bố mẹ
bắt tay vào làm luôn. Sắn đã cao đến cằm, lá lòe xòe đằng trước đằng sau cái
đầu bố mẹ. Việc làm cỏ đợt 3 này thường các nhà bỏ nhưng nhà tôi vẫn làm để vụ
sau đỡ công. Tôi dốc can, uống một bụng nước xong, khoan khoái ngắm nương nhà
mình. Từ dưới đập nhìn lên chỉ biết là xanh ngắt; giờ sát mắt, chỗ xanh rì, chỗ
bạc bạc, gió đang lật lên lật xuống xem xét lá.
Bố ơi, mẹ ơi, hí hí… Thằng này vẫn còn
đứng đấy mà cười à, làm đi một lúc rồi nấu cơm. Tôi cầm con dao, thử cạo cạo
vào lòng bàn tay, đang định chui vào lối
thì lại thấy bố mẹ... Lá sắn xanh xanh ken nhau thành một biển lá, chỉ còn cái
đầu hai người lúc nhô lên, lúc chìm nghỉm. Như là bố mẹ bị chôn trong sắn. Bố
ơi, mẹ ơi. Cái gì, thằng này vẫn đứng đấy à. Hí hí, con tưởng bố mẹ bị chôn
sống trong màu xanh. Tôi cười to thành tiếng và tả lại. Bố cười còn to hơn tôi,
còn mẹ thì nói - Đừng có mà gở, ở nhà thế nào cũng được nhưng đây rừng rú, nói
một câu phải nghĩ.
Tôi chả nghĩ gì khi đã chui vào trong
sắn. Âm u ầm ù, muốn làm cỏ dưới chân phải ngụp mặt xuống như xuống âm phủ.
Muỗi như đỉa dưới nước, ào ào xông đến, ve ve cười nói, hôm nay được liên hoan
thịt trẻ em. Tôi gãi, đánh đét đét, rồi chửi, vẫn không ăn thua. Tức quá không
chịu được, tôi lao cho người thẳng lên, rồi giộng giộng xuống y như những lần
ăn cơm bị nghẹn nhẩy nhẩy cho thông cuống họng. Tình hình không suy chuyển, tôi
sịt sịt hơi qua kẽ răng bất lực. Bố mẹ vẫn đang đằng trước lom khom, lúi húi,
nhấp nhô. Tôi định gọi mẹ về chuyện muỗi nhưng chợt nghĩ bé tí quá nên thôi.
Tôi tìm cách làm chung với muỗi. Ấy là như con cá, vừa làm vừa uốn éo, vùng
vẫy. Muỗi có vẻ thua, những lấm tấm đen xì lùi ra, vòng u u e e rãn rộng. Kết
quả đã trông thấy, khoảng dăm chục hốc sắn cỏ quang vé. Muỗi ông muỗi bà, già
lụ khụ, thiếu niên nhi đồng… đấm ngực kêu khóc xa xa. Chúng đang nhìn một cây
mồ hôi, một con gì lạ lắm, một quái vật. Này cái võng không người, này cá lượn,
này rắn quăng, này ma lóe sáng tắt phụt… Tôi không thể “biểu diễn” lâu hơn được
nữa. Công vô ích gấp trăm lần công hữu ích. Kết quả là mệt ấn tôi ngồi xuống…
âm ti. Tôi vuốt mặt, luồn tay vào trong áo vã từng nắm mồ hôi ra. Mồ hôi vẫn
tiếp tục chảy, như có quả tim chuyên bóp mồ hôi. Tôi định ngồi một lúc cho mệt
chẳng còn chỗ mà mệt rồi sẽ làm tiếp. Nhưng muỗi lại hiểu theo cách riêng của
loài lấy máu làm cơm. Tôi vừa ngồi trong ù ù tai thở, thì nghe một tiếng hô -
Giương vòi thẳng tiến, đánh chén anh em ơi. Tôi chẳng còn tay chân nào mà chống
đỡ; quẫy đạp, ngúng ngoắng cũng vô tác dụng trước hàng nghìn cái vòi làm bằng
thép trời. Trong đau điếng vô thức, tôi lao ra, mồm kêu, ối mẹ ơi cứu con.
Con ơi, con ơi… Thằng Thanh bị ong đốt
rồi… Bố nó ơi…
Mẹ chạy, bố chạy, ào ào ào ào xuống. Tôi
được dựng lên, vuốt mặt, vuốt ngực như cấp cứu người sắp chết.
Ong vàng hay bò lỗ? Không phải.
Thế rắn cắn à, chỗ nào? Không phải rắn.
Thế thì làm sao, nói mau không chết ngay
bây giờ.
Muỗi. Muỗi cả nước về đốt con.
Úi giời ôi, con tôi là con tôi ơi… Bố
ngân dài, giọng đau thì ít, giễu cợt thì nhiều. Mẹ gắt bố, anh còn trề cái môi
ra mãi à, mau đốt lửa lên.
Tôi hơ người bên khói lửa. Lửa khói đi
đến đâu, nhẹ bẫng đến đấy. Mươi phút sau thì tôi kêu nhẩy lên reo to, khỏi
rồi.
Sau vụ muỗi xuýt xơi tái con người, tôi
“được” nấu cơm (mẹ đã bắc từ trước). Nồi cơm đã cạn, ấm nước sắp sôi, bốn con
cá khô đang thơm lừng bên than. Tôi ngồi lấy vì một lúc thì hết việc. Bố mẹ vẫn
say sưa làm. Đám sắn rung rung, gần gần xa xa, nhảy nhót háo hức…
*
Tôi đã tụt xuống vệnh núi trước mặt. Rừng
chỗ này còn nguyên, nứa giang dây leo chằng chịt, thỉnh thoảng lại vút lên
những cây to phải năm sáu người như bố ôm mới xuể. Tôi nhìn mãi không thấy
ngọn, mỏi quá, hạ cổ xuống thì òa ngay trước mắt một đôi gà. Cái mào, bộ lông,
đỏ, mượt, sáng rực lấp lánh. Nhoăn nhoắt nhảy, luồn trên những thân giang. Tôi
bị chúng kéo đi, mắt trên không dời; chân, người bên dưới cứ nhấp nhô cao thấp
theo.
Tôi sẽ đi mãi theo ánh lông gà, trong
niềm sung sướng đến nơi có vượn người mất, nhưng vợ chồng gà rừng đột ngột đổi
hướng. Đang âm u rậm rạp chằng chịt bỗng òa ra một khoảng sáng chói mắt. Một
khúc gỗ… đang xẻ. Một cái đầu tóc ngắn bù xù và một tóc dài hai bên lưỡi cưa.
Tình, cái Tình. Tôi há hốc mồm, đứng như trời trồng. Mấy phút, chỉ xoèn xoẹt
xoèn xoẹt tiếng cưa ăn gỗ. Cái Tình cúi mặt, lâu lâu mới hẩy cổ hất mái tóc lòa
xòa xuống mắt. Ông bố đang nói chuyện, nhịp nhịp theo đường cưa. Tôi ngồi xuống,
giấu mặt trong đám lá giang theo dõi. Tiếng gỗ xật xật xót xót như khóc. Loáng
thoáng tiếng ông bố, tiếng Tình lúc nổi lúc chìm - Lấy vợ… lấy chồng… làm nhà…
làm nương… không kệ con… con khắc lấy măng bán được tiền… Hai người như kéo co
không phân thắng bại. Đẩy kéo kéo đẩy, rì rì xoèn xoẹt, xoèn xoẹt rì rì… thật
là nhạt nhẽo. Tôi ngồi chán quá, xuống máu chân, định đứng lên nhưng lại sợ
không biết làm thế nào khi bố con Tình thấy mình. Tôi véo chân, vặn người và rẽ
rộng đám lá giang ra… kệ, họ nhìn thấy thì xuống kéo cưa là cùng.
Tiếp theo thì tôi chả thèm nhìn bố con
thợ xẻ nữa. Phía trước, ngay bên cây đốn hạ, hở ra một cành khế, toàn quả là
quả, lúc lỉu, vàng rộm. Sao lại khế trong rừng nhỉ, tự có hay ai trồng? Ngạc
nhiên tích tắc thì nước chua te te về, tứa như mạch khe từ thịt lưỡi, chân
răng. Mình mà mang được một ôm khế về chắc mẹ khen phải biết. Tôi đứng lên, ma
khế dắt đi.
Tôi bước bồng bềnh trong ngập răng, sịt
sịt chua ngon, nước chảy xuống cằm. Lúc này chắc phải có cái gậy tre phang vào
đít chục cái mới tỉnh được tôi. Quả khế xa xa đang bắt đầu ngắm vào hàm răng.
Tôi nhắm mắt…
Ối giời ôi… bố bố… đau quá… đau đau…
Tiếng kêu thất thanh của Tình làm nảy
người tôi lên. Tôi nhảy vót một cái lên khúc gỗ, xuống chỗ Tình. Máu. Máu ở
chân Tình, ngón cái oặt ra xương trắng hếu. Bố Tình ôm Tình lên, mặt nó nhăn
nhó tê dại. Tôi luống cuống chạy vòng quanh, rồi chẳng biết làm gì, đỡ lấy bàn
chân Tình. Lấy thuốc lào, gói kia kìa. Xé cái áo ra… giật mạnh vào… Bố Tình
hét, tôi ào ào làm theo.
Thế này phải mất hàng tháng nghỉ học rồi.
Tôi nói khi băng bó xong, Tình ngồi dựa lưng vào khúc gỗ.
- Cháu là ai mà đến đây? Bố Tình lúc này
mới hỏi tôi.
- Cháu học cùng với Tình, cháu đi làm cỏ
sắn.
- Thế là học cùng cả với thằng Lâm à.
Vừa nói đến Lâm thì Lâm về, đặt uỵch can
nước xuống, cả một xâu cá. Tại con đấy, lấy nước gì cả mấy tiếng đồng hồ; đợi
mãi, đành cho cái Tình cầm cưa. Suýt chết. May có thằng bé này ở đâu chạy đến.
Lâm không nhìn tôi. Nó cúi xuống, ghé sát
mặt vào chân Tình, thổi phù phù, hỏi đau không. Tình nhăn mặt gật gật.
Thôi cháu về, kẻo bố mẹ cháu sốt ruột đi
tìm. Tình cố gắng nhé.
Tôi chào, và bước nhanh. Đến giữa dốc,
thằng Lâm chạy theo bảo, tao biết nương nhà mày rồi, đi đường tắt này cho đỡ
mệt. Một loáng, đến gốc cây sấu, thằng Lâm chỉ tay… kia nương nhà mày kia kìa.
*
Tắt mặt giời, nhà tôi mới nghỉ. Một đoàn
xuôi dốc. Bố vác hai cây chuối tía to vật vã, mẹ một gánh củi, và tôi dao rựa,
cuốc, cái can, áo mưa … linh tinh.
Lúc về nhanh hơn, một loáng đã đến túp
lều ban sáng. Đã nhá nhem tối, trời nước nhờ nhờ, cây hoa đỏ rực chỉ còn lùm
lùm đen đen. Bà Sính giờ này chắc đang cho lợn ăn, bố vừa khoắng cái dầm vừa
nói. Cái ông này lại sắp sửa đấy, mê nhà này hay sao ý nhỉ… Dừng lại, dừng lại
cho con xuống đây - Tôi nghe nói thế chợt kêu lên. Ơ cái thằng này bị làm sao thế, xuống đây về
bằng cách nào…
Tôi nghiêm giọng nhắc lại chuyện đã kể
cho bố mẹ. Tôi nói, phải vào thăm cái Tình, bị nặng lắm, không biết có chữa
được không? Tối rồi, lên đấy rồi mò thế nào được đường mà về, thôi thôi thôi…
Bố mẹ đều dứt khoát. Kệ con, bố mẹ cứ về trước đi, tôi cương quyết nhảy ào lên.
Nhà tối om, mái sát mặt. Tôi đã bước vào
nhưng không dám đi tiếp liền đứng đấy gọi to, Tình ơi, Tình ơi… Không có tiếng
đáp, chỉ tiếng lợn réo đằng sau. Một lúc thì tiếng bước chân, rồi cái đèn sáng
lên.
- Tình ơi, có đau không… Bác à… Tình ở
đâu
- Cháu là ai… Cái Tình nó đi rừng… ba bố
con vẫn xẻ…
Tôi nói nhanh, Tình bị cưa vào chân, tận
xương trắng hếu.
Ối giời ôi con ơi. Ông ơi là ông ơi sao
lại bắt con gái xẻ. Bà mẹ kêu khóc, lảo đảo chạy, đâm vào tôi. Tôi không biết
làm thế nào thì may quá… ba bố con Tình về.
Tình được hạ xuống giường từ lưng bố. Bà
mẹ run run soi đèn, bà cởi cởi chỗ ngón cái băng bó để xem, Tình hét lên - Ái
ái ái chết con rồi.
Thôi bác đừng động vào chỗ ấy. Không sao
đâu ạ, vấn đề là phải giữ cho khỏi nhiễm trùng. Tôi nói và thấy ngại khi bất
ngờ mình xuất thần người lớn. Bố và Lâm nhìn tôi ngạc nhiên, cảm mến. Thằng Lâm
bảo tôi, thôi tối rồi ở đây mai đi học luôn với tao. Tôi từ chối bảo còn sách
vở, còn bố mẹ đợi dưới bến.
*
"Nhà Tình ở trong rừng" in trong tập này |
Hôm sau, đến lớp tôi hỏi thằng Lâm ngay,
cái Tình thế nào rồi và đưa một gói thuốc, dặn dò cách uống, cách bôi (theo lời
mẹ tôi). Thằng Lâm kể, Tình đòi đến trường nhưng không ai cõng đi được. Thằng
Lâm nắm tay tôi vẻ mặt buồn buồn. Vừa lúc bọn nó vào đông quá thành ra tôi chả
nói được gì.
Trống ra chơi, tôi khoác vai thằng Lâm
đến gốc phượng. Tôi đã nghĩ suốt bốn tiết, liền bảo Lâm ngay - Tớ có xe đạp,
sáng sáng tớ sẽ đến đèo Tình đi. Lâm lắc đầu, không được… từ nhà phải đi thuyền
sau đấy mới được đi bộ. Thế à, tớ quên mất, thế toàn đi bộ có được không. Được,
nhưng leo núi hàng tiếng đồng hồ, tớ đi thử một lần khổ lắm… Hai đứa im lặng
một lúc thì cô Thơm đến. Cô hỏi tình hình Tình, tôi nói một lèo. Cô Thơm nghĩ
một lúc rồi bảo đưa Tình ra ở tập thể với cô, chỉ còn cách đấy. Lâm lắc đầu,
chưa chắc bố mẹ em đã đồng ý, chưa chắc cái Tình đã chịu đi.
Cuối cùng Tình cũng ra ở với cô Thơm, sau
lần tôi cùng cô vào nhà.
Nhờ cô Thơm, nhờ… cái chân tai nạn, bài
văn của Tình đã đoạt giải nhất huyện. Tôi vẫn nhớ đoạn kết - …. Con đường của em đi được nối dài thêm từ
đợt em phải ngồi một chỗ. Mẹ ơi, bố ơi, anh Lâm ơi, Thanh ơi, các bạn ơi… Tình
sẽ có đôi chân khỏe nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét