Làng tôi nhiều tre. Tre bờ sông giữ đất, chống ngập lũ, tre chân gò từ
thuở làm trang trại. Ai tính tuổi tre, tre làng tôi đứng thứ nhất. Những bụi
tre cây sin sít cây, ong óng vươn; những cây tre già quá, chết khô, mưa nắng.
Búi không có hơi dao, kệ cho to mãi ra. Để làm cảnh, giữ nhà hay để điều gì? …
Tôi không biết nữa. Năm mười, mười lăm tuổi, tôi vẫn thấy những bụi tre như có
từ thời nguyên thủy. Làm sao? Làm sao những bụi tre lập dị.
Nhà ông Tường
Hoàn nhiều tre nhất ở xóm bờ sông. Năm bụi sau nhà, um tùm rợp bóng bốn mùa.
Tre cao lớn đón nắng, đón gió; phần còn lại ngoài vườn trong nhà là thứ ánh
sáng nhờ nhờ như trong cõi âm. Cây ổi âm, cây mít âm, bàn ghế ấm chén âm; xoong
nồi bát đĩa dưới bếp cũng từ những năm ba mươi thế kỷ trước.
Ông Tường là
bố, duy nhất là đàn ông trong nhà. Bà Tẹo vợ ông mất từ năm ông hai mươi bảy
tuổi để lại bốn cô con gái là Hoàn, Thành, Chung, Tình. Cô Hoàn hai mươi hai
tuổi, Thành, Chung, Tình tiếp sau kém nhau một tuổi.
Ông Tường có
nghề bốc thuốc, nghề từ đời năm đời cụ kị ông cha truyền lại. Mọi sinh hoạt chi
tiêu trong gia đình trông vào bộ dao cầu, cây thuốc, túi thuốc. Vườn nhà rộng,
hơn hai mẫu chỉ có tre, vạt ổi hoang, mấy cây mít khềnh khàng. Đến mùa, thỉnh
thoảng thấy cô Tình khi khệ nệ bê mít, khi vẹo người cắp thúng ổi sang cho hàng
xóm. Sự bán không có chỗ trong cái gia đình ít ánh mặt trời này. Chỉ một thứ
duy nhất, cứ tạm gọi là bán là thuốc. Bệnh người chẳng phân biệt gần xa, tây y
chưa vươn tới, những gói thuốc cây, thuốc lá của ông Tường là thánh nhân cho cả
làng, những làng xung quanh.
Ông Tường
hình như không ra khỏi nhà bao giờ. Đám cưới, đám ma không thấy ông. Trẻ con,
mới lớn không biết mặt ông. Người quen ông là những người nay ốm mai đau. Có
những tiếng nọ kia về ông; thì bụi tre dày đặc, cao vút, vùng nhờ nhờ sáng tối
nhận lấy và không mang đến ông. Có khi đến ông, nhưng ông chẳng ra ngoài biết
phản ứng, kết quả ra sao. Khu vườn, ngôi nhà im thin thít.
Bốn cô con
gái từ bao giờ giống ông. Lặng lẽ, u tối. Trang phục một loại bà ba gụ như từ
một bàn tay cắt khâu. Bốn cô ơi tóc dài sắp đến gót chân rồi, chưa có cái kéo
nào, bàn tay nào động đến. Những ánh mắt đàn ông xa xăm nơi nao.
2.
Ông Tường bốc
thuốc, uy, tín, ân, nghĩa đều nhiều. Nếu anh chị được làm cái cột cái nhà ông
sáng mùng ba tết thì tôi tin chắc chắn những điều nọ tiếng kia về ông là thị
phi.
Một đôi vợ
chồng già, hơn ông cả chục tuổi, quì sụp dâng lễ; đứng dậy vẫn ngồi nép vào mép
sập, chân tay như con cái, đôi mắt biêng biếc nhận ơn.
Cũng một đôi
vợ chồng, anh chồng lùn tịt, chị vợ cao ráo xinh gái. Anh chồng đụn quá, xách
đôi gà trống thiến vào thẳng gian giữa. Chị vợ bảo còn hở hở mãi. Chị nói có đầu có đuôi… Ông cho nhà con cả một
buồng gan, bươm như xơ mướp rồi, chỉ còn ba tiếng thở nữa là vào quan tài.
Thuốc ông, tấm lòng ông đem chồng về cho con. Ba bát rồi năm bát, bảy bát, nhà
con da thịt đầy lên, con sắp có thằng cu. Ơn ông cả bằng trời. Anh chồng bẻ
ngón tay đôm đốp, như là anh đến đây để bẻ ngón tay.
Một bà béo,
vừa vào đã thấy nóng. Cái dạ con của bà sa đã về gần, đúng chỗ rồi. Khổ, suốt
ngày chổng mông chổng tĩ ngoài đồng, tối về chồng đòi bao nhiêu cho bấy nhiêu,
ai ngờ đẩy cái dạ con suýt xuống âm phủ. Ông lôi lên, đặt ngay ngắn vào chỗ ấy.
Năm thang uống chữa, năm thang dặn dò từ nay đừng có lung tung. Một lần dễ bảo,
hai lần ba lần thành con ngựa mất cương. Ông ơi không có ông nhà con đi lấy vợ
lẽ.
Một chị chạc
tuổi cô Hoàn cõng bố vào. Cái bậu cửa, ngáng cây gậy ông già, cây gậy ở lại
ngoài hè. Đặt bố xuống sập, cô quạt cho bố. Ông già nhìn ông Tường, đôi mắt
tuyệt đối im lặng nhận ảnh. Mêng mang, rồi xoay xoáy. Có thể ngày mai, ngày kia
ông sẽ ra Gò Bịch như những buồng chuối chín cây sẽ không còn trong bụi chuối.
Ông nhìn để tin, bàn tay đang đưa về miền tuyệt đối. Ông Tường ngồi dịch lại,
âm ấm nhè nhẹ từ làn da rất xa. Ông già nói, nhìn đôi mắt, đôi môi là thế.
Không phải tiếng người nữa. Tiếng gì cao hơn con người. Mọi người không thể
biết được. Ông Tường cũng không thể biết những việc ông làm năm năm tháng tháng,
góp vào, góp vào bay lên đến một khi đủ thì phát ra. Nó là một vùng hương hoa
và ánh sáng. Nhân, tâm của nó có khi là ông Tường. Phải thế đi cao xanh ơi. Ông
già là cái bệnh già, thuốc là cái cớ để xem những bàn tay. Con gái ông vẫn chưa
lấy chồng, không thể đành lòng vu qui về nơi một kiếp. Ông Tường lặng lẽ, không
thấy bàn tay mà nhiều bàn tay. Thang thuốc tình nặng, đằm vào sâu trong mạch
máu chầm chậm của ông. Thương ôi một kiếp con người, tình không nói là tình cao
sâu.
… Nhưng những
điều thị phi thì vẫn thị phi. Như trong
ân có oán, trong có có không. Những người khôn sớm không dám chắc chắn rằng con
đường xanh tươi khi trở về thường ngày lại có màu đen bạc. Những người bái lễ
ông Tường, lúc trời giông gió, khi hết chuyện bên nhau, có thể một câu, một chi
tiết. Và thị phi như gió cõng đi, nhà nào cũng đến, ai sao thì sao không thể ở
nguyên một nhà mà uốn nắn.
Một người đàn
ông, bốn cô con gái chưa có đám nào. Ông Tường biết thuốc diệt mình, diệt con?
Bậy nào. Không bậy thì nói đi.
3.
Lần đầu tiên
tôi vào nhà ông Tường Hoàn khi cái chân phải của mình đã là của cái hố. Cái hố
đào đất đắp đê rộng bằng cả vườn nhà. Sâu lắm, tính như bây giờ phải ngót bốn
mét; nhưng hồi ấy bé quá, rốt quá, thích đo bằng một vật gì. Lũ trẻ xóm coi cái
hố là sân chơi, cái gì lạ lạ là tìm đến chơi. Thằng Hưng thả hòn đá xuống,
thằng Thảo đếm một hai ba… đến mười hai thì không nhìn thấy hòn đá đâu nữa,
không nghe tiếng gì nữa. Những hòn đá hư thả xuống, bao nhiêu điều mất nết vẫn
chưa xong. Đến lượt những chiếc lá vông. Quả như cái dù, liệng liệng chao chao,
đẩng lên cố gắng vẫn tuyệt vọng. Lâu một tí nhưng kết cục nó vẫn xuống âm ti.
Đầu óc ba đứa trẻ như mũi tên cắm xuống. Thành đất thẳng đứng, sự mon men xuống
là không thể. Thằng Hưng đã trượt chân, thằng Thảo tóm được tay, mặt đỏ gay lôi
lên. Ba đứa chỉ còn biết tưởng tượng một thế giới khác ngay sau nhà mình. Im
lặng. Chợt thằng Hưng - Đố đứa nào nhảy xuống được tao đuổi trâu cho một tuần.
Thằng Thảo bảo nhà tao không có trâu, có thì đưa đây ba quả mít. Thằng Hưng gật
đầu - Mít nhà ông Tường Hoàn là cùng chứ gì. Thằng Thảo đứng bên mép hố rồi, nó
nhắm mắt, tôi thấy chóng mặt lùi lại.
Thằng Thảo
không nhảy bị thằng Hưng rủa một câu - Đồ đái dầm, thằng nào không dám nhảy là
đồ đái dầm. Tôi bị chạm, giơ tay xin nhảy đầu tiên. Không nhìn xuống, nhìn lên,
tôi nhìn hàng rào vông nhà bà Thúy… và co chân.
Tôi không
biết gì nữa. Chỉ biết mình đang khóc, hai tay nắm những hòn đá, những chiếc lá
vông. Có ai biết là tôi tận cùng với đá, với
lá không?
Bà Thúy nghe tiếng khóc của tôi. Lưng còng xuống, chạy quanh hố kêu gào…
Giời ơi giời ơi thằng Dũng con nhà Chiên. Ma quỉ đẩy nó xuống… giời ơi.
Tiếng kêu như vỡ giời của bà Thúy gọi bố tôi mãi ở trong gò về. Xuống
thì dễ, dễ cũng chỉ mình tôi. Bố tôi mon men, hình như là chóng mặt quá, lại
lên, lại mon men. Tiếng khóc của tôi đã khản đặc, giờ còn như con mèo con chó
đáy hố. Bố cũng khóc, loay hoay loanh quanh trên cái bầu trời vuông. Về nhà tôi
lấy cây tre mà tụt xuống, đứng đấy đến tối à. Quả là sáng kiến cứu mạng.
Không nhớ bố đã chật vật ôm tôi lên bằng con đường tre ấy như thế nào.
Những ngày sau đó tôi sống trên lưng bố. Cái chân của tôi vẫn ở dưới hố
chưa gọi được lên. Đâu như ba bốn thầy lang gì đó thì bố đưa tôi đến nhà ông
Tường Hoàn. Đúng là bụt chùa nhà không thiêng. Bố có vẻ ngài ngại khi đặt tôi
lên cái chõng ngoài hè, mặc dầu ông Tường bảo cứ đưa cháu vào trong này. Ông
Tường bảo tôi chỗ nào đau thì cứ kêu nhé. Tôi hét lên khi ông chạm đến ống đồng
chân phải. Ông quay sang bố nói, cứ để cháu ở đây, về nhà chuẩn bị một con gà
con; gạo nếp, thuốc là của tôi.
Bố về một loáng sau đã xuống, tiếng gà liếp nhiếp trong cái bu bé tí.
Cái bu mẹ đan cho tôi, đúng ra là mẹ cầm tay cho tôi đan. Tôi đã cho cả con cún,
con miu thưởng thức ở nhà bu. Cái lồng té ra bây giờ là cái nhà táng đưa ma con
gà. Con gà chết để tôi sống, sự sống hẹp hòi thế ư?
- Gà đây rồi, xong làm thế nào hở bác? Bố giơ cái bu lên hỏi.
Ông Tường kéo bố ra hè bếp, thì thào. Tôi nghe rõ đừng để cho thằng Dũng
nó biết. Mổ gà đi một nhẽ, đằng này… nhưng thang thuốc bắt buộc phải có, biết
làm sao. Nhìn nét u buồn, cái bộ điệu sợ sệt như kẻ giết người của ông Tường,
tôi lờ mờ đoán một việc nghiêm trọng sắp xảy ra.
Suốt cả chiều tôi chỉ ngồi chơi không với cái chân gãy và nghe tiếng
điếu bát thỉnh thoảng lại sọc sọc lên. Tôi nhìn ông sương khói. Chỉ còn bộ quần
áo gụ, từ cổ trở lên là một màu trắng. Tóc trắng, khói trắng và điều gì trăng
trắng nữa của khu vườn. Tôi chịu. Trong cảm giác linh thiêng, cái chân hình như
hết đau.
Bố nói chuyện về ông Chánh Hoen ngày xưa cũng gãy chân. Ông Tường bảo bố
ông chữa cho. Tôi thấy ông Tường tặc lưỡi… nhưng tiếc cho ông ấy bỏ sang Pháp,
bố tôi chịu trách nhiệm một phần về đôi chân lầm lạc ấy.
Sam sam tối, bố hỏi: Được chưa bác? Ông Tường không trả lời, tiến sát
đến mặt bố, hỏi lại: Chú có nhìn thấy ai đây không? Bố đáp: Chả là bác thì còn
ai.
Ông Tường bỏ mặc bố đứng trên hè, lấy khăn mặt đi ra giếng. Ông tắm và
ông làm gì nữa lâu lắm. Cái chân của tôi hình như lại đau đau. Bố đến bên, vuốt
má tôi và nói: Tí ông bảo gì phải nghe nhé. Nhớ đừng kêu. Bố đang chuẩn bị tinh
thần cho tôi. Bố ơi yên tâm đi, con dám nhảy xuống hố thì chịu đau có khó gì.
Ông Tường vào. Tôi chỉ thấy mùi hương nhu, hoa bưởi thơm dễ chịu. Ông
Tường lại hỏi bố: Chú có nhìn thấy tôi không. Bố đáp: Chỉ nghe tiếng nói của
bác và hương thơm thôi. Thế thì được rồi, bây giờ chú ở với cháu ngoài này, tôi
bắt đầu làm việc.
Ông Tường đi,
từ lúc nào tôi không biết. Màn đêm sâu hun hút, chỉ còn hương hoa rất gần.
Tôi và bố
ngồi im. Tiếng giun dế. Tiếng rặng tre kẽo kẹt như từ thời Tấm Cám. Tiếng lá
mít chạm cành xoan không rơi xuống đất. Tiếng gì, tiếng gì… tôi chưa nghe thấy
bao giờ, không gọi tên được. Vùng mơ hồ khiến tôi như thiu thiu. Bố cũng thế
thì phải, tôi cảm giác bố dựa vào tôi, nhưng tôi không thấy nặng. Tôi biết là
tôi thức, tôi cố quẫy đạp, nhoi lên hòng nghe được tiếng con gà. Theo cái vùng
hương hoa ấy thì ông Tường chẳng thể ở xa, chẳng thể góc vườn hay dưới bụi tre.
Hay con gà là con hy con sinh? Tôi nhớ năm ngoái đọc quyển sách của bố nói về
hai chữ hy sinh. Hai con vật là con Hy, con Sinh tự nguyện chết cho cả cộng
đồng sống. Con Hy, con Sinh đẹp lắm, còn con gà của tôi đẹp nhưng trần tục. Nó
phải kêu chứ, tiếng vĩnh biệt loài nào chẳng có. Hay nó cũng kêu nhưng tiếng
vào vùng hương hoa hết rồi. Gà ơi mày là con hy con sinh bé nhỏ.
Tôi đang miên
man thì thấy ống quần vén lên, rồi tiếng bố: Thôi bác ạ, mặc quần đùi cũng được,
nó trẻ con ý mà. Tôi thấy mát mát ở chân, rồi cảm giác vật gì bó vào, chặt chặt
dần. Được rồi đấy chú ạ! Lúc này mới thấy tiếng ông Tường.
Tôi bị lóa
mắt khi cái đèn bão từ trong nhà đi ra. Ông Tường đang xách nó. Tôi chưa quen
cảm giác ánh sáng, nhìn ông như đang từ một
miền nào về đây. Hương hoa đã nhạt, mái tóc bạc của ông đã rõ ràng nhưng vẫn
ánh lên, có một chút cầu vồng trên đỉnh đầu.
4.
Chân tôi đã khỏi, hàng tháng trời tôi trèo cau bắt cồi cội, trèo nhãn
cho người ta để được nhận mấy túm về ăn, nhảy phóc lên lưng trâu như diễn viên
xiếc… Tôi truy thu những ngày ngồi tù.
Một ngày mưa dầm tôi lại bị tù. Tôi nằm giường đọc truyện, mẹ ngồi giãi
thẻ bên mẹt quần áo. Cái sứt chỉ mông, cái sắp đứt cúc… cái nào cũng có việc
kim chỉ. Mẹ vừa làm vừa chuyện, chuyện nọ chuyện kia cứ đều đều như trời mưa.
Tôi vừa nhìn trang sách vừa nghe, toàn thấy tiếng trời mưa.
- Hồi cái nhà anh Vui làm sao mà thôi cô Hoàn ấy nhỉ? Chẳng biết mẹ hỏi ai.
- Con biết
làm sao. Có khi hồi ấy con chưa chui ra khỏi bụng mẹ.
- Ra rồi.
Chín tuổi rồi.
Chết thật đầu
không xuôi đuôi không lọt. Chị cả ở vậy, ba cô em cứ thế mà noi gương. Mẹ nói,
mẹ thở dài. Tôi không hiểu mình làm sao có cục gì nghèn nghẹn trong cổ. Tôi
đứng dậy ra bàn tu hết nửa ấm nước vối.
Mẹ cũng đứng
dậy đưa tôi cái quần bảo mặc thử. Cái quần của bố, gấu bị nát, ba bốn lần lên,
ngắn quá bố chê. Tôi mặc, mẹ bảo ra dáng thanh niên lắm rồi. Tôi kéo ngăn bàn,
lấy cái gương, soi trước bụng, vòng ra sau mông. Thấy ưng nhưng không nói câu
nào.
- Chị Chiên
có nhà không?
- Ai như
tiếng cô Hoàn phải không Dũng nhể?
Tôi chưa kịp
trả lời thì cô Hoàn đã vào nhà. Cô đặt cái làn xuống, lấy ra một mảnh vải.
Không, một cái áo mới cắt. Cô hỏi mẹ chỗ chiết li… năm trước em vẫn vào hai
phân, bây giờ bốn phân mới vừa, nhưng trên lại phùng ra, buồn cười lắm. Mẹ đặt
cái áo xuống, đo đo gang tay, rồi bảo: Cứ dưới bốn phân, trên bóp vào một tí là
được. Cô Hoàn khâu lược luôn, mặc thử ngay tắp lự. Cô vột vạt: Đúng là bõ công
đội mưa đến chị. Cô Hoàn xin phép về để sấy mẻ thuốc. Mẹ nắm tay: Mấy khi đến
chơi được, ngồi đã chị bảo cái này.
Hai người rì
rà rì rầm. Tôi nghe… đâu như bắt đầu chuyện cái nhà anh Vui hồi đó. Anh Vui là
bộ đội nhưng diện B quay. Đợt ấy
Huyện đội thu gom tất cả những người B
quay về xã tôi đắp đê, mở rộng hai mét và tôn cao bốn mươi phân. Đoạn đê
xóm tôi có một đội gồm bốn mươi chú làm, tất nhiên là ở trọ luôn trong xóm.
Chú đội
trưởng theo cô đội trưởng đi hỏi lần lượt các nhà. Nhà ai cũng vợ đùn chồng,
chồng đùn vợ. Họ không nói thẳng ra nhưng không muốn cho B quay ở. Bao nhiêu người đi đánh Mỹ, cầm chắc cái chết, nói lời
chia tay cũng là vĩnh biệt. Thế mà có những người quay đầu, không biết xấu hổ
với làng nước. Tội, họ đã phải chịu, họ đã đeo mảnh cót có chữ B QUAY, phải nói
to không biết bao nhiêu lần - Ai cũng như tôi thì lấy ai đánh Mỹ. Tôi và lũ trẻ
trong xóm đã rồng rắn, ê ê theo đám người xấu xí.
Tôi đã lớn
lớn và thấy tồi tội cho họ. Bây giờ họ lập công chuộc tội, đến để đắp đê cho
làng mình. Cớ làm sao tránh như tránh hủi. Các nhà thái độ thế nhưng trước lời
lẽ của xã, đội đều chấp hành; biết làm sao, bằng mặt không bằng lòng.
Đoàn B quay có đến nhà ông Tường Hoàn hỏi
trọ. Ông bảo nhà thì rộng ở hai mươi người cũng đủ nhưng tôi không thể cho ở
được. Hỏi làm sao ông nói bệnh nhân đến không thể ồn ào, nhưng thuốc lá của ông
không cần ở lại? Gặng nữa, ông bỏ ra vườn. Trơ hới, đoàn B quay và bốn cô con gái. Họ đành đến nhà khác, có người chào to vì
biết ông đang gần đâu đó.
Nhà bà Sa bên
cạnh tiếp nhận ba người. Chú Vui và hai chú nữa tôi chưa biết tên. Bốn cô nhà
ông Tường vẫn nhìn thấy họ tắm ngoài giếng. Tầm sam sam tối, bốn cô hay ra bờ
rào nhổ cỏ hoặc lùa gà về chuống. Ông Tường vỡ nhẽ, gầm lên, bốn cô cum cúp đi
luôn vào bếp.
Trận bão làm
một nửa bụi tre rạp xuống mái nhà. Năm cha con ông Tường suốt buổi sáng ì ạch.
Buổi chiều vẫn còn hơn chục cây, không riêng rẽ mà đè lên nhau, muốn được phải
bắt đầu từ cây trên cùng. Cây này muốn chặt phải đặt thang lên mái nhà, đứng
chót ngọn thang mà chặt. Bốn cô lên thử chóng mặt, ông Tường lên run chân. Thế
là cứ để đấy.
5.
Chú Vui để
luôn đôi thùng ngoài sân khi cô Hoàn bảo còn mấy cây tre trên mái nhà. Chú đứng
ngắm nghía một lúc rồi cầm con dao. Cô Hoàn bảo để em giữ thang cho, chú ngửa
cổ, chỉ lên giữa bụi tre - Phải chặt trước, sau đó lên mái rút ngọn. Ngược đời
rồi anh ơi. Cô Hoàn lo lắng.
Chú Vui đã
leo lên đến lưng bụi. Loay hoay tay bám, tay dao rửa những ánh tre đan chéo.
Bình thường người ta phải dùng con dao phát, cán dài. Nhưng dao phát lên cao
thì vướng, vả lại chỗ cây gẫy gục, chục cây khác đè lên, hàng trăm hàng nghìn
những cái gai như gai bồ kết bị tập trung. Tay
chân chú Vui bị những vạch dài, chỗ rớm máu, chỗ máu chảy xuôi làm dài thêm. Kẻ
dưới đất lo hơn người trên cây, cô Hoàn cứ ngửa mặt, chốc lại bảo cẩn thận anh
nhé.
Chú Vui đã
chặt rồi, từ tay dao những mảnh trắng trắng rơi xuống đầu cô Hoàn, như hoa cài
mái tóc. Thấy rung rung, rồi cả mái nhà rùng rùng. Ối ối… chỉ nghe tiếng cô
Hoàn kêu, chú Vui đã rơi xuống mái nhà, lăn xuống đất.
Bốn cô gái ì
ạch không nhấc nổi chú Vui lên. Cái mặt chú vẫn tươi bảo không sao đâu nhưng
hàm răng đang nghiến lại.
Rốt cục thì
chú Vui tự đứng dậy, chú bám vào tay cô Hoàn. Cô Hoàn sống mũi, mặt mồ hôi chảy
ròng, cái tay vòng ra sau lưng bất lực. Cô Hoàn kéo. Chú Vui nhích dần, nhích
dần cao lên. Chú đã đứng lên được, vịn
vào vai cô Hoàn. Cái cúc ngực bật từ khi nào, dây áo con trắng, cô Hoàn không
biết. Chú Vui thì vẫn đau.
Chú Vui bị
bong gân, phần cơ bắp chân thâm tím. Ông Tường sầm mặt khi con gái dìu người
đàn ông vào. Ông đi ra góc nhà, cầm cái bọc vải lại, ra hiệu chú Vui ngồi
xuống. Chú Vui không ngồi được, cô Hoàn lại từ từ ngả tay theo tấm thân lực
lưỡng. Ông Tường quay mặt đi.
Dạo này bà Sa
hay sang chơi. Bà ở dưới sân, ngoài vườn với mấy đứa. Bà có gì vui vẻ lắm. Bà
bảo đúng là bộ đội có khác. Nhà tôi bây giờ củi chả phải bổ, trong nhà sạch như
lau, ngoài vườn đố tìm thấy một chiếc lá, cơm mình lắm hôm các chú cũng nấu hộ.
Khổ thân cho cái nhà anh Vui. Tội do là nhà tôi, hôm ấy mà không dở chứng bảo
tát giếng thì đâu ra nông nỗi… nhưng mà tập tễnh được rồi. Ông đâu rồi nhỉ? Tôi
muốn hỏi chân như thế có phải ăn kiêng gì không? Tôi chỉ biết trừ rau muống ra
thôi. Cô Hoàn trong bếp nghe thấy, đi ra, đứng lại, rồi bước vụt ra sau
nhà.
6.
Bà Sa kêu toáng lên từ ngoài cổng
- Con trai rồi. Ông Tường giãn mặt ra một tí, bước ra đến bậu cửa, rồi đột ngột
quay gót đi vào buồng. Bà Sa vào không thấy ai, nói to - Chuẩn bị cáng, chiều
nay đi đón hai mẹ con nó về. Không ai đáp. Bà Sa lại nói, rõ giọng làu bàu - Lạ
cho cái nhà này người đẻ mà cứ như con gà con vịt đẻ ý.
Sốt ruột, nói vào chỗ trống không, bà Sa xuống bếp, bếp lạnh. Ra sau nhà, chả thấy ai. Nhìn
phóng đằng bờ rào, ổi chín, trắng cả cây. Bà quên cái việc của mình.
- Ô chị đẻ mà đứng tu ở đây à? Bà
giật mình như bị bắt quả tang đang ăn trộm ổi.
- Cô Thành chỉ vào nhà, xua xua tay.
- Không sợ gì hết, có cáng chưa? Đi tôi mượn cho. Nhà
Hoạt vợ nó đẻ tháng trước mua hẳn một cái mới tinh.
Thằng cu tên là Vẻ, cái tên bà Sa đặt cho. Mười ngày,
một tháng chẳng ai nghĩ đến đặt tên. Vẻ là vui vẻ, vẻ là vắng vẻ, vẻ là mỗi
người mỗi vẻ… bà nói một tràng như thầy giáo, nghe vui vui. Cô Hoàn bảo - Vẻ
cũng được bà ạ. Cô Thành bế thằng cu lên, áp má mình vào má nó - Vẻ là con chim
sẻ nhỉ… ù… ù… con chim lớn nhanh rồi chặt tre đổ cho các dì nhé.
- Chẳng biết là bố nó biết mình có thằng Vẻ chưa nhỉ?
Có ai báo chưa? Bà Sa chợt trầm xuống, nhìn xa xăm.
Không ai nói, thằng cu toe toét cười.
- Chúng cháu cũng định báo nhưng chẳng biết anh ấy ở
đâu, hình như ở Thanh Tân, Thanh Minh gì đấy?
Hỏi chị Hoàn chị ấy bảo chị không muốn đi đâu hết, thế này là chị mãn
nguyện lắm rồi. Chung nói và nhìn chị.
7.
Thằng Vẻ mỗi ngày mỗi khác, nhà
cũng khác đi. Ba dì tranh nhau ninh xương, quấy bột, tranh nhau bế. Khổ thân
thằng bé, cứ như con búp bê bị giằng từ tay này sang tay khác. Nó khóc, cười,
tè vô tổ chức. Ba dì sung sướng lắm, được nó tè, thay tã, vuốt cái chân mềm mát
- Vươn vai dài giống/ Hay ăn chóng lớn/
Đi chơi với mẹ. Mẹ nào? Thành dừng tay đang búng vào con chim hỏi. Thì mẹ
Thành, mẹ Chung, mẹ Tình. Thế mẹ Hoàn ra rìa à? Ừ cho ra rìa, tối được ngủ với nó rồi thì phải chịu
thiệt chứ.
Thằng Vẻ càng lớn càng giống ông
Tường. Mẹ nó, các “mẹ” ai cũng bảo giống bà ngoại. Người đầu tiên phát hiện ra
điều này lại là bà Sa. Một buổi trưa, thằng Vẻ ngủ trong cái nôi ngoài hè. Mẹ
Hoàn nó đang thái thuốc, mẹ khác đang trong bếp chẳng biết làm gì. Bà Sa không
thấy ai, đưa nôi, ru hời mấy câu. Cái nôi trầm bổng, thằng cu hé miệng cười,
thằng cu nhăn trán… như là ai ấy nhỉ. Quen quá mà không nhớ ra.
Ô ông Tường hay cười kiểu thoắt sáng
thoắt tắt, vầng trán cứ bất chợt nhăn lại. Rồi còn đây, đôi mắt, cái mũi… y như
lột ông Tường cách đây bảy mươi năm.
Bà Sa gọi các mẹ của thằng Vẻ ra.
Bà nhìn lần lượt, so sánh, bà vào nhìn ông Tường, bà lẩm bẩm: “Đúng thật! Đúng
thật!”. Cái định nói của bà Sa ra đến cuống họng thì bị quay trở lại lồng ngực.
Bà vuốt ngực một cái rồi bảo - Đừng cho thằng bé uống thuốc gì nhớ. Ăn khỏe ngủ
khỏe thế này chẳng phải lo gì. Rõ là một câu trên trời.
Xì xà xì xào, kéo vai hỏi nhau.
Đám nhổ mạ ngoài đồng, đám khuân củi bờ sông, đến trong đám ma cũng hỏi thật
nhé… biết gì chưa…?
- Thằng Vẻ là con ông Tường, tôi
nghi ngay mà.
- Lời nói đọi máu đấy. Bố nó mang
súng về lại chối phắt… đâu đâu em có nói đâu.
- Thì nói hay không thì lồn lột
ra đấy.
- Bà nhìn nó chưa?
- Chưa. Dưng mà tôi thấy hồi cô
Hoàn chửa, chẳng giống ông Tường một tẹo nào.
- Thế mà cũng nói, cái đồ bắc chõ
nghe hơi. Hỏi bà Sa xem nào…
Bà Sa lúng túng, thấy ân hận. Có, có, bà có băn
khoăn. Bố Vui, mẹ Hoàn, ông Tường, đến cả thời mồ ma bà Tẹo bà nhắm mắt lại vẫn
rõ từng người. Bà muốn rút lại cái điều băn khoăn trót nói hôm đi cấy duỗm nhà Hoạt. Nhưng bát nước đổ
xuống đất rồi, bay hơi lung tung rồi. Bây giờ bà có nói lại người ta vẫn không
tin, xưa nay ở làng những chuyện lạ vẫn tin hơn những chuyện ngày nào cũng có.
… Thời gian, thời gian, 87 tuổi ông Tường mất. Chuyện thằng Vẻ là con
ông tưởng mệt quá ngủ đi rồi thì nay lại trỗi dậy khi thằng cháu ngoại oặt
người, khóc ai oán.
- Phải ới bố
ơi mới đúng chứ nhỉ. Một người thì thào.
- Tiên nhân
cái thằng này. Ông Tường ông ấy bật nắp quan tài, đập cái cầu thuốc vào mặt mày
bây giờ. Một ông bịt mồm người vừa nói.
Thành ma rồi,
về nơi cực lạc rồi, hãy để cho linh hồn ông ấy siêu thoát. Đám tang những gương
mặt trùng trùng thăm thẳm. Họ nhớ về một thầy lang cao to, đức độ. Họ nhớ về
cái ngày ấy mà không có ông Tường thì rành chết. Hình bóng ông như đang quay
mặt lại đám tang, khói hương nhòa nhòa thơm thơm mùi thuốc bắc.
Ông như thánh
như thần. Giá như không có thằng Vẻ. Sự gợn gợn đưa ông về nơi an nghỉ. Đường
vào nghĩa địa đã rải cấp phối, mấy trận mưa đầu mùa làm nhô lên những hòn cuội
trắng, đen. Nắng cuối thu nhàn nhạt, gió kéo màu xanh mướt của ngô vụ đông dưới
ruộng lên.
8.
Tôi đã bỏ
làng từ năm 22 tuổi.
Tôi từng có
bao nhiêu hoài bão dự định tương lai. Tôi sẽ học thạc sỹ, lên tiến sỹ, về Hà
Nội. Tôi sẽ thành một nhà văn, số đầu sách sẽ cao hơn đầu mình. Tôi đang kiếm
tìm, tôi đang trên con đường thiên lý. Ngày nghỉ tôi chẳng cho mình nghỉ bao
giờ. Tôi triền miên trong suy tưởng, ngẫm nghĩ. Những khi ý nghĩ nặng quá, tôi
hay lang thang vào các bản người Thái, người Mông. Tôi muốn rằng mình sẽ làm
nên một điều kinh ngạc trong ngành giáo dục hoặc trên văn đàn.
Tôi bỏ làng từ
năm lấy vợ. Hỡi ôi tôi đã lấy vợ, ngần ấy năm, bao nhiêu choàng tỉnh đứng dậy
khi thoáng thấy bố mẹ, quê hương. Thế mà kết thúc nhẹ nhàng. Thế là hoài bão
thỉnh thoảng còn cơn gió thoảng, mơ ước hẹp lại, dự định lùi dần…
Vợ chồng tôi
khởi nghiệp bằng một ngôi nhà tre. Mọi thứ đều bằng tre, trừ vách đất và mái
gianh. Nhà lớn cột tre luồn ruổi, nhà bếp cột tre chôn thẳng xuống đất. Cái nhà
nguyên là của một anh giáo viên chuyển vùng nhượng cho, đã rách lắm. Tôi nói
không ngoa rằng những lúc tức vợ, tôi đá một phát nó sẽ bay xa mười mét. Tôi
chưa đá lần nào nhưng đạp thì có. Vợ tôi thấu cái bi kịch của tôi, nhẫn chịu và
ngoan ngoãn. Nàng vớ được vàng như lời những người dân thị trấn này nói. Nàng
chăm chỉ hàng xay, hàng sáo, nấu rượu nuôi lợn, buôn tắc kè, tê tê… Tôi đã vui
khi thỉnh thoảng những hôm trời mưa, nàng mở tủ ngắm nghía, đếm đi đếm lại
những quyển sổ tiết kiệm. Nàng bảo rằng chúng ta sắp vĩnh biệt ngôi nhà tre này
rồi.
Chúng tôi đã
có ngôi nhà cấp bốn ngay mặt phố thị trấn. Ngôi nhà cũ làm củi đun hơn hai năm
mới hết. Thỉnh thoảng tôi trở lại vườn xưa, vườn toàn dây lang ngập chân. Tôi
nghĩ một mình, đất cứ để nguyên không bán, sau này sẽ dựng một ngôi nhà gỗ,
tiền kẻ hậu bẩy như nhà ông Tường Hoàn ở quê. Ý nghĩ khiến người tôi lâng lâng,
quê hương thấp thoáng, những bụi tre mốc thếch. Ông Tường khuôn mặt như tiên
trong chiều rợp tre, nhòa nhạt. Ông Tường đầm đìa trong những giấc mơ của tôi.
Ông cứu được bao nhiêu người, làm bao nhiêu người khỏe mạnh trở lại với ruộng
đồng. Cái chân phải của tôi là ông cho, mấy năm đầu giở giời còn đau nhức, đến
bây giờ khoan khoái.
Vợ tôi mãi
vẫn không có thai, mặc dầu tôi không phải là yếu lắm. Buổi tối chúng tôi hay
lên giường sớm. Tay trong tay chuyện trò. Tôi
chuyện về cái hồi còn bé, nhảy hố đào đất đắp đê bị gãy chân, ông Tường Hoàn
chữa cho, vị thuốc có một con gà bé, giã sống. Nàng dĩ nhiên là chuyện hàng họ,
lời lãi. Tôi bảo tiền bạc là vô cùng, hai vợ chồng thế là đủ. Nàng im lặng. Mãi
vẫn im lặng, tôi lay lay hỏi ngủ rồi à. Nàng bảo không, anh nói làm em cứ nghĩ,
hay là mình buôn hàng quốc cấm trời không cho có con. Đến lượt tôi im lặng,
hình như… hình như thế.
Giời đã
thương chúng tôi, cuối tháng ấy nàng báo tin mừng. Không tả nổi tôi xốn xang
như thế nào. Tôi chăm nàng, chăm con bằng đôi tai, bàn tay đi đâu về là tìm
bụng vợ.
Thằng bé lớn
dần, tôi tin chắc là thằng cu mặc dầu hồi đó chưa có máy siêu âm. Mùng mười tháng ba, đúng là thằng cu đã oa
oa. Vợ chồng chúng tôi nhìn nhau mãn nguyện.
Nàng không ra
khỏi nhà liền ba tháng, béo trắng phát ngốt lên. Thằng cu cũng thế, mũm mĩm và
thơm phức.
Sang ngày đầu
tiên của tháng thứ tư thì nàng đòi đi chợ. Nàng nhớ hàng họ, những lời bán mua.
Tôi chiều, một mình ở nhà trông con, cất giọng à ơi khàn khàn. Thằng bé mau ngủ,
vừa cười toe toét đã tiếng thở thơm thơm hơi sữa. Tôi ngắm nghía nó. Quả thật
từ ngày có nó hôm nay tôi mới được một mình. Có vợ kiểu gì cũng không tự nhiên.
Đôi lông mi dài, cái mũi cao, cái mồm cong cong một tí… sau này gái theo phải
biết đây. Tôi sát gần, sang bên phải, sang bên trái, lùi ra xa rồi lại tiến
lại. Như có ai trong gương mặt thằng bé. Tôi đi lấy cái gương, sát mặt mình
xuống, mặt bố con cùng hướng vào. Không giống mình! Giống một ai quen quen nhỉ.
Tôi thấy rất gần mà rất xa, vẫn chưa nghĩ ra. Tệ thật cái đầu.
Mãi tới khi
vào bếp quấy bột cho thằng cu, tôi mới đập vào đầu mình một cái - Ông Tường
Hoàn. Nó giống in ông Tường Hoàn. Tôi bỏ nồi bột trên bếp, chạy lên kiểm tra
lại. Cái khuôn mặt lúc nắn chân tôi, cái nhìn mát nhẹ lúc bó thuốc cho tôi. Tôi
đối chiếu, không thể nói khác được.
Vợ tôi rất
ngạc nhiên khi tôi bảo mai về quê. Nàng nói toàn điều đúng: Đường xa, thằng bé
chưa được bốn tháng, nhà người ta có năm có mười chả nói làm gì, ấy là chưa kể
anh với ông hiệu trưởng bằng mặt không bằng lòng chắc gì ông ấy cho đi… Tôi có
vẻ hơi siêu siêu nhưng cứng rắn, lấy trịch làm chồng ngay - Đã bảo mai đi là
đi. Chuẩn bị quần áo đồ dùng ngay!
9.
Tối đầu tiên,
ngôi nhà lá cọ chật ních người. Tôi mệt nhưng vui, các ông các bà hỏi han đủ
chuyện. Thằng cu là trung tâm của những lời nựng, nói trộm vía toàn người lạ mà
nó chẳng khóc một tí nào, hóng chuyện và cười khanh khách.
- Giống y như
thằng bố nó.
- Vừa mới
ngày nào thi nhảy gãy chân bây giờ đã lên bố trẻ con.
Tôi cười cười,
nói nói trong ánh đèn dầu vàng vàng. Chưa ai nhìn rõ thằng cu, nhìn rõ
tôi.
Sáng hôm sau
thì vợ chồng tôi đến nhà cô Hoàn. Mẹ tôi đã kể về cô, về thằng Vẻ, về ba cô
Thành, Chung, Tình.
Cô Hoàn nhận
ra tôi ngay dù hai mươi năm mới gặp lại. Cô bế thằng cu, khen vợ tôi tốt sữa.
Cô hôn chùn chụt nó, ngắm nghía nó, đưa hai tay lên cao, ra xa. Tôi và vợ tôi
ngồi bàn nước. Vợ tôi hỏi khẽ - Nhà không còn ai nữa à? Cô Hoàn nghe thấy,
giọng nửa nói với thằng cu, nửa nói với vợ chồng tôi:
- Bà Thành,
Bà Chung, Bà Tình đi lấy chồng rồi. Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc xa lắm.
- Thế thằng
Vẻ đâu. Tôi sốt ruột.
- Nó lên rừng
lấy cây thuốc. Bây giờ trông hết vào nó.
Vừa nói xong
thì thằng Vẻ về. Cô Hoàn đưa thằng cu cho vợ tôi, ra đỡ gánh thuốc trên vai nó.
Cả hai đều loạng choạng, ngã xuống. Tôi chạy ra thì hai mẹ con đã đứng dậy. Cô
Hoàn giới thiệu, thằng Vẻ xin phép ra giếng tắm qua. Lát sau nó vào chào vợ
tôi. Vợ tôi nhìn nó không chớp mắt, rồi nhìn xuống thằng cu.
- Sao giống
nhau thế nhỉ? Vợ tôi nhìn tôi khó hiểu.
Không ai nói
câu nào. Mãi, cô Hoàn mới nói, như nói cho mình:
- Công nhận
là giống. Thằng Vẻ, thằng cu như có máu mủ.
Tôi định nói
nhưng ngại cô.
Tối ấy, mãi
vợ tôi vẫn chưa ngủ, chốc lại hỏi:
- Nhà mình
với cô Hoàn có họ hàng gì không?
- Không. Tôi hồn nhiên.
-
…Thế là làm sao?
Làm sao lại thế nhỉ?
Tôi bảo hỏi lắm chóng già, thằng cu đẹp như tranh vẽ là được rồi. Tôi định
nói… đừng dẵm vào nốt chân chú Vui, cũng vì căn vặn cô Hoàn mà chia tay đấy…
nhưng kìm lại được. Vợ tôi quê khác, lịch sử bắt đầu từ những người đi khai
hoang.
Tôi nằm ôm vợ, choàng tay sang thằng cu. Tôi nhớ chú Vui quá, thương chú
quá. Chú về đây mà nhìn thằng cu nhà tôi, bố nó chỉ một lần chữa gãy chân thôi.
Còn cô Hoàn…Tôi rì rầm với vợ. Vợ tôi ngùi ngùi - May cho cả làng, có cô Hoàn
giữ được nghề thuốc.
D. A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét