BÀ LOAN RỪNG
Để giữ được rừng,
để rừng phát triển bền vững, theo bà Loan, đồng bào miền núi phải đủ ăn và
có tinh thần cứng như đá.
Bà Cà Thị Loan bên cây dổi 15 tuổi
“Năm 1989, nhà tôi nhận giao
khoán rừng. Hồi ấy, cả xã chỉ có 1- 2 khoảnh rừng có chủ. Dân bản vẫn quen
kiểu khai thác rừng tự nhiên, tự do đến chặt phá. Mình giữ không cho, nhiều
người chửi, giận lắm”, bà Cà Thị Loan (dân tộc Thái, ở bản Phiêng Quái, xã
Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) kể về những ngày đầu
nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng. Năm 1975, bắt đầu từ 8 hộ ở các bản ven sông
Nậm Rốm bị lũ lụt phải sơ tán, lập ra bản Phiêng Quái. Rồi số hộ về đây
sinh sống nhiều lên. Mùa nương đâu đâu cũng thấy cảnh phát cây đốt nương,
tàn bay, nứa nổ, bầu trời đen xì, âm u khó thở. Mùa mưa, nước cùng đất đá như
giặc xô xuống bản. Có hôm, bất chợt nhìn lên núi toàn một màu đỏ, sợ quá, mãi
sau mới nghĩ ra là mưa bóc đất núi. Cứ như thế như thế, đến năm 1993, thì
Phiêng Quái cũng như cả xã Noong Luống, cơ bản phá xong rừng. Rừng nhà bà Loan
nhận từ trước đó (năm 1989) đang xanh tốt, bỗng nhiên thành miếng mồi ngon treo
trước mắt mọi người. Người tử tế thì hỏi xin cây để sửa chuồng trâu,
bắc cái cầu. Người trơ mặt thì nghĩ rừng của trời, cứ chặt đẵn vô tư.
“Nghe tin có trộm, tôi hớt hải ngược dốc lên bảo, rừng của tôi không được lấy.
Họ nói, tôi xin mấy cây có đáng là bao. Nói nữa, thì họ trừng mắt, rừng mày
trồng đâu mà giữ? Mày chỉ nhận chứ…”, bà Loan kể lại trong uất ức. Mệt mỏi, có
lúc muốn buông xuôi. Không thể mười mắt, mười chân, canh trộm mãi được. Một khi
những nhà xung quanh không có rừng thì họ còn tìm cách lấy rừng của mình. Nghĩ
vậy, bà Loan bàn với gia đình tìm cách bảo vệ rừng lâu dài, căn
cơ hơn. Cái thuận là dịp ấy kiểm lâm huyện cũng về tuyên truyền dân bản giữ
rừng, lại có ông Cà Văn Muôn (bố đẻ bà Loan, thời gian đó làm Bí thư Đảng ủy
xã), chồng chị làm trưởng bản cũng đồng lòng ủng hộ nên việc vận động dân bản
nhận rừng khoanh nuôi bảo vệ thu được kết quả khá tốt. Tháng đầu có chục
hộ rụt rè nhận khoán, tháng sau thêm vài hộ, rồi bỗng dưng im lặng. Hỏi
ra mới biết, họ nghĩ rừng của trời đất, nhận chả hơn gì không nhận, vừa
mất công vừa mất lòng nhau. Tối tối, trưa trưa, bà Loan lại đi từng nhà, nói
điều hơn lẽ thiệt, lợi ích cao xa lâu dài. Dần dần, mọi người, một phần thấy
rừng quanh bản sắp có chủ hết, một phần “chị Loan nói hay” nên chỉ chưa đầy năm
sau rừng Phiêng Quái 100% diện tích đều có chủ. Thế là chung riêng đều được. 8
ha rừng bà Loan có hàng rào là rừng các nhà xung quanh. 87 ha của những nhà
khác cũng có người bảo vệ. Từ đây bà Loan cùng chồng con mới tạm ngơi khâu
trông giữ để tu bổ chăm sóc rừng nhà mình. Khi tôi hỏi, làm rừng có gì khó, bà
Loan bảo: "Rừng khoanh nuôi bảo vệ không mất nhiều công, nhà ít lao động
vẫn nhận được. Rừng gần nhà, chỉ cần tranh thủ lúc xong việc ruộng đồng, lên
tỉa cành, phát cây bụi cần bỏ... Mình yêu quí rừng như ruộng vườn nhà mình mà.
Việc nuôi rừng như thế, ai cũng có thể làm được". Rồi bà Loan giải thích:
“Người Thái quen sống cộng đồng, ít riêng tư, “tự nhiên” có một cánh rừng của
bà Loan, tự nhiên bà Loan đổi tính lên tận rừng xin mấy cây bằng bắp tay cũng
không cho, thì tức quá. Một người kể lại, truyền miệng nhau, người tốt bỗng
thành người xấu không cần biết thật giả. Làm rừng phải kiên trì, nhẫn chịu
thôi… Nể nang, cho một người thì nhiều người cũng muốn. Cho hôm nay thì ngày mai
sẽ có kiểu xin vắng mặt. Chẳng mấy chốc rừng rỗng ruột rồi tan hoang”. Từ tấm
gương bà Loan, quanh bản Phiêng Quái không còn đất trống đồi trọc. Rừng 100% đã
có chủ và đã vượt qua giai đoạn sơ sinh non nớt. Nghĩa là khâu bảo vệ đã nhàn
đi. Người ngay không “xin” nữa, họ đã hiểu được rằng, rừng nếu để tự nhiên thì
hết sạch từ lâu. Tất nhiên kẻ gian vẫn lén lút đêm hôm, thậm chí ban ngày lợi
dụng lúc các nhà bận buổi gặt, đám cưới, làm nhà mới…, họ lén lên rừng trộm vài
cây mang ra phố bán. Phiêng Quái có 72 hộ, 303 nhân khẩu, kẻ gian khó mà thoát
được. Xưa kia, toàn bản cùng phá rừng, thì nay ngược lại tất cả tự giác giữ
rừng - vì rừng nhà mình, thấy nó trộm nhà khác không đuổi không bắt thì mai kia
nó sẽ đến “hỏi tội” rừng nhà mình. Để giữ được rừng, để rừng phát triển bền
vững, theo bà Loan, đồng bào miền núi phải đủ ăn và có tinh thần cứng như
đá. Nghĩa là, nhà mình bị đói rất dễ “ăn non”. Cây mới bằng bắp tay, lúc giáp
hạt tặc lưỡi bán đi, mua mấy yến gạo. Con vào năm học mới, bí quá lại chặt dăm
cây lấy tiền mua sách vở quần áo… Như thế là bóc ngắn cắn dài, được trước mắt
mất về sau. Vì vậy, khó khăn lắm cũng phải cắn răng chịu đựng
vượt qua. Bí quá thì vay họ hàng, dân bản, thậm chí vay lãi cũng được miễn sao
giữ rừng. Rừng thêm tuổi thì người thêm tiền. Thực tế, rừng nhà bà Loan dù
đã 25 tuổi (tính từ khi nhận khoanh nuôi bảo vệ) nhưng khai thác rất ít. Bà
Loan kể: “25 năm tôi mới cho động rừng 4 lần - Lần hai con trai, hai con rể làm
nhà. Dù cây làm cột kèo được rồi nhưng không bán bao giờ, chỉ khi có việc lớn,
tôi xin phép kiểm lâm huyện, báo kiểm lâm xã đàng hoàng mới chặt. Làm rừng
phải biết quên đi năm năm, mười năm”. Dân bản có rừng, bà Loan yêu quí rừng nên
tự nhiên truyền ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng ra khắp dân bản. Trong các cuộc
họp bản (bà Loan là trưởng bản), sau khi phổ biến nhanh chuyện diệt trừ sâu
bệnh, bón phân đạm cho lúa…, bao giờ mọi người cũng nói chuyện rừng. Người lo
lắng bảo, mùa khô này cấm ai đốt nương; người bảo xin huyện thêm kiểm lâm viên
về vì dạo này thấy có kẻ lạ vào bản; người bàn cách giữ gìn, nhân giống cây
trám trắng đang mọc ngoài tự nhiên về trồng rừng… Bà Loan lắng
nghe xong, rồi cùng mọi người bàn bạc. Bà nói: "Bản mình đoàn kết cùng
nhau làm ruộng, làm ao làm rừng, trông giữ rừng của nhà khác như của nhà mình
thì mới bền. Rừng cho chúng ta nhiều thứ, nhất là gỗ làm nhà, nếu mua
thì mất mấy trăm triệu một nếp, làm nông sao đủ tiền? Bản mình nằm cuối
nguồn, nước kênh Nậm Rốm khó vào ruộng, bao năm nay không có rừng Phiêng Quái
thì khe cạn, người chết đói". Chốt lại, tất cả mọi người phải tự giác và
biết cách bảo vệ rừng. Với vài người nghiện lấy trộm thì cảnh giác, nó lấy tất
phải mang đi bán, trăm người giữ làm sao nó thoát được. Giữ rừng lâu dài là các
nhà phải có kế hoạch làm ăn, ruộng ao làm ra lúa cá, lấy cái ăn hàng ngày để
nuôi rừng, rồi sau này rừng cho mình gấp trăm gấp nghìn. Bản phải biết nghe lời
kiểm lâm, nhất là phòng cháy chữa cháy rừng. Không đốt nương lúc gió lớn, khi
đốt phải báo cho nhà xung quanh để cùng canh lửa… Cách tuyên truyền chăm
sóc bảo vệ rừng của bà Loan đơn giản như thế. Kiểm lâm huyện Điện Biên thừa
nhận rất hiệu quả, dân bản nghe hơn nhiều kiểu hội nghị bàn ghế, micro, máy
chiếu. Mươi năm nay, Phiêng Quái là bản điển hình về khoanh nuôi bảo vệ
rừng của xã Noong Luống, của huyện Điện Biên. Vào Phiêng Quái, khách xa sẽ
lập tức thích ngay những cánh rừng xanh mát nối nhau lên lưng trời. Người
Phiêng Quái tự hào và biết ơn, noi gương bà Cà Thị Loan, người phụ nữ vượt lên
hoàn cảnh gia đình gia đình (chồng mất 2003, một tay chèo chống nuôi năm con ăn
học trưởng thành; làm trưởng bản, ủy viên hội đồng nhân dân xã) đem rừng về cho
mọi nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét