Tìm kiếm Blog này
Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012
Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012
ALO BẢN PÁNH
Bài đoạt giải ba (không có giải nhất) cuộc thi Thông tin và cuộc sống năm 2011 do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) tổ chức
1.
Người đầu tiên ở bản Pánh có cái a lô bỏ túi là anh cu Thạch, không phải anh mua mà người ta tặng. Anh ngoài cày bừa còn biết thuốc nam, đợt ấy có đoàn thợ làm kênh 135 ở trọ. Một anh bị sỏi thận, chữa đông tây tứ xứ không khỏi. Anh Thạch giúp bài thuốc lá, chưa xong công trình bệnh nhân đã nhẹ cả người, tươi tỉnh, sung sướng. Bệnh nhân hỏi tiền nong công xá thế nào dứt khoát anh Thạch bảo giúp vô tư. Nói đi nói lại mãi, cuối cùng anh Thạch nhận cái di động làm kỉ niệm. Cả nhà ngắm nghía, cùng nhau thử tí, xuống bếp, ra chuồng lợn… tiếng vẫn nét nèn nẹt. Thanh niên bản lác mắt, bảo nhau “con này phải 4 triệu” nghe, gọi, nhắn, nhạc, chụp… đầy đủ.
2.
Bản lấy anh Thạch làm đích. Đứa cố đi rừng ci cóp măng củi; đứa chịu khó đêm đêm ra suối soi cua… đứa “cù lần” quá thì “xin” bà già dăm bao thóc. Thế là, sau đấy mấy tháng, anh cầm tay nheo nhéo bản vắng. Hôm đám cưới mới thấy kinh. Vào mâm rồi, khu thanh niên tất cả như đang ăn bánh gai, học bài: “Chúc ngon miệng nhé”; “Này con Pỏ dây ngồi mâm tao đấy”; “Mâm mày phải xong năm chai nhé…”. Đang ăn lại tèn ten ten trong túi quần, tưởng gì, chỉ bảo mỗi dòng chữ: “Gà già quá mày ạ! Phong bì ba chục thôi đấy”. Mâm người già khó chịu, một ông đến nhắc nhở thì…Con mời ông thử tí. Ông gọi luôn cho thằng con rể tít tận Sông Mã, đã quá.
Cứ thế, di động lên lúc nào không biết, bản Pánh giờ mười hai đứa có, rộng ra cả xã có khi ngót trăm cái.
3.
Nhưng dạo này thấy im re. Tối, thanh niên đi tán gái không thấy tiếng “hát” trong túi quần; đám ma thì đi một nhẽ, còn đám cưới cũng thấy trật tự. Sốt ruột, hỏi ra mới biết… Anh cu Thạch hôm làm ngỡn ruộng cấy, gọi vợ mang cây chuối ra, hết tiền, tức cụ ném luôn, dận chân mấy cái cho xuống bùn đen. Thằng Pha, thằng Họa, cái Sương, cái Bình cũng lưu kho đám a lô. Chẳng phải cả thèm chóng chán mà là a lô nó ăn nhiều mà chả đẻ cho cái gì: Tiền nạp như tống vào mồm thuồng luồng, cơm người cứ lùi dần xuống rau muống, cua rang chịu lâu sao nổi; Mà giao dịch cứ quanh quẩn mãi bọn trong bản xã, ngày nào cũng … Mai bừa đâu đấy? Có đám nào mới không? … Thế là chẳng ai bảo ai, nhất loạt chán chối, muốn tống cái của nợ ấy đi. Nhưng mua vải bán áo, toàn người bản, đơn vị thóc…
“Ai bảo rửng mỡ lên, nào bây giờ lấy lại cho tôi hai tạ thóc”. “Được bao nhiêu cũng tống đi ngay. Để đấy, tê tê buồn buồn nạp tiền vào là cả nhà hát Bài ca trên núi”… Tiếng chì chiết, vặc nhau trong trên sàn nghe mà sót.
Di động về bản, có nguy cơ đi mất. Oai, sĩ bị cái thực dụng cho chết.
Bản, xã vẫn đói, nông nhàn dài dài. Giêng hai, thanh niên ngồi quán cả buổi, năm đứa tiêu được mười nghìn. Bọn đấy còn khá, đa số ra ngồi xổm ngã ba phì phèo điếu Du lịch, ngóng mơ hồ xa xa. Ai gọi phía bên kia đèo? Xe ca từ Hà Nội lên? Hay một cái gì vô hình nhưng mới sẽ đến cuộc sống nghèo nàn quẩn đọng nơi đây. Tuổi trẻ đang khao khát, một cái gì chưa định hình ở phía trước. Còn ông bà già, thương cái dáng ghé tai vào đài nhiều tiếng dán mỡ, sát mặt vào tivi có nghìn con muỗi.
4.
Chương trình 135 bước sang giai đoạn II. Điện, đường, trường, trạm như ở cõi tiên về. Thích nhất là hai thứ: Một là cái đập tít ngọn Nà Sa, con kênh ăm ắp nhìn đã sướng mắt chưa nói lúc mở cống, nước ào ào, băng băng rồi chầm chậm vào ruộng nhà mình; Hai là điểm bưu điện văn hóa xã có phòng máy tính nối mạng In-tơ-nét.
Thanh niên dĩ nhiên là mê như điếu đổ cái thứ hai này. Cái Liến học hết lớp 12 ở nhà sắp cưới chồng thì hoãn… để đi học vi tính cho xã. Học một tuần trên huyện về, nó làm cô giáo cho tất cả. Nó dạy vào “gu gồ” gõ cái gì cũng ra. Nó dạy chát, gửi thư điện tử, nhoay nhoáy nhoay nhoáy. Thanh niên bản hóa ra thông minh, dạy một biết một nửa luôn. Một ngày, hai ngày, mười ngày tất cả đã cầm đầu chuột rê tít. Chả nhớ vào bao nhiêu ngõ ngách, toàn cái chưa thấy bao giờ. Như mơ.
Trồng cây gì? Nuôi con gì ở bản xem ra đã có câu trả lời. Cây lúa vẫn là chủ đạo, mấy năm gần đây năng suất đã lên bốn tạ/ ha nhưng trông vào mỗi nó cũng chỉ đủ ăn, còn bao nhiêu thứ phải chi tiêu. Ma chay, cưới xin, làm nhà, con cái học hành… không thể đừng được. Có nhà đã nuôi trâu, bò, dê… hàng đàn; nghe chừng khá nhưng không thể đại trà. Vốn to thì rủi ro to, cái đói cái nghèo vẫn thập thò đâu đó.
Sau cái di động, anh cu Thạch lại là người đầu tiên nuôi nhím. Đầu anh đã sáng ra, sau những lần vào gu gồ gõ chữ nuôi nhím. Anh thế chấp nhà đất, vay ngân hàng được mười triệu, thế là có đôi nhím giống. Động tí khó khăn, bí bách nào về chăm sóc, phòng bệnh cho nhím là anh lại chạy ra In-tơ-nét. Khó khăn ban đầu đã vượt qua, nhím mẹ đã đẻ được hai nhím bé. Anh bảo mấy thằng bạn cùng nuôi nhưng chúng sợ.
Anh Thạch cô đơn trong những câu chuyện nhạt vì chuyện nuôi nhím không có lời đáp. Một lần vô tình chát, anh gặp một anh cũng nuôi nhím ở tít tận Hòa Bình. Hỏi số di động anh, anh nói thật. Anh kia có cái nic-nêm là nhimban79, khuyên: Thế kỉ 21 rồi, di động như cái xe đạp, xe máy thôi. Suy nghĩ thay đổi đi nhé.
Anh Thạch lại mua di động, chỉ sáu trăm nghìn, làm nhõn hai việc – Nghe gọi, nhắn gửi. Gặp bạn buổi trưa ngoài mạng, tối về lúc ra chuồng nhím thấy hai con đánh nhau, phân màu khác thường… anh gọi ngay. Bạn Hòa Bình, rồi bạn Quảng Ninh, Lạng Sơn; cùng hội cùng thuyền nên chả khách khí, chỉ bảo nhau tỉ mỉ.
Ba năm trôi qua, anh Thạch đã bán được bốn đôi nhím giống. Tiền cũng khá, vợ anh bảo vay thêm một ít để làm lại nhà. Anh dứt khoát chưa được, phải sắm phương tiện đã. Nói là làm, anh rút di động gọi luôn ra phố. Chiều muộn, có tiếng xe máy gằn lên dốc; nhìn xuống hai thanh niên đang khệ nệ bê máy tính lên. Nhoằng cái lắp đặt xong, anh Thạch mở mạng luôn, vào trang nuoinhim.net. Vợ con ồ lên, dán mắt vào ảnh những chú nhím, lông như phát quang.
Chả giấu được, trưa hôm sau, thanh niên bản tụ về nhà anh Thạch. Anh Thạch cho địa chỉ, rồi mở luôn các trang trồng cây gì, nuôi con gì… Anh bảo xem, lấy tài liệu thoải mái nhưng tuyệt đối cấm gêm, sếch. Nhà anh thành điểm bưu điện văn hóa xã thứ hai.
Không biết từ ngày nào tháng nào, trong bản đã có ba đứa làm chuyện lạ. Thằng Pha nuôi dúi, thằng Nghiên nuôi lươn, thằng Hịa ba ba. Chúng đến hỏi anh, anh đang bận, gắt: “Máy đấy, vào mà hỏi thằng gu gồ”. Đấy là ban ngày, còn ban đêm, có lần khuya lắm rồi, anh bị a lô đến… Anh mở mạng hộ em, xem có thằng nào cần mua dúi giống nhé. Anh nhắn cho em, anh gọi cho em… Bực một tí, nhưng anh lại quên ngay khi vào mạng.
Cứ thế, cứ thế, anh Thạch thành trung tâm thông tin của bản Pánh từ bao giờ chẳng biết. Khuyến nông huyện, rồi tỉnh tìm đến anh. Cho sách, cho hướng dẫn đủ loại nuôi trồng. Một lần thầy giáo đến thăm phụ huynh Lường Văn Thạch, biết chuyện liền bảo anh nên lập một cái bờ-lốc. Mấy hôm sau, thanh niên xã đã kháo nhau: “Vào mà xem thachyeunhim hay lắm”.
5. Bản Pánh năm nay đã có đường nhựa chạy qua. Hàng ngày ô tô, xe máy người phố tìm đến mua gà vịt, bò dê, nhím, dúi... Toàn thứ nuôi. Hỏi ở đây rẻ hơn phố được bao nhiêu, trả lời bằng nhau nhưng sạch, mang về chả phải ra chợ tí nào.
Anh Thạch bận nhiều hơn. Không phải anh mới nuôi thêm năm nái lợn rừng mà vẫn cái chuyện a lô, trả lời bằng nói, bằng chữ qua mạng. Anh vui, thanh niên vui, người già thích. Tất cả bảo: “Sang năm phải bầu anh làm Chủ tịch Hội nông dân xã”.
Chữ TÂM lòng mẹ
Mẹ sửa soạn tiền lẻ, chuẩn bị cho ngày ra đi
Mẹ! Ngày giỗ đầu đã qua rồi, con vẫn không tin mẹ đi xa. Con ra vườn gặp vại tương, vào bếp gặp cái rế, bu gà của mẹ. Con về quê nằm giường của mẹ, con ôm cái chăn còn hơi mẹ. Con nằm xuống là thấy mẹ, tỉnh dậy toàn mồ hôi. Con có tội lớn với mẹ, tháng năm bị chân trời nuốt.
Hôm ấy, con tạt qua nhà có một đêm, mẹ tất tả làm cơm, hì hụi nướng cá (món ăn mà con thích nhất). Đến bữa mẹ cứ trệu trạo nhai, nhìn con. Con hốt hoảng nhận ra mẹ gầy đi ghê quá. Con hỏi, mẹ bảo: Chẳng biết làm sao dạo này ăn như ăn rơm, người sút bốn cân. Con đã nói, đợt nghỉ phép tới sẽ về đưa mẹ đi viện khám. Trời ơi! Con người thành phố vô cảm rồi, việc cơ quan mà hơn cả mẹ sao.
Rồi bao thứ linh tinh cuốn con đi, để tháng sau con nhận được tin mẹ bị ung thư. Con đã khóc không ai dỗ được, con đã tát vào mặt con tội bất hiếu. Con ngồi suốt đêm, trời chưa sáng đã phóng xe về. Gần năm trăm cây số xe máy, bao nhiêu đèo dốc cua vòng. Đầu con ong ong hình ảnh mẹ, có lẽ trời đất thông cảm với đứa con báo hiếu muộn mằn nên 9 tiếng đồng hồ con đã về đến nhà mà người xe chẳng hề hấn gì. Mẹ vẫn thế, phấn khởi cười nói khi con trai về. Con lại được nghe mẹ kể chuyện… Ngày xưa nồi cơm nhà mình bốn tầng. Tầng trên cùng toàn sắn hớt cho chó, tầng thứ hai sắn nhiều cơm ít mẹ ăn, tầng thứ ba cơm nhiều sắn ít cho hai con lớn, tầng đáy nồi cơm không cho đứa út. Dân gian nói cái khó ló cái khôn nhưng con nghĩ chả ai khôn được với đói. Chỉ tấm lòng đến tận cùng yêu thương của mẹ mới nấu được nồi cơm có một không hai ấy. Con mờ mờ nhớ ra hồi ấy, mẹ biết làm rất nhiều loại bánh sắn. Bánh nõ chó nhân đũa, bánh dùng, bánh mì, cả bánh chưng sắn nữa. Con nhớ hôm mưa rầm, mẹ ngồi ngoài hiên, nói với mấy người: “Nhà này người lớn thì chả sợ đói, chỉ lo mấy đứa bé thôi”. Người lớn không biết đói, không sợ đói? Sao lại có triết lý như thế? Triết lý này cứ ám ảnh con những đêm tha hương. Để bây giờ con mới ngộ ra rằng – Gặp tình yêu thương của mẹ thì đói khổ cũng phải né xa.
Rồi cái đận đói kém cũng qua. Anh em chúng con biết nhà mình nghèo chăm chỉ, ngoan ngoãn. Con; sáng học, chiều bắt cua, tối đánh lươn xong, ăn vội rồi vào bàn học. Mẹ bên ngọn đèn dầu vá quần áo cho cả nhà. Ánh sáng bé con hắt bóng mẹ trước bàn học, lung linh to lớn. Con đang nghĩ bài toán, giật mình nhìn bóng, nhìn về phía mẹ. Một ngọn gió lùa qua khe vách, cái bóng chao chao trùm xuống con. Con mở to mắt, nắm chặt cây bút. Mẹ đã đi xuống bếp xem nồi cám lợn, cái bóng vẫn nguyên. Con đã kể điều này với các bạn ở lớp và vênh mặt với chúng: Mẹ tao giống bà tiên…Tận năm đi học đại học, thành người lớn rồi, con vẫn tin thế. Lần đầu tiên xa nhà, sống kí túc xá người bốn phương, phố vèo vèo xa lạ. Con nhớ nhà nhớ mẹ quá, nhiều lúc phát điên lên vì trang sách cứ chập chờn mái cọ, cây nhãn, bờ đê. Chiều chiều con ra ngã tư vòng tròn ngóng xa, rồi về, hôm sau lại như thế. Con nhớ mẹ không học được nhưng không dám về, về thì tiền tàu xe không phải là ít, lại khổ mẹ. Đúng lúc ấy thì mẹ đến. Một buổi trưa… con nhảy từ trên giường tầng xuống khi nghe tiếng gọi to ngoài hàng lang – Dũng đâu ra đón mẹ… Con ôm chầm lấy mẹ lắc lắc. Bọn con gái lớp con đồng thanh - Ê ê Dũng bú tí mẹ. Con kệ chẳng xấu hổ, cứ vùi đầu trong hơi ấm của mẹ. Mẹ về phòng, loáng cái thành mẹ của cả lớp. Tất cả hòm, vali của phòng được huy động làm bàn. Quít, khế; chè và cả hai bao thuốc lá Kỳ Hòa... Đấy là quà quê bá thăm các cháu. Con gái xí xúp ăn, con trai trà thuốc, chuyện râm ran. Dũng có mẹ tuyệt vời! Bác ơi cháu làm con dâu bác nhé! Bác ơi anh Dũng mấy đêm trước sụt sịt nhớ mẹ! … Chúng nó tranh nhau nói. Mẹ bảo: Nhà bác trên đấy nhớ Dũng lắm, nhưng bác bảo phải học, hai tháng mới được về thăm nhà một lần. Các cháu cũng thế nhé, cố gắng mà học… Con ngắm mẹ, nhìn bọn chúng nó cũng đang hướng về mẹ. Ở đây chẳng ai giống mẹ, mẹ vẫn quần áo đôi dép nhà quê. Con tự hào về mẹ khi thấy vẻ thèm khát của bạn bè. Mẹ ở một hôm, đi thăm hết các phòng của lớp, thăm thầy giáo chủ nhiệm. Hôm đưa mẹ ra tàu nam nữ một đoàn hẳn mười lăm chiếc xe đạp (không hiểu chúng nó huy động đâu mà tài thế, ngày thường mượn được một cái chửa lốp đã là ghê gớm)
Năm nào con cũng nghỉ hè một tháng về với mẹ. Đúng vào dịp nóng, xóm mình càng nóng hơn – Nông thôn phải nhường điện cho thành phố. Con chỉ độc chiếc quần đùi, ra ra vào vào bứt rứt. Đã có lúc con quay cuồng ý nghĩ, ngán ngẩm quê hương… con sẽ không bao giờ về quê nữa! Nhưng mẹ làm mát lại con. Mẹ nấu canh cua, làm cà xổi; thấy hàng kem rao, mẹ chạy vội ra… Con vẫn là thằng Dũng bé bỏng ngày nào. Con cầm que kem tay run lật bật, con thầm nói với mình lần sau về sẽ sắm cho mẹ hai cái quạt, một cái để bàn, một cái để giường… Rồi sau này cố gắng đưa mẹ đi nghỉ mát Sa Pa. Nhưng hỡi ôi, lần sau, lần sau nữa… những lời thầm nói mãi chưa hiện hình. Tệ hơn, trong lúc trà dư tửu hậu, con đã kể với bạn bè về mẹ, về mình mỗi năm chu cấp cho mẹ mười triệu. Họ kinh ngạc nhìn con, con không biết. Đêm về hết hơi rượu, con lại đập mình xuống giường ruỳnh ruỳnh. Mẹ biết, chắc cũng chỉ lặng im đôi mắt mà thôi.
Người đến chơi với mẹ ngày một nhiều lên. Những lúc hiếm hoi ít khách, mẹ lại lấy sổ ra ghi chép. Ông Nam : 50 nghìn, Bà Luyến: 20 nghìn, ông bà thông gia: 1 cân đường, hộp sữa... Con ghé xem, mẹ bảo… phải nhớ, sau này mẹ đi xa, các con thay mẹ trả nghĩa người ta. Mẹ đã biết mình sắp đi xa, chu đáo cẩn thận. Một sáng, con thấy mẹ ngồi giường giở cái túi ra. Hai bó tiền to, loại một nghìn, loại năm trăm. Con biết rồi, cắn môi cho không bật ra tiếng khóc. Mẹ bảo: Các con lo việc lớn thì để cho mẹ lo việc bé. Lúc việc đến có sẵn đây. Quê mình đám ma có tục người phúng viếng đưa thợ than kèn tiền lẻ lúc viếng, đặc biệt đêm chèo đò đưa hồn sang Tây Trúc. Con nhìn mẹ không kìm được nữa, nấc lên dàn dụa nước mắt. Mẹ chợt ngẩng lên, nghiêm mặt – Không đứa nào được khóc, nước mắt để ngày tiễn mẹ ra đồng. Mẹ cứng rắn để giữ cho cả nhà, chúng con thỉnh thoảng lại vụt ra bụi chuối khóc sùi khóc sụt.
Mẹ bàn giao việc nhà chùa cho các bà ở lại
Thế là một năm rồi con không có mẹ. Mẹ chẳng dặn dò, di chúc gì. Con nhớ lúc mẹ tỉnh sau mấy ngày hôn mê, có người hỏi… Bà có dặn gì không? Mẹ bảo: Không. Ai có tâm thì khắc biết.
Bây giờ người ta treo chữ TÂM nhiều, sơn son thiếp vàng cho ngôi nhà sang trọng. Con không làm kiểu ấy đâu mẹ ạ. Con hiểu chữ tâm là tấm lòng mẹ, cứ sống vì con, vì mọi người thì tự khắc tâm ấy sẽ lan tỏa truyền xa, lâu bền mãi mãi. Con sẽ sống như mẹ, đi đường mẹ.
Bồng bềnh Pú Cai
AT - I. Năm mười lăm tuổi tôi bắt đầu nghe thấy những lời nhận xét về tôi: "Con bé này về sau sẽ khổ". "Nhanh nhẹn tháo vát thì mừng nhưng làm sao đôi má lúc nào cũng hồng rực lên"...
Mẹ tôi thở dài: "Thì giời định làm sao mình chịu vậy. Ai chả có được mất, sướng khổ". Tôi lờ mờ hiểu rằng mọi người đang lo cho tôi. Tôi bị lây nỗi lo của người lớn. Có cái gì vô hình len vào những việc hằng ngày. Nó chầm chậm, nhè nhẹ, thỉnh thoảng làm tôi giật thót mình. Nhưng đấy là chuyện người lớn. Mà tôi vẫn chưa là người lớn.
Những cuộc vui bạn bè cuốn tôi đi. Những bài văn làm tôi tan vào câu chữ, cảm xúc. Dư âm về Thúy Kiều, Kiều Nguyệt Nga... đưa tôi bay lên trong những giấc mơ. Tôi bay đến một vùng toàn cây xanh. Xanh non, ngơ ngác. Tôi không dám thở mạnh bởi những tiếng gì rất lạ. Tập trung nghe thì không thấy, khi mình lướt lướt mấy vòng thì lại thấy. Tôi vừa sợ vừa thích, không dám cựa mình phá giấc mơ. Sáng hôm sau tôi ghi vào nhật ký: "... Khi đi đến tận cùng điều gì thì sẽ được điều đẹp nhất. Rất vui. Chào giấc mơ, mong được gặp lại".
Năm lớp 12, tháng 3, mùa đăng ký thi đại học, cao đẳng. Bố tôi bảo: "Tùy theo sức của mình, tùy con". Mẹ tôi chẳng biết nghĩ việc lớn bao giờ, bảo: "Thôi cứ trường nào gần nhà, chắc chắn đỗ thì theo". Tôi nói: "Người đến ngã ba, ngã tư thì đi chậm lại nhìn ngó. Con nghĩ ba ngày sẽ quyết định". Ba ngày sau, trong bữa cơm tôi bảo với bố mẹ: "Con chẳng biết thế nào nữa. Đau đầu lắm, cứ sợ sợ làm sao...".
Bố bảo: "Con hay thương người, lo lắng thái quá những chuyện không phải của mình, thì nên chọn sư phạm. Ấy là chưa nói khoản học phí mấy năm được miễn. Cũng lớn đấy". Tôi đồng ý, bố nói có lý. Điều riêng tôi hiểu tôi rất sợ trượt cú đầu tiên. Mẹ xưa nay vẫn quen phục tùng, nhất trí, dĩ nhiên vào hùa bố, động viên tôi: "Làm cô giáo cũng hay. Chẳng phải đau đầu, sau này chồng con được nhờ". Tôi chẳng nghĩ xa như thế, chỉ biết lần này phải chắc chắn đỗ trung học sư phạm.
Tôi đỗ thật, đỗ cao, đứng thứ ba trong số thí sinh toàn tỉnh. Tôi thầm biết trước điều này nhưng không dám nói ra. Giấy báo nhập học cầm trong tay rồi mà tôi chẳng vui, chẳng buồn. Có lẽ bất cứ ai, bất cứ điều gì khi lên đỉnh cao rồi thì thấy vắng vẻ buồn hơn. Người ta có thể tiếc nuối "sao không chọn đỉnh cao hơn?" hoặc quyết tâm lấy đỉnh cao này làm bàn đạp lên nữa. Tôi không có ý này nhưng cảm giác của một người thắng trận không đúng tầm cứ làm tôi day dứt không yên. Tôi vào giấc ngủ khó hơn.
Chập chờn tôi lúc ở đỉnh núi này, lúc lại vụt xuống khoảng không đen xì. Tôi đè tay lên ngực mong tim bị nén để ngủ, dẫu ngủ mê cũng cam lòng. Cách ấy xem ra hiệu quả nhưng sáng hôm sau trở dậy, tôi như người phụ vữa ngày đầu tiên trở về. Nặng nề và đau nhức. Người như mượn ai, đầu như đầu giả.
Thế là tôi đã tốt nghiệp trung học sư phạm. Một kết quả đáng ngẩng mặt trong đám bạn bè. Thầy cô chúc mừng tôi. Tôi nghĩ là đúng phải như thế. Có gì đâu, dễ hiểu thôi... Cứ đặt vào hoàn cảnh như thế này: dăm khóa rồi toàn những học sinh trung bình, yếu cứng... đột nhiên xuất hiện một, hai trò viết văn gọn ghẽ, làm toán được một nửa.
Thế là điểm sáng, là tiên tiến, là xuất sắc. Tôi chẳng dám ví mình là con công giữa đàn gà bởi như thế cô độc quá, ác quá. Tôi không háo danh, hãnh tiến, tôi chẳng là gì đâu. Mai này vào đời, ai dám nói trước điều gì! Tôi sẽ làm cô giáo ở đâu? Chiều thứ bảy có hoa trên đỉnh núi hay sương mù chẳng nhìn thấy ai? Ý nghĩ thực tế khiến tôi rụt rè, ít nói hơn. Không biết từ bao giờ, có lẽ trước khi thi tốt nghiệp một tháng, tôi bắt đầu nghĩ về mình.
Trong muôn vàn người đi lên núi, xuống phố
Mê mải những cánh rừng, vùn vụt người xe
Tôi có trong đám đông lố nhố
Giật mình né chạy một giọt sương
Ôi những mái trường mờ mờ đâu đó
Tôi nhắm mắt lại vẫn không nhìn ra...
II.
Mẹ cầm gói cá khô nhét vào túi rồi bảo tôi: "Lên đấy chắc chẳng có chợ búa gì đâu. Phòng hơn chống. Có tí thức ăn mặn yên tâm". Tôi nói: "Thêm một thứ là thêm một phút sưng chân. Chẳng gì bằng hai tay vung, người làm mũi tên lao đi". Bố đi ra đi vào như ngóng như chờ, không thấy ông nói gì. Mãi bố mới buột mồm: "Đã hẹn đúng 6 giờ mà thằng này... nó không đến thì mình đưa đi vậy...". Tôi hỏi: "Bố nói ai? Ai đến? Con đi một mình được, chẳng ai muốn vào tù mà bắt cóc con bố".
Tôi xách túi, bước nhanh ra cổng. Bố chạy ra kéo lại: "Đợi thằng Dếnh, trưởng bản đấy, nó xuống họp, hôm nay cũng về. Con đi cùng nó yên tâm hơn". Bố nói như van xin, chưa bao giờ thấy bố yếu đuối thế. Hình như bố sắp khóc. Tôi thấy mắt ông đỏ khác thường. Tôi thương bố, quay vào. Tôi không sợ người khác lo cho mình nhưng không chịu nổi kiểu lo lắng thái quá.
Chừng mươi phút sau thì có tiếng ngoài cổng: "Bác Thành bảo ai đi cùng cho đi thôi! Nắng rồi!". Tôi đang ở tư thế sẵn sàng liền chào bố mẹ và đi theo Dếnh. Dếnh bảo tôi đưa cái túi cầm hộ. Tôi bảo không nặng. Dếnh chẳng nằn nì như tôi thường thấy những người đàn ông đi với phụ nữ. Dếnh hỏi: "Lên làm cô giáo bản mình à?". Tôi bảo: "Ừ! Phòng giáo dục phân công lên". "Có sợ bản mình không?" - Dếnh tưởng tôi vẫn sát đằng sau, hỏi tiếp. Tôi bắt đầu thấm mệt, chỉ nghe thấy tiếng sợ.
Tôi nói to: "Sợ cái gì mà sợ. Đi theo anh thế này tôi còn chả sợ ...". Dếnh chợt dừng lại, đi ngược lại phía tôi. Mặt Dếnh tái đi, giọng có vẻ không bình tĩnh: "Cô giáo bảo tôi cái gì? Tôi làm trưởng bản không tin tôi thì tôi đi đây!". Dếnh nói và làm thật. Tôi tụt dép chạy theo.Dếnh vẫn đằng trước kia mà không sao đuổi kịp."Anh Dếnh! Anh Dếnh!..." - tôi hét lên.
Mấy người trên nương dừng tay nhìn xuống. Một ông già vừa chạy xuống vừa kêu: "Anh kia đợi nó kìa. Sao không nghe à? Người hay ma đấy!". Không hiểu vì lời ông già hay tiếng hét của tôi mà tôi đuổi kịp Dếnh. Đúng ra là Dếnh đợi tôi. Dếnh ngồi ở cái rễ cây chìa ra đường. Tôi đến thở cả ra tai. Dếnh nhìn thẳng vào tôi, tôi cúi xuống bảo: "Đón cô giáo mà định bỏ rơi à?".
Dếnh bảo: "Không tin thì không đón nữa". Tôi biết Dếnh hiểu lầm, giải thích lúc này là bất lợi. Kinh nghiệm dạy cho tôi rằng nên ít nói, chớ lý luận với người mình đang phụ thuộc. Trong trường hợp cụ thể này chí ít tôi cũng có thổ công suốt sáu tiếng đi bộ. Ở nhà tôi mạnh mẽ thế, không hiểu những lối mòn lành lạnh xuyên qua những cánh rừng mãi chả thấy bóng người, hay kiểu chẳng xởi lởi chuyện trò của một người đàn ông xa lạ mà tôi lại mềm vía đi?
Chúng tôi lại tiếp tục hành trình. Tôi chủ động nói chuyện với Dếnh. Đại loại chuyện vợ con Dếnh, nương rẫy, chăn nuôi... Dếnh ngắt một chiếc lá thổi. Tôi chưa nghe loại nhạc này bao giờ. Tiếng thanh nhưng không lanh lảnh. Cứ mềm mại lúc như con chim gì bé tí hót, lúc lại như tiếng trai gái gọi nhau. Dếnh cứ thổi và tôi bồng bềnh, dễ chịu. "Xem ra anh này được đây!". Tôi xuýt phì cười vì ý nghĩ chuyển biến nhanh quá. Đợi cho Dếnh thổi hết bài (tôi đoán vậy vì thấy tiết tấu lặp lại), tôi đánh bạo bảo: "Anh dạy em thổi được không?".
Dếnh bảo: "Không được đâu! Lá rừng chọn người đấy". Tôi bảo: "Em thổi kèn lá chuối rồi. Lại có anh dạy, lá rừng chắc phải nghe em". Giọng tôi trở nên mềm mại, tôi thấy ngường ngượng (chắc Dếnh không biết). Dếnh đã ngắt một chiếc lá chiều tôi. Tôi kẹp ngang lá, bập bập môi dạo. Chỉ có tiếng phù phù, tiếng hơi như người ta thổi bếp.
Tôi nghĩ Dếnh sẽ cười. Không. Dếnh bảo: "Khó hơn lấy củi đấy. Khi nào tự thổi thì khắc biết thổi". Tôi không hiểu, có lẽ Dếnh không diễn đạt rõ được bằng tiếng phổ thông. Tôi tự hiểu rằng thời gian, tình cảm, nhạc rừng sẽ ngấm vào mình. Tự nhiên một hôm nào đó mình sẽ thổi hay như Dếnh bây giờ.
III.
Pú Cai là bản người Mông có 21 nóc nhà. Lớp học nằm trên một sườn núi, nghe nói ngày xưa trồng toàn thuốc phiện. Dếnh bảo: "Chỗ này là giữa bản đấy". Tôi nhìn ra xa xung quanh chỉ thấy được bảy nhà. Bảy cái đốm nắng ngủ trưa, chẳng biết khi nào mở cửa. Nhà Dếnh ở sát lớp học. Dếnh đưa tôi sang lớp. Một ngôi nhà cột gỗ bằng bắp chân, lợp gianh, ba gian ngoài làm chỗ học, một gian trong cho cô giáo ở. Tôi bước vào căn phòng của mình.
Nhìn ngó và thử. "Nếu cô giáo sợ ma thì ngủ nhà tôi" - Dếnh nói không có vẻ đùa. Dếnh ơi! Pú Cai ơi! Tôi đã lên đây rồi, tôi còn sợ gì nữa. Cái đáng sợ là cô đơn. Điều này tôi cũng đã được rèn luyện một tháng nay từ khi quyết định... Cứ đi theo sự phân công.
Buổi đầu tiên lên lớp thật là buồn cười. Cao thấp lố nhố học trò, véo von tiếng Mông, tiếng phổ thông. Có đứa cao lớn khềnh khàng. Có đứa bé tí nằm ngủ trên địu. Đứa có cặp siêu nhân mua dưới phố. Đứa cầm mỗi cái bút. Chúng vòng trong vòng ngoài quây lấy tôi, ngớ nhìn. "Cô giáo đẹp quá!". Bản năng con gái khiến tôi phấn chấn. "Cô giáo dạy cho xem đi!" - Tiếng một người già lơ lớ. Tôi mải với học trò bên trong, bây giờ mới nhìn ra. Cửa lớp, ngoài sân rất nhiều phụ huynh đang xem.
Tôi ra ngoài chào họ. Tất cả nhìn tôi như tin, như không tin, săm soi đằng trước, đằng sau. Tôi đỏ mặt... Tháng sau tôi mới biết đấy là niềm sung sướng, ngạc nhiên. Pú Cai trước có một cô lên được ba ngày toàn khóc rồi về. Một thầy giáo ở được sang tận mùa mưa, nói bảo xuống thành phố chữa bệnh và mãi không thấy lên. Tôi hiểu tôi là cơn mưa giữa mùa tra hạt.
Buổi học đầu tiên hóa ra không khó khăn như tôi dự tính. Mười bốn học trò thì sáu đứa còn nhớ mặt chữ. Năm đứa cả tiếng Việt, toán chấp nhận được. Chỉ còn ba đứa chưa viết được chữ, tính toán trong phạm vi 10 vẫn vấp. Tôi vui, mãi nhá nhem tối mới cho trò nghỉ.
Tôi cắp cặp ra thì Dếnh vừa từ nhà bước sang: "Mình với vợ mình bảo cô giáo sang ăn cơm. Mai đi nương tất cả rồi không ăn được đâu". Dếnh nói, tôi hiểu rằng đây là bữa cơm gặp mặt. Có thể thay mặt bản chào mừng, cảm ơn cô giáo đem cái chữ về. Đại loại sẽ lễ nghĩa như thế. Dếnh về trước, tôi về phòng cất cặp rồi sang ngay. Bếp lửa cháy đùng đùng, nồi nước thịt to đang sôi. Vợ Dếnh xách một xô rau, vặt ném vào.
Tôi chạy lại, cầm lấy cái xô, vợ Dếnh gạt tay và nói gì đó. Dếnh bảo: "Cứ kệ nó làm thôi. Nó quen rồi mà". Dếnh ngồi hút thuốc lào. Tôi chẳng biết làm gì chạy ra bế đứa bé đang đứng nhìn. Dếnh bảo: "Hôm nay nó cũng đi học đấy". "Trường mầm non ở chỗ nào?" - tôi hỏi.
Dếnh chỉ vào đứa lớn: "Anh nó địu nó đi theo. Ở nhà không có người chơi. Tôi phải đi nốt mấy nhà bảo làm đất nhanh lên để mang ngô giống mới về". Tôi vuốt má đứa bé. Nó nhìn tôi, đôi mắt rất đẹp, sáng. Dếnh nhìn con, nhìn tôi. Nếu nghệ sĩ chụp được kiểu ảnh lúc này chắc chắn sẽ đặt tên là hạnh phúc. Tôi vớ vẩn nghĩ và cười thầm.
Tôi phát hiện ra mình biết uống rượu khi đến chén thứ ba Dếnh rót tiếp, tôi không có động tác từ chối. Dếnh hỏi tôi: "Ở bản có sợ không?". Tôi bảo: "Toàn học trò với phụ huynh thì sợ cái gì!". Dếnh hỏi tiếp: "Bao giờ thì cô giáo bỏ về?". Tôi đặt đôi đũa xuống, mặt nóng bừng bừng. May tôi kịp trấn tĩnh lại. Tôi ở với họ, họ nói thật tôi lại nghĩ này nọ, kiểu phố xá thị trấn.
Ý nghĩ dại dột đi rồi tôi vẫn không được tự nhiên như trước nữa. Dếnh kể (có vẻ Dếnh đã hiểu): "Có một cô còn đẹp hơn cô lên đến đây chỉ khóc chẳng dạy chữ nào, ba ngày thì về. Có một thầy lên tiếp, toàn đi chơi bản xa ba bốn hôm liền. Về dạy trẻ con không hiểu cứ dạy. Sang đến mùa mưa thì xuống mãi không lên nữa... Cô giáo ở đây mãi chứ?".
Dếnh chợt nắm lấy tay tôi. Tôi giật mình sợ, rụt tay. Vợ Dếnh lặng lẽ rót tiếp rượu vào hai cái chén. Không thấy chị phản ứng gì (hay là chị không nói). Nhưng gương mặt chị chẳng hề bất chợt tối sầm. Ngược lại ánh lửa phản vào cứ hồng rực. Có lẽ là tôi suy bụng ta ra bụng người. Tệ thật.
Hình như Dếnh bảo trước nên chị vợ đang dọn dẹp giường, chăn. Dếnh sợ tôi say, một mình bên phòng không yên tâm. Tôi bảo không say và thật sự thế. Tôi về, Dếnh đưa sang tận phòng đợi tôi trùm chăn xong còn bảo: "Tôi đặt bó củi ngoài cửa đấy. Không sợ gì đâu".
Tôi lên giường đắp chăn. Hơi của mẹ vẫn đâu đây, đằm đằm, mênh mang như nương ngô, ruộng lúa. Tôi thấy mẹ ở đầu cơn gió, mái tóc dài mãi về phía tôi. Tôi chạy lên, chạy lên... mẹ vẫn cứ xa xa với nụ cười hiền hậu. Mẹ ơi! Con ở Pú Cai rồi. Mười ngày nữa có người ở bản xuống thị trấn lấy ngô giống con sẽ về thăm mẹ. Chẳng biết mẹ bảo con béo hay gầy đây.
Hàng xóm sẽ bảo con sướng hay khổ đây. Chắc chắn là hơi gầy và đen mẹ ạ! Con quyết định rồi, sẽ dạy học một buổi, một buổi đến từng nhà, có việc gì giúp việc ấy như lấy nước, tắm rửa cho các cháu bé... Người Mông quý cô giáo lắm mẹ ạ. Cái Lìa con anh Dếnh (anh hôm đón con lên đấy) cứ nhận con là mẹ. Con ngại quá nhưng nó yêu mình, cả nhà họ quý mình, thế càng tốt mẹ nhỉ! Chủ nhật này con sẽ đi nương với nhà anh.
Tôi chìm vào giấc ngủ trong tiếng xào xạc mái gianh, tiếng chó sủa ma, tiếng trẻ khóc và người mẹ đang dỗ nựng. Trời đất Pú Cai bồng bềnh. Giấc ngủ thật nhẹ và sâu.
DU AN (Hội VHNT Điện Biên)
Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012
"Sao khắp" bản mường
“Bông hoa văn nghệ đến rồi! Mừng lắm rồi! Chuẩn bị uống rượu nghe hát thôi…!”. Cả bản đã đón chị Lường Thị Song - một trong số những người hát hay nhất của dân tộc Thái tỉnh Điện Biên - như thế. Chị và nhiều nghệ nhân ca hát khác ở Điện Biên nếu xét ở góc độ người hâm mộ thì đang là sao… sao khắp (hát) bản mường.
Chị Lường Thị Song, "sao" khắp Thái số 1 của Điện Biên
Chị Lường Thị Song, "sao" khắp Thái số 1 của Điện Biên
“HÁT NHƯ ĂN CƠM, LÀM RUỘNG, ĐI NƯƠNG”
Khi tôi tỏ ý thán phục người Thái hát hay, hát giỏi thì ông Lò Pánh Cương 52 tuổi, nghệ nhân khắp Thái ở bản Na Vai (xã Xam Mứn, huyện Điện Biên) cười, nói: “Ô! người Thái hát như ăn cơm, làm ruộng, đi nương thôi”.
Theo bà Trần Minh Thư (nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian, trưởng phòng nghiệp vụ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên) thì khắp Thái có từ nghìn xưa, phần lời cho khắp lấy từ các nguồn: Truyện thơ dân gian (Xống chụ xon xao, Tản chụ xiết xương, Hiến hom…), nghệ nhân sáng tác và chính “ca sỹ” ứng tác luôn trong quá trình ngân nga. Tất cả nguồn lời kể trên đều được vận dụng một cách linh hoạt, miễn sao phù hợp hoàn cảnh tâm trạng… Sân khấu cũng hết sức ngẫu hứng… Là đám cưới, đám lên nhà mới; trên nương, dưới ruộng; trai gái gặp nhau…
Có hai loại khắp: Khắp mo (các thầy mo trong vai trò kể chuyện bản mường, lịch sử đời người, vùng đất…qua những lời cúng) dùng trong những dịp mang tính nghi lễ tín ngưỡng và khắp dân ca. Nếu như ở khắp mo qui định tính khuôn mẫu, bài bản chặt chẽ thì khắp dân ca hết sức tự nhiên gần gũi với mọi đối tượng. Khắp dân ca có thể quam khắp chiên lang (đơn ca), mọi người xai xương (làm bè) những câu đoạn thích thú; nhưng đa số chia làm hai bên (thường là nam nữ) hát đối đáp. Bên nâng bạn hát của mình lên bằng những mỹ từ, phép so sánh với những gì đẹp nhất; bên đáp lại là lời hạ mình đến xấu xí, chán ngán. Cứ thế trong cái khuôn chung nâng hạ, lời ca đi lại nhịp nhàng. Hãy nghe một đoạn khắp báo sao (hát trai gái):
Chàng trai: Quám pák noọng bàn sứa ỏi thướt/ Bát nhang noọng pàn láy luống kin (Giọng nói em ngọt như mía/ Dáng em đi mềm nhanh như sao chổi)
Cô gái: Nhinh phủ hai hương phôm nho, khôn ta kho xốp pưa nhại lảy/ Sương va pan pha phẻ báu láy lả pi chu sương minh quám bản (Em người xấu, tóc xoăn, mồm rộng, lòng xấu như cắt, lời nói như sét đánh không xứng được anh khen
Chàng trai: Chí au pánh má tánh hướn củ/ Chí au lả minh chụ má tánh hướn kin
(Anh sẽ lấy em cho mẹ, sẽ cưới em làm vợ xây tổ ấm gia đình)
Cô gái: Mák khừa khôm báu xổm nặm phắp/ Báo đắc tản sao cha xia thôi bun luống (Quả cà đắng không hợp nước đường/ Con trai khôn giỏi tìm con gái ngu dại như em chỉ thiệt anh thôi)
Khắp là một loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian, gắn với nhu cầu tự mở lòng, giao lưu. Cho tới nay, trải qua hơn một nghìn năm lịch sử người Thái ở Việt Nam , khắp mặc dù phạm vi hẹp lại nhưng nó vẫn sống động đặc biệt trong những dịp đám cưới, lên nhà mới.
SAO KHẮP BẢN MƯỜNG
“Bác ơi! Bác có phải là ca sỹ người Thái mình không?”. “Sao cháu hỏi thế”, “Cháu nghe giọng bác thấy đúng ca sỹ trong băng Xống chụ xon xao”. Chị Lường Thị Song 47 tuổi, ở bản Co Củ, xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ - kể lần gặp một cháu bé ở chợ trung tâm TP Điện Biên Phủ. Tôi bảo chị là sao ca nhạc thực thụ rồi, chỉ thiếu xin chữ kí thôi. Chị Song phấn khởi kể tiếp… Chục năm nay, khi mùa màng rỗi rãi, chả mấy khi chị được ở nhà; khi vào Na Son, Na Phát; lúc đến Mường Pồn; có khi xuống Thuận Châu (Sơn La), sang Than Uyên (Lai Châu)… theo yêu cầu thính giả. Bản mường người Thái đều gọi chị là “Bông hoa văn nghệ”… Bông hoa văn nghệ đến rồi! Mừng lắm rồi! Chuẩn bị uống rượu nghe hát thôi! Thế là mọi nhà thu xếp công việc, người mấy lạng thịt, người mang con gà bé, người vài cây rau… tập trung tại nhà văn hóa bản (hoặc nhà nào đó rộng rãi). Mâm rượu dải dài đơn sơ, bản nhộn nhịp như có đám, mấy vòng “au hảnh” (uống hết) nâng lên khởi động. Già trẻ gái trai hồi hộp, đón chờ; thế là mình cảm thấy rất tự tin, phấn chấn, thêm yêu nghề hát này… Chị Song bộc bạch.
Theo ông Lò Pánh Cương: Chế độ cho ca sỹ khắp dân ca ngày trước cũng tốt lắm. Người hát hay được mường cấp cho khu ruộng tốt (diện tích tùy theo, nơi nhiều có thể đến vài hécta), tự làm tự ăn, không phải đóng thuế, coi đó như khoản “cát xê” thường xuyên cho “giọng ca vàng” của bản. Bản thân ông Cương suốt thời trai trẻ đến bây giờ đố đám cưới, lên nhà mới nào vắng mặt được. Hát trong đám cưới, ngoài mọi người vui vẻ, đôi lứa hân hoan; lúc về ca sỹ bản luôn được phần gói mang về, đôi cân thịt, rọ cá sấy, trầu cau… Tức là đám cưới có gì, ca sỹ được chủ nhà quà cho thứ ấy mang về. Đấy là sự tôn vinh ái mộ của cộng đồng, còn nhà nước, hiện tại các ca sỹ bản chỉ có thù lao theo việc. Đi hát cho lễ hội, thu thanh ở đài PT TH Tỉnh, đài TNVN phạm vi từ 30.000 đồng đến 150.000 đồng/ bài, gọi là thù lao nghệ thuật...
ĐỂ LỜI CA KHẮP THÁI MÃI NGÂN
“Dân tộc nào cũng thế chỉ cần nói tiếng của mình đã thích rồi, hát thì càng sướng hơn. Khắp Thái sẽ không mất đâu”. Chị Lường Thị Song khẳng định.
Thực tế; Hạn khuống (lối hát đối đáp giao duyên) đã một đi không trở lại dù từng được phục dựng trên sân khấu hoành tráng; chọc sàn đang bị di động cầm tay chỉ lối và… nhiều những nét đẹp văn hoá truyền thống đã bị yếu tố hiện đại lấn át, làm mất. May thay, khắp dân ca vẫn còn, tuy phạm vi có hẹp lại.
Cháu Lò Thị Xuấn (giáo viên trường Mầm non Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, Điện Biên) con gái chị Lường Thị Song, một giọng hát trẻ, rất triển vọng nêu ý kiến: “Nếu các trường học chú ý hơn tới khắp dân ca cho các em vùng người Thái; ngành văn hóa tổ chức nhiều hơn các hội diễn văn nghệ quần chúng, cho mở các lớp dạy hát tiếng Thái tại bản… thì khắp thái sẽ còn mãi, còn khắp nơi”. Cùng chung khát vọng, ông Lò Pánh Cương bày tỏ sự tin tưởng: “Khi nào người Thái còn nói tiếng Thái thì khắp Thái còn mãi vang ngân”.
Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012
CHỌC SÀN XƯA VÀ NAY
“Bặc sao” (Chọc sàn) là một tục đẹp trong tiến trình hôn nhân của trai gái dân tộc Thái. Từ quen nhau, yêu qua ánh mắt rồi mới đến chọc sàn; sau đó còn một chặng dài cha mẹ thưa chuyện, đám cưới, ở rể và tiếp đám cưới… đôi lứa mới về một nhà, nằm cùng một đệm. Với chuyện chọc sàn, đáng tiếc nhiều người từ miền văn hóa khác hoặc chính thanh niên Thái hiện nay đã hiểu sai hoặc không đầy đủ về chuyện tình duyên của trai gái xứ hoa ban.
Du An đang nghe bà Rọn kể chuyện năm 12 tuổi, "anh" đến chọc sàn.
Nguyên bản chọc sàn
Bà Quàng Thị Rọn, 82 tuổi ở bản Na Hy (Xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) rất vui khi tôi hỏi chuyện chọc sàn. Bà nói ông của bà đến chọc sàn bà năm bà 12 tuổi, ông phải ở rể 3 năm mới được làm đám cưới, rồi tiếp 9 năm ở rể nữa, bà mới theo ông về nhà.
Chọc sàn (theo ông Hoàng Thím, dân tộc Thái, 74 tuổi, người duy nhất hiện nay của Điện Biên, khu vực Tây Bắc được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong danh hiệu nghệ nhân dân gian đàn tính năm 2003) là một kiểu giao duyên, ghi dấu cho tình yêu.
Khi mùa vụ xong xuôi, thóc ngô về nhà, đợi gần khuya, chàng trai tìm đến nhà bạn gái... chọc sàn. Hành trang cho lần chọc sàn thường là một hoặc một vài nhạc cụ (pí pặp, loại sáo nhỏ nhất bằng nứa; pí láo pắn, sáo dài 1,2 – 1,4m; nhị, tính tảu, đàn môi). Đến gần nhà cô gái, tiếng pí (tính tảu, đàn môi) cất lên cùng lời ca da diết, cảm thương: … Xưa khốp mu cang ná/ Khốp ma cang bản/ Côn điêu khỏi giản/ Khỏi len mà/ Kháy tu hởư khỏi/ Kháy tu hởư khỏi/ Noọng ơi! Noọng ơi! Có nghĩa là: Hổ cắn lợn giữa ruộng/ Cắn chó giữa bản/ Một mình tôi, tôi sợ/ Tôi chạy về/ Mở cửa cho tôi/ Mở cửa cho tôi/ Em ơi, em ơi.
Chàng thổi pí, hát như móc trái tim của mình giơ lên. Nàng nằm đệm như trên đám gai. Tiếng pí gần lại, gần lại…Đến gầm sàn, chàng lấy một khúc gỗ nhỏ, dài độ 30 – 50 cm, chọc lên đúng chỗ nàng nằm. Là con trai Thái ai cũng biết gian đầu thờ tổ tiên, gian tiếp bố mẹ ngủ, rồi đến gian con trai, con gái.
Chỉ còn tiếng cộc cộc trong đêm vắng. Nàng nghe thấy hết, đợi một lúc thì hỏi mấy câu thăm dò qua sàn xuống dưới. Hồi lâu, lời lên, lời xuống, nếu cảm thấy hợp nhau thì nàng nhón chân đi ra mở cửa, đón chàng vào nhà. Họ ngồi có thể trong nhà hoặc ra “cốc chan” (sàn ngoài), giữ một khoảng cách, không thắp đèn cứ chuyện nhỏ nhẹ trong bóng đêm. Nội dung câu chuyện là đi rừng, làm nương, cha mẹ, bạn bè… thỉnh thoảng xa gần chuyện đôi ta. Cứ chuyện như thế suốt đêm, đến sáng.
Đêm sau, nghe tiếng pí là nàng biết liền. Sau ba bốn đêm chuyện trò như thế thì chàng trai hỏi cô gái có nhất trí làm vợ mình không. Cô gái đồng ý, chàng trai về thưa chuyện với bố mẹ mình và cho bố mẹ đến hỏi. Sau đó là giai đoạn ở rể, chàng trai ăn ngủ, làm lụng tại nhà ải mắt (bố vợ). Khi đó đôi lứa đã gần nhau nhưng vẫn ngủ riêng. Nhanh thì ba ngày, lâu thì một tháng sau bố mẹ chàng trai đi hỏi cưới. Sau đám cưới, đôi lứa mới chính thức là vợ chồng, được chung chăn đệm với nhau, sinh con để cái. Tuy nhiên, theo ông Lò Văn Ơn(người được gọi là Ông vua nhạc cụ dân tộc của Điện Biên) hồi ông còn thanh niên ở bản Tâu (Thanh Nưa, huyện Điện Biên) đêm trước đám cưới đôi lứa được bố mẹ cho Non báo non sào (trai gái ngủ vợ chồng với nhau) để… “Biết hết nhau, thành vợ thành chồng không còn gì ân hận nữa”. Tiếp theo, khoảng sau ba đến sáu năm ở rể (tùy theo nhà gái yêu cầu); chàng trai còn phải một lần tạ ơn bố mẹ vợ đã sinh ra, nuôi dưỡng được vợ cho mình; một lần cưới cuối cùng đưa vợ về nhà nữa. Những lần cưới đó đều mời cả bản đến uống rượu chia vui, chứng kiến.
Và chọc sàn ngày nay
Theo thời gian… chọc sàn cũng biến đổi và đến bây giờ thì gần như mất hẳn. Lò Văn Anh (17 tuổi, hiện đang học lớp 11, trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên) mặc dầu thổi pí pặp làn điệu chọc sàn rất chuẩn nhưng cũng bảo: “Bây giờ bọn em chọc sàn bằng di động thôi, thích nhau thì gọi ra được ngay!”.
Còn Lò Thị Mai (quê xã Mường Pồn, huyện Điện Biên) mới lấy chồng về TP Điện Biên Phủ khi hỏi về chuyện chọc sàn thì cười rũ rượi: “Không có đâu. Yêu nhau như mọi nơi khác thôi”.
Lớp người chọc sàn giao duyên kiểu truyền thống bây giờ cũng đã lên ông lên bà. Trai gái Thái hiện nay, hầu như không chọc sàn nữa, mà tỏ tình rất đơn giản như người Kinh. Thời mở cửa, đời sống vật chất đi lên, nhà sàn đan xen nhà đất mọi thứ cần nhanh tới đích. Tỏ tình không bằng tiếng cộc cộc dưới sàn nữa mà bằng nhắn tin, a lô… Ông Hoàng Thím kể chuyện lần ông về quê thấy đêm khuya các cháu đem ghi- ta ra gọi con gái mà tức. Ông Lò Văn Ơn đang cố gắng chế tác, truyền dạy các nhạc cụ dân tộc Thái, trong đó có các nhạc cụ chuyên để chọc sàn nhưng xem ra tính hành dụng của nó rất thấp.
Ngày xưa ngồi bên nhau không có ngọn đèn làm chứng vẫn sáng trong đến ngày cưới. Ngày nay điện sáng thì rủ nhau lên đồi, ra bờ suối, ngoài quán ở phố tâm sự. Chuyện quan hệ tình dục trước đám cưới tương đối phổ biến dù không phải ở rể ngày nào. Ngày xưa “Ỉn sao” (Đi chơi gái) là đi chơi, nói chuyện với con gái; ngày nay “chơi gái” bị hiểu ngay là nghĩa đen thô thiển!
Ngành văn hóa Điện Biên, cũng như các tỉnh có đồng bào Thái sinh sống đã phục dựng nhiều lễ hội, nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái trong đó có tái hiện cảnh chọc sàn. Nhưng xem ra việc chọc sàn sân khấu hóa không đi được vào đời sống, môi trường hiện đại. Vẫn biết xã hội luôn phát triển, thời gian sẽ thanh lọc những gì còn lại phù hợp nhất. Nhưng trước chọc sàn và nhiều nét đẹp truyền thống khác của các dân tộc đang ở trong tiếng thở dài của người già… tôi lại buồn.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)