Bài đoạt giải ba (không có giải nhất) cuộc thi Thông tin và cuộc sống năm 2011 do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) tổ chức
1.
Người đầu tiên ở bản Pánh có cái a lô bỏ túi là anh cu Thạch, không phải anh mua mà người ta tặng. Anh ngoài cày bừa còn biết thuốc nam, đợt ấy có đoàn thợ làm kênh 135 ở trọ. Một anh bị sỏi thận, chữa đông tây tứ xứ không khỏi. Anh Thạch giúp bài thuốc lá, chưa xong công trình bệnh nhân đã nhẹ cả người, tươi tỉnh, sung sướng. Bệnh nhân hỏi tiền nong công xá thế nào dứt khoát anh Thạch bảo giúp vô tư. Nói đi nói lại mãi, cuối cùng anh Thạch nhận cái di động làm kỉ niệm. Cả nhà ngắm nghía, cùng nhau thử tí, xuống bếp, ra chuồng lợn… tiếng vẫn nét nèn nẹt. Thanh niên bản lác mắt, bảo nhau “con này phải 4 triệu” nghe, gọi, nhắn, nhạc, chụp… đầy đủ.
2.
Bản lấy anh Thạch làm đích. Đứa cố đi rừng ci cóp măng củi; đứa chịu khó đêm đêm ra suối soi cua… đứa “cù lần” quá thì “xin” bà già dăm bao thóc. Thế là, sau đấy mấy tháng, anh cầm tay nheo nhéo bản vắng. Hôm đám cưới mới thấy kinh. Vào mâm rồi, khu thanh niên tất cả như đang ăn bánh gai, học bài: “Chúc ngon miệng nhé”; “Này con Pỏ dây ngồi mâm tao đấy”; “Mâm mày phải xong năm chai nhé…”. Đang ăn lại tèn ten ten trong túi quần, tưởng gì, chỉ bảo mỗi dòng chữ: “Gà già quá mày ạ! Phong bì ba chục thôi đấy”. Mâm người già khó chịu, một ông đến nhắc nhở thì…Con mời ông thử tí. Ông gọi luôn cho thằng con rể tít tận Sông Mã, đã quá.
Cứ thế, di động lên lúc nào không biết, bản Pánh giờ mười hai đứa có, rộng ra cả xã có khi ngót trăm cái.
3.
Nhưng dạo này thấy im re. Tối, thanh niên đi tán gái không thấy tiếng “hát” trong túi quần; đám ma thì đi một nhẽ, còn đám cưới cũng thấy trật tự. Sốt ruột, hỏi ra mới biết… Anh cu Thạch hôm làm ngỡn ruộng cấy, gọi vợ mang cây chuối ra, hết tiền, tức cụ ném luôn, dận chân mấy cái cho xuống bùn đen. Thằng Pha, thằng Họa, cái Sương, cái Bình cũng lưu kho đám a lô. Chẳng phải cả thèm chóng chán mà là a lô nó ăn nhiều mà chả đẻ cho cái gì: Tiền nạp như tống vào mồm thuồng luồng, cơm người cứ lùi dần xuống rau muống, cua rang chịu lâu sao nổi; Mà giao dịch cứ quanh quẩn mãi bọn trong bản xã, ngày nào cũng … Mai bừa đâu đấy? Có đám nào mới không? … Thế là chẳng ai bảo ai, nhất loạt chán chối, muốn tống cái của nợ ấy đi. Nhưng mua vải bán áo, toàn người bản, đơn vị thóc…
“Ai bảo rửng mỡ lên, nào bây giờ lấy lại cho tôi hai tạ thóc”. “Được bao nhiêu cũng tống đi ngay. Để đấy, tê tê buồn buồn nạp tiền vào là cả nhà hát Bài ca trên núi”… Tiếng chì chiết, vặc nhau trong trên sàn nghe mà sót.
Di động về bản, có nguy cơ đi mất. Oai, sĩ bị cái thực dụng cho chết.
Bản, xã vẫn đói, nông nhàn dài dài. Giêng hai, thanh niên ngồi quán cả buổi, năm đứa tiêu được mười nghìn. Bọn đấy còn khá, đa số ra ngồi xổm ngã ba phì phèo điếu Du lịch, ngóng mơ hồ xa xa. Ai gọi phía bên kia đèo? Xe ca từ Hà Nội lên? Hay một cái gì vô hình nhưng mới sẽ đến cuộc sống nghèo nàn quẩn đọng nơi đây. Tuổi trẻ đang khao khát, một cái gì chưa định hình ở phía trước. Còn ông bà già, thương cái dáng ghé tai vào đài nhiều tiếng dán mỡ, sát mặt vào tivi có nghìn con muỗi.
4.
Chương trình 135 bước sang giai đoạn II. Điện, đường, trường, trạm như ở cõi tiên về. Thích nhất là hai thứ: Một là cái đập tít ngọn Nà Sa, con kênh ăm ắp nhìn đã sướng mắt chưa nói lúc mở cống, nước ào ào, băng băng rồi chầm chậm vào ruộng nhà mình; Hai là điểm bưu điện văn hóa xã có phòng máy tính nối mạng In-tơ-nét.
Thanh niên dĩ nhiên là mê như điếu đổ cái thứ hai này. Cái Liến học hết lớp 12 ở nhà sắp cưới chồng thì hoãn… để đi học vi tính cho xã. Học một tuần trên huyện về, nó làm cô giáo cho tất cả. Nó dạy vào “gu gồ” gõ cái gì cũng ra. Nó dạy chát, gửi thư điện tử, nhoay nhoáy nhoay nhoáy. Thanh niên bản hóa ra thông minh, dạy một biết một nửa luôn. Một ngày, hai ngày, mười ngày tất cả đã cầm đầu chuột rê tít. Chả nhớ vào bao nhiêu ngõ ngách, toàn cái chưa thấy bao giờ. Như mơ.
Trồng cây gì? Nuôi con gì ở bản xem ra đã có câu trả lời. Cây lúa vẫn là chủ đạo, mấy năm gần đây năng suất đã lên bốn tạ/ ha nhưng trông vào mỗi nó cũng chỉ đủ ăn, còn bao nhiêu thứ phải chi tiêu. Ma chay, cưới xin, làm nhà, con cái học hành… không thể đừng được. Có nhà đã nuôi trâu, bò, dê… hàng đàn; nghe chừng khá nhưng không thể đại trà. Vốn to thì rủi ro to, cái đói cái nghèo vẫn thập thò đâu đó.
Sau cái di động, anh cu Thạch lại là người đầu tiên nuôi nhím. Đầu anh đã sáng ra, sau những lần vào gu gồ gõ chữ nuôi nhím. Anh thế chấp nhà đất, vay ngân hàng được mười triệu, thế là có đôi nhím giống. Động tí khó khăn, bí bách nào về chăm sóc, phòng bệnh cho nhím là anh lại chạy ra In-tơ-nét. Khó khăn ban đầu đã vượt qua, nhím mẹ đã đẻ được hai nhím bé. Anh bảo mấy thằng bạn cùng nuôi nhưng chúng sợ.
Anh Thạch cô đơn trong những câu chuyện nhạt vì chuyện nuôi nhím không có lời đáp. Một lần vô tình chát, anh gặp một anh cũng nuôi nhím ở tít tận Hòa Bình. Hỏi số di động anh, anh nói thật. Anh kia có cái nic-nêm là nhimban79, khuyên: Thế kỉ 21 rồi, di động như cái xe đạp, xe máy thôi. Suy nghĩ thay đổi đi nhé.
Anh Thạch lại mua di động, chỉ sáu trăm nghìn, làm nhõn hai việc – Nghe gọi, nhắn gửi. Gặp bạn buổi trưa ngoài mạng, tối về lúc ra chuồng nhím thấy hai con đánh nhau, phân màu khác thường… anh gọi ngay. Bạn Hòa Bình, rồi bạn Quảng Ninh, Lạng Sơn; cùng hội cùng thuyền nên chả khách khí, chỉ bảo nhau tỉ mỉ.
Ba năm trôi qua, anh Thạch đã bán được bốn đôi nhím giống. Tiền cũng khá, vợ anh bảo vay thêm một ít để làm lại nhà. Anh dứt khoát chưa được, phải sắm phương tiện đã. Nói là làm, anh rút di động gọi luôn ra phố. Chiều muộn, có tiếng xe máy gằn lên dốc; nhìn xuống hai thanh niên đang khệ nệ bê máy tính lên. Nhoằng cái lắp đặt xong, anh Thạch mở mạng luôn, vào trang nuoinhim.net. Vợ con ồ lên, dán mắt vào ảnh những chú nhím, lông như phát quang.
Chả giấu được, trưa hôm sau, thanh niên bản tụ về nhà anh Thạch. Anh Thạch cho địa chỉ, rồi mở luôn các trang trồng cây gì, nuôi con gì… Anh bảo xem, lấy tài liệu thoải mái nhưng tuyệt đối cấm gêm, sếch. Nhà anh thành điểm bưu điện văn hóa xã thứ hai.
Không biết từ ngày nào tháng nào, trong bản đã có ba đứa làm chuyện lạ. Thằng Pha nuôi dúi, thằng Nghiên nuôi lươn, thằng Hịa ba ba. Chúng đến hỏi anh, anh đang bận, gắt: “Máy đấy, vào mà hỏi thằng gu gồ”. Đấy là ban ngày, còn ban đêm, có lần khuya lắm rồi, anh bị a lô đến… Anh mở mạng hộ em, xem có thằng nào cần mua dúi giống nhé. Anh nhắn cho em, anh gọi cho em… Bực một tí, nhưng anh lại quên ngay khi vào mạng.
Cứ thế, cứ thế, anh Thạch thành trung tâm thông tin của bản Pánh từ bao giờ chẳng biết. Khuyến nông huyện, rồi tỉnh tìm đến anh. Cho sách, cho hướng dẫn đủ loại nuôi trồng. Một lần thầy giáo đến thăm phụ huynh Lường Văn Thạch, biết chuyện liền bảo anh nên lập một cái bờ-lốc. Mấy hôm sau, thanh niên xã đã kháo nhau: “Vào mà xem thachyeunhim hay lắm”.
5. Bản Pánh năm nay đã có đường nhựa chạy qua. Hàng ngày ô tô, xe máy người phố tìm đến mua gà vịt, bò dê, nhím, dúi... Toàn thứ nuôi. Hỏi ở đây rẻ hơn phố được bao nhiêu, trả lời bằng nhau nhưng sạch, mang về chả phải ra chợ tí nào.
Anh Thạch bận nhiều hơn. Không phải anh mới nuôi thêm năm nái lợn rừng mà vẫn cái chuyện a lô, trả lời bằng nói, bằng chữ qua mạng. Anh vui, thanh niên vui, người già thích. Tất cả bảo: “Sang năm phải bầu anh làm Chủ tịch Hội nông dân xã”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét