Tản văn của DU AN
Hồi bắt đầu biết gianh, tôi gọi nó là cỏ.
Như ông bà bố mẹ vẫn thường gọi vậy. Cái loại chả biết làm gì, ăn tàn phá hoại;
chặt đầu này mọc đầu khác; nương vừa phát đốt dọn xong chưa kịp trồng gì, anh
em nó đã nhe nhởn, tua tủa mũi chông xanh.
Trong con mắt của mọi người, phải làm
việc với vị khách không mời mà đến là bực tức, cáu bẳn, mồ hôi mồ kê, thở dốc.
Cái cuốc nếu xới xáo thông thường chả khác gì gãi ngứa. Phải bổ, phập phập từng
nhát, sâu dần, sâu dần, rồi đập đất nhỏ ra, nạy bới từng mẩu gom lại thành
đống. Từng mẩu đoạn gianh ấy chưa chết đâu, phải phơi khô, rồi đốt đi đốt lại, may
chăng vụ ấy ngô sắn mới yên tâm cười nhe bắp nhe củ được. Tưởng đào tận âm ti,
hỏa thiêu, gianh thành ma lên trời rồi, thế mà vụ ấy vẫn mấy củ sắn có nhân…
gianh. Khóm sắn theo cái thót bụng rập rình một lúc thì lên mặt đất, xòe ra,
nặng trĩu, nần nẫn đã mắt. Bao lớn bao bé theo người về nhà. Buổi tối cả nhà
gọt sắn ngoài sân. Được cởi lớp vỏ lụa, lại ánh điện, tiếng cười nói, sắn phởn
phơ trắng nõn. Củ củ trắng trắng, bóc xong, theo tay tung về một đống như đàn
cá ánh bạc. Nhưng… tay tôi khựng lại, một mũi tên đâm thủng bụng củ sắn. Tôi
không dám cầm cái hung khí ấy lên, chỉ nhè nhẹ kéo rồi giơ sắn lên. “Ở đây có
vụ giết người!”. Tôi kêu lên, cả nhà cười. Mẹ bảo, cỏ gianh đấy, giống này vứt
đâu cũng sống, còn một mẩu cũng sống. “Phải học nó đấy con ạ, cuộc đời này đầy
sắt đá chắn trước mặt”. Tôi chả hiểu mấy nhưng cũng phục phục thằng cỏ gianh. Củ
sắn kia chắc cũng đau lắm, khi mũi gianh bắt đầu dùi vào. Nhưng rồi hai đứa
phải chia nhau sống, chả nhẽ trồi lên mặt đất mà nhớn à.
Năm 21 tuổi, tôi đến một miền gianh khác.
Hôm đầu tiên ra chợ, tôi bị ơ mắt trước hàng gianh và phên rào tre. Cái đầu tôi
ngu quá và sinh viên “ngồi trên mái nhà trường” quá nên đã hỏi một câu rất chi
là vụ viện - người ta mang gianh, phên
rào triển lãm à. Dẫu tôi chỉ ghé vào tai chị đồng nghiệp nhưng nội dung ấy đã
thành một tràng cười chảy nước mắt nước mũi. Tôi đỏ mặt, thành tâm điểm của
những cái nhìn.
Rồi cuộc sống công dân tập thể vùng cao
dạy dỗ, dìu dắt tôi. Chợ thị tứ miền núi, người dân mang ra không chỉ gianh,
phên rào mà còn thóc, ngô bắp, lợn cắp nách, gà ôm, củ quả rừng… là lạ. Lấy thế nào thì cứ thế mà mang đi chợ. Đi chợ
để chơi, để mua, để chả biết làm gì nhưng phải có cái bán, chẳng cần biết giá
trị của nó bằng một bát phở, mấy gói kẹo bi hay nụ cười e ấp sung sướng gái
trai gặp nhau, tình cũ gặp lại.
Một buổi không có tiết dạy, tôi xuống
chợ, đến chỗ mấy người bán gianh. Đứng sau đống gianh xếp vào nhau hình chữ V
là người đàn ông lùn tịt, áo có thêu chữ DẬU, một phụ nữ cao ráo xinh xắn, đầu
tằng cảu. Mua gianh đi. Bán à, bao nhiêu một phên? Hai nghìn rưới. Mua nhiều có
bán được không? Có đấy, lợp lại nhà à, phải đợi mười ngày, nhờ thêm người đánh
mới đủ. Câu chuyện mua bán một lúc, tôi nói thật là… còn đang đi tìm vợ, lợp
nhà một mình thì buồn lắm. Anh chồng cười như chú lùn bên nàng Bạch Tuyết, nhìn
vợ nói - không cần đâu, mình đẹp nó khắc tìm đến mình. Rồi anh kể, mình đi lấy
gianh, nó đi lấy gianh, nặng quá, trời tối giúp nhau thế là thành vợ chồng. Hơn
tháng sau, hết phần xã giao, tôi được biết anh chồng quê Thái Bình, mồ côi cha mẹ, anh em họ hàng
thân thích chả có. Một lần có người làng làm ăn trên Điện Biên về chơi, rủ đi. Anh
lên núi, sống tự lập; vốn không được nhanh nhẹn như người thường, lại mặc cảm thân
hình chỉ có chiều ngang nên anh theo dân bản ăn rừng. Rồi anh kiếm được vợ
trong rừng gianh. Bây giờ họ có hai đứa con gái, cần câu cơm cho cả nhà là
những phên gianh đứng ở chợ.
Nói về gianh đứng ở chợ cũng trầm lặng
như nơi nó sinh ra lớn lên. Chỗ bán ở tít cuối, sau những ngô thóc cá đầy tay
đầy lời, nhao nhao ồn ào. Người bán gianh thường đứng im ngồi im, có chăng đàn
ông chẻ nan lạt, đàn bà thêu thùa gì đó. Người mua là những người chân đất, họ
cần một vài chục phên làm chuồng lợn, hố xí hay dặm lại mái nhà bị dột. Có mặc
cả, có lên xuống nhưng chỉ tí chút thôi, một lúc là những gánh gianh loẹt xoẹt
đi theo người về.
Mua nhiều, lợp hẳn cái nhà thì khác.
Nhà trong bản dĩ nhiên là không được mua.
Nhờ nhau, làm giúp, tích trữ từ mùa khô trước; những tối nông nhàn, dưới sàn
ông già bà già, trai gái cùng nhau đánh gianh, kể chuyện tiếu lâm, tán nhau
cười… xoàn xoạt. Ông Cu bản Pánh làm năm gian nhà sàn, chưa đến một tháng phải
hô thôi thôi đủ rồi mà người người vẫn muốn làm nữa. Đến đánh gianh cùng ông
thích lắm, tay ông như múa, bắt vắt dẻo hơn các cô gái xòe; miệng ông cứ như hoa,
nở ra chuyện nào là tất cả lại khùng khục rinh rích. Ông lại có cô Liến, xinh
cỡ hoa rừng phải bảo nhau đừng nở. Cô chủ ấy lúc cùng ngồi đám các chàng, lúc
lên bếp lấy nước, má hồng môi thắm nói năng nhẹ êm chẳng biết bao nhiêu mắt bị…
ơ, bao nhiêu miệng bị há. Chồng gianh cứ cao lên theo men chuyện, men người.
Tối trước ông Cu đã bảo cảm ơn, đủ rồi mà hôm sau nhà vừa ăn cơm xong đã thấy
lịch bịch trai bản dưới sàn.
Còn nhà ngoài thị trấn, hoặc số ít nhà
trong bản kinh tế nhỉnh nhỉnh hơn thì mua về tự lợp. Họ lại ra chợ đặt những
người chuyên gianh. Hoặc gặp những người quen, thi thoảng làm gianh, thấy có món
to thì nhất trí, để sau đó huy động vợ chồng con cái tranh thủ, cấp tập làm,
kiếm cái xe đạp, trang trải chi tiêu, mua sắm đầu năm học mới cho lũ trẻ.
Lợp nhà gianh không đòi hỏi tay dẻo như
đánh gianh. Người dưới ngửa cổ đưa, nhoằng một cái người trên đã lợp xong. Hàng
hàng nhịp nhàng, thẳng tắp, óng ả. Dăm bảy hàng thì lại nẹp một lần, như thế
ông gió bà bão chỉ có khóc. Lợp gianh nhanh nhưng không quen hoặc lơ đễnh là dễ
rơi bịch xuống đất đấy. Nhà lợp gianh mái phải dốc nhiều, để nước mưa không
đọng, bền lâu. Đôi chân trên cái mái dốc như núi ấy phải “thạch sùng”, phải “có
mắt”. Lúc lợp lên thì không sao, nhưng lúc mái xong rồi, trở xuống không khéo
là vút vùn vụt, con người thành trẻ em cầu trượt, hú hét chưa xong đã méo mặt
ối ối đau quá dưới đất. Gianh sắc lắm nhưng cũng trơn lắm. Bình thường nhìn vạt
gianh thấy mượt mà êm ái, thích, muốn nằm lên. Nhưng lúc bị trượt từ trên mái
xuống, ngang vận tốc… máy bay thì ặc la la, không biết phanh ở chỗ nào. Tôi đã
một lần được nếm cảm giác mạo hiểm ấy. Lần đó, cơ quan lợp lại nhà. Cái nhà 7
gian, gồm Ban Giám hiệu, phòng hội đồng, ba thầy cô tập thể, hai gian nhà kho,
cột chẳng biết bao nhiêu tuổi, nhưng mái cũng bảy mùa mưa. Dẫu nó đã được phủ
một lớp giấy dầu lên cho vừa sang trọng, đẳng cấp vừa tiên phong hứng đạn mưa
nắng nhưng cũng chỉ ăn thua được hai năm. Mùa mưa, đúng ghế hiệu trưởng ngồi bị
dột. Mùa khô, gió Lào phành phạch như gà trống đuổi gà mái, sốt hết cả ruột. Có
người đã nghĩ dại. Thế là quyết định lợp mới, có “động mái” rồi mới phân công
vị trí, công việc… trịnh trọng và trang nghiêm lắm. Tôi thanh niên “dưới xuôi”
được một anh lợp kèm. Khỏi phải nói, tôi sung sướng háo hức như thế nào. Lợp lá
cọ mình nhắm mắt cũng gài từng tầu vào mè. Còn lợp gianh cứ lóng ngóng làm sao.
Động tác rải phên cho xuôi, cân chỉnh thẳng hàng quá đơn giản mà tôi phải làm
đi làm lại, và mình tụt lại phía sau lúc nào không biết. Buổi lợp hoàn thành
lúc 12 giờ kém. Mọi người nhẹ như con mèo xuống. Tôi đang ở trên nóc nhà ngắm…
toàn cảnh thị tứ, nghe tiếng gọi, giật mình, và cứ thế vù vù trượt mông. Trong
giây phút làm máy bay bất đắc dĩ ấy, tôi chẳng kịp nghĩ gì. Chỉ khi một tiếng
bịch, tiếp đất mới cảm thấy đau ê ẩm.
Gianh đi vào tôi, tôi chào gianh đầu tiên
như thế. Ba ngày nằm đau, tôi mơ mơ màng màng bay trên cánh rừng gianh. Gió
lốc, quẩn xoáy, những vạt gianh trào lên như núp bên trong là những con hổ đầy
sức mạnh. Chỉ nhìn thì thấy êm mượt quyến rũ, nhưng lớt chớt với nó thì một là
sắc lẹm, chảy máu xong mới biết; hai là trơn trượt xuống vực thẳm.
Được
hơn chục năm tôi cùng gianh hiền hòa thì hết. Ấy là mái ngói, mái bằng rồi, tấm
lợp broxi măng, tôn xanh đỏ úp mặt trên mái nhà. Nhớ nhớ, thiếu thiếu làm sao
khi ngửa cổ nhìn lên. Rồi cũng quen, cũng quên. Thị tứ lên thị trấn, thị xã lên
thành phố, đường vào xã cũng đổ bê tông, xe máy nhiều hơn xe đạp, đường đâu đâu
cũng thấy phố. Người người nhà nhà bận mải làm ăn, vù vèo qua nhau.
Hôm nay, một sự lạ đang trên đường phố. Ba
bốn năm gánh gianh đang tiến vào nội ô, những phên gianh dài, cao lên, người
gánh thấp xuống, như là gianh tự biết đi. Ngược chiều là dòng ô tô, xe máy; gió
tự sinh ào ạt, thốc vào những gánh gianh. Thấy xoay chiều, thấy gìm lại nhưng
gió mạnh cơ hồ những phên gianh sắp bật
tung. Tôi lo lo, nhưng kìa, những phên gianh đang rướn thẳng như những cánh
buồm. Và sau giây phút thăng bằng được, chúng lại từ từ tiến, kiểu tự biết đi.
Gianh một phần đời mình trong đó. Không
dùng làm gì gianh vẫn có, vô tình êm mượt, sắc lẹm ngoài kia. Gianh, xin hãy gọi
tên ngắn gọn vậy thôi, đừng bao giờ gọi cỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét