Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Chữ TÂM lòng mẹ


Mẹ sửa soạn tiền lẻ, chuẩn bị cho ngày ra đi
Mẹ! Ngày giỗ đầu đã qua rồi, con vẫn không tin mẹ đi xa. Con ra vườn gặp vại tương, vào bếp gặp cái rế, bu gà của mẹ. Con về quê nằm giường của mẹ, con ôm cái chăn còn hơi mẹ. Con nằm xuống là thấy mẹ, tỉnh dậy toàn mồ hôi. Con có tội lớn với mẹ, tháng năm bị chân trời nuốt.
Hôm ấy, con tạt qua nhà có một đêm, mẹ tất tả làm cơm, hì hụi nướng cá (món ăn mà con thích nhất). Đến bữa mẹ cứ trệu trạo nhai, nhìn con. Con hốt hoảng nhận ra mẹ gầy đi ghê quá. Con hỏi, mẹ bảo: Chẳng biết làm sao dạo này ăn như ăn rơm, người sút bốn cân. Con đã nói, đợt nghỉ phép tới sẽ về đưa mẹ đi viện khám. Trời ơi! Con người thành phố vô cảm rồi, việc cơ quan mà hơn cả mẹ sao.
Rồi bao thứ linh tinh cuốn con đi, để tháng sau con nhận được tin mẹ bị ung thư. Con đã khóc không ai dỗ được, con đã tát vào mặt con tội bất hiếu. Con ngồi suốt đêm, trời chưa sáng đã phóng xe về. Gần năm trăm cây số xe máy, bao nhiêu đèo dốc cua vòng. Đầu con ong ong hình ảnh mẹ, có lẽ trời đất thông cảm với đứa con báo hiếu muộn mằn nên 9 tiếng đồng hồ con đã về đến nhà mà người xe chẳng hề hấn gì. Mẹ vẫn thế, phấn khởi cười nói khi con trai về. Con lại được nghe mẹ kể chuyện… Ngày xưa nồi cơm nhà mình bốn tầng. Tầng trên cùng toàn sắn hớt cho chó, tầng thứ hai sắn nhiều cơm ít mẹ ăn, tầng thứ ba cơm nhiều sắn ít cho hai con lớn, tầng đáy nồi cơm không cho đứa út. Dân gian nói cái khó ló cái khôn nhưng con nghĩ chả ai khôn được với đói. Chỉ tấm lòng đến tận cùng yêu thương của mẹ mới nấu được nồi cơm có một không hai ấy. Con mờ mờ nhớ ra hồi ấy, mẹ biết làm rất nhiều loại bánh sắn. Bánh nõ chó nhân đũa, bánh dùng, bánh mì, cả bánh chưng sắn nữa. Con nhớ hôm mưa rầm, mẹ ngồi ngoài hiên, nói với mấy người: “Nhà này người lớn thì chả sợ đói, chỉ lo mấy đứa bé thôi”. Người lớn không biết đói, không sợ đói? Sao lại có triết lý như thế? Triết lý này cứ ám ảnh con những đêm tha hương. Để bây giờ con mới ngộ ra rằng – Gặp tình yêu thương của mẹ thì đói khổ cũng phải né xa.
Rồi cái đận đói kém cũng qua. Anh em chúng con biết nhà mình nghèo chăm chỉ, ngoan ngoãn. Con; sáng học, chiều bắt cua, tối đánh lươn xong, ăn vội rồi vào bàn học. Mẹ bên ngọn đèn dầu vá quần áo cho cả nhà. Ánh sáng bé con hắt bóng mẹ trước bàn học, lung linh to lớn. Con đang nghĩ bài toán, giật mình nhìn bóng, nhìn về phía mẹ. Một ngọn gió lùa qua khe vách, cái bóng chao chao trùm xuống con. Con mở to mắt, nắm chặt cây bút. Mẹ đã đi xuống bếp xem nồi cám lợn, cái bóng vẫn nguyên. Con đã kể điều này với các bạn ở lớp và vênh mặt với chúng: Mẹ tao giống bà tiên…Tận năm đi học đại học, thành người lớn rồi, con vẫn tin thế. Lần đầu tiên xa nhà, sống kí túc xá người bốn phương, phố vèo vèo xa lạ. Con nhớ nhà nhớ mẹ quá, nhiều lúc phát điên lên vì trang sách cứ chập chờn mái cọ, cây nhãn, bờ đê. Chiều chiều con ra ngã tư vòng tròn ngóng xa, rồi về, hôm sau lại như thế. Con nhớ mẹ không học được nhưng không dám về, về thì tiền tàu xe không phải là ít, lại khổ mẹ. Đúng lúc ấy thì mẹ đến. Một buổi trưa… con nhảy từ trên giường tầng xuống khi nghe tiếng gọi to ngoài hàng lang – Dũng đâu ra đón mẹ… Con ôm chầm lấy mẹ lắc lắc. Bọn con gái lớp con đồng thanh - Ê ê Dũng bú tí mẹ. Con kệ chẳng xấu hổ, cứ vùi đầu trong hơi ấm của mẹ. Mẹ về phòng, loáng cái thành mẹ của cả lớp. Tất cả hòm, vali của phòng được huy động làm bàn. Quít, khế; chè và cả hai bao thuốc lá Kỳ Hòa... Đấy là quà quê bá thăm các cháu. Con gái xí xúp ăn, con trai trà thuốc, chuyện râm ran. Dũng có mẹ tuyệt vời! Bác ơi cháu làm con dâu bác nhé! Bác ơi anh Dũng mấy đêm trước sụt sịt nhớ mẹ! … Chúng nó tranh nhau nói. Mẹ bảo: Nhà bác trên đấy nhớ Dũng lắm, nhưng bác bảo phải học, hai tháng mới được về thăm nhà một lần. Các cháu cũng thế nhé, cố gắng mà học… Con ngắm mẹ, nhìn bọn chúng nó cũng đang hướng về mẹ. Ở đây chẳng ai giống mẹ, mẹ vẫn quần áo đôi dép nhà quê. Con tự hào về mẹ khi thấy vẻ thèm khát của bạn bè. Mẹ ở một hôm, đi thăm hết các phòng của lớp, thăm thầy giáo chủ nhiệm. Hôm đưa mẹ ra tàu nam nữ một đoàn hẳn mười lăm chiếc xe đạp (không hiểu chúng nó huy động đâu mà tài thế, ngày thường mượn được một cái chửa lốp đã là ghê gớm)
Năm nào con cũng nghỉ hè một tháng về với mẹ. Đúng vào dịp nóng, xóm mình càng nóng hơn – Nông thôn phải nhường điện cho thành phố. Con chỉ độc chiếc quần đùi, ra ra vào vào bứt rứt. Đã có lúc con quay cuồng ý nghĩ, ngán ngẩm quê hương… con sẽ không bao giờ về quê nữa! Nhưng mẹ làm mát lại con. Mẹ nấu canh cua, làm cà xổi; thấy hàng kem rao, mẹ chạy vội ra… Con vẫn là thằng Dũng bé bỏng ngày nào. Con cầm que kem tay run lật bật, con thầm nói với mình lần sau về sẽ sắm cho mẹ hai cái quạt, một cái để bàn, một cái để giường… Rồi sau này cố gắng đưa mẹ đi nghỉ mát Sa Pa. Nhưng hỡi ôi, lần sau, lần sau nữa… những lời thầm nói mãi chưa hiện hình. Tệ hơn, trong lúc trà dư tửu hậu, con đã kể với bạn bè về mẹ, về mình mỗi năm chu cấp cho mẹ mười triệu. Họ kinh ngạc nhìn con, con không biết. Đêm về hết hơi rượu, con lại đập mình xuống giường ruỳnh ruỳnh. Mẹ biết, chắc cũng chỉ lặng im đôi mắt mà thôi.
Người đến chơi với mẹ ngày một nhiều lên. Những lúc hiếm hoi ít khách, mẹ lại lấy sổ ra ghi chép. Ông Nam: 50 nghìn, Bà Luyến: 20 nghìn, ông bà thông gia: 1 cân đường, hộp sữa... Con ghé xem, mẹ bảo… phải nhớ, sau này mẹ đi xa, các con thay mẹ trả nghĩa người ta. Mẹ đã biết mình sắp đi xa, chu đáo cẩn thận. Một sáng, con thấy mẹ ngồi giường giở cái túi ra. Hai bó tiền to, loại một nghìn, loại năm trăm. Con biết rồi, cắn môi cho không bật ra tiếng khóc. Mẹ bảo: Các con lo việc lớn thì để cho mẹ lo việc bé. Lúc việc đến có sẵn đây. Quê mình đám ma có tục người phúng viếng đưa thợ than kèn tiền lẻ lúc viếng, đặc biệt đêm chèo đò đưa hồn sang Tây Trúc. Con nhìn mẹ không kìm được nữa, nấc lên dàn dụa nước mắt. Mẹ chợt ngẩng lên, nghiêm mặt – Không đứa nào được khóc, nước mắt để ngày tiễn mẹ ra đồng. Mẹ cứng rắn để giữ cho cả nhà, chúng con thỉnh thoảng lại vụt ra bụi chuối khóc sùi khóc sụt.
Mẹ bàn giao việc nhà chùa cho các bà ở lại
Thế là một năm rồi con không có mẹ. Mẹ chẳng dặn dò, di chúc gì. Con nhớ lúc mẹ tỉnh sau mấy ngày hôn mê, có người hỏi… Bà có dặn gì không? Mẹ bảo: Không. Ai có tâm thì khắc biết.
Bây giờ người ta treo chữ TÂM nhiều, sơn son thiếp vàng cho ngôi nhà sang trọng. Con không làm kiểu ấy đâu mẹ ạ. Con hiểu chữ tâm là tấm lòng mẹ, cứ sống vì  con, vì mọi người thì tự khắc tâm ấy sẽ lan tỏa truyền xa, lâu bền mãi mãi. Con sẽ sống như mẹ, đi đường mẹ.


2 nhận xét:

  1. Nói một cách chủ quan thì bài viết này là một trong những bài viết hay nhất của Du An. Tôi may mắn hơn Du An là mẹ tôi vẫn còn. Tôi may mắn hơn Du An là tôi đã kịp đưa mẹ đi viện, và cướp mẹ lại từ tay thần chết khi mẹ bị tai biến nặng ở tuổi 83…
    Hôm mẹ Du An đi xa, khoảng 1 giờ đêm tôi đã đến sau gần 500 cây số, nhưng không kịp đến với mẹ, mà đến với Du An. Lúc tiễn mẹ ra đồng, bằng những gì cảm nhận được từ nghĩa tình mẫu tử (giống như hôm nay đọc lại bài viết này) tôi đã làm bài thơ “Mẹ ơi!” bằng điện thoại di động, trên đường tiễn biệt linh cữu…
    Người đầu tiên tôi đọc nghe là Chu Thùy Liên, gần như vẫn ngay trên con đường ra đồng… Còn Du An thì phải đến khi Du An lên cơ quan trả phép, mới được đọc bài thơ trên Tạp chí.
    Nay, một lần nữa xin tặng lại bài thơ cho Du An và Mẹ!

    Mẹ ơi!
    Mến tặng Du An

    Từ nay chẳng còn tiếng mẹ
    Cháu không được ríu nách bà
    Trong lòng một vành tang nhẹ
    Mà đời nặng nỗi xót xa.

    Những mùa nắng nỏ mái tranh
    Không còn vắt khô vạt áo
    Những cơn mưa hạ gọi xanh
    Không còn mốc vàng bát gạo.

    Không ai dúm vội gói quà
    Buộc lại hai đầu tay nải
    Vác gậy đi trước đuổi tà
    Tiễn con lên miền Bắc ải.

    Nay con mang tuổi thơ về
    Căn nhà đã thành kính niệm
    Bên hiên đơn chiếc rổ sề
    Chứng minh một đời lao kiệm…

    Cả một đời mẹ tãi đất
    Mà con chỉ một nắm này
    Cúi xin gió đồng thể tất
    Cho hồn mẹ khỏi lắt lay!
    Động Lâm - Hạ Hòa - Phú Thọ, 8h ngày 28.10.2009

    Trả lờiXóa
  2. Bật khóc! Thấm thía câu: "con đường về nhà là con đường xa nhất!". vậy mà nhìn lại, nhiều lần con đã có lỗi với mẹ, với cái giọng mất dạy "Biết thế mẹ đẻ con ra làm gì?". Mẹ khóc nức nở... con cũng chạy ra một chỗ mà khóc, nhưng lời xin lỗi không thể thốt lên! Mẹ giờ ốm nặng, vẫn cố gắng vì con! mỗi khi tay nhúng vào nước, những ngón tay lại thâm đen, cứng lại, chứng bệnh quoái đản, hành hạ mẹ đau đớn từng ngày! Con biết mà vẫn khiến mẹ buồn, thật vô dụng!.... --- CON ĐƯỜNG VỀ NHÀ BAO GIỜ CŨNG LÀ CON ĐƯỜNG XA NHẤT!

    Trả lờiXóa