“Bông hoa văn nghệ đến rồi! Mừng lắm rồi! Chuẩn bị uống rượu nghe hát thôi…!”. Cả bản đã đón chị Lường Thị Song - một trong số những người hát hay nhất của dân tộc Thái tỉnh Điện Biên - như thế. Chị và nhiều nghệ nhân ca hát khác ở Điện Biên nếu xét ở góc độ người hâm mộ thì đang là sao… sao khắp (hát) bản mường.
Chị Lường Thị Song, "sao" khắp Thái số 1 của Điện Biên
Chị Lường Thị Song, "sao" khắp Thái số 1 của Điện Biên
“HÁT NHƯ ĂN CƠM, LÀM RUỘNG, ĐI NƯƠNG”
Khi tôi tỏ ý thán phục người Thái hát hay, hát giỏi thì ông Lò Pánh Cương 52 tuổi, nghệ nhân khắp Thái ở bản Na Vai (xã Xam Mứn, huyện Điện Biên) cười, nói: “Ô! người Thái hát như ăn cơm, làm ruộng, đi nương thôi”.
Theo bà Trần Minh Thư (nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian, trưởng phòng nghiệp vụ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên) thì khắp Thái có từ nghìn xưa, phần lời cho khắp lấy từ các nguồn: Truyện thơ dân gian (Xống chụ xon xao, Tản chụ xiết xương, Hiến hom…), nghệ nhân sáng tác và chính “ca sỹ” ứng tác luôn trong quá trình ngân nga. Tất cả nguồn lời kể trên đều được vận dụng một cách linh hoạt, miễn sao phù hợp hoàn cảnh tâm trạng… Sân khấu cũng hết sức ngẫu hứng… Là đám cưới, đám lên nhà mới; trên nương, dưới ruộng; trai gái gặp nhau…
Có hai loại khắp: Khắp mo (các thầy mo trong vai trò kể chuyện bản mường, lịch sử đời người, vùng đất…qua những lời cúng) dùng trong những dịp mang tính nghi lễ tín ngưỡng và khắp dân ca. Nếu như ở khắp mo qui định tính khuôn mẫu, bài bản chặt chẽ thì khắp dân ca hết sức tự nhiên gần gũi với mọi đối tượng. Khắp dân ca có thể quam khắp chiên lang (đơn ca), mọi người xai xương (làm bè) những câu đoạn thích thú; nhưng đa số chia làm hai bên (thường là nam nữ) hát đối đáp. Bên nâng bạn hát của mình lên bằng những mỹ từ, phép so sánh với những gì đẹp nhất; bên đáp lại là lời hạ mình đến xấu xí, chán ngán. Cứ thế trong cái khuôn chung nâng hạ, lời ca đi lại nhịp nhàng. Hãy nghe một đoạn khắp báo sao (hát trai gái):
Chàng trai: Quám pák noọng bàn sứa ỏi thướt/ Bát nhang noọng pàn láy luống kin (Giọng nói em ngọt như mía/ Dáng em đi mềm nhanh như sao chổi)
Cô gái: Nhinh phủ hai hương phôm nho, khôn ta kho xốp pưa nhại lảy/ Sương va pan pha phẻ báu láy lả pi chu sương minh quám bản (Em người xấu, tóc xoăn, mồm rộng, lòng xấu như cắt, lời nói như sét đánh không xứng được anh khen
Chàng trai: Chí au pánh má tánh hướn củ/ Chí au lả minh chụ má tánh hướn kin
(Anh sẽ lấy em cho mẹ, sẽ cưới em làm vợ xây tổ ấm gia đình)
Cô gái: Mák khừa khôm báu xổm nặm phắp/ Báo đắc tản sao cha xia thôi bun luống (Quả cà đắng không hợp nước đường/ Con trai khôn giỏi tìm con gái ngu dại như em chỉ thiệt anh thôi)
Khắp là một loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian, gắn với nhu cầu tự mở lòng, giao lưu. Cho tới nay, trải qua hơn một nghìn năm lịch sử người Thái ở Việt Nam , khắp mặc dù phạm vi hẹp lại nhưng nó vẫn sống động đặc biệt trong những dịp đám cưới, lên nhà mới.
SAO KHẮP BẢN MƯỜNG
“Bác ơi! Bác có phải là ca sỹ người Thái mình không?”. “Sao cháu hỏi thế”, “Cháu nghe giọng bác thấy đúng ca sỹ trong băng Xống chụ xon xao”. Chị Lường Thị Song 47 tuổi, ở bản Co Củ, xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ - kể lần gặp một cháu bé ở chợ trung tâm TP Điện Biên Phủ. Tôi bảo chị là sao ca nhạc thực thụ rồi, chỉ thiếu xin chữ kí thôi. Chị Song phấn khởi kể tiếp… Chục năm nay, khi mùa màng rỗi rãi, chả mấy khi chị được ở nhà; khi vào Na Son, Na Phát; lúc đến Mường Pồn; có khi xuống Thuận Châu (Sơn La), sang Than Uyên (Lai Châu)… theo yêu cầu thính giả. Bản mường người Thái đều gọi chị là “Bông hoa văn nghệ”… Bông hoa văn nghệ đến rồi! Mừng lắm rồi! Chuẩn bị uống rượu nghe hát thôi! Thế là mọi nhà thu xếp công việc, người mấy lạng thịt, người mang con gà bé, người vài cây rau… tập trung tại nhà văn hóa bản (hoặc nhà nào đó rộng rãi). Mâm rượu dải dài đơn sơ, bản nhộn nhịp như có đám, mấy vòng “au hảnh” (uống hết) nâng lên khởi động. Già trẻ gái trai hồi hộp, đón chờ; thế là mình cảm thấy rất tự tin, phấn chấn, thêm yêu nghề hát này… Chị Song bộc bạch.
Theo ông Lò Pánh Cương: Chế độ cho ca sỹ khắp dân ca ngày trước cũng tốt lắm. Người hát hay được mường cấp cho khu ruộng tốt (diện tích tùy theo, nơi nhiều có thể đến vài hécta), tự làm tự ăn, không phải đóng thuế, coi đó như khoản “cát xê” thường xuyên cho “giọng ca vàng” của bản. Bản thân ông Cương suốt thời trai trẻ đến bây giờ đố đám cưới, lên nhà mới nào vắng mặt được. Hát trong đám cưới, ngoài mọi người vui vẻ, đôi lứa hân hoan; lúc về ca sỹ bản luôn được phần gói mang về, đôi cân thịt, rọ cá sấy, trầu cau… Tức là đám cưới có gì, ca sỹ được chủ nhà quà cho thứ ấy mang về. Đấy là sự tôn vinh ái mộ của cộng đồng, còn nhà nước, hiện tại các ca sỹ bản chỉ có thù lao theo việc. Đi hát cho lễ hội, thu thanh ở đài PT TH Tỉnh, đài TNVN phạm vi từ 30.000 đồng đến 150.000 đồng/ bài, gọi là thù lao nghệ thuật...
ĐỂ LỜI CA KHẮP THÁI MÃI NGÂN
“Dân tộc nào cũng thế chỉ cần nói tiếng của mình đã thích rồi, hát thì càng sướng hơn. Khắp Thái sẽ không mất đâu”. Chị Lường Thị Song khẳng định.
Thực tế; Hạn khuống (lối hát đối đáp giao duyên) đã một đi không trở lại dù từng được phục dựng trên sân khấu hoành tráng; chọc sàn đang bị di động cầm tay chỉ lối và… nhiều những nét đẹp văn hoá truyền thống đã bị yếu tố hiện đại lấn át, làm mất. May thay, khắp dân ca vẫn còn, tuy phạm vi có hẹp lại.
Cháu Lò Thị Xuấn (giáo viên trường Mầm non Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, Điện Biên) con gái chị Lường Thị Song, một giọng hát trẻ, rất triển vọng nêu ý kiến: “Nếu các trường học chú ý hơn tới khắp dân ca cho các em vùng người Thái; ngành văn hóa tổ chức nhiều hơn các hội diễn văn nghệ quần chúng, cho mở các lớp dạy hát tiếng Thái tại bản… thì khắp thái sẽ còn mãi, còn khắp nơi”. Cùng chung khát vọng, ông Lò Pánh Cương bày tỏ sự tin tưởng: “Khi nào người Thái còn nói tiếng Thái thì khắp Thái còn mãi vang ngân”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét