Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Nghiện rượu thành thầy bói


Ông Hợi đã ngoài 60, trông có vẻ gầy yếu một tí nhưng khoản rượu thì lại quá khỏe. Nhìn thấy ông là thấy mặt đỏ, thấy chai. Được cái chưa bao giờ ông nằm ngoài đường hay nhà ai…
Nhà ông có 8 người con, mới 2 đứa lấy vợ lấy chồng. Còn lại nhong nhóng ở nhà, quẩn quanh với mấy sào ruộng. Mình ông, ngày bóp mồm cũng một chai. Hoàn cảnh vậy, lấy đâu ra tiền mà uống lắm thế? Xin thưa, toàn chịu. Vợ con ông hầu như ngày nào cũng bị đòi nợ. Rác tai quá, nhục nhã quá phải tìm tiền mà trả cho nó xong. Nhưng ông uống ngày một tăng. Chủ rượu đến nhà, cả nhà đành ì ra, chả còn cách nào khác. Thế là khắp các hàng quán, nhà nấu rượu đồng loạt chừa mặt ông. Lúc đầu họ còn tế nhị; về sau nói thẳng - Rượu tôi không phải nước lã. Ông giận cá chém thớt về nhà chửi vợ con tùm lum. Mất một ngày ông không đụng một giọt cay. Bà mừng, lóe lên một ý kiến. Bà đến bảo khắp lượt các nhà nấu rượu, cho ông ấy nợ thì đi mà đòi ông ấy. Bảo trước đòi tôi, tôi chửi cho dại mặt.
Ngày thứ hai bị cấm vận, ông đi lơ vơ, xiêu vẹo. Đã được dặn trước, các quán đều “điếc”… khi “rót mời bác một cốc”. Ông bậm bục đứng dậy đi.
Đến một quán tạp hóa, chợt có tiếng gọi:
- Bác Hợi ơi vào cháu bảo cái này đã.
Ông vào, cô cháu họ biết ý cầm hai nghìn đi. Loáng cái mang về cốc rượu sóng sánh. Ông làm một hơi cạn, khà một tiếng rồi hỏi:
- Thế mày mở quán đây à… Mua hay là thuê đấy?
- Cháu mua được ba tháng nay rồi. Nhưng chán lắm. Toàn nợ, cháu ghi sổ đã hơn 5 triệu rồi. Người trong xã không sợ. Còn mấy xã tít trong chân núi… thôi chắc cũng mất thôi.
- Mất là thế nào. Trưa mai sẽ có hai đứa mang tiền đến trả.
Tưởng chỉ là câu chuyện làm quà, nào ngờ tối hôm sau, cô cháu khệ nệ mang kẹo bánh và rượu vào tạ ơn ông. Cô cháu hồ hởi kể: “Trưa nay hai người tận Xuân Tre mang đến trả tám trăm nghìn, lại còn xin lỗi sai hẹn nữa”. Ông được thể phán luôn:
- Số hàng tới đừng lấy mì chính, bác nghi lắm.
Tuần sau xe Hà Nội lên, cô cháu y lời ông, quả nhiên không gặp hạn. Còn quán khác dính toàn mì chính rởm, giờ nằm chết đấy. Cô cháu sau vụ thứ hai, đi đâu, gặp ai cũng ca ngợi ông hết lời… Ông ấy thiêng lắm, nói cái gì cũng đúng. Rượu vào là nói như có ma xó mách.
Tiếng ông từ đấy bay xa. Khách gần thì ít, khách xa ngày nào cũng vài người. Cứ thấy kiểu túi xách, thò chai rượu, thẻ hương, hỏi thăm nhà ông Hợi thì đích thị là khách xem bói. Ông Hợi bỗng đổi đời. Chẳng những rượu uống thoải mái mà rủng rỉnh tiền tiêu.
Tôi ở xa, lần ấy về quê… Cô em gái sùng bói ông hết mức, nó rủ tôi đi xem. Tôi tò mò mà đồng ý. Đến nhà ông, may ít khách, được xem luôn. Tôi ngồi im xem ông và cô em. Ông cầm chai rượu ngửa cổ tu hết một phần ba, đoạn phì hơi vào tờ 5 nghìn. Bắt đầu nói:
- Cô làm nghề gì?
- Dạ làm giáo viên ạ.
- Cô dạy lớp mấy?
- Dạ lớp 2.
- … Ngày bé cô học rất giỏi nhưng bị đúp một năm. Giờ cô bị ông hiệu trưởng trù nên chỉ được dạy lớp 2. Cô dạy lớp 4, lớp 5 thì nhiều tiền lắm.
Ông lại dốc chai, tu, khà một tiếng khoan khoái. Ông đang định nói tiếp thì tôi giật áo cô em. Về. Ra đến ngõ tôi không nhịn được, cười phá lên. Cô em cũng cười ngặt nghẽo. Thế mà lạ kì, ông Hợi vẫn có khách. Vợ con ông mặc kệ vì đỡ khoản rượu và thỉnh thoảng cũng có đồng mắm muối.
Một thời gian, công an xã đến dẹp. Ông Hợi phải xin lỗi trước dân. Ông thú thật… Tôi được uống rượu thì cứ nói. Vả lại người xem cứ gật gù tin. Tôi tưởng mình biết bói.
Nghiện rượu thành thầy bói, chân dung ông thầy bói làng tôi đấy.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét