Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Bài của Du An đoạt giải Ba, cuộc thi viết "Rừng là cuộc sống của tôi", do Tổng Cục Lâm nghiệp, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, trao giải 28/11/2014.


BÀ LOAN RỪNG



  Để giữ được rừng, để rừng phát triển bền vững, theo bà Loan, đồng bào miền núi phải đủ ăn và có tinh thần cứng như đá.

 Bà Cà Thị Loan bên cây dổi 15 tuổi

Read More..

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Ban trắng Mường Thanh


Hoa ban, nhiều người nói nhiều, nói mãi. Sáo ngữ, dù văn hay vẫn cũ. Mình làm biên tập VNĐB, nói thật đã và đang nhận nhiều bài hoa ban; cảm giác lặp là xem thường bởi quanh đi quẩn lại vẫn truyện cổ tích HB, tả HB, cảm xúc HB... Nhưng vừa rồi, hơi bị bất ngờ, bởi có một Ban mới của cô giáo Trần Chinh Dương (THPT chuyên Lê Quí Đôn - Điện Biên). Nó không hẳn mới hẳn nhưng chí ít nó đã xoay nhiều góc độ với loài hoa Tây Bắc, Điện Biên để đỡ chán
Read More..

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Chùm thơ của VĂN CHINH

Tạ lỗi

Ngày con sinh có ngôi sao xanh như múa
cha mượn tên sao cho con đăng ký làm người
nhưng mẹ suốt ngày chỉ gọi Nhiu thôi
và như thế cha thả con lẫm chẫm trên đường đời khó nhọc

Hạnh phúc cách con một đường chùng dây thép
đến quãng đôi mươi cha đã bảy mươi ngoài
sao xanh ơi làm thế nào để Nhiu của chúng ta khỏi ngã

Bố con mình tốt đen tốt đỏ
trận cờ người lắm nước dại khôn

Chỉ sao xanh là biết rõ
chỉ sao xanh đêm đêm nhắc nhở
xem con từ tốn làm người.


Gỡ ra rồi lại buộc vào

Gỡ ra thì hết
buộc lại chắc gì còn
em bay
anh đi
hình như có con vịt
bơi trong thơ ấu em vin được cành cao

Tháng tư vẫn chưa đến hạ
mùa xuân còn những mười lăm đêm
kể cả đêm nay nữa
nhăn nhàu đen
với bâng khuâng nhớ dáng nằm em
ngậm ngùi
với trong lòng gối đất anh mê man
không biết em ở đâu
thung buồn?
biển nhớ?
ngày xưa em đắm chỗ nào...

Ngọn đèn phẫn thâu đêm
có câu thơ hưng hửng
không làm sao nắm được
rình mò heo hút con chuồn chuồn ớt tuổi thơ bay
chỉ một tín điều này
nhăn nhàu suốt đêm để sao Mai ngơ ngác mọc
non tơ con gái
lên trời.


Read More..

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

MÙA NƯƠNG - Truyện ngắn Du An mới in báo Giáo dục - Thời đại, số 59, thứ hai, 10/3/2014



MÙA NƯƠNG




Tre nứa nổ lốp bốp, cỏ gianh à à ran ran. Khói, tàn đen trong luồng khí nóng hút hút từng vòng như muốn bốc người quay trở lại.
Cứ từ đầu chiều, gió Lào ong ong, như có con gì rứt rứt trong thịt. Hạ sang lớp đúng lúc một cơn lốc ập đến, bụi sộc thẳng vào mồm. Sao lại há mồm lúc ấy. Hạ không bỏ được thói quen xấu, nói ma bàn ghế. Nóng, bụi, bứt rứt... Hạ đã đánh nhau với gió. Mồm hét, chân đạp.   
Ngực vẫn nặng, bụng xèo xèo như ai cầm bó đuốc dụi  trong dạ dày.
Hạ co chân, thả người xuống luôn bên bếp, đẩy vào mấy mẩu củi, thổi phù phù. Lửa bùng lên như chờ suốt đêm qua.
- Thầy giáo ơi sang ăn thịt vẫn còn đi! - Hạ gõ gõ đầu… À… Tối qua uống rượu một mình, sau đó sang nhà ông Vừ. Uống năm chén nữa, chưa ăn miếng nào.
Tiếng ông Vừ gọi. Rồi cái đầu bù xù ngồi trước mặt Hạ.
- Đêm qua chưa say sao bỏ về. Cháu không tốt rồi… Chúng tao đốt nương con hoẵng chạy bị ngã. Nghỉ nương mang về mừng. Không còn thầy giáo vẫn uống… vui mãi không lên được.
- Thế rừng có bị cháy không?
- Có chứ, cháy thì con hoẵng mới chạy ra chứ.
Ông Vừ ngoằng tay ra sau, lấy hai đoạn nứa bỏ vào bếp. Lửa cao ngọn ngần ngật. Đám tàn đỏ ngoằn ngòeo đuổi nhau lên mái gianh. Có con gì đang giãy giãy. Đỏ rực, mờ nhòa rồi lại đỏ rực. Nó sắp rơi xuống đầu…
Cháy! Cháy! Hạ vụt lao ra. Ông Vừ theo phản xạ cũng chạy. Đến sân ông dừng, nghoảnh nhìn vào bếp. Lửa không còn, mấy đoạn nứa lúc nãy thành những khúc tàn bềnh bệch.
- Thầy giáo bị con ma rồi. Sang nhà tôi uống rượu nốt đi.
Hạ ngoan ngoãn theo ông Vừ.
* * *
Nhà ông Vừ có hai con ngựa, bốn con trâu, mười lăm con lợn thả rông…; mỗi vụ nương mang về chín mươi bao thóc, gần trăm bao ngô. Ông không phải trưởng bản, anh em họ hàng cũng không ai làm cán bộ… nhà cửa lại sạch sẽ đâu ra đấy. Công an lên “Ba cùng” ở nhà ông, thầy giáo lên vận động con em bản đi học buổi trưa uống rượu nhà ông. Người dưới thị trấn gặp người Mông xuống chợ, hỏi ở bản nào, bảo Pú Cáy thì hỏi lại: Bản đấy có ông Vừ chứ gì! Lập tức khoe ngay: Ừ nó vừa mua máy xát đấy, xát hộ mà, chỉ lấy cám lại thôi. Nó vừa cho vay ba triệu tiền tao mua tivi, mày đi xem cùng đi?

Hạ ở nhà ông Vừ.
Hôm ấy, buổi sáng cầm quyết định từ Phòng về Hừa Tang, hiệu trưởng Bằng nhìn Hạ một lúc rồi bảo: Trẻ đấy. Tốt. Về điểm Pú Cáy nhé. Hạ đáp vâng em đi đâu cũng được.
Hạ sang phòng hội đồng, vừa lúc trống ra chơi. “Ma cũ” nhao nhao đến xem mặt “ma mới”. Hạ bị lọt thỏm trong ánh mắt thương thương, cảm phục. Một anh kéo Hạ ra hè, nghiêm mặt nói nhỏ: Này chú có muốn ở trung tâm không? Anh ta xòe bàn tay, ngón cái vê lần lượt các ngón. Không. Mà ở trung tâm hơn được cái gì? Nhiều thứ trên đó… chú trẻ dễ chết lắm. Như là… Như là… Hạ thấy buồn cười, nhưng cũng ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: Thôi em cứ đi theo sự phân công. Anh kia thở dài: Tưởng chú biết nhìn tương lai… nhưng thôi tuổi trẻ cần dấn thân, khi nào cần cứ xuống anh. Anh tên là Tình, giáo viên thể dục.
Hạ lên ngay trưa đó, cùng đoàn Pú Cáy đi chợ về. Đoàn có bốn người, toàn phụ nữ, ba người tầm bốn năm mươi và một cô bé khoảng mười tám mười chín. Hạ giới thiệu mình lên làm thầy giáo Pú Cáy, ba người có tuổi nhìn nhau chi pâu * rồi cười. Cô bé cũng cười, nói: Nó không biết tiếng Kinh đâu. Thầy giáo cũng không biết tiếng Mông thì làm sao? Thì uống rượu, thổi khèn, đi nương khắc làm khắc biết thôi. Cô bé nói, cái lúm đồng tiền hút hút như bông hoa chực lặn xuống đôi má trắng hồng. Hạ thấy lâng lâng, lúc trước phải chạy gằn, bây giờ nhẹ chân vẫn cùng đoàn. Nhưng hai người trẻ bị tụt lại sau từ lúc nào. Cánh rừng miên man, lạnh tối.
Ôi sông! Hạ kêu, chạy ào ra phía trước. Cô bé chạy theo… Chết, lăn xuống chỗ chết đấy. Hạ và cô bé ôm nhau, bung biêng. Mây trắng đang trôi, núi chạy vòng tròn, nắng hắt lên đuổi nhau về đường cầu vồng mờ xa.
Cú va chạm hoàn hồn xóa khoảng cách hai người. Hạ hỏi em có người yêu chưa. Cô bé bảo hai lần con trai bắt ngoài rừng không mang về nhà, không có con về mình. Hạ láng máng nhớ tục người Mông cướp vợ, vừa nãy mình cũng “cướp” trượt. Bất giác Hạ bẻ tay, những ngón tay kêu lốp nhốp. Cô bé đang kể sang chuyện nhà, bố em bảo không đứa nào cướp mày thì anh mày cướp ngô thóc lợn gà về cho bố. Rồi người ta đến cướp ngô thóc lợn gà, cướp lẫn cả mày. Hạ cười. Cô bé im lặng.
Tối hẳn thì về đến bản. Tiếng lợn gà, ngựa rùng chân...  hợp âm đòi ăn âm âm, nôn nao. Hạ đang định ngồi xuống một mỏm đá trước ngôi nhà to dài thì cô gái bảo: vào đây, ở nhà em luôn thôi. Không, phải đem giấy trình trưởng bản. Ô! Không phải đâu, cán bộ nào lên cũng ở nhà em mà. Cái váy đang sát mặt Hạ như có ma lực, Hạ đứng lên theo cô gái.
Hũ nút. Trong nhà tối hơn ở ngoài, tiếng đổ nước, tiếng cô bé véo von. Bếp lửa chợt bùng lên. Cô bé đang ôm mẹ, nói tiếng Mông, Hạ chỉ biết líu lo, hình như nũng nịu. Con chào mẹ, con tên là Hạ lên bản dạy học. Bà mẹ cười thay lời đáp. Cô bé giằng lấy hai ống bương vù đi.
Hạ muốn làm một việc gì, đang ngó quanh tìm cái chổi, thì một con lợn ịt ịt nhấp nháy mõm tiến vào bếp. Hạ đá nhẹ một cái. Bà mẹ quát một câu, nó ra, đuôi ngoáy ngoáy trong khoảng mông tối dần.
Cơm dọn xong thì ông Vừ về. Hạ hỏi nương nhà mình có xa không. Ông bảo sang nhà con trai thôi. Cô bé giải thích, anh trai mới mua xe máy, bố phải nói thay anh cho mọi người vui, nói xong bảo về có thầy giáo lên.
Ông Vừ không biết uống rượu, bảo con gái uống chúc thầy giáo đi. Cô bé ngần ngừ rồi uống liền hai chén. Hạ bắt tay, cô bé đang gắp, hai tay gặp nhau có cả đũa. Ấm nóng, tự nhiên thấy yêu yêu ánh lửa rập rờn trong đôi mắt đang cúi. Đôi đũa rơi cạch xuống mâm. Ông Vừ mặt rạng rỡ, nói thầm vào tai vợ.
Cho chơi với thầy giáo đi! Một người nói to từ cửa, bước vào ngồi xuống mâm. Hạ lễ phép giới thiệu mình. Người kia nói tôi tên là Mùa, trưởng bản, mong thầy giáo mãi. Hạ hỏi luôn về tình hình bản, lớp học. Mùa kể: Có lớp từ ba năm rồi, hai năm đói nhiều thì đi học nhiều, một năm no nhiều thì lại đi học ít. Hạ không hiểu, quên uống hỏi tiếp luôn: Nó đi chỗ khác học à? Không. Nó bận nương xa, nhiều ngô thóc trâu bò à? Không. Không nói đâu… Mùa thì thầm với ông Vừ. Hai người cùng nhìn Hạ. Cô bé nhắc tất cả phải ăn cơm.
Tối, Hạ không ngủ được. Người ê ẩm, cái chăn đơn, cô bé và bà mẹ giường bên. Thoang thoảng thơm cái váy, hút hút lúm đồng tiền, cách nói hồn nhiên thông minh. Ở bản, không phải ở bản? Có lẽ mình sẽ bắt đầu từ cô bé này. Ngày mai hai đứa đến từng nhà, nhà nào vắng thì tới nương, mình sẽ nói dưới trung tâm đi học nhiều, trồng rừng nuôi lợn gà bán nhiều tiền; con đi học về lại bảo bố mẹ làm theo sách, tiền lại nhiều nữa…  
Hạ thức dậy thì không thấy ai. Ngôi nhà năm gian mái như úp xuống mặt, tất cả các cửa đều đóng; nhờ nhờ tầng tầng bao, ngô một gian, thóc một gian, còn lại là bếp và ba cái giường. Đêm qua, không biết cô bé nằm bên trái hay bên phải. Hạ vòng tay, ngủ mê mình có thể lăn sang. Thật buồn cười, Hạ cấu vào đùi một cái.
Ăn sáng xong bằng ba bắp ngô luộc còn trong nồi, Hạ khoan khoái bước ra sân. Nhẹ nhõm và thoải mái; sương bắt đầu tan, dãy núi trước mặt vẫn còn những cái khăn trắng uốn lượn lên xuống; quả đồi dưới chân, một đàn dê đang ngớn lên đám xanh xanh cao cao.

- Anh là thầy giáo Hạ à?
- ….
- Tôi là Dia, anh trai Nhìa.
- …
- Tối qua anh có ngủ ngon không?
Hạ nhìn một người lạ. Mặt dài, mũi cao, đôi mắt nhanh nhẹn, nói tiếng phổ thông không ngọng, biết cả hỏi thăm xã giao… khác hẳn số đông người Mông. Dia bảo tôi là con trai thứ hai ông Vừ, nhà bên kia núi này. Tôi sang lấy cái băng hôm nọ cái Nhìa mượn.
Dia vào nhà, Hạ đi theo, đứng ở gian giữa. Dia leo qua đám bao ngô, ì ạch bốc ra xếp vào một lúc rồi quay ra, mặt lấm tấm mồ hôi bảo Hạ: Bố tôi về, bảo một chỗ bị dột nhé. Dia lên đến đỉnh dốc còn ngoái lại. Hạ thấy cái túi nilon đen, ở phố từ ngân hàng ra người ta hay xách? Không phải tiền, hình như hạt giống gì đó.
Gần trưa thì Nhìa về, Hạ nói nhà mình bị dột từ lâu, anh Dia biết, xếp lại bao. Nhìa bảo anh Dia khổ nhất nhà.
Hạ và Nhìa cùng nấu cơm. Hạ bưng rổ rau, cầm cái nồi, đưa cái thớt…Nhìa nhoăn nhoắt cái váy đằng trước. Loáng cái mâm cơm dọn ra, có mỗi hai người Hạ thoáng ngại. Hạ hỏi nương nhà mình xa không. Nhìa bảo nó không có nương xa. Sao nhiều ngô thóc, trâu lợn? Anh trai nó để chung. Nhìa gắp cho Hạ miếng thịt, rồi nói như sực nhớ: Mình uống rượu nhé. Hạ gật đầu. Hai đứa uống. Ba chén.. năm chén... không biết mấy chén nữa.... Rồi bằng bát, Nhìa giơ bát, đầu cụng vào Hạ. Hạ nhắm mắt ực; ngược lên, cái can trong tay Nhìa như dòng suối.
Hạ lơ mơ thấy mình trên giường, có vật gì rất nặng đè lên, lóa lóe đỏ và đen. Hạ cố nhớ nhưng không tài nào điều khiển được cái đầu. Lại thiêm thiếp, có cái gì lòa xòa vào mắt, rồi trơn trơn ươn ướt trên má, xuống môi. Hạ tự nhiên nhẹ bẫng, thấy mình ở chỗ đám mây có chiếc khăn quàng. Văng vẳng thì thào như xa như gần, có tiếng nói, đang rót xuống... Anh cướp em đi, không ai cướp em thì em cướp anh. Hạ vẫn đang uống rượu, nghe rõ tiếng ực. Ngọt mát chạy suốt sống lưng.
Hạ vụt ngồi dậy, đầu như búa bổ. Nhìa đang ngủ, đôi môi cười, cái váy hoa văn đỏ đen xệch sang một bên đùi.
- Có ai ở nhà không?
- Bảo thầy giáo mai thằng Sùng, thằng Bia đi học rồi?
Hạ láng máng là chạy ra. Chào hỏi, bắt tay, líu ríu. Những bà mẹ, tay nắm đứa to; tay vòng ôm đứa bé nép sau lưng. Những ông bố phóng xe máy băng dốc bay lên trời, vụt xuống mang về cả một ôm Tiếng Việt, Toán, bút, mực, thước kẻ...
* * *
Hôm nay lớp học được mười bốn trò, chỉ còn trống hai bàn cuối. Kết quả của đêm qua.
Hạ cùng với Nhìa. Đi hai đêm, thêm mười đứa; hai đêm nữa không thêm đứa nào. Hạ bảo hiệu trưởng sắp lên kiểm tra, biết làm thế nào. Nhìa bảo nó không đi là không, nói nữa nó tức, đánh đấy. Hạ loanh quanh, vò đầu, bất chợt hỏi: Hồi xưa thầy giáo làm thế nào trò đi đông? Không phải thầy giáo, cô giáo thôi... Nó đẹp lắm. Học trò đến xem, người không trẻ nữa cũng đến xem. Xem xong thì học, nhiều chuyện hay đến hết năm. Đẹp bằng em không? Hơn nhiều, chân không to thế này đâu, dài này, trắng này... Nhìa kéo váy lên. Hạ đỏ mặt, thấy mình đứng giữa, kiểu từ như ở phép so sánh.

Chiều, Hạ đang soạn bài, vừa ngẩng lên thì ngoài đầu dốc có hai người khiêng con lợn. Hạ chạy ra, họ tiến thẳng vào sân, đặt uỵch xuống. Hạ hốt hoảng nhảy lên, cái nanh quả chuối như với theo.
- Bắn được à?
- Không. Mang cho anh Dia.
- Anh Dia bắn được à?
- Không. Nó mua, người Lào bán. Nó bảo mang về cho thầy giáo. Nó còn đi, lâu nữa.
Hạ không hiểu, cho mình cả con lợn rừng này á? Nghe kể, vùng cao quí thầy giáo... Ngày thầy chuyển, cả bản khóc; người mẩu mật gấu, người dúm gạo nếp, người chẳng có gì thì cứ ôm lấy nấc lên. Nhưng đấy là ngày xưa, mộc mạc hồn nhiên. Hạ lại nhìn con lợn, lông như bàn chải sắt, mắt long lên đỏ ngầu. Nó hắt xoáy mặt Hạ, mày là thầy giáo quí hơn tao sao. Hạ rờn rợn nhưng không hết phấn chấn. Hai thanh niên đang rút cái đòn khiêng ra, Hạ định giúp một tay thì một người nói: Thầy giáo vào đun nước, cắt tiết để bọn em. Hạ vào đun bếp, quay ra thì thêm ba người nữa đến.
Tiếng hộc, tiếng éc, tiếng quát, rồi tiếng cười nói chật cả sân. Tối hẳn thì cả bản có mặt. Người mang lá chuối về, người bê rổ thịt rải giật lùi, cái mâm dài mãi ra. Chỉ có hai món, luộc và canh; mùi thịt thơm lựng, mùi mồ hôi khét khét chua chua và ồn ào. Hạ lóng ngóng, đứng chỗ nào cũng vướng.
Hạ quắt bụng, rít miệng không biết bao nhiêu lần. Dễ đến mười giờ đêm thì Dia mới về. Dia vẫn để mũ bảo hiểm, oang oang: Hôm nay tôi có con lợn mời cả bản ăn. Ăn mừng thầy giáo về bản ta, ở nhà tôi. Lắng nghe, những đôi mắt, cả cái mồm đang uống. Hạ thấy mình quan trọng, cảm giác gì như chú rể... tự nhiên Hạ lẩn ra sau. Bắt được rồi, tay Hạ và Nhìa đã trong nhau. Đám người lảng ra, Hạ nhìn Nhìa, khẽ rút tay nhưng chặt quá.
Uống, ăn, nói chuyện. To như hú gọi từ nương này sang nương kia. Hạ ù ù đi chúc, thấy tai bừng lên, tiếng Nhìa: Để em uống hộ cho. Hạ gật đầu nhưng vẫn uống, thời gian ở đây đủ để Hạ biết rằng nếu không muốn thất bại thì cứ thật thà, hết mình. Mười chén, Hạ qua đỉnh, tỉnh. Bao nhiêu gương mặt quen, bao nhiêu gương mặt lạ, những học trò. Cả những đứa không đi học cũng ở đây, chúng ngồi bên bố mẹ. Hạ đến, không bỏ qua một dịp vận động. Hạ nói... hình như là rất hay. Cô Nhìa, ông Vừ, anh Dia yêu thầy giáo rồi thì tôi cho con đi học. Anh Dia cũng bảo rồi, thầy giáo đẹp quá. Hạ nghe rõ câu này, như thế là ổn, hiệu trưởng ơi, mai chú cứ lên kiểm tra đi, đảm bảo chỉ có khen.
Hạ không biết mình uống bao nhiêu nữa, rồi đi ra ngoài lúc nào. Gió lạnh lèm lẹm, người mỏng như chiếc lá. Chiếc lá đang ngồi trên mỏm đá đầu dốc. Tiếng uống rượu vẫn còn, à à âm âm mơ hồ như nghe tiếng chợ quê xa. Dia, khó hiểu? Anh này nắm giữ cả bản hay ít ra cũng là thủ lĩnh tinh thần. Nhìa, như không phải người Mông? Hình như một công chúa nào bị quỉ vương bắt cóc... và ta một hoàng tử nhà   vua sai đến. Kinh quá, Hạ không dám nghĩ tiếp.
Vừa nghĩ đến Nhìa thì Nhìa ra. Ập luôn xuống Hạ khóc. Hơi rượu, mùi con gái, ấm nóng bàn tay. Hạ đưa tay lên mái tóc Nhìa, xuống lưng đang rung lên.
- Anh Dia em tốt quá. Anh và em chưa biết cách nào thì anh đã bảo rồi. Chắc chắn mai bốn đứa kia sẽ đi học nốt. Hạ riết Nhìa vào lòng.
- Chủ nhật này anh chuyển sang lớp học ở đi.
- Sao? Hạ đứng lên. Nhìa ôm chân Hạ, tiếng sụt sịt rung rung bên dưới.
- Em không nói nhưng anh cứ chuyển sang lớp học đi.
- Không nói. Em không nói thì anh về uống rượu nữa cho chết này.
- Đừng. Em nói đây này... Em có con trong bụng rồi.
Hạ đổ xuống. Cái tay gặp bụng Nhìa.

Thứ bảy, Hạ nói với ông Vừ việc sang ở bên lớp học, tiện cho học sinh đến. Ông Vừ bảo cái chái hồi trước cô giáo ở, giường gãy rồi, nhiều mùi rừng về lắm. Hạ nói tiếp, con sẽ lấy cây làm lại giường, trát chỗ vách thủng, đốt lửa mấy đêm là phòng thơm. Ông Vừ vẫn lắc đầu: Không được, mày đi tao ghét mày. Hạ cắn hàm răng, sịt một cái. Nhìa nói hộ: Cho nó sang ở, con sang nấu cơm cho nó. Nó ngồi soạn bài, nghĩ được nhiều, dạy được nhiều. Ông Vừ im lặng, nhìn Nhìa nhìn Hạ như tìm cái gì. Nhìa lại tiếp: Nó bảo hôm nào cán bộ lên nó vẫn về uống rượu. Nó làm con của nhà mình rồi mà. Ông Vừ đứng dậy, đi đi lại lại, nhìn những bao thóc bao ngô; rồi ông bảo: Phải hỏi thằng Dia đã. Không, bố cứ cho đi, bố cho đi. Nhìa có vẻ hốt hoảng.
Hạ và Nhìa đành đợi đến tối Dia sang. Nhưng tối nhà lại có khách, hai thanh niên hình như từ thị trấn lên. Lâu ngày gặp người Kinh, Hạ hỏi han chuyện trò phấn khởi. Nhìa ngồi sau Hạ chốc lại với tay rót nước. Một người hỏi vợ à. Hạ cười bảo chưa, đang ở rể. Biết Hạ là thầy giáo, họ nhờ nói muốn mua ngô thóc. Nhìa đi gọi bố, ông Vừ về giãy nảy: Của thằng Dia để đây, không bán đâu.
Tuần ấy, Dia sang một lần, rồi cả tháng sau không đến. Thỉnh thoảng người bản đến, Nhìa lại trèo lên đống bao, xúc cho mỗi người lưng lu cở.
Lớp học dạo này đủ, mùa nương mà chẳng đứa nào nghỉ. Thỉnh thoảng Nhìa lên xem, Hạ bị cảm giác “giáo viên dự giờ”. Hạ không dám nhìn ra, dính chặt vào cái bảng. Lúc ngẩng lên thì Nhìa đang về, hình như người ngả về sau.
Mùa nương người đi nương nhiều, ăn nhiều, đều đều đến nhà lấy ngô mỗi tối. Một lần Nhìa trèo lên xúc bị ngã, máu chảy xuống chân. Hạ bế lên giường máu vẫn ra. Người người bổ lên rừng mang lá thuốc về, suốt đêm giã giã đắp đắp. Mấy hôm sau Nhìa dậy được bảo Hạ: Con bị ra đường ngã rồi.

Mùa nương xong, mưa xuống thì đống ngô trong nhà còn chín bao. Học sinh bắt đầu nghỉ hè. Hạ xin ông Vừ về thăm nhà. Ông Vừ hỏi có cho con Nhìa về chơi không. Hạ bảo Nhìa còn yếu, đi đường sợ ngã nữa.
Buổi tối chia tay, Dia tự tay mổ hai con lợn bé, lại uống rượu. Lần này Hạ nói trước: Cảm ơn dân bản cho con đi học đều. Cháu về nhà thăm bố mẹ, tháng 9 lại lên.
Đêm ấy, Hạ uống mãi mà không say. Hạ cầm chén đi hết vòng thứ ba, sang vòng thứ tư... Hạ nâng chén lên, tay bị giật giật, đôi mắt Nhìa như van xin. Phải rồi, Hạ muốn uống để quên. Mai về, có thể là sẽ không lên bản nữa, Hạ sẽ xuống gặp Tình giáo viên thể dục, cần thiết sẽ ra huyện trực tiếp trưởng phòng.
Dân bản đã say hết, người nằm, người đổ lên nhau, rải đều ba gian nhà, ông Vừ, Dia ở hai đầu mâm. Và, Nhìa chợt nhô lên. Hạ đang bước chân ra cửa thì nhìn thấy.
Hạ ra mỏm đá, Nhìa nhẹ đến, ngồi sát. Không ai nói gì cả. Mưa lắt phắt, tiếng nai tác xa xa...
Ngày mai thế là cũng đến rồi. Hạ đi như chạy, chợt loang loáng câu thơ hồi học cấp III “Người ra đi đầu không nghoảnh lại”. Gió vù vù, Hạ biết là tự mình làm ra.
* * *
Nhìa ôm bụng khóc suốt ba tháng hè. Càng khóc bụng càng bé đi. Ông Vừ chỉ nhìn. Dia mím môi, gật gật đầu nói: Khóc làm gì! Đúng mồng 3 tháng 9 thì nó lên.

* * *
Tối mồng 3 tháng 9, Hạ lên thật.
19 tháng 11 năm đó, Hạ Nhìa làm đám cưới. Ngoài cả bản, có đủ hiệu trưởng, hiệu phó và ba mươi giáo viên Hừa Tang lên dự. Rượu say, lúc về mỗi người vẫn mang được nửa bao nếp nương. Nhìa ra tiễn đến đầu dốc. Hạ đến tận đỉnh bên kia. Chú ở lại cố gắng nhé, Hiệu trưởng nói. Hạ rơm rớm nước mắt: Sau này con em cho xuống trung tâm học, lúc ấy chả biết anh còn hay nghỉ hưu. Hạ vù chạy, nước mắt rơi từ đấy đến chỗ Nhìa.

* * *
Cháy rồi. Đám lửa xoáy một khối tròn tròn. Bùng lên, lách tách những hoa văn đen đỏ. Nhìa xuống đi, nhảy ra đây! Lửa vẫn bùng bùng, như Nhìa làm bằng xăng. Hạ lao vào, gào thét, giằng giật.

Hạ mơ suốt. Chín tháng mười ngày sau thì hết.
Khi cái Nhài 6 tuổi, những trưa gió Lào, Hạ hay kể... Nhài hỏi: Sao bây giờ bố không mơ nữa. Hạ bảo: Bây giờ toàn rừng của bố mẹ, mọi người trồng, cháy không có tiền mà đền đâu. Thì con đi trồng trả, thì bác Dia cho. Bác Dia làm chủ tịch xã rồi, không cho anh em được đâu. Nhìa đứng nghe hai bố con nói, nước mắt đến gò má thì quay đi.
                                                              D. A


* Tiếng Mông: Không biết.











Read More..