Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Truyện ngắn Du An - BÊN HỒ - Mới in báo VĂN NGHỆ CÔNG AN (6/7/2015) - http://vnca.cand.com.vn/Truyen/Ben-ho-357581/



Bên hồ

1

Nàng có một đứa con gái.
Y như nàng, da trắng, tóc dài đen mượt, bảy tuổi đã thấy dáng thanh mảnh.
Không giống nàng, đôi mắt to, lúc nào cũng như ngạc nhiên thích thú.
Nàng có nó từ hôm nào - Người bản không biết tính vòng kinh, ngày rụng trứng như thành phố. Nàng chỉ nhớ… sáng ấy, ăn củ sắn luộc từ tối hôm trước, nuốt chưa qua họng thì… ọe ọe, rồi ồng ộc. Băng băng dòng dòng vót vọt sắn loãng, rớt rãi…
Mẹ đến ôm bụng nàng. Nàng rướn thêm mấy chặp nữa nhưng không còn gì cả, chỉ nước mắt nước mũi vẫn đầm mặt, nhòe mắt.
Mẹ vừa lau mặt cho nàng vừa bảo, khổ rồi con ơi, mày chửa rồi.
- Bây giờ tính sao? Bố hất hàm vào con và mẹ.
- Ngủ với ai thì lấy người ấy, còn tính cái gì nữa. Mẹ giọng chắc chắn.

Nàng bảo anh ấy chăm chỉ, khỏe mạnh, tốt lắm. Anh hứa nếu con có thai thì hai đứa sẽ về Thái Bình báo cáo bố mẹ, làm luôn đám cưới dưới đấy, sau lên trên này cưới nữa.
- Thế thì tốt rồi. Nó đã biết mày chửa chưa?
- Mẹ nói thì con mới biết, chưa báo cho anh ấy.
Nàng chạy luôn đi. Cái đập nước đã xong, nhưng anh còn ở lại đợi nghiệm thu. Anh đang uống rượu cùng ba người trong lán. Nàng vào, tim vẫn thình thình, tiếng thở hãy còn ra tai.
Ngồi xuống luôn đi em, gì mà hớt hải thế?
Nàng không nói được, lặng lẽ chống đũa lên miếng cá. Anh nướng cá giỏi như người bản. Chỉ nhìn màu vàng rộm, trong họng, trong bụng đã nhấp nháy. Nhưng hôm nay…
Anh giục ba lần thì nàng ăn. … Chết rồi lại giống ở nhà… Nàng chỉ kịp kêu thầm như thế thì cả dòng thác ào ào qua miệng. Anh chạy sang ôm bụng nàng. Hai anh kia dừng chén.
Một anh hỏi:
- Em bị đau bụng à?
- Không.
- Em ăn gì cũng nôn à?
- Vâng. Em ăn sắn cũng nôn, ăn cá cũng nôn, mùi khói bếp cũng nôn...
Bữa rượu tan. Hai anh kia thì thầm với anh, rồi về. Anh đi dọn dẹp. Nàng bảo để em. Anh không cho, dìu nàng vào giường nằm, tiếp tục bưng bê lau rửa…
Một lúc thì tay anh vào xoa bụng nàng. Nàng thấy khỏe khoắn liền bảo, chúng mình có con rồi. Anh buông tay ra, nằm ngửa, nói - anh rất vui, nhưng anh phải ra thành phố gấp để điều chỉnh hồ sơ nghiệm thu. Nói đoạn anh hôn nàng, bàn tay đi suốt đằng trước, đằng sau nàng. Nàng hít hà, nuốt nuốt như muốn ăn hết anh.

2

Nàng mang đứa bé đỏ hỏn ra cái lều kỷ niệm. Một bà mẹ xanh lét, một đứa con non bấy, một ngôi nhà mái chạm vai, một cái giường một…
Năm ngày thì trong nhà không còn hạt gạo. Trưa ấy, nồi còn độ lưng bát cơm nguội, nàng đổ nước vào nấu cháo. Cháo muối ngon, ăn nhanh hết. Cả chiều, con bé khóc ngặt, nàng không nghĩ ra là để ít nước cháo bón cho nó.
Đến tối thì con bé sưng hết mắt, mặt phồng đỏ. Lâu lâu nó vục vào vú mẹ một tí rồi lại oặt cổ ra. Nàng bóp, dồn dồn từng vú. Không được, chỉ ri rỉ vài giọt nhờ nhờ.
Nàng mở to mắt, thấy nghẹn nghẹn trong cổ, rồi nước mắt bò bò trên má, xuống cằm, hai bầu vú. Nước mắt đang tụ lại ở hai đầu ti như hai giọt sương, to dần trĩu dần. Nàng đưa miệng con bé lại. Nó chụt chụt ngay lập tức, rồi ửa cổ ra ngay. Nhìn mặt con tái dại, nước mắt nàng lại ứa ra. Nàng lấy vạt áo, chặn ngực.
Không, nàng không khóc nữa. Nàng đặt con bé vào giữa giường, quây khít xung quanh bằng chăn, gối, áo rét và buông màn. Chưa yên tâm, nàng xếp bên ngoài một hàng gạch nữa. Nàng nhìn con, nghèn nghẹn - mẹ về bản, một tí mẹ ra, con ngoan nhé.
Nàng khép cái cửa tre lại rồi đứng ngây ra nhìn. Hình như còn thiếu cái gì… Nàng lại mở cửa, đây rồi cái hộp mì tôm hồi anh còn ở đây. Nàng xé toạc lấy một mảnh, viết nhanh bằng cục than - Cháu bé ở trong nhà, mẹ cháu vào bản một tí rồi về.
Nàng nhìn cái cửa tre có tấm biển chữ đen, rồi quay ngoắt, cắm đầu chạy.

May bố mẹ đều đi nương, chỉ có đứa em ở nhà.
- Sao chị phải ở ngoài hồ?
- Chị có con nhưng chưa cưới chồng.
- Thế cứ ở đây không được à?
- …
- Chị ở ngoài hồ nhỡ ngã chết đuối thì sao?
- …
Nàng cúi mặt, lảng chuyện bằng cách đi xuống bếp. Trên chốc chạn có một miếng bí, trong nồi còn một cái đầu cá, thùng gạo còn độ ba bữa… Nàng chần chừ rồi hai lần vục như thằng trộm. Nàng ra chào đứa em, chị về đây thì nó bảo chị đứng lại đã. Nàng giật mình…
- Chị lấy hết gạo trong thùng mà mang về.
- Thôi, chị chỉ lấy thế thôi. Bố biết em lại bị đòn.
- Em đảm bảo không ai biết chuyện này.
Nàng biết em thương mình. Mẹ thương mình. Bố… cũng thương mình. Nhưng nàng yêu thật nên mới có con. Anh ấy sẽ quay lại, đón hai mẹ con nàng về Thái Bình, làm đám cưới… Thái Bình nhà ở liền nhau, đồng lúa bên trên có sáo diều hát gọi, có con cò to bằng bắp đùi… anh vẫn kể thế.
Nàng chạy như bị con chó đuổi. Tưởng sắp đứt hơi thì về đến túp lều. Im lặng im lặng im lặng. Nàng vừa gọi con ơi con ơi vừa giật cửa lao vào.
Đứa bé không làm sao cả. Nó được bế lên, áp vào ngực mẹ, đang hục hặc tìm vú. Nàng bật ba cái cúc, đầu đứa bé và hai vú, xoay quanh nhau. Một lúc thì biết bị mẹ “lừa”, nó ngửa cổ ra khóc.
Áo dài, áo con đã rơi xuống đất để lại một miền trắng mát rượi. Đứa bé tự tìm được sữa. Nàng vui ngắm con, hai má nhịp nhàng tóp lại phồng lên, nghe cả tiếng ực. Sữa từ đâu ra? Sao lúc nãy không có? Nàng ngạc nhiên nhưng thích thú. Nàng xoa trán, xoa mông con, rồi vuốt vuốt vú mình. Khi nàng đã hiểu vì sao có sữa thì đứa bé lại ngửa miệng lên đầu ti mà khóc. Nàng không còn áo mà cởi, giá lớp da này cũng là một cái áo.
Lúc này thì tất cả quần áo tã lót của hai mẹ con đang nằm dưới đất. Nàng ngồi xuống, chầm chậm nhẹ nhẹ, đưa con từ đùi lên. Nàng nằm xuống lấy con làm “bàn tay” vuốt ve từ trên xuống. Một cảm giác khác, lâu lắm rồi nàng mới có. Nó làm cho nàng nhớ. Có gì như cuộn chảy, giật giật, như reo lên, kêu lên.
Nàng nằm im tận hưởng.
Nàng cong người, thấy mình giống cây chuối bóc bẹ trắng muốt. Nàng oằn oài lật trái lật phải, như nước trên nguồn về gặp phai, đầy ắp, sắp ục một tiếng.
Nàng đợi tích tắc vỡ òa.
Đứa bé bị mẹ “bỏ quên” được một bữa no. Trong mơ nàng thấy anh, nghe tiếng ực ực anh uống nàng. Xong cơn, nàng tỉnh, hai bầu vú vẫn căng níc, đứa bé đang quều quào bàn tay bé xíu lên đầu ti. Nàng đã tỉnh hẳn, rã rời, ngồi thừ ra hỏi mình mơ hay thật. Nàng bóp vú, tia sữa bắn mạnh vào mặt con. Nó cười khanh khách tưởng mẹ đùa. Nàng bóp vú nữa, sữa bắn như súng phun nước đồ chơi. Tiếng cười bằng lợi đỏ hỏn của con làm nàng quên hết. Tại sao nàng lại ra “phát minh” này nhỉ? Tại bất ngờ, tại nhớ anh, tại… chẳng biết làm sao lại như thế…
Nàng đặt con xuống, kệ tã lót tí nữa hẵng quấn, trời còn nóng mà. Nàng cúi xuống thơm con. Mỗi cái thơm có một tia nắng đậu đúng trán con - Nàng thôi, tia nắng cũng thôi. Nàng quay nhìn… ối giời ôi,  cánh cửa vẫn thông thống từ nãy đến giờ. Nàng giật mình rồi hết sợ ngay, nơi này chỉ có nàng giống ma mới ở. Những người làm công trình rút hết rồi. Con tôm con cá chưa có vì từ hôm đập làm xong chưa có trận mưa nào.
Nàng chưa mặc quần áo. Căn lều vẫn đang rung rung, gió nhè nhẹ vờn quanh khe liếp, nắng vàng óng nhảy nhót một tí lại ngoái về nàng. Nàng nhìn con, nhìn mình, thấy ngường ngượng, buồn cười thế nào ý…
Nàng đi nấu cơm. Lửa reo gọi một lúc thì nồi “cười”. Một đốm sôi ục ục ở giữa như từ dưới đất, dưới củi, đáy nồi… cứ thế dâng lên, trào ra. Mẹ hay bảo nồi sủi giữa là nhà có khách. Nàng chả bao giờ có khách, khách chỉ đến gia đình thôi, anh ấy chưa về thì chưa có gia đình. Chắc là người vui, nồi cũng vui theo thôi.  
Nàng ăn cơm trong nghèn nghẹn. Nàng nghĩ phải cố, cơm nóng, canh nóng sẽ có nhiều sữa. Nàng như con ngỗng vươn cổ mãi mà vẫn thừa cơm.

3

“Sữa mẹ” lên trang bìa 1 tạp chí ĐẸP. Những nan nứa nhòe, nắng thủy tinh, nổi bật đôi vú căng mọng hồng tươi, đôi mắt mẹ mãn nguyện xuống đôi mắt con ngây thơ. Tất cả sáng bừng lên, sức sống.  
- Đúng là được trời cho, chuyến này chắc Quang Hùng phải chục mâm chiêu đãi.
- Tuyệt thật. Ánh sáng, bố cục, nhân vật tươi mới… khổ quá tôi tìm một chỗ để chê mà không có.
- Đáng nể thật. Người mẫu này… ngoại giao giỏi cũng không dưới chục triệu một “nháy”. Cho xin địa chỉ đi.
Nhận lời khen từ đồng nghiệp, Hùng chỉ cười cười, trốn tránh.

Đến bây giờ Hùng vẫn nghĩ là mơ. Sao lại có túp lều như thế, sao lại thả vào thiên nhiên như thế…?
Hôm ấy, buổi sáng lễ kỷ niệm 70 năm thành lập tỉnh Y, buổi trưa là tiệc chiêu đãi. Đặc sản địa phương toàn tên lạ; gái đẹp địa phương cô nào cũng căng mọng, nói tiếng phổ thông ngọng nghịu mời rượu.
Hùng không thú với món này. Bài vở, lúc bế mạc đã chuyển một cái tin về tòa soạn, còn tư liệu đầy ắp máy ghi âm, máy ảnh sẽ thoải mái, kiểu gì cũng ok. Nhưng đấy chỉ là mặt tiền, kiểu vỗ tay hoan hô mà những thằng ăn lương phải làm.
Bỏ sau lưng ồn ào chúc tụng, Hùng ra, gọi một cái xe ôm.
- Ông đưa tôi đến một bản xa nhất, có gì lạ nhất.
- Xa thì anh phải ngủ lại.
- Không được, mai đoàn anh phải về sớm rồi.
- Thế thì lạ nhất mà đi về trong vòng buổi chiều được không?
- Được, anh về bản em.
Đến bờ hồ, cậu xe ôm bảo, anh đi theo lối này, cái lều em kể ở cuối bờ bên kia.
Hùng men theo hồ, nắng chang chang. Lòng hồ khô khốc, lổn nhổn gạch đá, vỏ bao xi măng… Thế mà cậu xe ôm nói đi nói lại, hồ bản em đẹp lắm, to lắm. Thôi, thông cảm, nó là công trình lớn, lại ngay sát nhà, tự hào phóng đại là đúng thôi, dân nông thôn đâu chả thế.
Hùng đã gần đến cái lều. Khoảng cách đủ thấy rõ - cột tre, vách nứa, mái broximăng, kiểu lán trại xây dựng. Nhìn trời, xung quanh, Hùng chỉnh lại các thông số máy ảnh, rồi bấm mấy kiểu toàn cảnh.
Anh là khách du lịch… nhà em ở đây à… anh lên không biết mua gì em cầm lấy gọi là quà thăm nhà… Hùng chuẩn bị sẵn những câu quen thuộc, tờ hai trăm nghìn khi đôi mắt đã chạm cửa lều.
Những tia nắng vàng vàng tím tím xoay xoáy vào lều. Chợt một luồng gió, những hạt bụi bị cuốn vào, làn nắng bỗng trở nên óng ánh như kim tuyến. Bên trong, không tin ở mắt mình nữa - một tiên nữ, một thiên thần đang phát sáng.
Hùng như mê sảng bấm máy, không nghe tiếng “tách”, không biết thời gian trôi. Tiên nữ cũng không biết một người đàn ông đang say ngắm mình. Làn da, đôi vú vẫn phát sáng. Cảm giác đứa trẻ lớn lên trông thấy sau mỗi nhịp môi bú mẹ.
Hùng đã rút lui lặng lẽ như lúc đến. Tình thế ấy, mà chào nhau một câu thì sẽ ra sao. Sẽ cứng đơ, thô thiển, chết rí như những vỏ bao xi măng dưới hồ kia. Thôi âu cũng là trời xui, trời cho.

4

Dạo này, nàng đi mót ngô, hái cà phê, đào móng nhà thuê… vo véo, tiết kiệm mẹ đủ ăn, nhưng con không đủ sữa. Nàng không hiểu, mình ăn rất khỏe mà tại sao sữa ít thế. Cái hồi mới ra hồ, nhiều ngày mẹ nhịn mà đứa bé chả mấy khi phải khóc.
Bao giờ cũng thế, nhọ mặt người là nàng cắm mặt chạy gằn về. Chân bịch bịch, tim thình thịch, tiếng khóc của con cứ văng vẳng văng vẳng.
Mồ hôi chỗ làm, mồ hôi dọc đường, theo nàng ướt rượt vào lều. Đứa con bập ngay vú, mồ hôi vào miệng nó trước. Khóc ré lên. Nàng lấy tay lau, rẽ mồ hôi ra, một lúc sữa mới vào. Nàng nhìn con nhịp nhàng ực ực, mệt nhọc tan biến.  
Một tuần liền mưa, nàng phải ở nhà nhìn mưa. Mưa to mà dai, từng sợi nước trắng trắng mờ mờ thẳng xuống, cả ngày không dứt lấy một phút. Nàng lên giường nằm, thấy ren rét, tiếng mưa vẫn đập, ồ ồ trên mái bro. Có gì như sờ sợ, nàng đặt con lên ngực. Lạ, nó không hục tìm vú như bình thường.
Dạo ấy, cũng căn lều này, cái giường này, nàng cũng ở trên ngực anh. Anh bảo, cái hồ này sau sẽ nhiều cá lắm. Nàng đã hỏi một câu “rất hay” (anh bảo thế), em là con cá gì? Anh không trả lời mà riết mạnh tấm thân tròn lẳn của nàng xuống. Nàng thấy mình sắp bẹp vào anh, ở trong anh.
Bây giờ thì nàng biết mình là con cá mắc cạn. Ví dụ như nó ở dưới hồ khô chết kia, ăn nắng, ăn vỏ bao xi măng… rồi biến thành đất đá.
Đứa con đã làm bung cúc áo, đang rứt rứt bầu vú; nó cắt xoẹt nghĩ ngợi vẩn vơ của nàng. Nó đang khóc, đập đập chân xuống bụng nàng. Nàng vỗ vỗ vào cái mông êm êm, nựng, con ngoan thì trời hết mưa, mẹ đi làm, sắp được lấy tiền rồi, mẹ mua hộp sữa… sữa nhiều như trời mưa… mưa đi… mưa đi…

Nàng thấy trong người rần rật, cảm giác quen quen lạ lạ đang bò bò trong thịt. Hình như là hôm ấy… mình làm ra sữa? Tiếng ực ực đều đều của con làm nàng nhớ. Nàng xoa con, xoa khắp người mình. Sữa ơi, sữa ơi… ở đâu về đi.
Suốt tuần mưa nàng mặc độc cái quần lót. Nàng nghĩ, như thế cũng là đi làm. Làm thuê lấy tiền mình ăn ra sữa cho con, làm… này, con cũng được nhiều sữa.
Sáng nay trở dậy, trời quang tinh. Nàng bước ra, nước mênh mông, xanh mát tận chân núi. Cái đập khô khốc hôm qua hôm kia, bây giờ đúng là hồ nước, biển nước. Gió thổi, sóng đánh oàm oạp, đuổi nhau đi, dắt nhau về. Nàng nhẹ bâng trên bờ đập, gió đi theo nàng, sóng từ xa cũng nhìn thấy nàng. Nàng đến chỗ nước tràn bờ. Những vỏ bao xi măng bị mắc lại, nước chảy oằn oằn. Nàng khựng lại… rồi lấy cây nứa đẩy một cái. Như chỉ chờ có thế, nước ào, sóng xô. Vèo vèo những bao xi măng đi. Cái trên cành, cái mắc gốc cây bên dưới.

5

Lún xe ôm nhìn chằm chằm nàng. Theo phản xạ nàng nhìn xuống ngực, ngoái đằng sau… kiểm tra mình. Không có gì. Từ ngày đi làm thuê, nàng cẩn thận, không bao giờ có sự cố quần áo.
- Sao em khác thế!
- Khác thế nào?
- Đen này, gầy này…
- … Xấu này…
- Anh không bảo là xấu nhưng… không giống người trong ảnh.        
Nàng cầm tờ báo, tờ báo rơi luôn xuống đất. Lún nhặt lên đưa lại.
- Đúng là em rồi, nhận đi.
- … Sao… em lại thế này?
- Anh biết đâu được… anh chỉ thấy, rồi mang về cho em.
Lún kể, hôm đấy có anh nhà báo… Hôm qua có người đi xe đánh rơi…
Nàng đứng lặng. Chăm chắm nhìn ảnh, như soi như tìm điều gì.
- Người đi xe đánh rơi trông thế nào?
- Nhìn đằng sau không biết. Chỉ thấy đội mũ, quần áo bảo hộ.
Tờ báo lại rơi. Nàng đi như mộng du về phía phố xa xa, Lún cũng lặng lẽ đi theo.
Độ chục ngày sau, nàng nhận được một cuộc điện thoại qua máy chủ nhà. Người đầu dây kia giới thiệu là nhà báo và hỏi anh Mạnh đã về với mẹ con em chưa. Nàng trả lời ngay là chưa, rồi mới hỏi lại làm sao anh biết. Anh xin lỗi và kể chuyện chụp ảnh trộm, tình cờ gặp Mạnh…
Bảy năm nay, nàng bỏ hẳn mót ngô, núi đồi nương rẫy. Nàng chỉ đi phụ vữa, dọn nhà, trông trẻ… tức là chỉ làm những việc ngoài phố. Con gái nàng đã biết nấu cơm, nấu cám lợn. Tối mịt nàng về, nó dọn cơm sẵn, líu ríu khoe đủ chuyện ở nhà. Nàng nhìn tấm ảnh gài trên vách, tự nhiên thấy bực vì nó lớn nhanh quá.

Điện Biên, 08 - 11/5/2015



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét