VanVN.Net – Có một chút văn học trò, chuyện cô giáo Cúc ở bản vắng
muộn chồng với người khách dưới phố dan díu bị lỡ, cô phải đi vắng mấy ngày đã
không được kể rõ; nhưng chất văn lại chính ở chỗ không nói rõ ra. Truyện Cô Quỳnh cũng
vậy, chồng cô đã chết trận, những khát khao làm vợ làm mẹ cứ bị lẩn đi
sau những hờn ghen với số phận của bà mẹ chồng, hờn ghen gay gắt nhưng xa xót.
Đến truyện Chị làm gì thì thủ
pháp nghệ thuật mới thật chín ở cây bút trẻ này. Chị làm văn thư, suốt mấy mươi
năm viết báo cáo cơ quan mà không có bản thảo của sep, các báo cáo hoành
tráng cứ từ trong óc chị mà tuôn chảy ào ạt, như một...thói quen; rút cục tôi vẫn
không biết chị làm gì và những cái chị làm ra để làm gì trong khi mọi người đều
biết nó vô nghĩa lý? Văn Du An cứ man mác những ký ức buồn như thế, nó làm nên
cái duyên của truyện, nó cũng làm nên giọng điệu anh.
Mưa. Lúc đầu tưởng to, nhưng chưa ướt
hết cái sào nứa lại tạnh. Trời vẫn xầm xì, phía Bản Tọ từng khối mây đen như
khói cháy rừng đang cuộn lên, đuổi nhau về Pú Luông. Có lẽ vừa nãy là khúc dạo,
tí nữa mới là thật. Trời ập tối, Hào rùng mình một cái vào phòng khoác áo.
Lạnh, sao thế nhỉ? Tháng sau mới lập đông cơ mà!
- Sang đây tớ bảo cái này.
Hào ngồi im trong bóng tối. Có tiếng
dội nước, tiếng cái lược quăng xuống bàn.
- Đi. Không nghe thấy à? Sang đi.
Hào
vẫn ngồi im, quay lưng ra ngoài, mắt chăm chăm vào phía cửa sổ nhờ nhờ sáng
tối. Lâu lắm rồi, nó không được mở. Mở ra là lớp học, học sinh, âm thanh
của hai bên vào nhau. Trò, thầy có khoảng cách; hai mảnh ván dổi găng, mắt
không thấy thì chắc tai cũng nhẹ đi. Một điều nữa, vô hình… Hồi mới về trường,
mỗi khi đẩy hai cánh ra Hào lại có cảm giác của người cởi truồng. Cánh giáo
viên có gia đình lấy phòng Hào làm chỗ cởi bỏ mô phạm. Nước chè, cười nói, tỉa
nhau… Chủ đề hay bị lặp, để rồi ngặt nghẽo cười tung bụi phấn là chuyện… ấy ấy,
mai thao giảng không được. Hào quê chè, pha rót như dân trà đạo; nhưng chuyện ấy thì chỉ như học sinh.
- Ơ cái ông này, ngồi đây mà điếc hả.
Khiếp… như con ma ấy.
Cúc
nói và tiến sát mặt Hào, rồi xoay lưng lại… Em chưa buộc dây. Buộc hộ tí
nào... đi! Em chỉ biết buộc lạt, cái này chịu. Hào nói, nhưng vẫn cầm hai
đầu dây, tay run run. Đầu Cúc vừa chạm cằm Hào. Tóc xấu quá, đuôi xơ, ngọn chẻ.
Dưới ánh điện nó vẫn không sáng lên được. Khổ! Không chăm bón tưới thì làm sao
mà xanh tốt được. Hào định ghé môi thơm vào mái tóc ấy xem sao thì… Bạc! Tóc em
bạc rồi! Hào kêu lên như gặp quỉ sứ. Tiếng kêu dồn hết cả vào đôi tay bên dưới.
Thít, thít thật chặt.
Cứ làm như bó nứa, bó củi ấy? Chưa sờ
con gái bao giờ à? Cúc cười phá lên. Kiểu cười như xoà ra hết cả tim gan. Hào
thở phào, bao giờ cũng vậy cứ cười như thế này là tốt lành, thoát một trận ba
máu sáu cơn.
Hào nhớ hôm mang quyết định về trường,
ông Thảnh phân phòng, Hào nhận xong, sang chào Cúc, kiểu như ma mới trình ma
cũ. Cúc đang ngồi dạng háng tay cầm búa và cái dép cao gót. Hào chào, Cúc nhìn
từ đầu xuống chân, từ chân lên đầu rồi hỏi “Văn Trường hai à? Sinh bảy mấy
đấy?”. “Em sinh năm bảy sáu… Chị về đây lâu chưa?”. “Ô! Bảy sáu, kém tao xa,
bắt nạt được đây”. Cúc cười, ngồi phệt luôn xuống đất. Hào vẫn còn gê gê tiếng
cười, đôi môi chỗ trắng, chỗ đỏ. Cảm giác ấy nhưng Hào vẫn ngồi xuống, cầm búa.
Cái dép phải, đầu quai đã mục, đinh đóng vào chỉ mớm được một tí, trẹo chân là
lại đi tong. “Được đấy! Có vẻ đàn ông đấy”. Cúc xỏ chân, đi mấy bước, đầu ngoái
trái, ngoái phải... Giá có con mắt đằng gáy thì tốt. Cái quần côn chật, phồng
hết cả những thứ không nên. Hào ngại và xin phép về phòng dọn dẹp, sắp xếp. Cúc
theo sang, thấy một đống sách trên giường bảo “Hi vọng là không phải như nhà sư
gối đầu”. Hào chỉ vào đống sách “Em lên đây chỉ có ngần này và…”. Hào móc túi,
hai tờ 50 nghìn, một tờ 100 xòe ra. Cúc bảo cứ ăn với tao, tiếp theo
thích thì nữa, không thì bếp ai khói nấy. Rồi Cúc giảng giải: Phòng chúng ta là
phòng khép kín, nấu nướng, ngủ nghê, tắm táp… tất trong ngần này. Mày đàn ông
chắc xuống suối thôi. Tắm suối bao giờ chưa? Dưới xuôi làm gì có… Mê đấy. Toàn
con gái Thái mười tám, trắng như chuối tía bóc bẹ.
Hào ăn với Cúc được hai tuần thì kết
thúc. Hào thích nấu nướng, dọn rửa chẳng nề hà. Cúc vô tư, ruột gan trắng phớ.
Tại ai? Hôm qua, dọn cơm ra thì có khách. Hai người đã bưng bát lên rồi, ông
khách lò dò từ chân dốc lên. Hào ý tứ về phòng. Bên vách âm thanh thông thống…
Tưởng không lên nữa. Không lên để mốc ra à! Trên này nhiều nắng gió, thơm cả
ngày. Thật hay phét đấy, xem nào… Tiếng thở, tiếng chụt. Ôi… có mùi da trâu,
thôi có lính mới rồi đấy, không ở hẳn đây là mất. Mất thì hôm nay cho hết sạch.
Ái ái ái ái… Thôi đùa tí thôi, đàn em ý mà.
Bữa ấy
là bữa chia tay. Hào ăn một mình, suốt đêm một mình. Trưa hôm sau, thấy tiếng
mở cửa, Hào hỏi với sang. Cúc nói tiện xe, ra thị xã đến nhà bà đồng hương gửi
ít quà về quê. Hào bảo thế mà chả biết nhờ mua mấy cuốn sách, nghe đài nóiNỗi buồn chiến tranh ra
rồi. Mùa quá! Ai mang lên đây, bán cho mấy ông đi nương à. Thôi được, thích thì
lần này ông Bắc về tao lệnh cho.
Hào đã quen dần với việc ăn một mình.
Sáng 6h dậy, đun hai phích nước; trưa 11h nổi lửa, nồi cơm xong tức là xong –
Mấy con cá khô nướng mươi phút là chén liền. Bên kia, bếp Cúc xèo xèo, rồi một
lúc cũng lách cách mâm bát. Rồi chuyện với sang nhau. Chuyện cái váy, đôi dép,
tao để kiểu tóc này được không… Hào bảo bà đẹp nhất bản rồi còn gì. Cúc bảo chị
Lụa hai con học cấp II vẫn như gái mười tám. Cúc hỏi mày có lấy vợ ở đây không.
Hào đáp em chưa biết, một thời gian chuyên môn cứng cứng lên đã, mấy lại còn
phải có duyên. Cúc chạy sang – Cho mày miếng giò. Hào hỏi kiếm ở đâu ra… lúc
này em chỉ thèm rau thôi. Cúc bảo tối nay sang bản với tao.
Tối, Hào ăn cơm xong từ lâu mà bên
phòng Cúc vẫn còn tiếng dội nước. Hào bảo người có bốn mươi cân mà tắm gì lâu
thế, làm như xuống phố không bằng. Nhưng mà nhiều hủm hố… Tại mày thanh niên
tình nguyện hai can nước trưa nay đấy. Mười lăm phút đợi nữa thì Cúc ra. Ngực,
vai lấm tấm ướt, mái tóc mỏng dính, bóng bóng.
Sang bản,
Hào đã đi mấy lần thăm học sinh nghỉ học nhưng đây là lần đầu tiên, đi đêm. Đèn
pin loang loáng, thỉnh thoảng một con sóc vụt qua; khoảng rừng phía trước thăm
thẳm rồi lại thăm thẳm. Cúc hỏi mày đã bao giờ dắt tay người yêu trong đêm
chưa. Hào bảo chưa, nhưng một lần, năm lớp 11, lớp bị mất trộm tiền, cô giáo
giữ lại điều tra. Xe bạn gái bị sang vành, em đèo. Đi được nửa đường, xe em
cũng nổ lốp, thế là hai đứa bên nhau. Em đã tỏ tình lúc một con rắn trườn qua
đường. Thế hai đứa có lấy nhau không? Cúc hỏi và Hào cười phá lên… Cô giáo cũng
có lúc học trò lớp 1 thế này đây. Sắp đến bản, Hào nhận ra đang xuống dốc.
Đường bé tẹo, người vuông góc với những mảnh đá nhô ra. Tự lúc nào Cúc đã nắm
tay Hào. Hào thấy âm ấm, bồng bềnh, tưởng tượng ra cái motip trai gái ôm nhau
lăn tròn, lăn tròn, xuống chân dốc thì chậm lại... Hào lấy ngón tay cái rờ rờ
bàn tay Cúc. Sao xương xương thế này? Sao lại nhăn nheo nhỉ? Mọi hôm, mỗi khi
nghe tiếng dội nước tắm mình thấy bờ vai, đôi tay mềm mại mát mẻ cơ mà. Bất
giác Hào ngồi xuống. Cúc rủ người xuống đùi Hào. Hơi nóng đường rừng, hương con
gái phe phất. Hào đưa tay vuốt má Cúc. Tay Cúc đã vít đầu Hào xuống. Khoảng
cách đôi môi chỉ tính bằng chớp mắt. Em buồn lắm, hay chúng mình không xuống
bản nữa, tiếng em ngoằn
ngoèo trong tiếng thở xốc lên. Tỏi! Tỏi! Hào hét lên và buông tay ra. Cúc lăn
tự do. Hào cuống cuống tìm đèn pin. Đèn pin rời tay từ lúc nào, chĩa sáng xuống
vùng thăm thẳm.
Hai người đến bản lúc tất cả đã đi
ngủ. Hào cố nhớ một câu tiếng Thái gọi cứu nhưng không tài nào bật ra được.
Trên vai, Cúc bám cổ nghẹt thở, Hào không dám gỡ tay, dù chỉ một chút cho dễ
chịu. Hào đánh liều gõ cửa một nhà, không có tiếng đáp. Rồi cánh cửa ào bật,
Hào và Cúc mất đà ngã vào trong.
Đèn pin soi, đèn dầu thắp lên. Người
nâng cả hai dậy, người đốt lửa, người chạy lên rừng lấy lá thuốc.
Hào bế Cúc đặt dựa vào cột nhà. Cúc
ngọeo cổ, bếp lửa đã cao ngọn, hắt ánh rần rật trên khuôn mặt méo mó. Hào chẳng
biết làm gì, lấy nồi, đổ nước xong để đấy, ngồi xổm bên Cúc. Cúc mở mắt rồi lại
nhắm nghiền. Nhỡ Cúc chết… ý nghĩ loé đến, tay Hào đặt lên ngực Cúc.
Hào bỏ tay ra. Cảm giác một tên trộm
bị bắt quả tang cùng lúc ba người mang thuốc đến. Ông già nắn chân tay, bà già
vuốt mái tóc, lấy bát thuốc từ tay thằng bé. Không gãy xương đâu, may rồi, về
chăm nó mấy hôm, hết đau là khỏi. Ông già nói tiếng phổ thông rất rõ ràng.
Sáng hôm sau, lúc Hào còn đang trong
chăn thì có tiếng léo nhéo dưới sân… Gọi đi, cô Cúc ở phòng này. Cô đau làm sao
mà dậy được. Hay là mang lên lớp, trưa xuống… Hào mở cửa. Một đứa má bầu bầu
nói: Thầy giáo. Em cho cô Cúc trứng. Hai đứa kia cũng mở túi thổ cẩm, đứa nắm
xôi, đứa mấy cây rau. Hào đưa cả hai tay nhận, lấy chân đẩy cửa phòng Cúc. Lũ
trẻ ùa vào, ngồi bên Cúc, chả đứa nào nói gì.
Làm chồng được đấy! Hào giật bắn mình.
Cánh giáo viên đứng chật trong phòng, tóm gọn Hào đang bón xôi cho Cúc. Nắm xôi
trò vừa cho. Hào đứng lên mặt đỏ bừng. Chị Lụa ngồi xuống giường, luồn tay
xuống chăn sờ nắn, Cúc rên khe khẽ. Hào chạy về phòng lấy cái phích, bộ trà.
Đêm hôm rủ nhau đi thăm trò, trời bắt
ngã một cái hay thật, tiếng Thỏa. Rồi bất ngờ, tất cả đồng thanh… anh ạ… anh ạ…
Trời đất, chúng nó bỏ học thì cứ bảo tôi, tôi nói với trưởng bản là xong hết.
Thôi cho nghỉ hết tuần, tí nữa hội ý Ban giám hiệu điều chỉnh chủ nhiệm, giảng
dạy. Tất cả im phắc nghe ông Thảnh như trong họp hội đồng.
Hào cầm ấm trà sang thì vừa lúc ông
Thảnh bước qua bậu cửa. Ông Thảnh vỗ vai Hào: Này, cơm nước chăm sóc giúp Cúc
nhé. Có hai cậu tập thể với nhau. Hào vâng, ông Thảnh cắp cặp đi lên dốc vừa
lúc trống vào lớp.
Chăm
Cúc thật khó. Khoản ăn uống, thuốc men Hào quen rồi. Hồi mẹ ung thư giai đoạn
cuối, Hào như con gái… Bón cháo, vắt nước quít, tắm rửa, thay quần áo cho
mẹ. Mẹ chẳng đòi hỏi gì, chỉ đôi mắt rồi thỉnh thoảng cả khuôn mặt vụt lên
cười. Nhưng Cúc thì làm sao ấy. Vừa bón cháo xong, chuyện trò khoẻ khoắn, thấy
mọi người đến lại rên. Hỏi muốn gì lắc đầu. Thỏa đặt tay lên chăn đã nhăn mặt…
Thỏa cười đứng lên ghé tai Hào: Làm nũng đấy, au **luôn đi. Chị Lụa cũng cười cười: Thoát
làm sao được, xem cái kiểu chăm người ốm khéo thế này có khi nghỉ hè dắt nhau
về quê báo cáo.
Cúc mới tập tễnh đi được thì một cái
ngắt đánh sập. Ông khách hồi tháng hai đến. Anh Bắc phải không nhỉ! Cúc ốm mong
anh lắm, Hào vẫn nhớ cái tay buôn da trâu, thì mới hơn hai tháng trước chứ đâu
xa. Mấy câu đưa Hào thoát đi ra, giả chỗ cho ông khách quí.
Hào xuống nhà Ren, thấy ông già cứ
nhìn mình. Ren hỏi Hào về Cúc, rồi bảo: Chú kết nó thì anh không ngăn nhưng xem
lại cái đám da trâu kia đi, dứt điểm một mối. Hào cười: Vừa phải bật ra đây. Vợ
Ren về, mời Hào ở lại ăn cơm, Hào chối, chuyện mấy câu rồi chào về luôn. Ông
già đứng dậy nắm tay Hào hỏi: Vợ anh khoẻ chưa? Hào tròn mắt. Ông già lại tiếp…
Hôm anh cõng cô về luôn đêm, lo quá mà không đi theo... Hiểu, Hào định nói thì
thấy Bắc từ trên dốc xuống, đi sau là Cúc. Vừa lúc nãy còn tập tễnh, Hào phải
ôm eo dìu đi cơ mà. Cúc đang đứng trước, hình như là khóc.
Chiếc xe tải đã khuất hẳn sau dãy Pú
Luông, làn khói loãng tệch cũng hết chỉ còn bụi đường chầm chậm. Hào định rẽ
liều vào một nhà nhưng có tiếng như ra lệnh: Đi đâu, bạn bè định bỏ nhau lúc
này à. Không thấy người, hình như là từ trong cái nhà bên đường phát ra. Hào
chạy xuống như vô thức, đỡ lấy cái thân hình đang xiêu vẹo của Cúc.
Vừa tối, trời mưa lâm thâm, thấy ren
rét. Hào khoá cửa phòng, cầm đèn pin ra. Cúc mặc cái váy hôm nọ ngồi ở bậu cửa.
Hào nói trống không: Xuống khu gia đình chơi tí. Cúc đứng dậy: Đừng đi, tối nào
cũng đi, mưa thế này ốm đấy, một người ốm là đủ rồi... Mai không có tiết ở nhà
làm cái gì… Hào nói nhưng thoáng chần chừ. Cái váy, đôi mắt da diết kiểu gì là
lạ như cầu cứu, như van xin. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, trời tối hẳn, Hào dọi
đèn pin thẳng vào mặt Cúc. Cúc nheo mắt, che tay, mở ra rồi lại che như chống
chọi. Hào hai tay nắm đèn pin đi lùi trong luồng ánh sáng yểm trợ. Chao ôi… sao
giống như bộ đội cầm khẩu AK nhả đạn rút lui bảo toàn lực lượng. ý nghĩ chợt
đến khiến Hào muốn quay lại đỡ cái thân hình bé nhỏ kia hoặc chí ít cũng động
viên một câu. Nhưng, Hào xuống chân dốc rồi. Tắt đèn, đi như chạy. Luồng gió tự
tạo táp vào mặt Hào rát rạt. ào ạt, ào ạt hình ảnh Cúc.
Trưa hôm sau, Hào mới về phòng. Phòng
Cúc khoá cửa.
Sáng hôm sau, cánh giáo viên lại
“phòng chờ” ở phòng Hào. Thoả hỏi Hào: Cái Cúc nó đi đâu ấy nhỉ? Chị Lụa bảo:
Nó đi thị xã, xin phép ông Thảnh rồi. Ren nhìn Hào: Thế nó đi không bảo chú à?
Hào im lặng, rót trà vàng sánh vào chén mọi người.
Trưa hôm sau nữa, Cúc về. Hào nghe
tiếng lạch xạch mở khoá nhưng im trong chăn, ngủ không nghe thấy. Một lát sau,
có tiếng chị Lụa: Mệt lắm không em. Đừng làm việc gì nặng nhé, nước bảo thằng
Hào nó thồ cho… à mà này, bữa nào cũng phải ăn rau ngót đấy. Lên lớp chị sẽ
mang luôn cho.
Hào dậy, ngồi rửa mặt ở hè, lờ mờ câu
chuyện. Chị Lụa sang vỗ vai: Cúc nó ốm đấy. Khoản nước, chú chịu khó thồ cho nó
nhé.
Hết tiết, Hào xuống mó nước, lúc về
vào nhà chị Lụa. Chị đang cắt rau ngót ngoài vườn. Vườn rau nhà chị thích thật,
bắp cải, xu hào… mỡ màng, Hào chầm chậm ngắm, thích thú như khách du lịch. Đến
luống tỏi, Hào ngồi xuống và nói: Em nhổ mấy cây về cho Cúc nhé. ốm bao giờ Cúc
cũng ăn tỏi. Chị Lụa bảo: Ừ, tỏi vừa ngon vừa nhiều kháng sinh. Hào cầm ba cây
tỏi, lên xe, hai can nước nặng, tay lái chệnh choạng. Chị Lụa giữ xe, nói như
nói một mình: Giá chú về trường sớm hơn… à mà còn ai nữa đâu mà chả gật. Khó
thế.
Hào gò lưng đạp xe lên dốc. Đến phòng,
Hào và xe ngã quay đơ dưới hè, cái nặng mệt bây giờ mới ngấm. Cúc từ trong ra,
định đỡ thì Hào đã dựng xe, cởi can nước.
Buổi trưa, trường vắng tanh. Hào
thoáng ngại. Bố Hào hôm cho Hào đi Pú Luông đã dặn “Con phải tỉnh táo trong mọi
trường hợp”. Hào vẫn tỉnh táo, … cái tay, đôi vai, ngồi không muốn đứng
lên... Tự Hào đang xoa đi những ê ẩm.
- Công việc mà…Sao em hỏi chị lạ vậy?
- Tại hôm nay… em thấy chị lạ.
Góc làm việc của chị và Công là khoảng
ba mét vuông cuối căn phòng dài. Bên ngoài có bàn trà nước, một cây chổi lau
nhà, hai cái chổi rễ, hai cái hót rác nhựa màu đỏ. Chị đến sớm pha trà xong vào
chỗ mình luôn. Trong lúc đợi máy khởi động hết, chị quét chỗ mình, cả căn
phòng. Đất, bụi, giấy hỏng chẳng có; nhưng hôm nào cũng được hơn hai chục đầu
mẩu thuốc lá Du Lịch. Cả phòng còn mỗi Công hút thuốc. Một lần Công hỏi: “Sao
em hút chị không nhăn mặt, kêu la?”. Chị bảo chị tôn trọng sở thích của người
khác. Chị hay nghe Công chuyện, khi Công có cục tức nào lại xả cho chị.
Chị vẫn ngồi lách cách bàn phím. Công
đối diện, thấy khuôn mặt chị mờ nhòa tự nhiên hỏi:
- Chị thích nhất loại báo cáo nào?
- Có bao giờ chị chán làm báo cáo
chưa?
- Chị làm bao nhiêu năm rồi?
- Em mãi không qua được đoạn mở đầu.
Chị sang hộ em.
Chị sang, Công bẻ cái ghế Xuân Hòa ra
ngồi cạnh. Lách cách lách cách, lào rào lào rào.
- Chú định nửa trang hay một trang?
- Thế thì một trang nhé. Không thì anh
Mờ bắt làm lại.
Công đọc, rồi quay sang chị hỏi:
- Văn! Chị chẳng biết thế nào là văn,
em lại bảo chị làm văn.
- ... Văn như... như cái diều ngửa cổ
nhìn lên ý. Công ngừng một lát, may tìm được lời giải thích.
- Em thấy văn của chị thế nào? Có vẻ
chị đã chịu mình là làm văn.
- Nhân vật tập thể, hành động nhiều;
ít tính từ; nói chung là phong cách lãng mạn.
Nói xong cụm từ cuối cùng, Công lắc
đầu, sợ chị không hiểu. Nhưng chị đã cắt chủ đề:
- Chị cám ơn em. Em tài thật.
Công bắt tay chị, thấy trơn trơn.
Không hiểu sao nhìn thì toàn gân, mạch máu nổi lên mà nắm vào giống lươn. Hay
là gõ bàn phím nhiều? Không phải, bàn phím từng ô vuông quân cờ... A, S, D, F,
G... giữa chữ có khe đầy bụi, lúc gõ tung lên. Công không nghĩ bàn tay
nữa, chuyển lên mặt chị. Chị bảo mình bốn mươi, sao đôi môi mọng thế. Chị bảo
con chị lớp 12 rồi, sao đôi má vẫn hồng. Gần chị, Công muốn nói chuyện, cảm
giác giới tính bị đè xuống ngay. Công hay bộc bạch tâm can mình, xin ý kiến
chị. Chị vẫn lách cách lạch sạch bàn phím, trả lời. Hàng tiếng đồng hồ, linh
tinh lang tang chuyện. Chị không nghĩ vẫn làm được? Có lần chị ra ngoài, Công
sang máy chị kiểm tra. Công tác.... Mặt được... Nguyên nhân... Biện pháp khắc
phục... Chữ câu hàng hàng trong sáng, chặt chẽ. Không có biểu hiện gì là... nói
chuyện riêng. Bà ngoại Công trước là nhân viên đánh máy, những tháng cuối năm
bà vẫn hay mang việc về nhà. Bà nói chuyện đàn gà, con lợn, nhà Tính, nhà
Tình... mà tay vẫn múa. Khi đứa cháu cuối cùng ngáp ngủ thì bà cũng xong tệp
cuối. Hỏi bà sao không nhìn mà đánh được chữ. Bà bảo bà liếc.
Bà Công liếc một, nhớ mười. Nhưng chị
có cái gì mà liếc. Tất cả chữ ở trong đầu truyền xuống tay, chìm bàn phím; hàng
hàng, đoạn đoạn, non buổi sáng đã được cái báo cáo một năm. Hai ngày được báo
cáo ba năm. Bốn ngày được cả nhiệm kì. Thật kì lạ. Công hỏi chị:
- Chị có bí quyết gì không?
- Chị dạy em làm nhé. Sau này đỡ phải
nhờ, khổ chị.
- Việc gì phải học. Văn của triệu
người, đầy trời như sao.
- Chị nói hay thế. Hôm nay thì nhận
rồi nhé. Chị phải là anh hùng.
Chị cười, hai má đỏ. Chợt, đuôi mắt
những nếp nhăn xô nhau. Tại sao mình lại làm chị cười nhỉ? Công như ân hận.
Công bảo có hai loại văn: Văn em thầm lặng một mình, văn chị chỗ vỗ tay.
- Vậy ra chị em mình là mặt giăng mặt
giời à? Thế mà chả thấy cãi nhau.
- Thì hôm nào mình thử cãi nhau đi.
- Em chả biết ác với ai... Chị đố đấy.
- Cứ phải ác mới ...thằng nọ con kia
được à?
- Ừ. Người ác phồng mặt nhân. Người
nhân chẳng mặt gì.
- Chị giỏi thế... sao báo cáo... báo
cáo thế.
Công định nói sao báo cáo chả gai góc
nhưng ngại nên lấp chỗ trống nhanh. Mười ngón tay chị vẫn như chơi piano. Công
hỏi sau này chị về hưu định chọn ai kế nghiệp. Chị bảo kế gì cái này, chẳng qua
chị học hành lỗ mỗ...Làm nhiều, rồi nhớ, rồi thuộc, thành đường đi. Công
bảo chị thử chọn em đi. Chị lắc đầu. Công gặng thì chị hỏi: “Giấy khen nhận về
chú có treo tường không?”. Công thật thà: “Em cho tất vào tủ quần áo”. Chị lại
lắc đầu. Công hỏi luôn: “Thế chị treo à”. Chị đáp: “Nhà chị chật”.
Công đến nhà chị một lần. Mái
proximăng, tường mười, vào nhà không nhìn đi đâu xa được. Những tờ giấy A4, chữ
in đen, xếp xếp trên tường, trần. Công hỏi chị mà cũng làm hỏng nhiều như thế
này à? Chị im lặng đôi mắt mơ hồ một lúc.
Chị xây dựng văn bản, in ra, anh Mờ ý
kiến, in lại, lại ý kiến... Đường đi đến kí tươi dấu đỏ để lại sau lưng không
biết bao nhiêu giấy hỏng, chị không thể cho một mồi lửa. Hết giờ chị về có một
cái túi giấy. Năm tháng; những tờ giấy ơn chị hay chị ơn nó. Nó có chỗ để đậu;
chị có những giấc mơ... Lúc chị đi xuống bếp, Công ngả người trên ghế, đầu óc
tự nhiên đi con đường bóng chị. Công nhớ, có lần ghé mắt vào màn hình của
chị. Loang loáng thôi, đâu như về nề nếp làm việc, hành chính và điểm danh,
kiểu như bắn bia việc nào cũng thủng mấy lỗ. Công đứng trước dấu ba chấm (...),
trước Công là đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Trần Đức Đát, trước hai đồng chí là
đoạn câu... có ý thức đổi mới.
Hôm nay cả cơ quan ra tất hội trường.
Chả có việc gì làm vì trang trí, loa đài thuê trọn gói rồi nhưng ai cũng đến
sớm. Chao đi chao lại, chống tay, ngó nghiêng, bình phẩm... Công đến sau, thấy
chị ngồi, chị vẫy lại. Công hỏi chị xong rồi, cần gì phải ở đây. Chị bảo tí nữa
mới biết.
Khai mạc. Anh tổ chức đọc lời dẫn,
giới thiệu đại biểu... vỗ tay. Đồng chí Mờ đọc báo cáo chính, phần... phần...
Công thuộc lòng. Công nhìn sang chị, chị chăm chú như uống từng lời. Công vỗ
vào tay chị: “Chị bị ma làm à”. Chị xua xua ý bảo Công trật tự. Công đành phải
trật tự. Chị đang lẩm bẩm... Chỗ nhấn mạnh sao không nhấn nhỉ? Chỗ này thì lướt
đi! Giọng đều quá... Thôi lần sau mình phải hai cái en tơ, rồi bôi đen cho rõ.
Công lại nhìn chị, chị tự là đạo diễn, không thể góp ý cho diễn viên.
Công bảo chị, em ra ngoài một tí. Chị
bảo mười một giờ kém mười lăm là trao giấy khen, chú có tên đấy. Công ra ngồi
quán cà phê ngay đó. Cái loa phóng theo, vang vang và sâu sắc.
Công quên mất lời chị rồi. Lúc xướng
danh Lê Văn Công, Công nghe nhưng nghĩ đến phải băng qua bạt ngàn người ghế lên
sân khấu nên thôi... Vậy nên, bây giờ, Công phải nghe chị trách:
- Chú làm sao ý nhỉ.... Đây giấy khen
đây. Phong bì đây.
- Em tặng chị một cân cá. Công bóc
phong bì, rút tờ năm mươi nghìn đưa chị.
- Tiền này không phải là tiền... Chị
xua tay.
Theo phản xạ, Công lùi người lại. Công
định nói gì chưa xong thì chị đã tiếp:
- Chị không thể chung tiếng khen trong
đấy.
Sáng thứ hai đầu tháng, rỗi rãi, Công
rủ chị đi ăn phở. Công năn nỉ mãi, chị phải gắt không đi là không đi. Lúc Công
về chị đang mở tủ tài liệu. Cái tủ rỗng không, nó đã ra bàn chị, bàn Công.
Chồng chồng quyết định, công văn cao ngất như sắp đổ. Công đứng thành ra người
thừa, lấy tay giữ thì chị giãy nảy lên:
Công quay ra bàn trà. Phía trong vẫn
lịch kịch. Bà chị làm gì đấy? Một người hất hàm. Bà ấy bị ngủ mê, một người trả
lời.
Công vào không thấy chị đâu. Lúc ra
kéo cửa, lúc vào đóng. Bóng điện vẫn sáng, điều hòa vẫn ro ro. Công ngơ ngác
ngó xuống gậm bàn, rồi mở tủ. Không có. Công định gọi nhưng sợ thanh động. Ngồi
vào máy tính mà ruột gan như lửa đốt; Công nhắm mắt, bất lực. Mở mắt ra. Chị
đang ngồi lách cách bàn phím từ bao giờ.
- Lúc nãy chị đi đâu đấy?
- Chị không biết. Chị soạn sắp xong
cái công văn trả lời sở T rồi.
Công không sao hiểu nổi. Mấy ngày qua,
sức khỏe bình thường, ăn tốt, ngủ không mộng mị. Công thử hỏi chị tiếp một câu:
- Chị có bị đau đầu không?
- Làm sao mà chị phải đau đầu?
Công sợ chị biết điều khác thường của
mình. Nhưng không, chị đang dán mắt vào màn hình. Chữ gọi chữ ra tơi tới.
Buổi chiều mất điện, hai chị em ngồi
chuyện phiếm. Công nói thật chuyện sáng nay, rõ ràng cửa đóng, chị không ra mà
không thấy chị trong phòng. Chị tròn mắt: “Có chuyện đó à!”. Chị đứng dậy, phủi
phủi vạt áo như rũ điều mờ ám văng ra. Công thấy tóe tóe những ánh vàng. Sợ hoa
mắt, Công nhắm mắt lại. Mở ra thì bóng điện đã sáng.
Không biết làm sao, thứ sáu đó cả cơ
quan chuyển phòng. Phòng nọ sang phòng kia, bàn ghế, máy tính, người khiêng,
xếp đặt… nhao hết cả lên. Công chả có gì ngoài cái máy tính đầy ắp tư
liệu. Năm phút xong, Công đi giúp chị. Lại cái tủ, mở ra, bê chồng tiếp chồng.
Giấy tờ, dấu đỏ, dấu photo. Khi xong xuôi, Công có ý đứng sát chị. Có thể lặp
lại chuyện không nhìn thấy chị…
- Xong rồi, chị làm việc đi!
- Làm sao chị đau đầu quá.
Chị gục xuống bàn. Công nhìn màn hình
thấy dòng chữ hiệu ứng nhào lộn. Công en tơ. Lập tức chị choàng tỉnh dậy, nét
mặt khoan khoái.
- Vừa nãy chị bảo đau đầu à?
Công định nói “Chị nói gì mà không
biết thì chắc làm gì cũng không biết” nhưng lại thôi. Chị đang làm việc như
không thấy chị.
Nhà cô giáo Liên ai cũng ăn ớt giỏi.
Năm bố
cô đi bộ đội về phục viên. Nhà bảy người, lo ăn bạc mặt, cơm không đã là ngon
quá, là đặc sản gọi theo ngôn ngữ bây giờ. Thức ăn Có
cái gì thì ăn cái gì! Cá
mắm bà mẹ thương, bớt bơ gạo lấy năm lạng, tháng hơn tháng mua một lần. Muối
giềng, bố đi rừng xách về, cạo rửa, thái giã, cho tí mì chính rang lên, thơm
nức.
Bảy người ăn chỉ hai người làm công
điểm. Năm bảy lạng thóc/công, vụ đến sân kho hợp tác xã lấy về ba tạ. Sáu
tháng, chia cho bảy người không ai làm toán thế. Biết trước tương lai thì nhanh
chết hoặc âu sầu, vật vã. Cơm không một tuần ngày mùa, bữa nào bọn trẻ cũng
căng rốn, chống tay đầu gối, ì ạch đứng dậy. Thùng gạo như có ai ăn cắp, mấy
ngày lại ù éc, thì thụp xay giã. Mưa liền liền, quanh ra quẩn vào lại nấu cơm.
Mẹ sốt ruột, ngồi thừ; bố con vẫn chơi cờ tướng cãi nhau ing om.
Đã ba lần mẹ chui vào hòm thóc, gọi
đứa út mang cái chổi, cái hót rác. Tiếng đáy hòm như tiếng đóng quan tài. Lũ
trẻ vẫn bịt mắt bắt dê, xì kíu vòng quanh.
Mẹ cầm rá gạo, bố nắm hai nắm lại bảo:
Mùa còn lâu. Đói không chết. Nước mắt mẹ trào ra. Mẹ nghiêng ngó không thấy ai,
lại bốc lại một nắm gạo vào rá.
Cơm chín chưa? Cứ chơi đi sốt cả ruột.
Đây hai củ khoai này chia nhau. Anh cả nhận nhiệm vụ, giơ hai củ khoai lên cao
như người ta giơ cúp bóng đá bây giờ. Lũ em nhao nhao, rướn người, vòng quanh,
trước sau. Đám người và khoai rầm rập từ bếp, lên nhà, ra vườn thì hạ cỗ.
Anh cả xoè tay, phồng rộp, lựt lạt. Khoai chỉ còn ấm ấm. Trật tự! Anh quát vào
những bàn tay lũ em đang như mũi lê xông lên. Trật tự rồi, tất cả tản ra, ăn cả
vỏ.
Về ăn cơm! Tiếng mẹ gọi. Chạy, mấy cây
cà bị oan, những đôi chân trần như gió. Bố chúng mày đâu?... Đây đây có món này
tuyệt vời. Bố cầm cái bát con đỏ nhức mắt vào. ớt. Đàn con đã sang bát
thứ hai. Mẹ ngồi đầu nồi, đôi đũa cái đảo đi đảo lại Hai củ khoai không
có tác dụng gì. Mẹ nhìn bố như cầu cứu. Bát ớt dưới mâm vẫn chỉ mình bố. Bố cầm
cái thìa xúc, hắt nhẹ vào từng bát đàn con, động tác rất nhanh. Thằng cả lè
lưỡi, vươn cổ nuốt. Thằng hai mặt nhăn nhó. Đứa ba, tư, năm, sáu kêu lên: Ớt!
Ớt. Đứa út khóc như bị mẹ đánh. Mẹ nhìn bố: Anh ác lắm! Bố chạy lên đầu nồi, tự
xơi rồi đổ cả bát ớt vào. Thẳng lưng thẳng cổ, mặt không biến sắc. Bố đang làm
tấm gương.
Nồi cơm tưởng thiếu hoá ra thừa. Bữa
tối, lũ trẻ nem nép, lặng lẽ ngồi. Bát ớt cũng im lặng đỏ, vàng ra xung quanh.
Như thế như thế thì đến mùa. Ơn giời
không đứa nào ốm. Có đầu có đuôi cứ nuôi khắc lớn, hết tháng rồi sẽ thành
năm. Bảy đứa giờ đều làm cán bộ. Bữa cơm sum họp ớt vẫn nhiều hơn thịt cá. Bát
đỏ, vàng bố phải ba lần lấy. Mẹ vui trào nước mắt, kể chuyện ngày xưa có anh
kia nhà đói, sang hàng xóm đúng bữa cơm được mời xã giao. Anh ngồi xuống liền,
nhận bát cơm, tự so đũa. Để chống thẹn anh bảo Vừa ăn cơm ở nhà thấy có ớt ăn
vui một bát. Tất cả cười. Cô út sụt sịt, anh cả bĩu môi: Cả nhà nhìn cô giáo
Liên kìa, hơi tí là xúc động, nước mắt. Liên nói trong giọng khóc: Không phải.
Các anh ăn hết ớt của em rồi. Em được có ba quả. Bố cầm bát đứng lên, mang vẻ
mặt buồn buồn quay lại: Hết mất rồi. Để chiều bảo mẹ ra chợ mua năm cân về
ngâm.
Như thế như thế rồi nhà lại vắng tanh.
Mẹ buồn, bố bảo: Có phúc mới được hai ông bà ở nhà đấy.
Liên về từ hôm trước. Ba đứa bé người
Mông ngơ ngác cùng về. Liên bảo: Nó là học sinh lớp con, cho xuống thị trấn
chơi. Mẹ hỏi tên từng đứa. Dế à! Sùng à! Mua à! Liên bảo: Mẹ đưa chúng nó tắm
rửa hộ con với, còn bố sắm cho mỗi đứa một cái đèn ông sao. Bố cười: Thôi bố mẹ
chuyển ngành sang làm giáo viên vậy.
Ba thằng Dế, Sùng, Mua tắm rửa xong
nom nhanh nhẹn hoạt bát hẳn lên. Đèn ông sao bố cũng vừa mang về. Liên mở điện
thoại bảo: Nhà ta hôm nay ăn cơm sớm cho bọn trẻ chơi trăng.
Ngon quá! Thịt nướng ngào ngạt. Canh
cá thơm lựng. Món nộm ba màu tươi rói. Ai là tác giả đấy? Bố thiết kế, mẹ
thi công, cô giáo chấm mấy điểm? Tám điểm. Sao cho đắt thế? Em có nhiều tiến bộ
nhưng phải cố gắng nhiều hơn nữa. Liên nghiêm mặt giọng cô giáo. Cả nhà
cùng cười. Ô! Các cháu ăn đi! Mẹ giật mình. Ba đứa ăn nhỏn nhẻn, và một miếng
lại nhìn. Bố gắp thịt nướng, mẹ gắp món nộm cho ba thằng. Liên bảo: Mỗi đứa ăn
hết ba bát thì cho chơi trăng không thì bắt đi ngủ.
Câu chuyện của ba người lớn lại tiếp
tục. Mẹ kể chuyện ngày xưa, bố kể chuyện hồi ấy. Liên cười: Bố mẹ mắc bệnh già
rồi đấy. Liên bảo con ở trên Hua Nậm hoá ra sướng, gió núi lồng lộng, rau cải
nương ngọt lừ, thỉnh thoảng lại được miếng thịt nai, hoẵng phụ huynh cho. Bố
bảo: ừ ở trên đấy cũng tốt. Mấy người đã được sống sạch, ăn sạch. Mẹ lắc đầu:
Cái ông này định cho nó ế chồng trên đấy à. Liên cười sặc sụa: Bố mẹ muốn con
tảo hôn như bố mẹ hay sao!
Chết rồi sao mấy đứa cứ bưng bát thế
này? Mẹ vột vạt. Bố nhìn, Liên nhìn. Thằng Dế mắt đỏ hoe, thằng Sùng mặt như
khóc, thằng Mua đang sụt sịt.
- Sao vừa mới đi sáng nay mà đã nhớ
nhà à?
- Khổ quá! Trẻ con nói nhẹ thôi. Nhớ
chứ sao lại không nhớ.
- Toàn món ngon thế này mà
Ba người lớn nói. Ba đứa trẻ ngồi im,
nước mắt cứ thế trào ra.
- Nào để cô bón nào. Chiều mai cô trò
mình lại về bản.
Liên nựng, lau nước mắt, bón cho từng
đứa. Thằng Dế cố nuốt, thở hổn hển. Thằng Sùng lắc đầu quầy quậy Không.
Không ăn đâu. Thằng Mua, thìa cô vừa đưa đến là nức nở.
- Chết thật về nhà cô giáo lại không
ăn thế này mang tiếng chết. Thế không ăn thịt, ăn nộm để bà chan canh nhé.
Mẹ cầm muôi chan vào bát từng đứa.
Xong ba bát, mẹ đưa lên nếm thử.
- Chết thật rồi. Mình hại ba đứa trẻ
rồi. Mẹ kêu toáng lên.
Bố ngơ ngác. Liên mặt tái đi.
- Cay quá. Tao còn thấy cay. Bọn trẻ
ăn làm sao nổi. Thôi thôi làm món khác.
Ba người lớn đứng dậy. Liên mở tủ lạnh
lấy miếng thịt ra thái. Mẹ cầm đèn pin ra vườn hái cà. Bố chạy sang quán mua ba
hộp cocacola. Loáng cái, tất cả đã về mâm. Ba đứa cắm đầu ăn. Mẹ nhìn
những cái má phồng phồng nhịp nhàng. Liên hồi hộp đến tận khi ba đứa buông đũa.
Bố ngồi im như ân hận.
Liên đang châm nến vào đèn cho ba đứa.
Mẹ bưng mâm ra vòi nước, bố đi theo. Mẹ gắt bố:
- May hôm nay tôi phát hiện ra. Không
thì mang tiếng cả đời.
Bố thở dài. Có lẽ tôi mắc bệnh già
rồi.
Năm tôi học Vỡ lòng, đến kì II
thì học cô Quỳnh. Thầy Hoa chia tay, cô Quỳnh gặp mặt. Chán thế không
biết.
Thầy Hoa có hai anh là liệt sỹ; chưa
đủ 18 tuổi đã nằng nặc xin đi bộ đội, lần nào khám sức khỏe xong cũng… mãi
không có giấy gọi. Thầy buồn đập cái chân phải xuống đất: Sao mày không thọt ở
người khác; rồi thầy ở lì nhà; ngồi, nằm đọc hết bốn tủ sách của bố, đọc xong
như có ma làm. Ngày đêm viết, đi tong chín tập giấy giang. Toàn chuyện trai
làng Động Lâm chiến đấu ở miền Nam.
Các anh bộ đội tạt qua thăm nhà, hay tin, tìm đến. Thầy hỏi có đúng không? Họ
đáp đúng một nửa. Nửa sai là gì? … Gặng mãi, một người nói: Súng đạn, dũng cảm
nhiều quá! Mà thôi ai chả nghĩ thế. Nói một cái ví dụ cho em đi! Thì nói... mà
chỉ biết nghe thôi nhé... Như anh Hùng, anh Minh nhà em nhớ chị Hoa, chị Bình
muốn trốn về một đêm với nhau rồi ra sao thì ra…Thế à? Thế à? Cùng tiểu đội,
nói sai, bọn anh chết không là liệt sỹ.
Sau đận ấy, thầy Hoa bỏ viết, nhúc
nhắc ra đồng làm công điểm. Đội cấy, đội cày toàn chị em; thầy mì chính cánh,
giữ mãi. Nhưng một hôm, chị Hoa khóc, ôm lấy thầy mà nấc lên: Anh Hùng. Một
tối, chị Bình vừa tắm rửa xong, đến bờ rào duối gặp thầy, ngã luôn vào, gọi:
Anh Minh.
Xã biết chuyện, tách ra. Bố trí thầy
dạy lớp Vỡ lòng Đại Minh Hùng.
Chữ thầy đẹp (sau này tôi chưa thấy ai
viết đẹp như thế). Tay thầy cầm phấn như cầm
bút lông. Viên phấn đưa sát bảng, chợt vòng lên như cánh chim rồi là là lướt
lướt, chữ từng chữ hàng hàng hoa nở. Thầy đứng sang một bên, xòe tay, ngón chỏ
sát dưới dấu chấm cuối. Chúng tôi mê, mồm méo tròn theo. Thầy rất khẽ đến từng
đứa, cúi xuống, nhẹ nhàng…Tôi cảm giác thầy là ông tiên hiện hình, chữ là bùa
phép. Chúng tôi yêu thầy, yêu tất cả những gì là thầy. Có lần, lão Thê ngồi hút
thuốc lào với bố, bố khoe tôi viết chữ đẹp. Lão cười: Học sinh thầy Hoa thọt mà
lị! Tôi mặt đỏ tía tai gào to: Có cái mồm ông thọt ý!
Vậy mà phải học cô Quỳnh.
Bố bảo: Thầy Hoa sang làm ủy ban xã.
Cô Quỳnh, vợ liệt sỹ lại học hết lớp 7, dạy vỡ lòng là hợp lí. Tôi không chịu,
xị mặt: Bố đừng có mà bênh. Mẹ giảng giải: Hai nhà đều là gia đình liệt sỹ
nhưng cô Quỳnh mới có ba tháng báo tử chồng mà trông khiếp quá, mắt sâu hoăm
hoắm, gặp ngoài đường như ma trơi. … Xã cũng nâng lên hạ xuống nhiều rồi.
Tôi vẫn ấm ức về cái ông xã chẳng biết
cái quái gì. Bọn trong lớp cũng thế, nhìn nhau là hỏi: Sao thầy Hoa lại không
dạy chúng mình nữa nhỉ? Cô Quỳnh xấu mù chắc chữ cũng xấu thôi. Không phải, cô
Quỳnh đẹp. Tôi định nói tóc cô dài nhất xã nhưng kìm lại được. Tôi còn tức hơn
chúng, thầy Hoa bảo tháng 5 mỗi xã chọn một em viết thư báo công lên Bác Hồ.
Còn ai vào đấy nữa, tôi sung sướng… Nhưng bây giờ cô Quỳnh, tôi biết trông cậy
vào đâu???
Đúng là chữ cô Quỳnh xấu thật. Cô cầm
viên phấn như hòn đá, rằn mạnh, cứ một chữ lại một tiếng cạch. Khó chịu. Bọn
tôi buông bút, ngả nghiêng; trời chợt xầm xì, bụi tre trước sân ngả xuống, lớp
nhập nhoạng, rồi tối hẳn chả nhìn thấy gì nữa. Cô xuống kiểm tra, mới vài đứa
viết. Tối quá, thôi cô cho nghỉ tí nhé. Cả lớp được thể, như khỉ nhảy bàn nọ
sang bàn kia, đùa nô đấm đá.
Mưa,
bắt đầu mưa thì trời sáng ra. Lại tập đọc mới chết. Bà
còng đi chợ trời mưa/ Cái tôm cái tép đi đưa bà còng. Chúng tôi gào
lên, cả tiếng đập bàn thuỳnh thuỳnh. Cô Quỳnh bảo các em đọc nhẹ thôi, cô nhìn
ra phía con đường, rồi ra hẳn hè ngó trước sau. Trời vẫn như cầm cả bể nước đổ
xuống.
Trưa tạnh, vừa đến giờ tan học. Tôi đi
vòng đường gò Chãi, qua nhà thầy Hoa. Tôi sẽ tâu với thầy về cô Quỳnh, tôi sẽ
bảo thầy cả lớp không muốn học cô Quỳnh. Thầy chưa về, tôi ghét cái cổng tre
vẫn sập.
- Cô Quỳnh dạy có được không cháu?
Tôi đang cúi mặt phải ngẩng lên. Bà
San, mẹ chồng cô.
- Cô… cô dạy được bà ạ! Tôi định nói
kiểu sẽ nói với thầy Hoa nhưng thấy cái mặt bà ác ác như mụ dì ghẻ nên không
muốn hợp tác.
Này bà bảo thật nhé, bà cúi sát xuống
tôi, cái nón nhốt kín… Đi học, thấy cô Quỳnh thế nào về cứ kể với bà. Mùi trầu,
mùi hoi hoi, khẳn khẳn… Tôi vặn người, vù một cái ra phía trước – Bà thích thì
đến mà ngồi học. Con nhà khó bảo, bà tay chống nạnh nhìn theo.
Buổi học hôm ấy chúng tôi được một
phen khoái trí và kinh hồn.
Giờ ra chơi, như lệ thường, cả lớp ra
bãi đồi đầu hồi chơi. Ở đó tương đối bằng phẳng, cỏ êm; nhảy ngựa, rồng rắn lên
mây, đánh khăng… đều tuyệt vời. Nhảy ngựa vẫn là thích nhất, từ xa phóng như
tên lửa, dậm đà phóc lên, ngã xô chồng đống, hổn hển mồ hôi. Ngựa quị phải tiếp
tục làm ngựa, người nhảy trượt phải làm ngựa, ngựa nhiều hơn người. Tiếng cười
hò la không ra hơi. Cô Quỳnh một mình trong lớp buồn quá cũng mang len ra ngồi
đan. Có lúc bọn tôi ngã xô vào cô. Cô hốt hoảng: Có bị kim đâm không, chơi cẩn
thận nhé. Đã chơi ai còn cẩn thận, chúng tôi lại huỳnh huỵch la hét.
Ô nón quay chúng mày ơi! Đám nhảy ngựa
tất cả làm người, tụ lại một vòng quanh cái nón. Cái nón ngửa, chầm chậm rồi
tít mù như bên dưới có vòng bi. Lốc đấy, hồi tao với mẹ bắt cua, nón mẹ lật
xuống cũng tít mù như thế này. Sao không thấy gió? Thì trong núi, gió thành
dòng. Chúng tôi há mồm, tròn mắt, bình luận và xoay theo nón. Thật là một buổi
xiếc trời miễn phí. Nón của đứa nào ý nhỉ. Của cái Lanh. Đâu có, nó quai xanh
cơ mà, đây quai dây chuối, của cái Hòa. Mấy đứa ghé sát mặt vào. Cái nón rõ
vòng chầm chậm… Sao dưới chân trơn trơn… Rắn… rắn… rắn…Tiếng kêu thất thanh, mấy
đứa con gái nằm xuống chết ngất. Con rắn hổ mang to bằng bắp tay người lớn đang
trườn ào như thác lũ. Nó chợt nghênh đầu, cái lưỡi thò ra thụt vào phì phì, rồi
bất ngờ đầu biến mất. Một cơn bão tanh tưởi ào ào. Ối mẹ ơi… tôi nhắm mắt lại,
chết giấc.
Tôi tỉnh lại, len lén nhìn cái nón,
giờ đã úp xuống. Bọn chúng thấy tôi mở mắt reo to: Không phải chết rồi! Nhưng
bên tôi, cô Quỳnh đang nằm, mặt tím tái… Đi gọi thầy Hoa, chúng tôi chỉ nghĩ
được thầy Hoa.
Ba ngày liền, chúng tôi lại được học
thầy Hoa. Sáng thầy đi ủy ban, chiều về dạy. Chữ thầy vẫn đẹp, giọng thầy vẫn
nhẹ nhưng thấy khác khác làm sao... Bên dưới nói chuyện riêng. Xì xào, lè lưỡi…
Lúc ấy con rắn quăng mình, sát mặt mày một cái kim thì như tia chớp… Cô Quỳnh
tung người lên chặn. Thằng rắn nhoằng luôn vòng quấn cổ cô. Cô gồng nghe đánh
tưng một cái, rồi cầm hai dùi sắt cứ thế mà đâm vào mạch máu nó... chảy ồ ồ.
Phét, làm gì có thanh sắt lúc ấy. À quên, hai cái kim đan… Một lúc thì con rắn
hộc lên, lủi mất vào bụi. Tao thấy nó leo lên cây trám cơ mà. Ừ, vào bụi sau đó
trèo lên ngọn trám. Có khi nó về gọi vợ nó ra.
Ngày thứ tư, cô Quỳnh trở lại lớp.
Chúng tôi thấy chữ cô đẹp hơn, giọng nói cũng mềm mại hơn. Hình như cô khác ra,
khuôn mặt thanh thanh, đôi má hồng, mái tóc dài mượt đến khoeo. Tôi nghĩ thế,
chắc chúng nó cũng thế nên chăm chú, chả mất trật tự tí nào. Cô trò đều vui,
giờ học vèo cái đã hết.
Một
buổi, cô trò đang say sưa thì bà San đến. Bà ngó nghiêng một lượt rồi ngồi phệt
xuống cửa ra vào. Cả lớp tròn mắt. Cô tái mặt, rồi khẽ đi lại: Mẹ có việc
gì...! Tôi chả có việc gì, chị coi tôi là con mèo con chó hay sao mà để ngoài
vườn suốt từ sáng đến giờ. Cô ngẩn người, rồi cũng quay vào lục cặp, cô quay
ra: Mẹ ơi con không khóa cửa, con nhớ lúc đi mẹ ngồi ngoáy trầu trong nhà cơ
mà. Lại còn lí sự à... thôi không nhận thì tôi về. Chinh ơi là Chinh ơi, mày
sống lại mà xem vợ mày nó đối xử với mẹ mày này... Cô Quỳnh chạy theo, mái tóc
không theo kịp: Để con đưa mẹ về. Không dám chị cứ công
tácđi. Chúng tôi ra, cô ôm lấy những cái đầu. Ai đèo ấy nhỉ? Lão
Thê hàng xóm. Cút đi! Cút đi! Hai mươi cái miệng giẩu lên, phù một cái. Với
người lớn không được thế, cô nói giọng như khóc.
Thời gian còn lại thật nặng nề. Cô cho
chúng tôi tự viết. Trang giấy chúng tôi chập chờn bà San. Y hệt cái mặt dì ghẻ.
Về nhà tôi kể chuyện này cho bố mẹ. Bố
bảo: Cay nghiệt nhất cái làng này, ai chả biết. Sao cô Quỳnh không bỏ quách về
quê mà lấy chồng, cứ ở cho bà ấy hành? Mẹ nói: Thì vẫn... Đành rằng chú Chinh
chú ấy chết rồi. Dưng mà anh phải hiểu cái tình, đâu như cầm cái kéo cắt xoẹt
tờ giấy. Tình cái con khỉ, tình cho người ta, nghoảnh đi nghoảnh lại mình già
khọm ma nó lấy. Đừng có mà nói người ta thế...Mẹ ghé vào tai bố thì thầm... Nhà
lão Thê đang muốn hỏi cô ấy đấy. Lão Thê... Thật chán cho mẹ, không biết đầu mẹ
làm sao.
Lão Thê hơn được con cá mắm, mặt tinh
những mắt là mắt. Lão có hai món nhất - Nói phét và đánh vợ.
Lão có bảy đứa con gái. Bà vợ to, mặc
cái áo lúc nào cũng hở rốn đen như hàm răng vâu. Dân làng bảo răng bà ấy đen vì
hễ mở mồm ra là l..., như l treo trên môi. Cho chết môi cũng như dái ông đánh
dậm. Còn rốn đen là vì đẻ nhiều. “Con nái này toàn là trứng cái!” Lão Thê ngồi
uống rượu với cua rang, chỉ đũa vào mặt vợ quở. Ông bảo ai nái, thằng nào đêm
nào cũng trèo lên lợn nái. Chiến tranh rồi, hai tay vợ đã chống hai sườn, cái
ngực rung rung đang tiến lên. A mày muốn chết hả? Làm nái không biết đằng làm
nái còn tinh vi. Lửa đổ vào dầu. Xông lên, chai rượu rỗng vù đi, choang ngoài
bậu cửa. Rồi cua, rau thơm theo chuyến mâm bay ra hè. Chỉ còn hai người vật nhau,
hồng hộc như hai con lợn rừng. Yếu trâu hơn khỏe bò, lão Thê lẻo khỏeo là thế
đã đẩy bà vợ ngã xuống đất. Ối giời ơi nó giết tôi. Tiếng kêu như hồi trống
giục ba quân. Trong buồng, dưới bếp, sau nhà đàn con gái đùn đùn ra. Dám đánh
mẹ hả, hôm nay cho bài học. Lão Thê thấy mắt bừng lên một cái thì một núi đàn
bà đã ập xuống. Dận, huých bằng mông, bằng tay; rồi bằng chân, họ đứng lên dẫm,
nhay nhảy như lão là cái cối đất làm gạch. Chừa đánh mẹ chưa? Thở. Xin đi...
Cho bố xin... Từ nay...
Tan mưa tạnh gió. Chiều, thấy vợ con
ra đồng, lão lầm lũi đi theo. Tối, lão xuống bếp nấu cơm. Vợ lặng lẽ ra quán bà
Giáo chịu chai rượu. Rượu ngon, có đĩa lươn chả đứa nào gắp. Lão lâng lâng
nhìn.
Được hai hôm, lão chẳng ra đồng, chẳng
lên rừng. “Sau đít đàn bươm bướm suốt ngày, thế mà cũng thấy thơm, chịu ông?”.
Thì bảo theo ai? Đần quá, ngủ in ít đi, đêm ra đầu ngõ mà nghe... Chỗ nào có
tiếng xay lúa, dội nước thì đến. ...Đấy cái đám dạy vỡ lòng đấy. Đảm bảo thả
xuống một cái không thằng cu tôi làm con ông.
Cô Quỳnh. Tóc dài, mông rộng... Lão
thấy rạo rực. Nhưng, sợ. Léng phéng, xã cho dân quân đến gô cổ. Lão vuốt ngực
một cái bảo đám bạn rượu: Đừng xui dại thằng này.
Lão về nhà, vợ con ăn sắp xong. Lão
chửi. Đá tung mâm cơm. Thừa thắng lần trước, lão lại bị làm cối đất gạch. Chẳng
thấy đau, lão đang mơ mái tóc dài, cái bụng chửa. Lão cứ nằm, thành đất mất nếu
hôm ấy không có bố tôi vào gọi.
Lão và bố tôi chạy, bờ ruộng như sợi
dây xiếc, hai người đang bay về. Muộn rồi. Mẹ lão đã theo bố lão, ông bà tổ
tiên một phút trước. Lão hức hức, úp mặt xuống mẹ.
Con một, lão chẳng biết lo toan gì.
Lão ầng ậc nước mắt, quanh ra quanh vào chỉ nói độc một câu: Cảm ơn dân làng.
Tình hàng xóm, đến việc là đâu ra đấy. Bố tôi lo tổ chức tang lễ, thầy Hoa hay
tin chạy ra đã cầm sẵn điếu văn, cô Quỳnh loáng cái đã thấy đủ hương, tiền,
vàng. “ Bà xuống trước bảo các cụ đừng đi đâu xa nhớ, đợi tôi” - Bà San lẩm
nhẩm như ma làm. Lão chỉ lo việc chống gậy, thường trực cái mồm mếu máo. Lão
đau mất mẹ một phần, phần nhiều là vợ lão không ra. Sao có loại đàn bà bạc thế,
lão lại rống lên, ai oán.
Hậu tang, lão không bỏ qua cho bà vợ,
tuyên bố: Tôi ra ở nhà bà, nhà tôi độc đinh tôi phải hương khói. Lão đi, chỉ
lấy cái xe Thống Nhất và can rượu dở.
Lão thành hàng xóm nhà tôi, cô Quỳnh.
Bố tôi
ghét lão nhưng chả bao giờ ra mặt. Lão đến ngồi tiếp, sổi cũng ba tiếng; ấm trà
ba lần đổ bã; thuốc lào, bố hai lần vào buồng véo. Thường là lão nói, bố ngồi
hai chân lên ghế, vặt râu xuông, thỉnh thoảng giơ cái nhíp lên nhìn. Lão đang
kể chuyện Hồi đánh Khe Sanh... Chú biết không (lão kém bố tôi ba
tuổi nhưng cứ thích thế), bọn nó súng cối, súng máy hai chục cái vãi đạn xuống.
Tiểu đội tao chết sạch. Chết mà mà còn kể chuyện, tôi nằm giường thấy buồn
cười. Hượm, thằng cu nghe tiếp này.... Còn mỗi tao, với một khẩu AK, với chín
viên đạn, với hai quả lựu đạn. Mẹ chúng nó, vẫn bắn không ngừng lấy một giây.
Tao nằm xuống trên xác mấy thằng bạn. Nghĩ nát đầu, mình mà chết nữa thì về
không biết nói năng với tiểu đoàn trưởng như thế nào. Tao bấm vào tai, máu chảy
ròng ròng trên tay. Được rồi, tao suýt nữa thì kêu ra tiếng. Tao nói thầm vào
tai mấy thằng bạn... Mày hiểu, thông cảm cho tao, phải cho chúng nó câm họng.
Tao hai tay hai xác bạn, nhô cao người lên, đạn địch lập tức như mưa. Thương
chúng nó quá, chết còn che chở cho tao. Thôi bắn rồi, chúng mày phải lắp đạn
chứ. Tao chỉ chờ có thế, nhích lên. Chúng lại bắn, lại hai thằng bạn nữa hứng
đạn. Cứ thế... năm lần chúng thay băng thì tao áp sát miệng lỗ châu mai. Nằm im
mươi phút, chúng lại thay băng. Các con ơi vĩnh biệt rồi! Tao reo to, liệng như
điên hai quả lựu đạn vào. Tịt ngóm. Khói đen lờ đờ bay ra, có cả mùi thịt cháy.
Tao khóc, ôm lấy tấm thân 11 thằng bạn chi chít vết đạn.
Ha... ha... ha... Tôi đau bụng quá,
cười rung cả giường. Ô thằng cu này buồn cười nhỉ! Cười chứ sao lại không cười,
ông đi bộ đội ngày nào mà nói phét, mẹ tôi nãy giờ ngoài hè, đi vào nói. Lão
Thê đuỗn mặt, rồi hề hề: Thì cánh thằng Hùng, thằng Minh nó kể. Nó kể cũng
không kể như thế, ông bịa cũng bịa vừa vừa thôi. Lão châm điếu thuốc, há mồm, rồi
ôm ngực hù hụ. Bỏ mẹ sao hôm nay sặc thuốc lào. Lão lảo đảo về. Nói thế phải
tội... mà cái lão này hồi trước đâu như đảo ngũ, mẹ tôi chưa hết tức. Bố giảng
giải: Không hẳn là đảo ngũ, mới đi khám, người ta thấy toàn thân lở kềnh lở
càng cho về chữa, đợt sau đi. Nó sát lá han rồi tắm nước giải đấy, chính mẹ nó
khóc kể cái hôm truy điệu thằng Hùng. Thật chả hiểu người hay ngợm nữa.
Nhà lão và cô Quỳnh, bà San chung bờ
rào cúc tần. Rặng cúc tần có một khoảng chó chui, sau bếp cô Quỳnh, sát đầu hồi
nhà lão. Lão hay qua xin lửa chỗ đó. Bà San lúc nào trong túi áo cũng có bao
diêm Thống Nhất. Lão nấu cơm hay để bếp tắt vì bận sang nhà tôi ngồi lê. Bà San
hay sang nấu cơm cho lão. Thỉnh thoảng lão trèo cau, mang cho bà một túm, cả
một con cá bảo tự nhiên nhảy lên bờ. Bà San cũng đi lại lão chai rượu cúng
xong.
Cô Quỳnh hay bị bà San nói chuyện lão.
... Chuyện gì cuối cùng cũng thở dài một câu: Đàn ông một mình nom khổ khổ là.
Cô Quỳnh thường im.
Hôm nay lợp xong cái bếp, cô Quỳnh làm
hai mâm cơm. Người giúp có bố tôi, lão Thê, thầy Hoa... và tôi đưa cọ cũng được
mời. Mấy người vừa rửa ráy xong, đang ngồi chiếu hút thuốc lào. Cô Quỳnh bưng
mâm lên, má đỏ bếp lửa. Cô có ý kiến, cảm ơn, mời. Lão Thê rót rượu, cũng cảm
ơn, nâng chén. Lão liên tục nói mọi người tự nhiên, gắp thịt gà cho từng bát.
Cô Quỳnh cau mặt, lườm lườm. Đến bát thầy Hoa, thầy rụt lại, miếng cánh nằm
dưới mâm. Có vẻ căng thẳng, hoạt động ăn ngừng. Hôm nay lão Thê có chuyện chiến
đấu mới nào kể cho nghe nhỉ, bố tôi nói. Thôi thôi... lão Thê xua tay, ta chiến
đấu mâm này.
Nói chiến đấu, Bà San lại kể chuyện
hồi mồ ma chú Chinh, bảo lấy vợ quê không nghe, đánh đùng một cái đưa cái cô
này về, giao giá cưới hỏi, chỉ hai hôm con còn đi B. Bà thấy con dâu thế nào?
Bố hỏi. Thế nào thì dân làng biết cả rồi, có mỗi chuyện đẻ cũng dốt. Bây giờ có
giỏi cũng chả làm gì. Thì cho cô ấy đi lấy chồng? Lấy ai, ai lấy... nói ra bảo
tôi cơ cầu, ai đời có tuổi có chồng rồi tóc cứ để dài như gái mười tám ý. Bố
tôi bấm sườn thầy Hoa. Thầy Hoa ra hiệu cho bố. Bố bảo bà phiên phiến đi một
tí, cô ấy làm cô giáo chả nhẽ váy chằng váy đụp.
Chuyện nọ xọ chuyện kia, xong bữa cũng
mười giờ đêm. Cô Quỳnh dưới bếp rửa bát xong, đang gội đầu. Bà San xuống bảo
nhanh mà đi ngủ. Tưởng bà lên nhà nhưng vẫn đứng nhìn. Cô Quỳnh cúi, tóc chảy
dài xuống chậu, mỗi lần giội nước suối tóc lại ánh ánh, thơm thơm. Bà San vuốt
ngực, bất ngờ giật lấy cái ca: Cái này của thằng Chinh, không được dùng. Cô
Quỳnh ớ người, đứng lên. Cả thân hình là tóc. Tóc nói, hình như đã kìm lại đến
hết: Mẹ... hôm nay lợp nhà bụi bặm. Mẹ mệt, mẹ lên nghỉ trước đi.
Mất ca, cô Quỳnh phải lấy cái bát; tóc
dài, dày; lược thưa, lược bí xong thì đã sắp 12 giờ. Cô vùi tro bếp, đang khóa
cửa thì lão Thê. Cho tôi xin tí lửa, đun tí nước sôi quấy tạm ít bột sắn...
uống rượu bây giờ tỉnh lại đói. Nhà hãy còn cơm, thức ăn để em lấy. Cô vào đang
mở chạn thì mái tóc kéo người ra sau... Quỳnh ơi, anh yêu... Đôi tay đang áp
trên ngực cô. Nghèn nghẹn, khó thở, có gì đấy như anh Chinh, cô khuỵu xuống,
lão như cây chuối ngốp ập theo luôn. Còn làm cái gì nữa, lên ngủ thôi Quỳnh ơi.
Tiếng bà San như cái tát. Không, thật là cô Quỳnh tát lão Thê. Lão đang luống
cuống mặc quần, cái mặt phơi ra lật trái, lật phải.
Hôm sau lão Thê lại sang nhà tôi. Mẹ
tôi kêu hết chè, lão ù luôn về nhà mang sang một gói. Bố nhìn mẹ ý bảo thua
chưa.
Bố lại lấy cái nhíp ra nhổ râu khan.
Lão Thê thỉnh thoảng vuốt má, tôi nhìn nhìn, lão xòe tay mượn bố cái nhíp. Bố
rót nước, lão hỏi chè được không. Bố chẳng nhìn bảo được. Lão bảo chè này đặc
biệt đấy, chuyên để dạm vợ, mà vợ dứt khoát thằng cu. Tôi có khi phải kiếm
thằng cu chú ạ. Tôi mà được thằng cu dứt khoát sẽ mời cả xóm ăn ba ngày. Thì về
với bà trong gò mà gõ, biết đâu thằng cu còn nấp trong ngách nào. Vĩnh biệt
rồi, cờ trắng lâu rồi, mà về lũ giặc cái nó xé xác tôi. Nói thế đúng là Thê nói
phét. Phét là phét thế nào, tôi dứt khoát thằng cu đấy.
Tôi chẳng thấy hay như chuyện đánh lỗ
châu mai lần trước, thật phí cả công ngồi chõm.
Tôi ra đến cổng thì thầy Hoa đến, thầy
rủ tôi sang nhà cô Quỳnh. Thầy nói thầm vào tai tôi: Lúc thầy về em đưa cái này
cho cô Quỳnh nhé. Một phong bì, dán kín. Tôi cầm, giơ lên, không có chữ gì, lại
lật mặt sau. Thầy bảo: Chuyện bộ đội làng mình chiến đấu ở miền Nam ấy mà. Sao
thầy không cho bọn em đọc? Thì cô Quỳnh đọc trước, kể lại cho cả lớp.
Cô Quỳnh đang ngồi với bà San ngoài
chõng tre. Hai thầy trò đến cổng còn nghe tiếng: Chó mèo thì phải loeng quoeng
lục cục chứ. Tôi nói trước, nhà này mà có trò chó mèo ấy thì tôi sẽ báo xã. Cô
nên nhớ, gia đình liệt sỹ hô một tiếng, người ta sẽ đến trói ngay, giam vào lò
thúc mầm. Cô Quỳnh mếu máo: Mẹ ơi con không hiểu ra làm sao nữa...
Tôi giật áo thầy Hoa: Hay là về...
Thầy nắm tay tôi thẳng bước vào. Bà San nhìn thầy quàu quạu, đứng vụt dậy. Cô
Quỳnh ngước lên, rồi cúi mặt, tôi nhìn thấy hai mắt đỏ hoe, có nước. Tôi ngồi
im. Thầy Hoa hỏi cô việc luyện chữ cho lớp, ngày báo công sắp đến nơi rồi. Thầy
Hoa lại hỏi tối qua sau đấy mọi người ngồi lâu không... Cô Quỳnh sụt sịt, rồi
rõ tiếng khóc. Nín đi cô ơi! Tôi hoảng hốt nghoảnh vào, bà San đang ngồi như
tượng trong giường. Có tiếng hèm, ba tiếng ngắt ra, rồi tiếng bàn ghế, xua
gà... Thầy Hoa đặt tay lên vai cô Quỳnh. Rồi thầy vụt đứng dậy, chào bà San, ra
về. Tôi cũng chạy theo thầy luôn.
Tối đi ngủ thấy cồm cộm túi quần, tôi
nhớ ra việc thầy Hoa nhờ. Sang nhà cô, lão Thê đang ở đấy. Lão đang cúi đầu y
như học trò bọn tôi bị phạt. Bà San nói nhỏ nhưng riết giọng: Tôi cảm ơn anh
hàng xóm láng giềng, miếng trầu quả cau, đèo xe đi chỗ nọ chỗ kia. Nhưng tôi
cũng không muốn anh lò dò như thằng trộm, nhà tôi đàn bà con gái phải cửa đóng
then cài. Lão Thê vẫn ủ rũ, ngoan ngoãn đến tội nghiệp. Cho chết, cái giống đàn
ông ngồi lê, lê lắm có ngày ăn đòn. Tôi hả hê nhưng nhìn mặt cô Quỳnh lại xót.
Cô chẳng có tội gì, bà già này lúc nào cũng phức tạp chấn chỉnh. Tôi đủ biết,
bà nói lão Thê, lạnh nhạt với thầy Hoa để dăn cô. Lão Thê, được, hôm nào đi
đâu, sẽ đút que vào quả khóa... Nhưng như thế lão sẽ chạy sang nhà cô Quỳnh
mượn búa đinh. Không, mình sẽ cưa ngậm cái cầu ao sau nhà lão, cho cá vỗ tay
một buổi.
Cô Quỳnh ơi ra em bảo cái này! Tôi sốt
ruột, mà cũng là thông minh ứng xử tình huống. Cô ra cổng, tôi nói thầm: Thầy
Hoa gửi cô cái thư. Tôi chạy ù về, sung sướng, làm cho thầy Hoa là tôi sung
sướng.
Còn mấy lần nữa tôi làm “bưu tá” cho
thầy Hoa. Nhưng hỡi ôi, bố bảo con có tội rồi.
Tháng 5, lớp vỡ lòng Đại Minh Hùng
nghỉ học mất hai buổi.
Hôm ấy, đi học về tôi nhảy luôn xuống
bếp xục cơm. Đang nhồm nhoàm thì có tiếng trên nhà:
- Có khi em bỏ ủy ban anh ạ.
- Ô cả làng này chữ nghĩa mỗi chú, xã
trông cậy vào ai.
- Thì thế em mới phải bỏ ủy ban xin về
lại lớp vỡ lòng.
- Cô ấy xin thôi, đơn đây này.
Tôi bưng bát cơm lên, đứng đầu hồi,
dán mặt vào khe vách. Bố giơ tờ giấy, lẩm bẩm:
- Về quê à? Sao lại là bây giờ? Bà San
chẳng còn được mấy năm nữa? Cô này làm sao nhỉ? Không phải. Thôi, tôi với chú
sang ngay nhà cô ấy.
Bố và thầy Hoa đi, tôi lẻn theo.
Bà San đang nằm giữa nhà. Nghe tiếng
chân người, vật vã, tru tréo:
- Đi rồi, các người đuổi nó đi còn đến
đây làm gì?
- Quân chó mèo, tưởng lắm chữ, dặt một
quân chó mèo đội lốt người... Tôi biết ngay mà... Giời ơi sao giời bắt tôi phải
sống với đám chó mèo.
- Bà mệt ạ. Để con đưa bà lên giường.
Bố cúi đỡ bà, vẻ mặt kìm nén ghê gớm.
Bà vùng vằng, đôi guốc cày một đường
trên nền nhà. Mẹ nghe tiếng chạy sang, nói với bố và thầy Hoa: Chuyện đã rồi,
hai người để tôi. Bố và thầy Hoa về, thầy Hoa lùi lại bảo mẹ: Chị làm sao phải
đưa được bà lên giường đấy. Được! Được! Yên tâm! Sao mặt mẹ bình thản thế?
Hai
hôm sau lớp tôi nghỉ học, tôi là người thông báo. Tôi bảo theo lời mẹ dặn: Cô
Quỳnh đi chữa bệnh. Chúng hỏi bệnh gì. Tôi đáp thì bị nôn đấy... (Sau này mẹ cứ
than thở con dại quá, tế cho
không biết bao nhiêu lần).
Hôm thứ ba, thầy Hoa dạy. Chúng tôi
hỏi cô Quỳnh đâu. Thầy bảo bệnh cô sắp khỏi rồi.
Được
hai hôm thì lại nghỉ học. Lần này chúng nó hỏi tôi bảo liều: Bố tớ và thầy Hoa
về quê đón cô Quỳnh. Zê... zê, chúng nó reo to. Tôi lo cô Quỳnh không lên. Hôm
đi mẹ dặn thầy: Xin nhé, một hai phải xin, con chót dại... chuyện đời người
đấy. Bố cũng hùa vào: Cấm văn vẻ, viết chuyện để sau, bây giờ cho xong việc lớn
đã. Tôi lờ mờ đoán ra việc lớn khi
thấy mẹ xếp rất nhiều bánh gai, trầu cau... vào túi.
Chuyến đi của hai người tốt đẹp, có cô
Quỳnh cùng về. Bố được mẹ khen: Tưởng ở nhà dùi đục hóa ra cũng biết đường ăn
nói. Bố định kể công nữa thì mẹ xua tay... Bây giờ như thế này... Cô Quỳnh cứ ở
tạm đây đã. Tôi và bố thằng Thanh xuống xã. Bố bơm xe, mẹ như chợt nhớ, kéo
thầy Hoa ra: Tôi hỏi nghiêm túc, chú có yêu cô ấy thật lòng không? Dạ... Em đã
nói nhiều rồi, dù Quỳnh thế nào em vẫn trước sau. Cô Quỳnh rơm rớm nước mắt. Bố
bơm xe xong hỏi mẹ: Bà San khó lắm, nhỡ đổi ý... Cái gì chả khó; muốn dễ, sang
mà hút thuốc lào với lão Thê; mẹ gắt lên. Tôi bảo lão Thê chiều qua bị ngã
xuống ao, sốt cao lắm. Chả ai nói gì.
Đám
cưới cô Quỳnh thầy Hoa đông nhất làng. Có hai mươi sinh
viên vỡ lòng phù dâu
phù rể. Bố tôi trưởng đoàn nhà gái, đúng ra là “dịch” lời bà San, bà thều thào
nói không rõ, chỉ nghe được “Tôi thương nó, tôi sắp chết rồi”. Mẹ tôi trưởng
đoàn nhà trai, đọc một bài thơ lục bát, tôi nhớ hai câu: Duyên
tình sớm muộn bền lâu/ Vỡ lòng chung tiếng trầu cau chúc mừng.
Chúng tôi trở lại học bình thường. Cô
Quỳnh dạy, bụng đã to to. Về nhà tôi bảo mẹ, mẹ nói: Thì lấy chồng phải bụng to
chứ. Cái thằng này đần quá.
Nhà tôi bây giờ không có ông khách đến
hút thuốc lào và nói phét nữa. Một lần nhớ nhớ, tôi hỏi, bố bảo: Bị đàn bươm
bướm bắt về rồi. Tôi lo. Tại sao tôi lại lo ông bị đánh?
Động Lâm 2009 - Điện Biên tháng 3/ 2011
Tre nứa nổ lốp bốp, cỏ gianh à à ran
ran. Khói, tàn đen trong luồng khí nóng hút hút từng vòng như muốn bốc người
quay trở lại.
Cứ từ đầu chiều, gió Lào ong ong, như
có con gì rứt rứt trong thịt. Hạ sang lớp đúng lúc một cơn lốc ập đến, bụi sộc
thẳng vào mồm. Sao lại há mồm lúc ấy. Hạ không bỏ được thói quen xấu, nói ma
bàn ghế. Nóng, bụi, bứt rứt... Hạ đã đánh nhau với gió. Mồm hét, chân
đạp.
Ngực vẫn nặng, bụng xèo xèo như ai cầm
bó đuốc dụi trong dạ dày.
Hạ co chân, thả người xuống luôn bên
bếp, đẩy vào mấy mẩu củi, thổi phù phù. Lửa bùng lên như chờ suốt đêm qua.
- Thầy giáo ơi sang ăn thịt vẫn còn
đi! - Hạ gõ gõ đầu… À… Tối qua uống rượu một mình, sau đó sang nhà ông Vừ. Uống
năm chén nữa, chưa ăn miếng nào.
Tiếng ông Vừ gọi. Rồi cái đầu bù xù
ngồi trước mặt Hạ.
- Đêm qua chưa say sao bỏ về. Cháu
không tốt rồi… Chúng tao đốt nương con hoẵng chạy bị ngã. Nghỉ nương mang về
mừng. Không còn thầy giáo vẫn uống… vui mãi không lên được.
- Thế rừng có bị cháy không?
- Có chứ, cháy thì con hoẵng mới chạy
ra chứ.
Ông Vừ ngoằng tay ra sau, lấy hai đoạn
nứa bỏ vào bếp. Lửa cao ngọn ngần ngật. Đám tàn đỏ ngoằn ngòeo đuổi nhau lên
mái gianh. Có con gì đang giãy giãy. Đỏ rực, mờ nhòa rồi lại đỏ rực. Nó sắp rơi
xuống đầu…
Cháy! Cháy! Hạ vụt lao ra. Ông Vừ theo
phản xạ cũng chạy. Đến sân ông dừng, ngoảnh nhìn vào bếp. Lửa không còn, mấy
đoạn nứa lúc nãy thành những khúc tàn bềnh bệch.
- Thầy giáo bị con ma rồi. Sang nhà
tôi uống rượu nốt đi.
Hạ ngoan ngoãn theo ông Vừ.
Nhà ông Vừ có hai con ngựa, bốn con
trâu, mười lăm con lợn thả rông…; mỗi vụ nương mang về chín mươi bao thóc, gần
trăm bao ngô. Ông không phải trưởng bản, anh em họ hàng cũng không ai làm cán
bộ… nhà cửa lại sạch sẽ đâu ra đấy. Công an lên “Ba cùng” ở nhà ông, thầy giáo
lên vận động con em bản đi học buổi trưa uống rượu nhà ông. Người dưới thị trấn
gặp người Mông xuống chợ, hỏi ở bản nào, bảo Pú Cáy thì hỏi lại: Bản đấy có ông
Vừ chứ gì! Lập tức khoe ngay: Ừ nó vừa mua máy xát đấy, xát hộ mà, chỉ lấy cám
lại thôi. Nó vừa cho vay ba triệu tiền tao mua tivi, mày đi xem cùng đi?
Hôm ấy, buổi sáng cầm quyết định từ
Phòng về Hừa Tang, hiệu trưởng Bằng nhìn Hạ một lúc rồi bảo: Trẻ đấy. Tốt. Về
điểm Pú Cáy nhé. Hạ đáp vâng em đi đâu cũng được.
Hạ sang phòng hội đồng, vừa lúc trống
ra chơi. “Ma cũ” nhao nhao đến xem mặt “ma mới”. Hạ bị lọt thỏm trong ánh mắt
thương thương, cảm phục. Một anh kéo Hạ ra hè, nghiêm mặt nói nhỏ: Này chú có
muốn ở trung tâm không? Anh ta xòe bàn tay, ngón cái vê lần lượt các ngón.
Không. Mà ở trung tâm hơn được cái gì? Nhiều thứ trên đó… chú trẻ dễ chết lắm.
Như là… Như là… Hạ thấy buồn cười, nhưng cũng ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: Thôi
em cứ đi theo sự phân công. Anh kia thở dài: Tưởng chú biết nhìn tương lai…
nhưng thôi tuổi trẻ cần dấn thân, khi nào cần cứ xuống anh. Anh tên là Tình,
giáo viên thể dục.
Hạ lên ngay trưa đó, cùng đoàn Pú Cáy
đi chợ về. Đoàn có bốn người, toàn phụ nữ, ba người tầm bốn năm mươi và một cô
bé khoảng mười tám mười chín. Hạ giới thiệu mình lên làm thầy giáo Pú Cáy, ba
người có tuổi nhìn nhau chi pâu * rồi cười. Cô bé cũng cười, nói: Nó không biết
tiếng Kinh đâu. Thầy giáo cũng không biết tiếng Mông thì làm sao? Thì uống
rượu, thổi khèn, đi nương khắc làm khắc biết thôi. Cô bé nói, cái lúm đồng tiền
hút hút như bông hoa chực lặn xuống đôi má trắng hồng. Hạ thấy lâng lâng, lúc
trước phải chạy gằn, bây giờ nhẹ chân vẫn cùng đoàn. Nhưng hai người trẻ bị tụt
lại sau từ lúc nào. Cánh rừng miên man, lạnh tối.
Ôi sông! Hạ kêu, chạy ào ra phía
trước. Cô bé chạy theo… Chết, lăn xuống chỗ chết đấy. Hạ và cô bé ôm nhau, bung
biêng. Mây trắng đang trôi, núi chạy vòng tròn, nắng hắt lên đuổi nhau về đường
cầu vồng mờ xa.
Cú va chạm hoàn hồn xóa khoảng cách
hai người. Hạ hỏi em có người yêu chưa. Cô bé bảo hai lần con trai bắt ngoài
rừng không mang về nhà, không có con về mình. Hạ láng máng nhớ tục người Mông
cướp vợ, vừa nãy mình cũng “cướp” trượt. Bất giác Hạ bẻ tay, những ngón tay kêu
lốp nhốp. Cô bé đang kể sang chuyện nhà, bố em bảo không đứa nào cướp mày thì
anh mày cướp ngô thóc lợn gà về cho bố. Rồi người ta đến cướp ngô thóc lợn gà, cướp
lẫn cả mày. Hạ cười. Cô bé im lặng.
Tối hẳn thì về đến bản. Tiếng lợn gà,
ngựa rùng chân... hợp âm đòi ăn âm âm, nôn nao. Hạ đang định ngồi xuống
một mỏm đá trước ngôi nhà to dài thì cô gái bảo: vào đây, ở nhà em luôn thôi.
Không, phải đem giấy trình trưởng bản. Ô! Không phải đâu, cán bộ nào lên cũng ở
nhà em mà. Cái váy đang sát mặt Hạ như có ma lực, Hạ đứng lên theo cô gái.
Hũ nút. Trong nhà tối hơn ở ngoài,
tiếng đổ nước, tiếng cô bé véo von. Bếp lửa chợt bùng lên. Cô bé đang ôm mẹ,
nói tiếng Mông, Hạ chỉ biết líu lo, hình như nũng nịu. Con chào mẹ, con tên là
Hạ lên bản dạy học. Bà mẹ cười thay lời đáp. Cô bé giằng lấy hai ống bương vù
đi.
Hạ muốn làm một việc gì, đang ngó
quanh tìm cái chổi, thì một con lợn ịt ịt nhấp nháy mõm tiến vào bếp. Hạ đá nhẹ
một cái. Bà mẹ quát một câu, nó ra, đuôi ngoáy ngoáy trong khoảng mông tối dần.
Cơm dọn xong thì ông Vừ về. Hạ hỏi
nương nhà mình có xa không. Ông bảo sang nhà con trai thôi. Cô bé giải thích,
anh trai mới mua xe máy, bố phải nói thay anh cho mọi người vui, nói xong bảo
về có thầy giáo lên.
Ông Vừ không biết uống rượu, bảo con
gái uống chúc thầy giáo đi. Cô bé ngần ngừ rồi uống liền hai chén. Hạ bắt tay,
cô bé đang gắp, hai tay gặp nhau có cả đũa. Ấm nóng, tự nhiên thấy yêu yêu ánh
lửa rập rờn trong đôi mắt đang cúi. Đôi đũa rơi cạch xuống mâm. Ông Vừ mặt rạng
rỡ, nói thầm vào tai vợ.
Cho chơi với thầy giáo đi! Một người
nói to từ cửa, bước vào ngồi xuống mâm. Hạ lễ phép giới thiệu mình. Người kia
nói tôi tên là Mùa, trưởng bản, mong thầy giáo mãi. Hạ hỏi luôn về tình hình
bản, lớp học. Mùa kể: Có lớp từ ba năm rồi, hai năm đói nhiều thì đi học nhiều,
một năm no nhiều thì lại đi học ít. Hạ không hiểu, quên uống hỏi tiếp luôn: Nó
đi chỗ khác học à? Không. Nó bận nương xa, nhiều ngô thóc trâu bò à? Không. Không
nói đâu… Mùa thì thầm với ông Vừ. Hai người cùng nhìn Hạ. Cô bé nhắc tất cả
phải ăn cơm.
Tối, Hạ không ngủ được. Người ê ẩm,
cái chăn đơn, cô bé và bà mẹ giường bên. Thoang thoảng thơm cái váy, hút hút
lúm đồng tiền, cách nói hồn nhiên thông minh. Ở bản, không phải ở bản? Có lẽ
mình sẽ bắt đầu từ cô bé này. Ngày mai hai đứa đến từng nhà, nhà nào vắng thì
tới nương, mình sẽ nói dưới trung tâm đi học nhiều, trồng rừng nuôi lợn gà bán
nhiều tiền; con đi học về lại bảo bố mẹ làm theo sách, tiền lại nhiều nữa…
Hạ thức dậy thì không thấy ai. Ngôi
nhà năm gian mái như úp xuống mặt, tất cả các cửa đều đóng; nhờ nhờ tầng tầng
bao, ngô một gian, thóc một gian, còn lại là bếp và ba cái giường. Đêm qua,
không biết cô bé nằm bên trái hay bên phải. Hạ vòng tay, ngủ mê mình có thể lăn
sang. Thật buồn cười, Hạ cấu vào đùi một cái.
Ăn sáng xong bằng ba bắp ngô luộc còn
trong nồi, Hạ khoan khoái bước ra sân. Nhẹ nhõm và thoải mái; sương bắt đầu
tan, dãy núi trước mặt vẫn còn những cái khăn trắng uốn lượn lên xuống; quả đồi
dưới chân, một đàn dê đang ngớn lên đám xanh xanh cao cao.
- Tôi là Dia, anh trai Nhìa.
- Tối qua anh có ngủ ngon không?
Hạ nhìn một người lạ. Mặt dài, mũi
cao, đôi mắt nhanh nhẹn, nói tiếng phổ thông không ngọng, biết cả hỏi thăm xã
giao… khác hẳn số đông người Mông. Dia bảo tôi là con trai thứ hai ông Vừ, nhà
bên kia núi này. Tôi sang lấy cái băng hôm nọ cái Nhìa mượn.
Dia vào nhà, Hạ đi theo, đứng ở gian
giữa. Dia leo qua đám bao ngô, ì ạch bốc ra xếp vào một lúc rồi quay ra, mặt
lấm tấm mồ hôi bảo Hạ: Bố tôi về, bảo một chỗ bị dột nhé. Dia lên đến đỉnh dốc
còn ngoái lại. Hạ thấy cái túi nilon đen, ở phố từ ngân hàng ra người ta hay
xách? Không phải tiền, hình như hạt giống gì đó.
Gần trưa thì Nhìa về, Hạ nói nhà mình bị
dột từ lâu, anh Dia biết, xếp lại bao. Nhìa bảo anh Dia khổ nhất nhà.
Hạ và Nhìa cùng nấu cơm. Hạ bưng rổ
rau, cầm cái nồi, đưa cái thớt…Nhìa nhoăn nhoắt cái váy đằng trước. Loáng cái
mâm cơm dọn ra, có mỗi hai người Hạ thoáng ngại. Hạ hỏi nương nhà mình xa
không. Nhìa bảo nó không có nương xa. Sao nhiều ngô thóc, trâu lợn? Anh trai nó
để chung. Nhìa gắp cho Hạ miếng thịt, rồi nói như sực nhớ: Mình uống rượu nhé.
Hạ gật đầu. Hai đứa uống. Ba chén.. năm chén... không biết mấy chén nữa.... Rồi
bằng bát, Nhìa giơ bát, đầu cụng vào Hạ. Hạ nhắm mắt ực; ngược lên, cái can
trong tay Nhìa như dòng suối.
Hạ lơ mơ thấy mình trên giường, có vật
gì rất nặng đè lên, lóa lóe đỏ và đen. Hạ cố nhớ nhưng không tài nào điều khiển
được cái đầu. Lại thiêm thiếp, có cái gì lòa xòa vào mắt, rồi trơn trơn ươn ướt
trên má, xuống môi. Hạ tự nhiên nhẹ bẫng, thấy mình ở chỗ đám mây có chiếc khăn
quàng. Văng vẳng thì thào như xa như gần, có tiếng nói, đang rót xuống... Anh
cướp em đi, không ai cướp em thì em cướp anh. Hạ vẫn đang uống rượu, nghe rõ
tiếng ực. Ngọt mát chạy suốt sống lưng.
Hạ vụt ngồi dậy, đầu như búa bổ. Nhìa
đang ngủ, đôi môi cười, cái váy hoa văn đỏ đen xệch sang một bên đùi.
- Bảo thầy giáo mai thằng Sùng, thằng
Bia đi học rồi?
Hạ láng máng là chạy ra. Chào hỏi, bắt
tay, líu ríu. Những bà mẹ, tay nắm đứa to; tay vòng ôm đứa bé nép sau lưng.
Những ông bố phóng xe máy băng dốc bay lên trời, vụt xuống mang về cả một ôm
Tiếng Việt, Toán, bút, mực, thước kẻ...
Hôm nay lớp học được mười bốn trò, chỉ
còn trống hai bàn cuối. Kết quả của đêm qua.
Hạ
cùng với Nhìa. Đi hai đêm, thêm mười đứa; hai đêm nữa không thêm đứa nào. Hạ
bảo hiệu trưởng sắp lên kiểm tra, biết làm thế nào. Nhìa bảo nó không đi là
không, nói nữa nó tức, đánh đấy. Hạ loanh quanh, vò đầu, bất chợt hỏi: Hồi xưa
thầy giáo làm thế nào trò đi đông? Không phải thầy giáo, cô giáo thôi... Nó đẹp
lắm. Học trò đến xem, người không trẻ nữa cũng đến xem. Xem xong thì học, nhiều
chuyện hay đến hết năm. Đẹp bằng em không? Hơn nhiều, chân không to thế này
đâu, dài này, trắng này... Nhìa kéo váy lên. Hạ đỏ mặt, thấy mình đứng giữa,
kiểu từ như ở
phép so sánh.
Chiều, Hạ đang soạn bài, vừa ngẩng lên
thì ngoài đầu dốc có hai người khiêng con lợn. Hạ chạy ra, họ tiến thẳng vào
sân, đặt uỵch xuống. Hạ hốt hoảng nhảy lên, cái nanh quả chuối như với theo.
- Không. Mang cho anh Dia.
- Không. Nó mua, người Lào bán. Nó bảo
mang về cho thầy giáo. Nó còn đi, lâu nữa.
Hạ không hiểu, cho mình cả con lợn
rừng này á? Nghe kể, vùng cao quí thầy giáo... Ngày thầy chuyển, cả bản khóc;
người mẩu mật gấu, người dúm gạo nếp, người chẳng có gì thì cứ ôm lấy nấc lên.
Nhưng đấy là ngày xưa, mộc mạc hồn nhiên. Hạ lại nhìn con lợn, lông như bàn
chải sắt, mắt long lên đỏ ngầu. Nó hắt xoáy mặt Hạ, mày là thầy giáo quí hơn
tao sao. Hạ rờn rợn nhưng không hết phấn chấn. Hai thanh niên đang rút cái đòn
khiêng ra, Hạ định giúp một tay thì một người nói: Thầy giáo vào đun nước, cắt
tiết để bọn em. Hạ vào đun bếp, quay ra thì thêm ba người nữa đến.
Tiếng hộc, tiếng éc, tiếng quát, rồi
tiếng cười nói chật cả sân. Tối hẳn thì cả bản có mặt. Người mang lá chuối về,
người bê rổ thịt rải giật lùi, cái mâm dài mãi ra. Chỉ có hai món, luộc và
canh; mùi thịt thơm lựng, mùi mồ hôi khét khét chua chua và ồn ào. Hạ lóng
ngóng, đứng chỗ nào cũng vướng.
Hạ quắt bụng, rít miệng không biết bao
nhiêu lần. Dễ đến mười giờ đêm thì Dia mới về. Dia vẫn để mũ bảo hiểm, oang
oang: Hôm nay tôi có con lợn mời cả bản ăn. Ăn mừng thầy giáo về bản ta, ở nhà
tôi. Lắng nghe, những đôi mắt, cả cái mồm đang uống. Hạ thấy mình quan trọng,
cảm giác gì như chú rể... tự nhiên Hạ lẩn ra sau. Bắt được rồi, tay Hạ và Nhìa
đã trong nhau. Đám người lảng ra, Hạ nhìn Nhìa, khẽ rút tay nhưng chặt quá.
Uống, ăn, nói chuyện. To như hú gọi từ
nương này sang nương kia. Hạ ù ù đi chúc, thấy tai bừng lên, tiếng Nhìa: Để em
uống hộ cho. Hạ gật đầu nhưng vẫn uống, thời gian ở đây đủ để Hạ biết rằng nếu
không muốn thất bại thì cứ thật thà, hết mình. Mười chén, Hạ qua đỉnh, tỉnh.
Bao nhiêu gương mặt quen, bao nhiêu gương mặt lạ, những học trò. Cả những đứa
không đi học cũng ở đây, chúng ngồi bên bố mẹ. Hạ đến, không bỏ qua một dịp vận
động. Hạ nói... hình như là rất hay. Cô Nhìa, ông Vừ, anh Dia yêu thầy giáo rồi
thì tôi cho con đi học. Anh Dia cũng bảo rồi, thầy giáo đẹp quá. Hạ nghe rõ câu
này, như thế là ổn, hiệu trưởng ơi, mai chú cứ lên kiểm tra đi, đảm bảo chỉ có
khen.
Hạ không biết mình uống bao nhiêu nữa,
rồi đi ra ngoài lúc nào. Gió lạnh lèm lẹm, người mỏng như chiếc lá. Chiếc lá
đang ngồi trên mỏm đá đầu dốc. Tiếng uống rượu vẫn còn, à à âm âm mơ hồ như
nghe tiếng chợ quê xa. Dia, khó hiểu? Anh này nắm giữ cả bản hay ít ra cũng là
thủ lĩnh tinh thần. Nhìa, như không phải người Mông? Hình như một công chúa nào
bị quỉ vương bắt cóc... và ta một hoàng tử nhà vua sai đến. Kinh
quá, Hạ không dám nghĩ tiếp.
Vừa nghĩ đến Nhìa thì Nhìa ra. Ập luôn
xuống Hạ khóc. Hơi rượu, mùi con gái, ấm nóng bàn tay. Hạ đưa tay lên mái tóc
Nhìa, xuống lưng đang rung lên.
- Anh Dia em tốt quá. Anh và em chưa
biết cách nào thì anh đã bảo rồi. Chắc chắn mai bốn đứa kia sẽ đi học nốt. Hạ
riết Nhìa vào lòng.
- Chủ nhật này anh chuyển sang lớp học
ở đi.
- Sao? Hạ đứng lên. Nhìa ôm chân Hạ,
tiếng sụt sịt rung rung bên dưới.
- Em không nói nhưng anh cứ chuyển
sang lớp học đi.
- Không nói. Em không nói thì anh về
uống rượu nữa cho chết này.
- Đừng. Em nói đây này... Em có con
trong bụng rồi.
Hạ đổ xuống. Cái tay gặp bụng Nhìa.
Thứ bảy, Hạ nói với ông Vừ việc sang ở
bên lớp học, tiện cho học sinh đến. Ông Vừ bảo cái chái hồi trước cô giáo ở,
giường gãy rồi, nhiều mùi rừng về lắm. Hạ nói tiếp, con sẽ lấy cây làm lại
giường, trát chỗ vách thủng, đốt lửa mấy đêm là phòng thơm. Ông Vừ vẫn lắc đầu:
Không được, mày đi tao ghét mày. Hạ cắn hàm răng, sịt một cái. Nhìa nói hộ: Cho
nó sang ở, con sang nấu cơm cho nó. Nó ngồi soạn bài, nghĩ được nhiều, dạy được
nhiều. Ông Vừ im lặng, nhìn Nhìa nhìn Hạ như tìm cái gì. Nhìa lại tiếp: Nó bảo
hôm nào cán bộ lên nó vẫn về uống rượu. Nó làm con của nhà mình rồi mà. Ông Vừ
đứng dậy, đi đi lại lại, nhìn những bao thóc bao ngô; rồi ông bảo: Phải hỏi
thằng Dia đã. Không, bố cứ cho đi, bố cho đi. Nhìa có vẻ hốt hoảng.
Hạ và Nhìa đành đợi đến tối Dia sang.
Nhưng tối nhà lại có khách, hai thanh niên hình như từ thị trấn lên. Lâu ngày
gặp người Kinh, Hạ hỏi han chuyện trò phấn khởi. Nhìa ngồi sau Hạ chốc lại với
tay rót nước. Một người hỏi vợ à. Hạ cười bảo chưa, đang ở rể. Biết Hạ là thầy
giáo, họ nhờ nói muốn mua ngô thóc. Nhìa đi gọi bố, ông Vừ về giãy nảy: Của
thằng Dia để đây, không bán đâu.
Tuần ấy, Dia sang một lần, rồi cả
tháng sau không đến. Thỉnh thoảng người bản đến, Nhìa lại trèo lên đống bao,
xúc cho mỗi người lưng lu cở.
Lớp học dạo này đủ, mùa nương mà chẳng
đứa nào nghỉ. Thỉnh thoảng Nhìa lên xem, Hạ bị cảm giác “giáo viên dự giờ”. Hạ
không dám nhìn ra, dính chặt vào cái bảng. Lúc ngẩng lên thì Nhìa đang về, hình
như người ngả về sau.
Mùa nương người đi nương nhiều, ăn
nhiều, đều đều đến nhà lấy ngô mỗi tối. Một lần Nhìa trèo lên xúc bị ngã, máu
chảy xuống chân. Hạ bế lên giường máu vẫn ra. Người người bổ lên rừng mang lá
thuốc về, suốt đêm giã giã đắp đắp. Mấy hôm sau Nhìa dậy được bảo Hạ: Con bị ra
đường ngã rồi.
Mùa nương xong, mưa xuống thì đống ngô
trong nhà còn chín bao. Học sinh bắt đầu nghỉ hè. Hạ xin ông Vừ về thăm nhà.
Ông Vừ hỏi có cho con Nhìa về chơi không. Hạ bảo Nhìa còn yếu, đi đường sợ ngã
nữa.
Buổi tối chia tay, Dia tự tay mổ hai
con lợn bé, lại uống rượu. Lần này Hạ nói trước: Cảm ơn dân bản cho con đi học
đều. Cháu về nhà thăm bố mẹ, tháng 9 lại lên.
Đêm ấy, Hạ uống mãi mà không say. Hạ
cầm chén đi hết vòng thứ ba, sang vòng thứ tư... Hạ nâng chén lên, tay bị giật
giật, đôi mắt Nhìa như van xin. Phải rồi, Hạ muốn uống để quên. Mai về, có thể
là sẽ không lên bản nữa, Hạ sẽ xuống gặp Tình giáo viên thể dục, cần thiết sẽ
ra huyện trực tiếp trưởng phòng.
Dân bản đã say hết, người nằm, người
đổ lên nhau, rải đều ba gian nhà, ông Vừ, Dia ở hai đầu mâm. Và, Nhìa chợt nhô
lên. Hạ đang bước chân ra cửa thì nhìn thấy.
Hạ ra mỏm đá, Nhìa nhẹ đến, ngồi sát.
Không ai nói gì cả. Mưa lắt phắt, tiếng nai tác xa xa...
Ngày mai thế là cũng đến rồi. Hạ đi
như chạy, chợt loang loáng câu thơ hồi học cấp III “Người ra đi đầu không
nghoảnh lại”. Gió vù vù, Hạ biết là tự mình làm ra.
Nhìa ôm bụng khóc suốt ba tháng hè.
Càng khóc bụng càng bé đi. Ông Vừ chỉ nhìn. Dia mím môi, gật gật đầu nói: Khóc
làm gì! Đúng mồng 3 tháng 9 thì nó lên.
Tối mồng 3 tháng 9, Hạ lên thật.
19 tháng 11 năm đó, Hạ Nhìa làm đám
cưới. Ngoài cả bản, có đủ hiệu trưởng, hiệu phó và ba mươi giáo viên Hừa Tang
lên dự. Rượu say, lúc về mỗi người vẫn mang được nửa bao nếp tan. Nhìa ra tiễn
đến đầu dốc. Hạ đến tận đỉnh bên kia. Chú ở lại cố gắng nhé, Hiệu trưởng nói.
Hạ rơm rớm nước mắt: Sau này con em cho xuống trung tâm học, lúc ấy chả biết
anh còn hay nghỉ hưu. Hạ vù chạy, nước mắt rơi từ đấy đến chỗ Nhìa.
Cháy rồi. Đám lửa xoáy một khối tròn
tròn. Bùng lên, lách tách những hoa văn đen đỏ. Nhìa xuống đi, nhảy ra đây! Lửa
vẫn bùng bùng, như Nhìa làm bằng xăng. Hạ lao vào, gào thét, giằng giật.
Hạ mơ suốt. Chín tháng mười ngày sau
thì hết.
Khi cái Nhài 6 tuổi, những trưa gió
Lào, Hạ hay kể... Nhài hỏi: Sao bây giờ bố không mơ nữa. Hạ bảo: Bây giờ toàn
rừng của bố mẹ, mọi người trồng, cháy không có tiền mà đền đâu. Thì con đi
trồng trả, thì bác Dia cho. Bác Dia làm chủ tịch xã rồi, không cho anh em được
đâu. Nhìa đứng nghe hai bố con nói, nước mắt đến gò má thì quay đi.
* Tiếng
Mông: Không biết.