Năm đứa bản Pú Khớ bỗng dưng biến mất. Mãi
tối mịt các nhà đi nương về mới nhao hết cả lên. Lúc ngựa đập móng ruỳnh ruỳnh,
lợn eng éc, gà chó quẩn vào chân… cần người bé thì thấy thiếu. “Thằng Sình đâu đem
cỏ cho ngựa đi”. “Có thằng Sình đâu mà bảo”. “Thế nó đi đâu”... Ngớ hết cả ra.
Bà bảo tưởng nó học về lên nương luôn với bố mẹ. Mẹ bảo cả năm nay toàn cho học,
không cho làm. Bố đứng dậy: “Chết rồi, có khi bị bọn buôn người bắt rồi.” Mẹ khóc
ới Sình ơi, mày mà chết thì mẹ cũng chết. Bố biết mình nhỡ mồm nói dại, liền nhẹ
giọng: Hổ cũng chả vồ được nó đâu mà lo. Chắc vui bạn bè, tí nữa khắc về. Bố đang
lo, cả tức nữa.
Bố thằng Đứ cầm con dao dài vào nhà. Dao giơ
cao, mắt sục sạo. Làm như nhà người ta giấu con ông không bằng.
- Tôi cũng đang định sang hỏi thằng Sình có
ở đấy không.
- Giàng ơi! Bây giờ biết hỏi ai. Con ơi
là con ơi…
Bố Đứ khóc
như đàn bà. Bố Sình nói như quát: “Khóc làm gì, chẳng gọi được nó về. Cùng đi hỏi
thôi”.
Hai người
đi, mẹ Sình chạy theo. Đến lớp học, bên phòng cô giáo, thấy đông người quá. Toàn
là bố mẹ bọn lớp 5. Tiếng hỏi, nhao nhao:
- Cô giáo
không biết... thì bây giờ chúng tôi biết hỏi ai?
- Bắt đền
cô giáo đấy. Nó đi học nó không về nhà...
- Gọi trưởng
bản đến thôi. Cho nó làm tờ giấy, bắt cô giáo phải tìm được con ta.
Cô Phương
mặt tái tái, nói câu này, nói câu kia. Không ai nghe. Cô sắp khóc rồi.
- Nói
nhiều quá, tranh nhau mồm, đến sáng cũng không ra. Để tao hỏi cô.
Bố Sình
lôi từng người ra. Bắt đầu hỏi:
- Hôm
nay thằng Sình, thằng Đứ, thằng Mua, cái Mùa, cái Nẻ có đi học không?
- Có, em
kiểm tra Tiếng Việt lớp đi đủ mà.
- Thế
tan học lúc nào?
- Mười rưỡi,
tan xong chúng còn khiêng bàn ghế mới vào lớp mà.
Hỏi mãi
mà chưa ra. Bố Sình thở dài. Đám đông thừa dịp lại nhao nhao lên. Bố Sình bóp
trán một cái rồi hỏi to:
- Thế cô
giáo thấy nó nói chuyện đi đâu không?
- ... Không.
À hình như thằng Sình có hỏi thằng Đứ xe đạp nhà mày đèo được không?
Thấy rồi!
Bố Sình sung sướng reo lên. Mọi người ùa vào, hỏi nó đi đâu. Bố Sình bảo không
biết nhưng đi xe đạp, chắc là xa. Xa thì là đâu, nói rõ luôn đi. Hỏi tôi thì tôi
biết hỏi ai. Chán thật, hé ra một tí lại tịt.
- Em có
cách rồi, để em hỏi.
Cô Phương
lấy di động ra gọi, cô bật loa ngoài, ý cho mọi người nghe. Tút tút tút một lúc
thì đầu kia có tiếng... “Nhiều người Mông lắm, trẻ con cũng nhiều, toàn học trò
em, đứa nào lạ biết ngay”.
Như vậy
là thị trấn huyện không có, để em gọi xuống thành phố. Nó không xuống thành phố
đâu, xa thế... Thì cứ để cô gọi, tìm kim rồi, chỗ nào cũng phải tìm. Cô lại gọi,
lại bật loa ngoài. Lần này có tiếng... Có, lúc bốn giờ có mấy đứa người Mông ở
chỗ đường rẽ vào nhà em. Cụ thể là mấy đứa? Em nhìn loáng thoáng, hình như là năm.
Cả con trai con gái không? Có, cả trai cả gái.
Cô Phương
tắt điện thoại, mặt vui. Bố Sình nắm tay cô, giật giật: Có phải nó xuống thành
phố không? Sao nó lại xuống thành phố. Vâng, các anh chị nghe rồi đấy, khả năng
là bọn chúng xuống đó.
Giàng ơi,
giá lúc này thành con chim bay vù xuống đó xem, đỡ luôn lo lắng. Lo đau ngực quá
rồi. Bây giờ có đường rồi, đi tìm chúng nó chứ. Bố Đứ nói.
Đùn đẩy,
kiên quyết, nói có tình có lí, nói như quát... cuối cùng đoàn đi tìm chốt lại –
Ba xe máy, ba người, gồm cô Phương, bố Sình và bố Đứ.
Xe máy xa
rồi, đám đông thở dài, chẳng ai về nhà, cứ đứng đỉnh dốc.
Cả Pú Khớ
chưa ăn cơm, có bao nhiêu đèn thắp bấy nhiêu đèn, người ra hết đỉnh dốc ngóng.
Than thở, chuyện trò. Người kêu, người động viên. Người có đồng hồ chốc lại bị
hỏi: “mấy giờ rồi, sao lâu thế...?”.
Về rồi!
Thấy rồi! Không đi mất rồi! Tiếng một người kêu to, như là trên ngọn cây tếch
phát ra? Tất cả chạy về hướng tiếng. Ôm chầm, nước mắt, sờ nắn chân tay... rồi
chửi. Chửi xong thì hỏi. Thằng Sình bảo chúng cháu đi xem máy bay. Thằng Đứ bảo
thích lâu quá rồi không chịu được nữa. Cái Mùa bảo máy bay to lắm, chạy thật
nhanh trên đường rồi vút một cái lên trời. Thế có thấy con chim không? Không,
chim để làm gì? Sao bảo một nghìn con chim đại bàng thành máy bay mà. Ông Dếnh
hỏi, bọn trẻ cười phá lên. Thằng Sình đứng ra giải thích... Không có chim đâu,
bằng máy hết, trên lưng có cánh quạt, hai cánh có cánh quạt; quay tít mù không
thấy cánh quạt, thế là máy bay bay.
Mọi người
chăm chú nghe, cứ thế sẽ quên mất tội bỏ nhà ra đi của bọn trẻ nếu như lúc ấy đoàn
đi tìm không về. Ba xe máy vọt lên, sịch đỗ. Người dưới đất không ai nói gì cả.
Người trên xe chưa xuống đã quát, mỗi cô Phương không. Không ai cãi lại. Từng
nhóm, từng nhóm về... vẫn còn nghe thấy tiếng “Ông mà được đi máy bay một lần
xong chết cũng đã”. “Thì hôm nào ông bảo bố cháu đưa đi xem”.
* * *
Cái máy
bay thế là “ở” trên Pú Khớ.
Sau mấy
ngày, mấy câu quát lấy trịch của bố mẹ thì nó không phải là một nghìn con đại bàng
nữa. Nó là máy bằng sắt, to, dài; chớp mắt một cái xuống Sơn La, chớp mắt một cái
xuống Hà Nội, chớp mắt một cái qua biển sang Mỹ... Toàn là chớp mắt. Thằng Sình
kể thấy bọn cái Lìa, cái Nén mắt tròn long lanh. Ông Dếnh đang chớp thật, rồi
nhắm mắt. Ông ngả người xuống cỏ. Cái Lìa tưởng ông làm sao, vỗ vỗ. Ông vẫn nhắm
mắt nói – Ta sẽ làm một cái máy bay. Tất cả cười phá lên. Ông ngồi dậy:... Tưởng
đùa à... thế thế... bằng gỗ tất.
Cái máy
bay ở trong mồm năm đứa. Nghe mười ngày không chán, nghe lần trăng sau vẫn hay.
Hôm nay trăng sáng, dưới gốc pơ mu thằng Sình lại kể. Người nghe là bọn lớp 1, lớp
2.
... Ới
giàng ơi... Nó quạt bay cả bọn anh vào hàng rào sắt. Điếng hết cả lưng, đau quá,
đứa nào cũng kêu. Anh bảo: “Cúi đầu xuống, nín thở chạy thật mạnh”. Tất cả mắm
môi. Gió lại xoáy tưởng bốc mình lên trời. Năm đứa bọn anh nắm tay nhau thành một
sợi dây. Thế là ngắm được máy bay.
Gió mát
quá. Mấy cành cây không còn đánh lưng vào nhau nữa. Im lặng để bay, tất cả đang
bay.
Thằng Sình
đang kể thì vạt áo sau bị giật giật. Sình nguẩy lưng một cái. Im. Bọn trẻ con đang
hỏi:
- Anh kể
tiếp đi. Thế có nhìn thấy người trong máy bay không?
- Có chứ.
Toàn người quần áo com lê. Cả mấy ông Tây chẳng biết đâu là râu, đâu là tóc.
- Chắc
phải nhiều tiền lắm mới được đi nhỉ?
- Chuyện!
Ngô cả nhà mày mới mua được một cái vé xuống Hà Nội đấy.
Không hỏi
nữa. Mấy tiếng suỵt mồm thèm thuồng. Chúng mơ ngồi trên máy bay, nhìn xuống thành
phố, nhìn xuống Pú Khớ. Chao ôi, lúc ấy đỉnh núi gọi máy bay bằng cụ. Mây trên
cao thấy bảo là xanh lắm, dễ chịu lắm. Xanh, dễ chịu là phải. Bao nhiêu sông suối,
cánh đồng, khu rừng bay lên nước mát, màu xanh. Mình ở sông ở suối, ở rừng mà
chả bao giờ được ngắm nó đầy đủ đầu mình chân tay.
Biết là
bọn nhóc này đang mơ. Sình chỉ cho mấy đứa nhìn. Nom mặt chúng nó thương thương
làm sao, máy bay về đầy trong mắt.
- Chúng
mày có thích không, hôm nào tao dẫn đi xem.
Gãi đúng
chỗ ngứa rồi. Bọn trẻ nhao nhao: “có có”. Muốn đi thì phải đóng tiền. Nhiều không?
Mỗi đứa hai mươi nghìn. Thằng Siu bé nhất nói: Em có đủ rồi. Mấy đứa kia ngần
ngừ rồi bảo: “Để em về xin mẹ”. Không được, phải tự mình làm ra. Thằng Đứ bây
giờ mới lên tiếng. Sình đứng dậy: “Đúng đấy. Hai chục nghìn bọ... bắt một con dúi,
lấy mấy bó củi, đơn giản như thò tay vào túi”.
Ba hôm
sau, một buổi tối thằng Sình đang học bài thì thằng Siu gọi. Sình chạy ra:
- Em đưa
anh một trăm ba mươi nghìn. Sáu đứa đi... Em, thằng Sua, thằng Ly, thằng Bia,
thằng Hạ, thằng Miến.
- Sao thừa
mười nghìn? Sình chưa biết nói lại thế nào đành hỏi.
- Chỗ thừa
cho anh vì em đi đào được cây khúc khắc hơn tiền lên.
Sáu đứa
quây quanh Sình hỏi bao giờ đi. Sình gãi đầu, rồi bảo còn hỏi thằng Đứ và ba
anh chị kia nữa. Sình đưa tiền lại, nói tiền này để nhỡ hỏng xe đạp và ăn
kem... hôm nào đi mới cầm, bây giờ tất cả về học bài, không thì quên luôn từ đây.
Sáu đứa ngoan ngoãn về.
Còn lại
một mình, Sình thừ người. Đi nữa thì bố mẹ không cho. Nói thật như thế còn mặt
mũi nào... Sình quay vào bàn học. Chẳng chữ nào vào đầu được. Nó gấp một cái máy
bay, phóng đi.
- Thằng
này không học à. Không học có mà bay xuống vực.
Bố cầm
máy bay cho vào bếp. Bếp bùng lên một tí, tàn đen hình chiếc máy bay lơ lửng trên
ngọn lửa. Sình đi ra ngồi bên bố:
- Bố ơi!
Chủ nhật này cho con xuống phố nhé.
- Không được,
cuối năm nhiều bài phải học, sang năm cấp II rồi. Vừa mới tự tiện xuống phố tha
trận đòn lại còn đòi đi. Mày nghiện phố rồi à.
Sình cum
cúp ra bàn học. Chữ trong quyển sách chập chờn. Nó gục xuống, rồi ngủ đến lúc nào.
Còn mấy
lần, mấy đứa kia hỏi chuyện dẫn đi xem máy bay nữa. Sình ậm ừ, chúng nó càng hỏi.
Hôm qua, Sình quát: Không đi nữa, tao lớp 5 phải bận học đâu như chúng mày. Mấy
đứa tái mặt lủi về.
Chuyện máy bay tưởng quên. Nhưng không, trưa nay ông Dếnh lại sang tìm
Sình. Ông
bảo Sình sang nhà ông, ông mới nói.
Nhà ông Dếnh quá rộng.
Có hai anh con trai đi lấy vợ, vợ bắt ở theo tít trong Mường Nhé. Con về bảo bố
đi ở với chúng con khỏi buồn khỏi khổ. Ông bảo tao sinh ra ở Pú Khớ này, chết
cũng ở đây. Nghe nói anh con cả sắp chuyển về mà mãi không thấy gì.
Sình bước vào nhà thấy luôn những tấm ván dài
hết hai gian. Bào nhẵn hai mặt. Bên cạnh mấy cái xà, cái dài cái ngắn, đục rất
nhiều lỗ. Ông vẫy tay Sình, bảo khiêng tấm ván, bảo lắp, bảo giữ. Ông cầm cái vồ
đóng đóng… Ông kéo Sình lùi ra, ngắm. Máy bay! Bây giờ thì Sình đã hiểu. Hóa ra
từ hôm bọn Sình về kể chuyện, ông nói… tưởng đùa hóa ra thật.
- Cái vỏ coi như là xong. Còn bên trong ông
không biết làm thế nào…?
Sình chột dạ. Chết cha rồi, mình chết tại
miệng rồi. Thằng Đứ, mấy đứa cùng đi; nói không hay, không thật bằng Sình. Ông
chẳng gọi chúng nó.
Sình đang định nói cháu cũng không biết nhưng
kìm lại được. Nó nhanh trí:
- Bên trong thì là ghế ông ạ. Hai dãy. Bên
trên có giá đựng đồ kiểu như ô tô nhưng nhiều hơn. Hai trăm ghế tất cả.
- Thế còn máy nổ để đâu?
- Cũng để dưới ghế như ô tô.
- Thế thì chết rồi. Bên dưới ông để bằng
nhau tất. Bây giờ thêm khoang máy lồi xuống. Còn bánh nữa, làm sao tránh khỏi
cập kênh đây.
Ông Dếnh vò đầu bứt trán. Sình nghiến hai hàm
răng, răng cắn vào môi. Nó sợ, nếu ông làm thật như thế… chắc sẽ kinh khủng lắm.
Sình lại cùng ông tháo hết tất cả ra. Một đống
bề bộn. Sình lau mồ hôi mặt rồi bảo ông:
- Ông ơi chiều nay cháu phải ôn bài, một tuần
liền thi học kì. Thi xong, cháu sẽ bảo bọn nó đến cùng làm với ông. Ông cứ để
nguyên thế, đừng làm gì nhé.
Sình nói và chạy vù đi.
Sình lên ngay phòng cô Phương. Cô Phương đang
soạn bài. Sình ngắm giá sách một lúc rồi ngập ngừng:
- Cô ơi… Cô có quyển nào nói về máy bay không?
- Không, cô không có. Toàn sách dạy Toán, Tiếng
Việt thôi.
- Thế cô bao giờ đi máy bay chưa?
- Chưa. Về phép cô toàn đi ô tô.
- Chán thật, em tưởng cô biết…!
Sình quay ra, cô Phương chạy theo. Không
nghe thấy cô nói gì, chỉ thấy mặt Sình tươi lên.
Tuần sau. Tan học là Sình ở lì trong nhà.
Ngồi bàn, nằm giường; rồi ngồi phệt xuống đất vẽ vẽ, xóa xóa. Bố bảo mẹ: “Thằng
này giờ tiến bộ nhiều”. Mẹ cười nói: “Sang năm cho nó đi học cấp II dưới trung
tâm xã phải thêm tiền”.
Tuần sau nữa. Thứ sáu, Sình xin mẹ xuống thành
phố chơi. Mẹ giãy nảy: “Chết chết… Lần trước làm cả bản sợ, không dám nữa”. Bố
nghe thấy cười: “Có giỏi thì đi một mình, cấm rủ đứa nào”. Sình gật gật cái đầu:
“Bố mẹ đi hỏi tất cả bọn lớp con, không đứa nào đi đâu”.
Bố mẹ mắc bẫy Sình rồi. Đúng là Sình không đi
với đứa nào. Nhưng sai là… Sình đi với cô giáo. Tối nay cô Phương đến bảo. Bố mẹ
chẳng biết từ chối câu gì. Cô Phương nói: “Anh chị yên tâm, Sình về nhà em, rồi
em dẫn đi thăm cho biết hết thành phố. Phần thưởng học sinh giỏi đấy”.
Sình về nhà cô Phương, uống hết cốc nước
chanh đã hỏi: “Chỗ máy bay xuống có xa đây không?”. Cô Phương bảo: “Hết chuyến
rồi, 11 giờ trưa mai máy bay mới lên”.
Đêm hôm ấy Sình chả ngủ được. Một mình một
giường, gối chăn thơm phức; vẫn không thích bằng cái giường bé, chăn màn đầy mùi
khói. Mắt chong chong, Sình khoanh hai tay lên ngực, ngủ vẫn không về. Đầu nó u
u ong ong. Thấy ruỳnh một cái, người chùn lại, rồi bay lên. Bao nhiêu người mặc
quần áo đẹp kéo nó lên, nó cao cao mãi. Rồi nó lao vùn vụt. Nhắm mắt lại, không
có tiếng gió ù ù; nó nhìn sang bên, xuống dưới… hàng trăm người ngồi ghế. Người
đọc báo, người lim rim; những cô gái đẹp như tiên đi lại, nói gì chẳng hiểu.
Lúc cô Phương gọi dậy ăn sáng Sình tiếc quá.
Cố nhớ đêm qua mà không rõ ràng, nó kể lõm bõm với cô. Cô bảo: “Chắc là thích máy
bay quá nên thế thôi”. Sình tả… người, ghế rồi hỏi: “Cái máy cho máy bay bay ở đâu?”.
“Ở đầu máy bay”, cô bảo. Thật không cô? Thật. Sao cô bảo chưa đi máy bay bao giờ.
Thầy giáo cô bảo thế.
Từ sáng đến trưa, Sình có cái gì trong ngực
cứ nghèn nghẹn. “Em nhớ bản à?”, cô Phương hỏi. “Ừ, em muốn về”, nó
nói, vẻ mặt buồn buồn, có gì như lo lắng sợ hãi.
Có tiếng ì ì, rồi ù ù như ai xay lúa trên nóc
nhà. “Máy bay lên rồi! Sình đâu nhanh lên”. Cô Phương kêu to và nhoáng nhoàng mở
cửa phóng xe đi. Sình ngồi sau, ngửa cổ lên trời. Máy bay to quá, ngôi sao vàng
lóe nắng, hai cánh xòe rợp xuống. Cô trò dưới đất, máy bay ở trên, cảm tưởng như
xe máy đi nhanh hơn máy bay. Hết đoạn phố thì khuất. Cô Phương bảo máy bay về
trong sân không xem được nữa; thôi cô trò mình về ăn cơm, chuẩn bị lên bản.
* * *
Đến đầu bản, Sình nói với cô Phương: “Cô bảo
với bố mẹ em, em có việc này một tí”.
Sình lên luôn nhà ông Dếnh. Ông Dếnh không
thấy ở nhà, cửa vẫn mở.
Cái máy bay gỗ. Ông lắp lại từ hôm nào. Thêm
cả cánh quạt, bánh xe bên dưới. Sình chui vào, nhìn ngắm. Gỗ bào nhẵn, thấy cả
bóng Sình. Sình nhảy duỳnh duỳnh, mồm kêu ú ù ù, rồi xòe tay chạy từ trên xuống
dưới, từ dưới lên trên.
“Thằng Sình phải không, ông mong mãi”. Ông
Dếnh vừa nói vừa trèo lên máy bay. “Còn hai dãy ghế đặt thế này, việc ấy dễ thôi.
Từ nay đến mai phải khoét phần này để đặt máy. Làm chơi cũng phải cho nó giống”.
Sình nghẹn cổ, định nói mà chưa nói được. Ông Dếnh xuống, đã mang cưa đục ra. Sình
chạy lại: “Ông ơi, phần máy không phải ở bên dưới đâu”. “Sao… lại khác à?”. “Vâng,
cháu vừa đi xuống thành phố hôm qua, vào tận trong bụng máy bay…”.
May quá, ông Dếnh chả vặn vẹo gì. Ông ra
sau nhà vác bốn cái ghế lên. Sình chạy vào bếp lấy hòn than. Nó vẽ sáu ngôi sao
liền; vào cánh, vào thân máy bay.
* * *
- Đứa nào đi máy bay thì theo tao!
- Đứa nào đi máy bay thì nhanh lên!
Sình chạy, tiếng thở, tiếng gọi to băng dốc,
vút dưới hàng rào đá.
Rồi tiếng ruỳnh ruỵch ngược trở lại. Những
mái tóc vàng hoe, những cái quần bắt chéo, những hàng cây tát tạt. Tất cả đang
làm ra gió.
Nhanh lên, nhanh lên! Chuẩn bị lên trời này!
Ú ù ù… Ú ù ù…
Máy bay cất cánh rồi. Pú Khớ vùn vụt, xa
xa, mênh mông. Thu cả vào cánh rừng, khe suối, nương lúa, nương ngô.
Từ hôm đấy, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối…
lúc nào cũng có trẻ con đến xin đi máy bay. Ông Dếnh ngại quá, bảo hỏi thằng Sình
ý, nó là chủ. Thằng Sình nói máy bay chính phủ phải mua vé bằng tiền. Máy bay Pú
Khớ thì mua vé bằng… bằng gì tùy chúng mày chọn (Sình bí cách). Đứa bảo bằng củi,
đứa bảo bằng ngô… bằng con dúi, con don… Sình đều lắc. “Bằng điểm 10”, thằng
Siu giơ hai tay lên. Sình reo to: “Đúng rồi… mang bài kiểm tra có con 10 đỏ chót
đến đây thì lên máy bay”.
Hôm sau máy bay có bốn khách. Y lời hứa, Sình
nổ máy. Reo hò, bọn dưới đất đông hơn, ù ú u rung cả máy bay. Ông Dếnh ra, thấy
thương, gọi Sình xuống bảo: “Thôi giảm giá vé đi, 8 điểm trở lên là được”. Máy
bay thêm tám khách nữa. Còn hai đứa bé tí chưa có điểm cũng được ưu tiên cho lên
nốt.
Tiếng ù ú u
bao la, mênh mang một khoảng trời.
Cả Pú Khớ bay lên. Tận cùng rừng xanh, tận
cùng mây trắng. Pú Khớ đang gặp giấc mơ. Thật nhiều giấc mơ ban đêm thì sẽ đến
giấc mơ ban ngày. Đi nữa, bay nữa.
Điện
Biên 03/ 6/ 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét