Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Hua Nậm ở thị trấn

    

 Truyện này, Du An vào vòng chung khảo cuộc Vận động sáng tác cho thiếu nhi 2012 - 2013, Hội Nhà văn Đan Mạch - NXB Kim Đồng tổ chức.


Hua Nậm ở thị trấn


Bản Hua Nậm có ba đứa trọ học cấp II dưới thị trấn. Gọi là thị trấn nhưng Mường Đánh chả hơn bản được mấy. Cũng nhà sàn, nhà đất, người đi ruộng, đi nương; nuôi trâu, bò, lợn, gà. Có khác chăng… một đoạn đường nhựa 2km, một cái chợ, một cửa hàng to của thương nghiệp huyện, và hơn chục cái quán tạp hóa.
Dân số thị trấn chẳng biết bao nhiêu người. Buổi sáng đông nhất chỗ cổng trường, cổng chợ. Buổi trưa vắng hoe. Buổi tối mênh mông. Những bụi tre, bờ rào dâm bụt trùm kín các ngõ.

Ba đứa Hua Nậm ở chung, hẳn một ngôi nhà, giá tiền là… 150.000 đồng/tháng. Về nói chuyện, người bản bảo đắt thế, thế mà người thị trấn bảo rẻ như bèo.
Ngôi nhà ấy là của ông Phóng. Ông Phóng trước kia chuyên thồ hàng lên vùng cao bán. Ông ở Hua Nậm lâu nhất, chỉ ngủ nhà ông Súa. Ông Phóng ngủ nghỉ, ăn cơm uống rượu thì chuyến nào cũng cho ông Súa đôi pin, nhúm cá khô… Khi ông Phóng về, ông Súa lại cho miếng thịt hoẵng, con dao… Đôi bên thân nhau mười mấy năm trời.
Rồi ở đâu cũng đi lên, buôn bán nhỏ lẻ không làm gì được nữa, vả lại ông Phóng đã già nên hết đi vùng cao. Hết đi nhưng lâu lâu ông Phóng vẫn gặp ông Súa, hoặc vợ con, người bản xuống chợ. Có một lần ông Súa đưa cả nhà vào ăn cơm uống rượu nhà ông Phóng, tận quá trưa mới chào nhau về. Lần ấy, cách đây cũng đã năm mùa nương rồi. Sau đó ông Súa cứ ngại, cứ nghĩ lung tung thế là chả đến; khi có di động rồi cũng chẳng có số của nhau.
Tận đến khi thằng Nếnh lên lớp 6.
Hôm đấy, thằng Nếnh bảo học dưới thị trấn, phải ở lại, ở nhà người ta giả tiền. Ông Súa đi hỏi luôn mấy nhà có con học lớp 9 xong rồi. Họ bảo đúng, đi về xa quá, mới lại học bây giờ cao không thể buổi đực buổi cái được. Ông Súa hỏi thật kĩ về ở trọ: “Tiền cho nhiều không?”. “Có bị người dưới đấy đánh không?”... Họ xua tay: “Nhà không ai hút thuốc phiện, một phần bé cái nương là thoải mái sách bút. Dưới đấy họ quí người đi học lắm”. “Thế thì nhà tôi không sợ, thu nương có một trăm bao thóc, sáu chục bao ngô; chả ai lấy thuốc phiện”; ông Súa vui, nhanh chân về nhà.
Về đến nhà mới nghĩ ra… cho thằng Nếnh ở trọ nhà ai. Dưới thị trấn nhiều người giàu nhưng ai làm nhiều nhà đợi sẵn người thuê trọ. Ông nói chuyện với bà, bà bảo, không biết nhiều đâu. Thằng Nếnh nghe thấy, đang ở sau nhà chạy vào, nói, bố xuống hỏi ông Phóng thì được thôi.
Tối đấy, ông Súa đi bảo hai nhà cùng con lên lớp 6. Họ bảo thích chung nhau ở, chung nhau ăn, bảo nhau học. Nếnh theo chân bố nhưng không vào nhà nào. Nó cho mồm tiếng con tắc kè, gọi thằng Mua, thằng Sình ra rừng đào nói chuyện. Đứa nào cũng sướng, hỏi đi hỏi lại, sáng mai đi thật không?
Sớm hôm sau, từ lúc đỉnh dốc chẳng nhìn thấy gì, ông Súa đã dẫn ba đứa xuống núi. Mỗi đứa một lu cở; bên trong có gạo, tí thịt khô, quần áo; bên ngoài buộc một bó củi bé. Ông Súa cũng lu cở nhưng toàn ngô nếp. Bà Súa dặn, xuống chợ bán đi một nửa mua vở, bút mực, thức ăn cho Nếnh; một nửa thăm nhau, cho nhà ông Phóng.
Đoàn đến thị trấn thì mặt trời đã trên con mắt. Ba đứa vừa nói như chim hót bỗng so lại sau lưng ông Súa. Mấy người đang ngồi gốc mít, nhìn thấy, bỗng ào ra. Tay thật nhiều, kéo lôi các lu cở. Các lu cở xoay trái, xoay phải, đằng trước, đằng sau vẫn không yên. Nhìn ba thằng mặt mũi cứ tái tái đi, ông Súa phải quát lên: “Chúng nó đi học, không bán cái gì”. Quát thế nhưng ông Súa lại cởi lu cở mình đặt xuống. Một cô có khuôn mặt bầu bầu, trắng trẻo nói nhẹ: “Bác bán đi, cháu mua cho, giá ở đây bây giờ là năm mươi”. Ông Súa đổ ngô vào bao, chốc lại hỏi, một nửa chưa? Cô kia nói: “Bác bán tất đi cho nhẹ”. “Còn cho người bạn, trả một triệu cũng không bán”.
Ông Súa cầm tiền, đếm hai lần xong, giục ba đứa đi ngay. Ba đứa tự nhiên xếp thành một hàng dọc theo. Đến cái ngõ um tùm bụi tre như đường rừng, Nếnh hỏi: “Thế không ăn phở chợ hả bố?”. “Vào nhà ông Phóng cho ngô đã. Ở ngoài này người ta cướp mua”.

Ông Phóng thấy gọi tên mình thì chạy ra ngay, dẫn cả đoàn vào nhà.
Bữa cơm thật nhanh. Có gà, có cá, có rau và rượu. Ông Phóng rót rượu tất cả bảy chén (nhà ông ba người, bản Hua Nậm bốn người). Nếnh, Mua, Sình nâng lên uống một tí thì ông Phóng cười nói: “Cho các cháu hôm nay thành người lớn”.
          Cạn chén rượu thì ông Súa nói chuyện con, thằng Mua, thằng Sình xuống học lớp 6. Ông Phóng khen, nghĩ dài như thế là tốt. Bố Nếnh ngập ngừng rồi hỏi  chỗ ở cho ba thằng. Ông Phóng cười: “Xuống đây rồi còn lo gì”. Bố Nếnh dồn luôn: “Thế chúng nó ở chỗ nào, cho đi xem luôn”.
          Bữa cơm nhanh thôi vì bố Nếnh mấy lần nói lại, cho đi xem chỗ ở.

          Đó là ngôi nhà ba gian, gỗ vuông, lợp ngói, vách đất. Ông Phóng mở cửa, mùi ẩm mốc sộc lên. Nếnh, Mua, Sình ngơ ngác nhìn vách thủng mấy chỗ. Bố Nếnh nhìn lên mái, có chỗ thấy mặt trời. Ông Phóng bảo, nhà này tôi mua ba năm rồi, định cho thằng cả nhưng nó công tác Mường Nhé, lấy vợ luôn trong đó không về. Mấy đứa cứ thoải mái ở đây. Nước có giếng, đất mênh mông… trồng rau nuôi gà đều được. Bố Nếnh nhìn nhà, ra vườn nhìn… gật gật đầu. Ông Phóng hỏi: “Ưng bụng chưa. Cho các cháu ở luôn hay hôm nào khai giảng?”. Bố Nếnh bảo; còn mấy hôm nữa, ở luôn thôi, cho làm quen thị trấn.
Hơn trưa một tí thì bố về. Ba đứa, cả nhà ông Phóng tiễn ra đến ngã ba. Bố Nếnh xoa đầu ba đứa, rồi nói với ông Phóng: “Tôi gửi ba đứa cho cả nhà ông. Nó nghịch ngợm, lười học thì chửi hộ tôi”. Nếnh rơm rớm nước mắt nhưng vẫn nói: “Bố chả phải lo, bọn con đi rừng đánh nhau với rắn còn chả sợ nữa là…”. Tất cả tay nắm tay nhau, mặt ai cũng buồn buồn, làm như đi ra trận không bằng. Bố Nếnh nhìn kĩ mọi người rồi hỏi như sực nhớ… Thế cho các cháu ở thì tôi cho tiền bao nhiêu? Ông Phóng chưa nói thì bà vợ đã nói, mỗi đứa cho 50 nghìn một tháng, những nhà khác còn một trăm đấy.

Buổi tối đầu tiên ba thằng đều nhìn cái bóng điện. Cái bóng điện cũng nhìn ba thằng - Vải áo láng đen ánh lên, tóc hoe hoe vàng cũng ánh đẹp. Nếnh giở hết mọi thứ trong lu cở, bày ra giường. Túi gạo, gói thịt khô, hai bộ quần áo, quyển vở… cả con dao bao gỗ. Mua nhìn Nếnh làm cũng làm theo nhưng chỉ có mỗi túm gạo thì hết. Sùng giống như Mua nhưng có thêm ba tờ tiền hai mươi nghìn, một tờ mười nghìn.
- Ở đây chắc sướng hơn ở bản. Sùng vừa nói vừa cho cho tiền vào cạp quần vuốt vuốt.
- Chán lắm. Đi từ nhà ra vườn, thẳng lưng mệt quá. Mua đấm lưng như ông nội.
- Tao thấy xung quanh nhiều bụi cây thế mà chẳng phải rừng. Nếnh chỉ tay ra ngoài.
Bên ngoài im lìm, bóng điện không ra được bóng tối. Thỉnh thoảng lại có tiếng rắc rắc, u u kì lạ. Ba đứa đang ngồi im. Ở bản giờ này chắc đang nhộn nhịp; người cho ngựa ăn, lợn ăn, người lấy nước, người nấu cơm. Lớn bé đều vội, đi làm tối từ lúc trên nương; về đến nhà bao nhiêu là việc, ăn xong thì khuya, đi ngủ.
- Mình ăn cơm chưa nhỉ? Chợt thằng Sùng hỏi to.
- Chưa. Nấu từ lúc còn ngày mà.
Lời nói cơm làm tất cả bụng sôi lên. Dọn nhanh, chưa xong đã bắt đầu ăn. Ngon hơn ở bản. Một loáng thì uống hết canh, nạy cơm cháy. Đang thu dọn thì có một cái đầu bù xù bước vào.
- Chúng mày ở đây à?
Người đấy chỉ nói thế rồi tự ngồi, châm thuốc hút. Ba thằng nhìn nhau, chả biết nói gì. Người kia đứng lên, lại gần, cúi xuống hỏi:
- Có mỡ cho tao xin mấy thìa.
- Bọn em mới ở… vẫn chưa mua.
- Chán chết.
Người kia bĩu môi rồi đi lục lọi. Rồi xé miếng thịt khô ăn, trông mồm như đói hàng trăm năm.
- Nhà anh gần đây à? Nếnh đánh bạo hỏi.
- Ừ. Tối nay anh ngủ đây đấy.  
- Không được đâu, ông Phóng chỉ cho ba người đi học ở.
- Ông Phóng tít ngoài đội 3 biết gì. Mọi tối anh toàn ngủ đây.  
Anh lạ nói và lên giường. Một lúc đã thấy khò khò.
Ba đứa ngồi không nói một tiếng. Thỉnh thoảng thằng Mua lại gật gật đầu. Nếnh bảo, thằng Mua, thằng Sình lên giường kia ngủ. Còn tao thức canh gác. Thằng Mua nói mạnh cũng thức nhưng được một lúc thì lảo đảo ra giường. Thằng Sình, ngáp mấy cái rồi cũng theo.
Còn mình Nếnh ngồi. Đàn muỗi dồn hết lại nó. Ngứa, đau, bứt rứt, đầu ong ong… Sao anh kia lại đến đây ngủ nhỉ, không có vợ con gia đình à? Đúng là người xấu rồi. Bọn ăn xin ăn mày thì ngủ ngoài vỉa hè, gốc cây cơ. Ông Phóng có biết anh này không nhỉ? Đi báo cho ông thì sợ lắm. Đêm hôm, đường lạ có khi người ta tưởng thằng trộm…
Nghĩ lung tung làm tất cả nặng trĩu. Đầu Nếnh tự nhiên rơi xuống bàn. Lại tỉnh. Cố ngồi, véo má, đập chân xuống đất… được một lúc thì như chẳng biết làm sao… Nếnh lại, ngả người xuống bên cạnh anh lạ.
Mùi gì khác người. Chua chua, khẳn khẳn, ngai ngái… trộn vào nhau. Hơi anh ta như cả từ cái lưng, quần áo, da thịt cứ nhằm một hướng… mũi Nếnh. Vừa nãy ngủ gật giờ lại tỉnh. Nếnh nghĩ linh tinh cho bớt khó chịu… Hua Nậm có 17 nhà, 12 nhà đủ ăn, 5 nhà đói… Nhà Dếnh, nhà Dế, nhà Ông, nhà Hờ, nhà Vàng. Nhà Hờ, nhà Vàng thì cả bản không muốn thương. Nó nghiện tất cả người già người trẻ. Hồi xưa, được có nương thuốc hút nhiều. Bây giờ nhà nước bảo phá chúng vẫn hút, có đứa đã hít bột trắng. Nếnh lên một lớp thì bản cũng lên một đổi mới. Nhà lợp bro xi măng, xe máy, tivi, đường mở to, ngô giống mới… Trẻ con lớn đến đâu đi học đến đấy. Nhưng người nghiện vẫn còn hai. Hai ông hơn tám mươi tuổi, huyện cho cán bộ về tận bản đưa đi cai. Ba lần không được, đành thôi. Người nghiện gầy xấu như cành củi đốt nương. Ai nhìn thấy nó cũng lo bị trộm cắp. Nhưng hai ông nghiện Hua Nậm, người già nhất cũng bảo, nó chưa lấy của bản cái gì.
Nghĩ mãi, đầu mệt không tiếp tục được, Nếnh thiếp đi lúc nào không biết.
- Anh lạ hôm qua đâu rồi?
Tiếng thằng Mua làm Nếnh ngồi dậy, ngơ ngác một lúc:
- Ừ. Mình nằm cùng… tận lúc nghe tiếng gà gáy cơ mà...
Không ai bảo ai, ba đứa lập tức kiểm tra đồ đạc. Xoong nồi, gạo còn nguyên. Tiền trong cạp quần thằng Sùng cũng còn nguyên. Nếnh tìm gói thịt mãi không thấy. Thôi thế là nó đi rồi…
Nắng lên một lúc thì ông Phóng đến. Ba đứa tranh nhau kể chuyện đêm qua. Ông Phóng gật gù bảo, thằng Hùng nghiện đấy, nó như con ma lúc ẩn lúc hiện. Nhớ là phải cảnh giác, đồ đạc cẩn thận, đi đâu khóa cửa.
Còn ba ngày nữa mới khai giảng, buổi sáng đến trường lao động. Buổi chiều tất cả cũng lao động ở nhà. Phát cỏ, kê gạch làm đường ra giếng, quét tước từ nhà ra vườn. Nếnh biết việc, chỉ cho Mua, Sùng làm từng chỗ. Hai thằng bảo, Nếnh làm nhà trưởng thôi. Nếnh cười, lớp trưởng học giỏi mới quan trọng; còn ở nhà phải biết nấu ăn, bảo ban nhau… bố mình dặn thế.
Thấm thoắt đã được bốn buổi học, cộng ba ngày xuống trước là tám đêm ngủ thị trấn. Nếnh phân công từng buổi rõ ràng, ai nấu cơm, ai rửa bát; buổi đi rừng thì tất cả đi nhưng phải đủ bó củi, còn lấy gì thêm được thì cứ lấy.

Tối nay không hiểu làm sao cơm bị thừa. Bữa chiều có  tóp mỡ ngon thế mà thằng Mua ăn như con gà nghẹn. Thằng Sình động viên, ăn đi không ốm ra đây là gay. Thằng Mua lắc đầu, tự nhiên nước mắt vòng quanh. Nếnh hỏi, thấy trong người làm sao. Mua sụt sịt, tao muốn về nhà. Nếnh định bảo, phải không được nhớ nhà còn học nhiều ngày… nhưng  tự nhiên có cái gì ứ ứ lên trong cổ. Chả nói được nữa, Nếnh cúi xuống bát cơm vừa lúc nước mắt ra. Còn Sình nhìn hai đứa ngồi không một lúc. Lẽ ra nó phải nói mạnh; trẻ con lớp 1, lớp 2 gì nữa mà nhớ nhung yếu đuối thì lại buông ra một câu - Thôi… để khuya rang cơm ăn, hôm nay mỡ nhiều lắm. Nếnh tức quá nhưng chẳng nói kịp. Mua, Sình đã đứng dậy rồi. Không thể thu lu ngồi ăn tham, nó thu dọn bát đũa.
Khuya, thì Nếnh đói trước. Hai thằng kia học một lúc, chẳng biết đầu được gì chưa, đã kềnh ra giường, tiếng thở nhè nhẹ. Lửa nổi lên, mỡ vào nồi đang xèo xèo thì…
- Nấu gì mà thơm thế?
Nếnh quay lại, thấy cái mặt choắt, cái mũi hít hít như con chó.
- Anh Hùng à. Không cho anh ngủ đây đâu. Anh về nhà anh mà ngủ.
- Tao làm gì có nhà mà về… Mà sao mày biết tên tao?
- Anh thì… Mường Đanh này ai chả biết. Anh về đi, bọn em người Mông đi học không có gì đâu.
- Mày đuổi tao ấy à. Tao cứ ở đây đấy… nào làm gì đi…
Nếnh bị bế bổng lên, ật ưỡng trên cái tay lẳng nhẳng.
Bỏ ra! Bỏ ra! Nếnh giãy giụa la hét. Mua, Sình lúc này cũng thức dậy.
Đôi bên nói đi nói lại một hồi thì kết quả… Nếnh phải cho anh một chén mỡ. Hỏi để làm gì, anh xua tay ra ngoài. Chẳng biết sợ hay ma xui quỉ khiến mà thằng Mua lập cập ra cửa. Cửa đóng rồi lại mở ra, đóng lại.
Anh Hùng lục túi quần, lấy ra một gói, vê vê bấc, rồi đổ mỡ, rồi châm lửa, rút ra cái ống… rồi từ từ hạ người, cong như con tôm nằm xuống.
- Trời ơi! Hút thuốc phiện… Không được… Không được ở đây.  
Nếnh kêu gào, Mua xông vào kéo chân, Sình thổi phù ngọn đèn mỡ. Làm sao, ngọn đèn vẫn không tắt. Anh Hùng mặt mũi vẫn như không, hai má đang tóp lại. Tiếng ro ro vang vang.
Bên hò hét lôi kéo, bên hút; chả đến được nhau. Một lúc sau, anh Hùng ngửa mặt ra, giang tay, giọng khoan khoái:
- Đã… quá... Cảm ơn các chú bé.
Ba thằng nhìn vị khách không mời, nhìn nhau…
- Phải đi báo công an.
- Nhưng không biết công an ở đâu…
- Phải vào bảo ông Phóng.
- Tối lắm, chưa đi đêm thị trấn bao giờ… sợ lắm.
Ba thằng nói với nhau, trong đêm nghe rõ mồn một. Chỉ một người nằm trên giường không nghe thấy gì. Mặt hắn như chết.
Lại một đêm khổ. Lần này, thằng Mua, thằng Sình hạ quyết tâm thức. Sình không nói gì, lặng lẽ cầm quyển sách, ngồi xuống cái ghế con.
Đêm ấy, chả hiểu ba thằng thức canh tên nghiện như thế nào mà sáng ra khách đã đi như chưa hề đến. Lại kiểm tra đồ đạc… quần áo còn nguyên, xoong nồi đủ bốn cái. Mãi đến trưa, lúc xào rau, Sình hỏi to: “Mỡ đi đâu hết rồi?”. Cả ba xúm lại. Cái nồi mỡ… như có hai chục con mèo ăn vụng. Đáy nồi, chỉ còn láng láng; nghiêng đi, xúc chỉ được đầu thìa.
Thủ phạm biết luôn. Ba thằng nói nhau chuyện canh gác mà ngủ. Thằng Sình lè lưỡi:
- Ở đây kinh khủng lắm. Phải chuyển chỗ khác thôi.
- Chỗ khác đắt. Không có tiền. Thằng Mua ra vẻ hiểu biết
- Thôi… chủ nhật này về bản tao bảo bố. Nếnh quyết định.
Trưa thứ bảy, ba thằng khóa cửa, buộc thêm ba ngọn tre vào cửa chính, cửa sổ nữa rồi về. Lúc mờ mờ tối thì đến Hua Nậm.
Hua Nậm vẫn con dốc, rừng đào… mà nghe tiếng lợn gà ing ing cứ nao nao.
Nếnh vào nhà, mẹ ôm chầm, bố lấy đèn pin soi mặt. Mẹ sờ sờ, bố soi ngón tay mẹ.
- Sao vẫn gầy chả béo.
- Nó còn phải học. Cấp hai không như cấp một mấy chữ a, b, c đâu.
Nếnh thấy bố nói sai nhưng im lặng. Trong bàn tay mẹ, ánh đèn bố, nó chả thấy sợ gì nữa.
Cơm tối xong thì bố hỏi chuyện học hành, ăn ở dưới Mường Đanh. Có thiếu cơm không? Học có khó không? Bọn trẻ con dưới đấy có bắt nạt không? … Nếnh trả lời… Ăn có bữa thừa cơm. Học mới một ít, nhưng cũng khó. Bọn đi học dưới đấy và mình chơi với nhau bình thường. Bố bảo, thế thì tốt, dạo này bận nương lúa quá, xong lúc nào, bố sẽ xuống xem con.
Nếnh định nói chuyện vì sao về… nhưng nghĩ cái nương sẽ bỏ dở lại thôi.
Một lúc thì thằng Mua, thằng Sình đến. Bố lại hỏi, chuyện như vừa nãy hỏi Nếnh. Thằng Mua kêu chán; thằng Sình nói, muốn bỏ học thôi.
- Người lớn làm nương cho người bé đi học. Con chán học, bố mẹ cũng chán nương thì chết đói à?
- … Cả sợ nữa.
- Sợ cái gì. Thằng Nếnh vừa bảo trẻ con dưới đấy có bắt nạt đâu.
- … Không phải trẻ con. Người thanh niên đến… ăn trộm mỡ.
Bố hỏi mấy câu nữa thì rõ chuyện. Bố nói ba đứa cứ yên tâm mà nét mặt cũng căng căng lên.

Chiều chủ nhật thì lại một đoàn xuống. Bố đi rất nhanh, ba đứa luôn chạy gằn đằng sau. Bố bảo sẽ ở cùng mấy đêm xem thế nào. Mấy thằng nghĩ lại, dại quá, nói làm gì chuyện ấy ra… lấy bố ra khỏi nương, khổ quá. Với Hùng nghiện, ba thằng thừa khả năng. Dao có, gạch đá đầy… trước sợ thì một tí nhưng bây giờ hết rồi.
Chiều, nắng vẫn còn gắt, đoàn đã đến nhà trọ. Ngọn tre dỡ ra, khóa mở… Bố ào vào, nhìn ngó, nói một mình: “Cửa tốt. Vách tốt. Mái nhà tốt… Không sợ trộm, không sợ mưa”.
Tối, ăn cơm xong, bốn người đang ngồi trên giường uống nước thì anh Hùng đến.
- Chào các chú em. Mới xuống à? Có quà gì cho anh đi.
Anh Hùng tiến vào, chợt thấy bố liền ngọt giọng:
- Bố xuống thăm con à. Quan tâm quá…
Bố nhìn anh Hùng, nhìn ba đứa, ba đứa gật gật đầu, ý bảo đấy đấy, cái anh đấy đấy.
- Hôm kia sao anh ăn cắp nồi mỡ của bọn em.
- Làm gì… chắc chuột tha đi đâu lại đổ cho anh.
- Không bắt được quả tang nhưng từ nay cấm anh ngủ ở đây.
- Tao không đến thì đầy thằng khác đến. Chúng mày trông suốt được không?
- Chúng tao không cần trông nữa. Mày có giỏi… ăn những thứ này không?
Nếnh rút con dao, Mua cầm hòn gạch, Sình rút vội cái com-pa… giơ lên, tiến lên.
- Ghê nhỉ! Hôm nay có ông già, ra oai hả. Nào xem các chú em làm gì nào.
Hùng sán lại, gạt tay, ba đứa lùi lùi.
- Không phải dọa đâu, thật đấy.
Bố nói và nhảy ra trước mặt Hùng. Mắt ngầu đỏ, mấy sợi tóc xõa xuống mặt vèo cái hất lên, trông bố như một con hổ.
Hùng lùi lại, nhưng vẫn nói cứng: “Nào xem võ người Mông có đánh được người nghiện không?”. “Mày xấu lắm. Bắt nạt trẻ con, không chịu làm gì…”. Bố nói chưa hết thì Hùng nghiện đã sóng xoài ra đất.
Ba thằng xông đến định đánh tiếp thì bố giơ tay:
- Thôi thôi để bố.
Bố lôi tên Hùng đứng dậy, rồi bắt quì xuống xin lỗi và hứa từ nay không được bén mảng tới nhà này nữa.
Hùng lạy liên hồi như bổ củi. Bố bảo cút ngay, lần này cảnh cáo, lần sau cho làm ma đấy.
Hùng lảo đảo đứng dậy ra cửa, ba đứa xùy xùy tay theo như đuổi quỉ.
- Từ nay chắc nó kệch đến già. Mua giọng phấn chấn.
- Cho một triệu bao ngô cũng chả dám nữa đâu. Sình bĩu môi, gật gật đầu.
Hai đứa nhìn bố như chia sẻ chiến công của anh hùng. Nhưng bố lại lắc đầu:
- Chưa mừng hết đâu. Nó nghiện nó lại tìm đến… chừng nào nó hết nghiện mới thôi.
- Thế thì làm sao… bố về nó lại đến?
- … Để bố nghĩ cách.

Sáng hôm sau, ba đứa thức dậy thì không thấy bố đâu.
Trưa, bố mới về. Có ông Phóng, một chú công an và cả cô Loan chủ nhiệm cùng về. Đầu tiên bố đưa cho Nếnh cái di động:
- Đây cái này để nói nhanh không cần chạy đến nơi.
Nếnh cầm điện thoại chưa kịp ngắm nghía thì ông Phóng, chú công an, cô Loan đọc số. Nếnh lưu tên từng người; từng người lại bảo Nếnh nháy máy lại.
Chú công an nói Mường Đanh này còn hơn hai mươi người nghiện. Chúng hay trộm cắp vặt, cũng liều lĩnh khi đến nước cùng. Thực chất nó sợ mình, có điều mình đừng sơ hở.
Ông Phóng cười, ba mươi năm tôi sống ở đây vẫn ruộng nương lợn gà khá giả… Không sao hết.
Cô Loan bảo, lớp mình cũng có ba bạn bố nghiện đang đi cai. Hoàn cảnh tội lắm.
- Mọi người nói thì yên tâm rồi. Nhưng không nói thằng Hùng đến ăn trộm mỡ, dọa ba đứa Hua Nậm à? Bố nói to, kéo mọi người về, quan tâm tới con cháu mình.
Thế là ông Phóng, chú công an, cô Loan lại nói. Nếnh, Mua, Sình nghe thấy ba người chung nhau một câu - Phải dũng cảm, bình tĩnh.
* * *
Mấy hôm sau, tên Hùng không đến.
Rồi một đêm, tên Hùng lại đến. Nếnh nói thẳng, Mua đứng sát, Sình mím môi. Tên Hùng vẫn coi khinh trẻ con. Thì a lô… Nó vẫn cười khẩy. Chú công an đến, ông Phóng đến, cô Loan đến. Nó chạy như ma gặp mặt trời…
Hết năm học, Nếnh được học sinh tiên tiến. Mua, Sình lên lớp thẳng.
Sang năm lớp 7; 10 xã, thị trấn, nhà nước cùng nhau góp sức xây nhà bán trú. Bọn Nếnh, Mua, Sình và bốn mươi đứa vùng cao được đón về ở. Nhà bán trú trong trường, có riêng một cô giáo phụ trách; bảo vệ suốt ngày đêm, thoải mái học chơi, chả sợ cái gì. Nếnh được bầu làm nhà trưởng vì… 43 đứa cùng lớp, lớp trên, lớp dưới đều nói giống nhau - Nó học giỏi, bình tĩnh như người lớn, lúc sợ nhất thì dũng cảm, biết bảo mọi người cùng theo.   






Read More..

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Chuyện của Mận (Văn nghệ trẻ số 41, ngày 13/10/2013)


Truyện ngắn mới của Du An 

Minh họa: Lê Huy Quang


Mận mở to mắt, như xem phim vườn chuối. Sướng thật, hai mươi mốt buồng, cứ dài bằng đòn gánh. Chỉ nhõn hai buồng đầu cổng bị bé tẹo, thôi kệ… để ăn canh dần. Nếu bán tất, bố mẹ lại bảo con này kiết. Mận đang huýt sáo như đàn ông thì thằng Quài chạy ra ôm chân, ngửa mặt lên. Mận ngồi xuống hỏi:
- Đố con nhà mình có bao nhiêu buồng chuối?
- Một trăm.
- Mỗi buồng bán mười lăm nghìn thì nhà mình được bao nhiêu tiền?
- Một triệu.
Mận cười sung sướng. Quài đã biết đến một trăm, một triệu. Hơn Mận rồi. Hồi bằng tuổi Quài, Mận đếm đến mười là tịt. Mận theo anh chị đi bắt cua, bị con kềnh cắp đau khóc gọi mẹ. Anh Bản cho hai nghìn, chị Thiện cho một nghìn nữa bảo…đền cái ngón tay. Mận cầm hai tờ tiền để trên chốc đống củi. Hai hôm sau anh Bản mua thuốc lào, hỏi tiền đâu, anh vay. Mận mở to mắt, lắc đầu chẳng nhớ gì sất.
Anh Bản, chị Thiện lấy vợ lấy chồng đẻ con tống cho Mận trông. Mỗi sáng chỉ gửi một nắm cơm dài dài bé bé và bảo: Cô Mận nhá cơm cho cháu nhé! Dì Mận nhá nhớ đừng hít, nó ăn khỏe đấy!
Mận hai mươi tuổi vẫn hay ngồi dưới đất, người lại lắm mồ hôi. Mận bắt mũi cho cháu, quệt má mình… cô cháu cùng lem nhem. Ruồi, bọ bang tưởng thức ăn, đến. Mận chửi: Tiên nhân bố mày… rồi đánh đét một cái vào má thằng cháu. Cháu khóc, Mận phải bế lên. Nó hục hục vào vú Mận. Mận cười ngặt nghẽo: Không có sữa! Nó chả hiểu, tay lùng sục qua lần áo phông tầu mỏng. Đây, ai lừa làm gì. Mận tốc áo lên. Thằng bé mắt sáng, rướn cổ, chụp môi luôn vào đầu ti hồng tươi. Buồn buồn nhột nhột, hay hay. Mận nằm luôn xuống đất. Đứa kia thấy giống giống của mẹ cũng lổm ngổm đến, leo lên. Mỗi đứa một vú, chùn chụt. Rồi ngả người ra khóc. Mận chả bế, ngồi lên, ngặt nghẽo: Đã đẻ đâu mà có sữa!
Tối, Mận kể chuyện ấy. Anh Bản bảo: Cô lấy chồng đi. Chị Thiện nheo mắt vào ngực Mận nói: Tướng dì là nhiều sữa lắm đấy.
Anh Bản, chị Thiện; rồi anh Tính, anh Toàn lần lượt lấy vợ. Mảnh vườn hơn sào thêm hai nhà nữa. Vườn rau của mẹ còn mỗi hai luống. Đằng đông, đằng tây nắng bị mái cọ chặn; rau muống, rau ngót lả lướt, chen nhau như tìm cái gì. Năm rồi, mẹ chả làm tương nữa. Xôi ba cân gạo nếp, ủ xong cho ra cái vại đứng vườn. Bẵng đi hơn tháng, mẹ đi hôi được mấy con tép về định bữa kho, ra mở bồ hụp thì giời ơi… như ai ăn cắp. Hỏi anh Tính, anh Toàn, bảo chưa ngẫu định ăn sống à. Hai anh cười hì hì … Đếch có cái gì ăn lấy tí tương cho trơn mồm.
Mận đã có sáu đứa cháu gọi cô, hai đứa gọi dì. Ông bà, bố mẹ chúng; rồi cả xóm quen gọi cô Mận. Ở xóm, Mận phải chơi với bọn kém mình bốn, năm tuổi. Buổi tối Mận hay sang nhà cái Lụa. Lụa sang kì II lớp 9 mới bỏ học, nó hay bảo: “Tao hơn mày hai lớp. Nhà Lụa có bốn chị em gái, toàn kiểu ba năm đôi. Rinh rích rinh rích cười đùa. Trai tít cuối làng, làng trên lấy nhà Lụa làm trụ sở. Tối, thường thường Lụa rang một mẻ thóc nếp, rải lá chuối ngồi ngoài sân. Trai gái đứa nằm đứa ngồi cắn chắt phì phì, thỉnh thoảng có đứa vuỗi má vì bị nhổ trúng. Chửi, cười, ré lên như bị ma làm. Nhân dịp ấy, có sờ soạng nhưng không ai nói.
Ba cái hè, thu, đông qua thì bốn chị em nhà Lụa lấy chồng hết. Mẹ Lụa lần nào đi mời đám cưới cũng bảo khổ nhưng mặt mũi thì nở như hoa cháo.
Mận hết chỗ chơi. Hồi nhà cái Lụa có anh Tỉ cứ ngồi sát bên Mận. Lúc đùa nhau đạp chân đổ cái đèn, anh bị ngã đè lên Mận. Môi chỉ trượt qua nhau mà Mận cứ sợ có chửa. Hôm sau, Mận ngồi xê ra, anh Tỉ như con gà trống kể chuyện tiếu lâm. Bọn nó cười, Mận cười, thế là anh đan tay vào tay Mận. Nóng chạy lên đầu, vào tim, đập thuỳnh thuỳnh. Rồi tay anh đi trên đùi Mận.
- Bắt quả tang nhớ. Yêu nhau rồi.
Mận xấu hổ gần chết. Mấy tối sau, ra cổng lại quay vào. Mận không sang, thì anh Tỉ vào nhà. Bố mẹ Mận mừng quá. Pha nước cho, hỏi chuyện ba bốn câu thì bảo bác bá còn nồi cám lợn dưới bếp. Mận ngồi bẻ hết ba que đóm của bố, vẽ cạn chén nước chè. Anh Tỉ hỏi chuyện lúa nhà Mận tốt không, cấy giống gì… Mận lí nhí… Em… Em… như hụt hơi. Anh Tỉ rủ đi chơi, Mận bảo em sợ người ta nhìn thấy lắm. Anh Tỉ bảo ra bờ sông, xuống hẳn dưới bến chả ai biết. Mận nói chỗ ấy bà Hạt đi tắm bị thuồng luồng bắt. Khuya, bố mẹ đã ngáy trong buồng. Anh Tỉ sang ngồi bên Mận. Mận sang ghế kia. Anh lại sang, ôm lấy Mận. Cái ghế đổ đánh ruỳnh một cái. Mận bảo anh về ngủ đi, khuya rồi. Trong buồng bố mẹ im thít.
Tối hôm sau, anh xuống xin phép bố mẹ cho Mận lên nhà gặt giúp. Bố sốt sắng hỏi gặt nhiều không, bác cũng giúp được. Bố bị mẹ nắm tay lôi vào, Mận nghe tiếng: “Người đời à”.
Mận lên nhà anh. Có mỗi mảnh ruộng hơn chục thước, non buổi sáng là xong. Mẹ anh mắt kèm nhèm, lúc ăn cơm nghe con giai giới thiệu, hỏi: “Thế con về rồi à? Thằng cu đâu?”. Mận lần đầu tiên nói to: Con tên là Mận ở dưới Lang Sa. Bà cụ bảo thế à, rồi buông đũa đứng dậy, nói: “Chúng mày cứ ăn cho no đi nhớ”.
Ăn xong, anh Tỉ pha cốc nước chanh, cầm tay giữ cho Mận uống. Mận uống cứ nghẹn như cơm nguội với cá mắm. Uống xong thì anh Tỉ bảo Mận ra đằng sau xem lợn. Chả có chuồng, con lợn bằng cổ chân, bị buộc chéo từ nách lên cổ. Một sợi dây dài giữ nó bên gốc bưởi.  Anh Tỉ đuổi con lợn, nhặt bông hoa bưởi đưa lên mũi ngửi rồi cài vào mái tóc Mận. Rồi anh thơm tóc. Xuống má, xuống môi. Mận bị ngã, anh đè lên…
Mận khóc bảo đứt mất cái cúc. Anh bảo anh mua đền một trăm cái. Mận ứ ừ, quần màu xám, cúc phải màu xám cơ. Anh khoát tay: Màu gì anh cũng có.
Tối mịt, ăn thêm một bữa nữa, Mận đòi đi bộ về, anh dứt khoát bơm xe, đèo. Mận cúi gằm mặt. Tưởng thoát, nhưng lúc đến đầu xóm, có tiếng reo, rồi đồng thanh: Cô Mận ơi chông vợ hài. Cô Mận chông vợ hài. Chả bù cho Mận, đằng trước, anh Tỉ vênh mặt lên đón gió.
Hai tháng, ba tháng anh Tỉ xuống đều, Mận có chửa thật. Mận mặc sang quần chun, mà vẫn căng níc; có mấy hôm mà cạp chả còn kéo ra, bựt bựt vào bụng được. Lúc Mận thay quần áo trong nhà tắm, mẹ đi vào, cúi xuống, ngó lên. Rồi vột vạt: Chết rồi, chửa rồi. Mấy tháng rồi? Con không biết. Thế thằng Tỉ hay thằng nào… Mỗi anh Tỉ, mỗi ba lần.
Tối, anh Tỉ xuống, mẹ nói văn hoa… Bác bá dưới này rất quí cháu. Biết hai đứa yêu nhau bá cũng để cho tự nhiên. … Thế cháu định bao giờ đem giầu cau xuống dưới này. Anh Tỉ mặt tái tái rồi gãi đầu… Nhà cháu mẹ bị lòa, cô dì chú bác không có ai. Còn mỗi ông chú ruột lại tận trong Thanh Hóa. Thôi được bá thông cảm, cháu cứ đèo mẹ cháu xuống đây thưa chuyện cũng được. Anh Tỉ vâng dạ, ngồi một lúc, uống liền ba chén nước chè, rồi xin phép về.
Hôm sau, hôm sau nữa… cả tháng anh Tỉ không xuống. Mẹ chửi Mận ngu rồi con ơi. Mận khóc, bố lại động viên: Thôi, nó không xuống thì con lên, ngọt nhạt nó chẳng bỏ đâu.
Mận chả dám lên vì bụng đã nổi to, và vì… Mận chẳng biết thế nào, đi đòi cái người ta cho mình, dơ lắm.

Rồi Mận đẻ. Thằng cu ba cân bảy, khóc to, quẫy mạnh. Ba chị dâu nhìn nhau bảo: “Thôi thế là yên tâm, chồng làm gì có khi suốt ngày nó đấm cho lại khổ”. Mận nghe, nằm im, định bảo anh Tỉ hiền lắm nhưng lại thôi.
Mười ngày chả ai nghĩ đặt tên cho thằng bé. Toàn gọi là cu. Hàng xóm thăm bà đẻ, người chục trứng, người năm nghìn, vén màn bế thằng bé lên hỏi nó tên là gì. Mận bảo cháu chả đặt, bao giờ bố nó xuống cho bố nó đặt. Thằng bố nó nghe đâu đi đào vàng tận trong Đại Lịch rồi. Thôi cứ đặt đi, rồi còn làm khai sinh. Mận chưa nghĩ ra tên gì thì mẹ ngồi ngoài bàn bảo: Con quài con kiếm. Thôi gọi nó là thằng Quài.
Chả ai bảo đồng ý nhưng từ hôm đấy tên cu mờ mờ rồi mất hẳn. Mươi ngày sau thì tên Quài ở hết trong mồm mọi người.
Thằng Quài lớn nhanh, chưa đầy tháng mà chân tay loằng ngoằng. Bú như lợn con, dưới bếp nghe mồn một tiếng chùn chụt. Được cái Mận tốt sữa, ngày đêm con vần vò mà lắm lúc hai bầu vẫn tưng tức. Vắt ra tong tong, đầy hai cái cốc nhựa. Mẹ bảo bố uống đi cho khỏe, bố bảo ra quái gì cái kiểu uống tranh của cháu. Bố bảo mẹ uống, mẹ bảo cứ ghê ghê thế nào ấy. Đùn đẩy mãi thì Mận uống, ực một cái hết luôn. Lần đầu tiên, Mận uống sữa mình. Chả ngọt thơm như sữa Ông Thọ hồi mẹ ốm, người ta thăm cho.
Hai tháng Mận cho thằng Quài ăn bột. Ai hỏi Mận bảo sữa nhiều nhưng nó cứ rứt, đau lắm. Quả nhiên từ hôm ăn bột, Quài dịu tính đi, ngày còn sáu lần, đêm còn hai lần bú, chùn chụt một mạch, căng rốn thì ệch ra ngủ.
Hôm thằng Quài được ba tháng thì bố Tỉ nó xuống. Bố mẹ, anh chị chả ai nói câu gì. Tỉ lặng lẽ xuống bếp đun nước, rót vào phích xong, cầm cái chổi quèn quẹt ngoài sân, rồi thái chuối, băm rau lợn… Đến bữa chả ai mời, Tỉ nhìn quanh, kiếm cái ghế ngồi xuống. So đũa xong, như chợt nhớ điều gì, Tỉ đứng dậy, vớ xe đạp phóng đi. Mọi người nhìn nhau lặng lẽ, hình như lúc này thấy đối xử có gì không nên không phải, gì thì gì cũng phải cho bố con nó thăm nhau chứ. Chắc nó tự thấy xấu hổ nên bỏ về rồi… Không phải, Tỉ đang lạch xạch xe đạp ngoài đầu hè. Tỉ cầm  bọc lá chuối vào, lấy cái đĩa, mở ra, thơm ngào ngạt. Thịt chó. Tất cả những cái cổ như đứng lên, mũi tự nở to, nước miếng tứa từng tia từ mặt lưỡi, chân răng. Nhưng, kìm lại được. Đĩa rau cải luộc, các đôi đũa vẫn chụm vào. Tỉ cũng gắp một gắp rau, vừa nhai vừa nói:
- Con xin lỗi bố mẹ. Vợ con đẻ khi chưa có chồng. Con vô trách nhiệm. Con không muốn nhưng con cũng đau khổ lắm.
Tỉ nói, nước mắt rơi xuống bát canh. Tỉ không múc canh mà gắp mỗi người một miếng dồi. Không ai rụt bát. Lát sau, Tỉ lại gắp mỗi người một miếng dựa mận. Rồi miếng hấp. Lần lượt hết các món, thì Tỉ kể:
- Con định đi bãi vàng kiếm tí vốn để về với hai mẹ con Mận. Nào ngờ vàng thì nhìn thấy mà chả mang được về. Bưởng con bị chúng nó cướp, chạy tán loạn, hai mạng ra đi. Con mang được xác về đây là may lắm rồi.
Ngùi ngùi trong miệng nhai chầm chậm.
- Thế bây giờ con định thế nào…?
- Con muốn ở đây chăm mẹ con thằng cu một thời gian. Sau đó con sẽ đi xẻ kiếm ít gỗ, dựng ba gian nhà.
- Ừ. Thế cũng phải. Hai đứa sắp ba mươi rồi chỉn chu mà làm ăn.
Bố và Tỉ nói chuyện. Mọi người nghe, nét mặt đã dãn ra. Mẹ lúc này mới tham gia. Mẹ nói sau nhà còn cái ao, bố mẹ sẽ xin xã, chắc là được… Rồi chúng mày đắp đất dần dựng nhà mà ở. Bố mẹ, anh chị chả giúp được cái gì thì cũng có cây tre cây hóp. Các anh chị cũng chả có tiền, năm bảy buổi làm hộ thì thoải mái.
Tỉ ở một ngày, hai ngày, ba ngày. Đâu đó, hàng xóm có tiếng khen Tỉ mau mồm mau miệng. Hỏi gặp nó lúc nào; bảo thấy bê chậu tã lót ra kênh giặt. Chắc Tỉ nói vậy chứ bãi vàng về làm gì không có vài triệu. Nhưng cái bữa thịt chó hôm ấy là một trăm lấy trong ruột gối của mẹ. Dưới này toàn trứng thăm bà đẻ, Tỉ biết nhiều món trứng. Rán, ốp, trần, xào lá mơ, ngải kíu. Ngày ba bữa phục vụ, mỗi một bà đẻ mà nấu nhiều, Tỉ ăn nốt chỗ thừa để nấu mới. Tỉ ở mười ngày trông béo lên, cười mắt đã híp híp.
Hôm Mận “sổ quang long”, lên chợ về thì không thấy Tỉ. Hỏi bố mẹ đều không biết. Hỏi anh chị, anh chị hỏi lại chúng tao để chồng mày trong túi áo chắc. Mận chả khóc, Mận biết nhưng thấy trống trống làm sao. Ba bốn ngày, chả ai nhắc anh Tỉ lấy một câu. Mận im, im đi để cho quên.
Cai sữa hẳn cho thằng Quài xong thì tết đến. Hôm hóa vàng cả nhà ăn cỗ, bố mới nêu chuyện cho Mận ra ở riêng. Tất cả nhất trí bảo nên như thế, ai cũng có gia đình con cái rồi, ra đụng vào chạm dễ mâu thuẫn lắm. Bố phân công luôn: Mỗi anh chị năm cây tre, bố mẹ mười cây hóp. Bây giờ nền chưa có thì mồng 6 tất cả các đôi vợ chồng giúp em nó, độ ba buổi. Mận vui, nghĩ sắp có nhà riêng… miếng thịt trong cổ cứ nghèn nghẹn.  
Đắp nền, rồi đục, lắp, dựng, lợp, buộc nhứng, trát vách... mười ngày cấp tập thì xong nhà. Bố mẹ cho một con gà giò bảo Mận làm đi, cúng thổ công. Mận đặt cái mâm lên giường, lầm rầm. Mẹ trông thấy sợ quá, vội kéo Mận ra. Mẹ chạy về lấy hai cái ghế dài làm bàn thờ tạm. Hương khói bay lên trong hơi ẩm ướt nhà mới.
Nhà đã có nhưng chẳng có sân, có vườn. Trước sau toàn ao. Thằng Quài đã biết bò, lổm ngổm ra nhìn mặt nước đen đen, cười khanh khách. Mận rủn hết cả người, bế vội con vào nhà, đóng cửa lại. Mận đứng ngoài hè, nghe tiếng cào cào vào cánh cửa của con mà xót.
Mận cắn chặt hai hàm răng, ra đầu hồi lấy đôi quang, cái xẻng. Thằng Quài khóc tiếng đã è è, Mận càng xúc đầy giành, ì ạch, hổn hển.
“Gánh nặng thế hậu sản mất thôi”. Tai Mận ù ù, mặt cúi, người mũi tên cất bước. “Làm để sống hay để chết”. Mận càng bước nhanh, càng loạng choạng.
Đâu như gần hai tháng thì nhà Mận có vườn. Thằng Quài biết “chững”. Mận bế nó ra vườn, nói: Con đi cho mẹ xem nào. Tình tang ngoan khéo... theo tiếng cổ vũ của mẹ, thằng Quài đứng dần lên, chân lẩy bẩy, rồi nhích nhích. Xiêu vẹo, chực đổ, Mận luôn luôn tư thế ào ra đỡ con nhưng nó đã đi được ba bước. Mận lùi lùi, giơ hai tay đón.
Đợi thằng Quài đi thạo thì Mận trồng chuối. Vườn bố mẹ làm hết nhà rồi nên phải sang các ông trẻ bà trẻ trong xóm xin cây giống. Mỗi ngày trồng năm cây, bốn ngày cả vườn như mặt trận. Những cây chuối con cao hơn thằng Quài, thấp hơn Mận, búp thẳng lên trời như những chú lính làm nhiệm vụ canh gác. Nhìn nó, tự nhiên Mận thấy vững dạ. Tự nhiên lại nhớ anh Tỉ. Anh Tỉ từ hôm ấy không xuống lần nào nữa. Mận chẳng hỏi dò nhưng anh Bốn xe trâu bảo: Vợ nó lại về rồi, hôm tao lên kéo gạch cho nhà bên cạnh, nó sang hút thuốc lào. Tao hỏi mày bỏ mặc hai mẹ con cái Mận à. Nó hụ hụ ra ngoài giếng rửa mặt rồi mất hút. Mận kệ, chả thèm nghĩ đến con người bạc ấy nữa. Hàng ngày Mận đi giải vào cái nồi đình, ba ngày được một lần đem tưới. Hai phiên chợ thì chuối cả vườn hết lượt. Xanh xanh, khai khai.
Chuối ra buồng thì thằng Quài biết bắt ốc sên. Mận ra đồng về, nó chạy lại ôm chân, kéo vào chỉ cái chậu. Đầy một chậu, lưỡi lè, râu ngoắc ngoắc rung rinh. Thằng Quài bảo mẹ nấu, mẹ nấu. Mận cười to, ăn làm sao được ốc này. Nói thế nhưng cạn nồi cơm, Mận cũng ra lấy mấy con, đập đập. Chả dùng bao giờ nhưng ốc này ăn lá chuối, chắc không độc.
Hai mẹ con được bữa ốc sên sào căng rốn. Bữa sau, Mận lại ốc ấy. Nhưng chát chát, đắng đắng. Ăn được mỗi miếng thì ứ cổ, cố nuốt để khỏi nôn.
Ốc sên vẫn về đầy vườn. Dưới đất, trên ngọn, chỗ bẹ búp chuối. Hai mẹ con cùng bắt. Quài dưới đất, mẹ trên cao, đem cả ghế ba nan ra, kê thêm hai cái ghế ăn cơm lên. Bắt hết. Ba ngày thì nhiều quá, đầy bốn bao xác rắn để đầu hồi. Bố sang, đá đá hỏi: Bao gì thế này? Ốc sên, con với thằng Quài bắt có ba hôm đấy. Thế này mà có mươi con gà thì hay đấy. Mận cũng nghĩ rồi nhưng chẳng có đồng nào. Bố mẹ ăn nhờ vào anh Bản, anh chị sau lần giúp tre hóp, dựng nhà thì coi như đã xong trách nhiệm với cô em út. Mận chả đòi hỏi, Mận thấy có nhà ở riêng thế này là quá sướng rồi. Hay là mình đi bắt cua bán lấy tiền mua gà về nuôi. Mận lóe lên ý nghĩ, ý nghĩ đó khiến Mận tự nhiên bảo bố: Hôm nay bố mẹ sang ăn cơm với con nhé. Bố cười bảo tao chả ăn được món ốc sên của nhà mày đâu.
Trưa, cơm xong, Mận bê thằng Quài lên ông bà gửi. Mận đi như chạy hướng đồng Vỡ. Tràn ruộng gần gần toàn cua hạt bưởi, hoi lắm bán chả được mấy tiền. Trên đồng Vỡ, xa ít người bắt, Mận lại biết chỗ ven gò tre nhiều rắn. Chỗ nhiều rắn mới nhiều cua. Mận băng qua đám ruộng lầy, bơi sang vệ gò. Khí lạnh từ hơi nước óc óc lên, từ rặng tre um tùm buông xuống. Chả sợ tí nào. Mận cúi mặt, áp người, thọc tay. Hang, hang... lúc ngẩng mặt lên thì giỏ đã đầy ặc. Trời ập tối.
Mận như một con ma chẳng cần biết đâu bờ ruộng bé, đâu đường cái to. Cứ đi, cứ đi. Mãi, thì òa ra ánh sáng. Hóa ra là nhà mình. Ngọn đèn dầu (chắc bố sang thắp hộ) đứng im. Mận đặt giỏ cua xuống đất, ánh sáng trên bức vách mới lay lay. Mận đổ cua ra thùng thì ba gian nhà bỗng nhộn nhạo hẳn lên. Tiếng óc ách càng mu chạm nhau, tiếng thùng tôn coong coong nhè nhẹ.
Mận sang bố mẹ hỏi mượn cân, mẹ bảo thằng Quài cho ăn no rồi, ngủ từ lúc nãy. Mận khoe, hôm nay con kiếm được mỏ cua, phải được hơn bốn cân. Bố mẹ đừng nói với ai nhé, mai con lại đi tiếp. Mận rẽ màn, bế thằng Quài về, nặng quá chắc nó phải được mười lăm cân rồi.
Mận bế thằng Quài qua chỗ thùng cua, bảo Quài ơi, mẹ bắt cua về cho con chơi đây này. Mận cạn nồi cơm xong, rúc để đấy chạy lên bố mẹ xin nắm rau. Mẹ bảo bỏ mấy con cua vào mà rang. Mận bảo đang chẵn cân, hôm nào ăn sau.
Sáng hôm sau, Mận bị tiếng gọi dựng dậy. Tưởng gì, hóa ra là chị Bình lái cua, cá. Mận hỏi em đã nói với ai đâu mà chị biết. Chị cười thế mới là chị. Mận cân cả thùng xong mới trừ bì, được bốn cân tám. Chị Bình giả bốn trăm nghìn. Mận tìm tiền thừa thì chị xua tay, thôi thôi chị cho thằng cu.
Mận cầm tiền sang luôn nhà bà Túy. Bà Túy nhận tiền bảo: Đủ tám con, nhưng bà cho thêm một con ra giống. Tối sang mà bắt.  
Mận về nhà, xé lá chuối nắm một nắm cơm, vội vàng đi. Mận nhớ gò tre, mới bắt được một bờ, còn ba bờ nữa. Mận chạy gằn, gió ngược bỏ lại người đám ruộng cấy, đám thả trâu sớm. Đã đến chỗ bờ hôm qua, Mận thử thọc lại hang. Vẫn có, ba hang đều có. Hôm qua mình vừa bắt hết cơ mà. Chả hiểu làm sao, Mận thừ người nhìn ra cánh đồng rong lì, lúc ấy thì một chú kềnh đang tiến ngang từ ngoài vào. À ra hang cua là nhà chung, con này đi thì con khác về. Thọc một lúc được hơn chục con, Mận nghĩ mình ra bờ mới bắt nhiều hơn. Của đồng của giời, nhỡ mai có đứa nào rớ được thì mình hết. Khôn quá, Mận cười. Quả nhiên bờ mới mỏi nhừ tay mà thọc, bỏ giỏ. Mặt trời đứng bóng đã đầy hai giỏ. Nhưng bờ vẫn còn dài, về thì tiếc. Mận giở cơm nắm ra ăn. Uống một ngụm nước đồng, tanh tanh ngọt ngọt. Mận ngả lưng nằm, trên vòm tre tổ cò như đan hoa. Chợt có cái gì ướt ướt má Mận. Mận sờ tay, thì ra là phân cò. Mận xòe tay, miết xuống cỏ đám xanh xanh trắng trắng. Mận mấy lần đứng lên định về nhưng tiếc. Nghĩ mãi thì Mận tụt quần ra, gió mát ống chân lên đùi. Hình như Mận đỏ mặt. Đồng mênh mông, tiếng cò kêu như ê ê. Mận đổ hai giỏ cua vào hai ống quần vừa chặt.
Non chiều thì hai giỏ lại đầy. Chả còn cái gì mà đựng nữa. Về, chả nhẽ mỗi cái xi líp thế này. Ở đây thì bao giờ mới tối. Mận thấy khổ quá, đầu cứ như có ai đốt lửa bên trong. Mận giật tóc mình, nhìn hai giỏ hai ống quần cua. Thôi cố chịu, mẻ này về là mười lăm con gà giống nữa.
Đâu tám chín giờ tối thì Mận đến đường xóm. May quá, tối om. Nhưng đến chỗ ngoặt vào nhà thì có tiếng… Ai đấy? Phải cái Mận không? Mận nín nặng bước nhanh. Ai? Người hay ma? Mận ù chạy. Lập tức người kia cũng chạy. Tiếng bịch bịch và tiếng kêu thất thanh ma ma. Người các nhà tóa ra, đuổi theo, đến nhà Mận thì mất hút.
Mận vào nhà, nín thở. Bàn tán, mắng đứa nào thần hồn nát thần tính một lúc thì im. Mận khẽ đổ cua ra thùng. Hai thùng đầy quá, phải san ra hai cái chậu nữa.
Mận được hai mươi lăm con gà giống, định đi cua nữa lấy tiền mua ngô thì… hết. Mỏ cua đồng Vỡ chả biết chúng nó đánh hơi kiểu gì mà khi Mận lên đã có hai chục đứa choai choai. Mận cố gắng mãi đến trưa cũng chỉ được ba chục con.
Mận gặp may, gà về sẵn ốc sên cây chuối đập ra, thái nhỏ, chúng ăn như ăn giò. Tranh cướp, dồn đuổi nhộn nhịp.
Một tháng nhìn gà đã khác… ba tháng có người đến hỏi mua mang đi thị xã. Mận bảo nó còn lớn, gần tết mới bán. Gần tết, gà chắc chắn sẽ được giá, tiền gà Mận sẽ đào cái giếng, quây tang hẳn hoi, rồi sắm bộ bàn ghế, mua một cái xe đạp, và hai mẹ con mỗi người một bộ quần áo mới.
Nhưng, tối hôm ấy thì Tỉ xuống. Tỉ ôm lấy thằng Quài mà khóc. Thằng Quài ngơ ngác chạy ra mẹ. Mận ôm nó, định nói một câu như là người ấy không phải là bố con nhưng nói cứ im thít trong họng. Tỉ đang tiến lại, rồi bất chợt quì xuống, khóc hu hu… Anh có tội với mẹ con em. Tại anh đa mang, con vợ anh nó về lại bỏ đi rồi. Nó lấy của mẹ anh một chỉ vàng, anh hận nó… Hu hu Quài ơi, Mận ơi. Mận không biết trả lời thế nào, liền dọn cơm. Tỉ quì một mình một lúc rồi cũng lấy ghế ngồi xuống mâm. Tỉ lại khóc, nước mắt rơi vào bát canh.
- Em cho anh ở đây anh chuộc tội. Anh mà vớ vẩn gì nữa anh làm con chó.
Tỉ nắm tay Mận, đôi đũa rơi xuống từ lúc nào. Hai người nghẹn ngào, ăn lưng bát mà đã no.
Tỉ chuyện mãi, Mận ngồi nghe, ngáp, tay như sắp rơi thằng Quài. Tỉ bế thằng Quài vào giường, rồi buông màn, đốt muỗi. Mận vào trước, quay mặt vào vách. Tỉ tắt phụt đèn, rón rén lên sau. … Có cái gạt tay, có cái ngún nguẩy, rồi tiếng giát giường ọp ẹp. Lúc con trống chuồng ngoài vách đầu nhà cất tiếng thì trong giường vẫn khò khò tiếng ngáy gỗ.
Mận thức dậy thấy người khoan khoái lạ. Quờ tay gặp chân thằng Quài. Mận vẫn bồng bềnh như là giấc mơ còn vương lại.
Mận ra sân thì thấy Tỉ đang hì hục bên hàng rào. Mận lại gần, Tỉ khắc nói: “Mình trồng hàng rào dâm bụt em ạ. Ken thật dày vào, gà không ra được, đứa gian nhòm vào cũng không thấy gì”. Mận quay lại rửa mặt, luồn khăn mặt vào trong áo, bầu vú căng căng như là không phải thế.
Mận mổ hẳn con gà, cân được cân bảy. Chém luôn tầu chuối to, dải ra, làm như mổ lợn. Tỉ vào bảo đưa anh mổ cho, Mận đứng dậy, ra quán lấy chai rượu. Khi về thấy lông gà vung vãi trên tầu chuối liền lặng lẽ gói lại giắt vào hàng rào.
*
Tháng sau, Mận báo tin mừng cho Tỉ:
- Em có rồi.
Tỉ xoa xoa bụng Mận nói giọng rất vui:
- Mình có hai đứa con. Mình sẽ phải làm gì lớn lớn một chút em ạ… Anh định sắm một bộ xe trâu. Xe độ dăm triệu, trâu ngót chục triệu”.
Mận không nói nhưng nghe tiếng tiền thì Mận bật ra được ngay:
- Lấy đâu ra nhiều thế?
- Thì anh mới phải bàn với em. Anh có thằng bạn có bộ xe trâu còn tốt, vợ chồng nó sắp vào Tây Nguyên. Nó để cho, giá có một nửa.
Thế là đàn gà bán, cộng tiền chuối chăng được tám triệu. Sáng ấy, Tỉ đi thơm Mận một cái. Mận để một lúc cho nguội má mới ra đường tiễn. Tỉ đã hút xa, còn một làn khói ô tô nhờ nhờ quẩn lại.
*
Thằng Quài vờn tay lên bụng như cái trống của Mận hỏi:
- Mẹ. Em trai hay em gái?
- ...
- Bố em có chung bố Tỉ con không?

Mận đứng lên, gạt tay; vùng xuống bếp, vớ con dao phay. Mận như điên bên bụi chuối. Mận đến hàng rào râm bụt. Dao khựng lại, trập trùng rung rung. Một lúc thì từng đám lông gà bay lên, chỉ còn mấy mảnh lá chuối khô treo treo như lá bùa vàng ố.
Cả xóm ơ mắt đứng nhìn Mận. Mãi sau một người mới nói: “... Đến hòn đất cũng phải nhảy lên mà ném chứ lị”. Mấy chị chạy vào giằng con dao. Mận xõa xượi tóc, ngồi phệt luôn xuống đất.










Read More..

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Chùm được giải Thơ Lục Bát "Tổ quốc và Đạo pháp" 2013 của Du An


CÁT BỤI XANH RÌ

Ngày rằm Kỷ Sửu vừa rồi
Mẹ ngồi bóc lạc kể hồi gặp sư
Mẹ cười sạch nét ưu tư
Như nêm chân tự đánh đu biển người

Sư từ Ấn Độ phương trời
Đem về giọt nước mát ngời tâm can
Làng nghèo mưa nắng chan chan
Nam mô đà Phật cơ hàn lùi xa


Cái tâm mấy buổi chiều tà
Nhấp nhô tiếng mõ đi ra giật lùi
Thuyền con mất lái mất mui
Mái chèo lẹm nước ai xui vào bờ

Thì làng còn một ngôi chùa
Thì lời mẹ dặn mới vừa hôm qua
Hôm qua mẹ đi chợ xa
Trầu không mẹ để ở nhà trông con

Mỏi mòn ngóng nước gọi non
Con chưa ngộ được mất còn là chi

Mẹ đi Phật dạy không đi
Mẹ đang cát bụi xanh rì vườn khuya.
               


LÀNG TRỜI

Trâu buộc chẳng ghét trâu ăn
Chỉ cười phô cái hàm răng buồn cười
Bạc vàng trời đất nơi nơi
Xòe tay cho trẻ con chơi tháng ngày

Chó mèo vỗ cánh cùng bay
Cãi nhau gì nữa miệng đầy mây thơm
Làm gì miếng thiệt miếng hơn
Làm gì... khi những tâm hồn hòa ca!

Hướng nào cũng được hướng nhà
Ai ai cũng có mẹ già để chăm
Chả còn lịch, chả tháng năm
Trăng tròn đâu cứ đêm rằm sáng soi

Không còn góc bể chân trời
Người trông là để trông nơi chính mình
Gió mưa sấm chớp tử sinh
Còn ai đau đáu bóng hình người thương

Làng trời trong một tấm gương
Vào đây điều rất bình thường sáng ra.




Read More..

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

ù ù éc éc



Ù ù éc éc vòng quay
Đường tròn hạt thóc từ ngày sang đêm
Con người như một mũi tên
Mà năm mà tháng ngủ quên bờ rào.

Bao nhiêu nền nã gọi vào
Chiêm mùa kéo xuống trăng sao nhà trời
Lập lòe đom đóm dạo chơi
Cả làng nhìn cái thảnh thơi mờ mờ.

Bao nhiêu được mất hẹn hò
Cánh đồng để lại đàn cò làm tin
Quay về xay lúa gọi duyên
Đẩy đi kéo lại một miền đắng cay.

Lời thương xoắn kết tai mây
Lời đau ngõng cối nhanh đầy lâu vơi
Quanh đi quẩn lại tìm nơi
Đáy hòm tiếng thóc rụng rời vọng xa.

Ù ù éc éc là ta
Vòng quay ở suốt ngã ba gạo tiền
Ước được cái cối bà tiên
Tròn ra mơ ước vẹn nguyên tên mình.

Read More..

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Phạm Văn Vũ

Mình quá thích bài thơ này, xin phép tác giả Phạm Văn Vũ (chưa biết địa chỉ) dinh từ VNQĐ về.

LINH


Có phải thuở bé nhốt đom đóm vào lọ
Nên giờ đây mỗi đêm mình lại chập chờn
Mỗi lần lọ mở nắp
Là một lần mình bay đi

Không ra đi, không trở về
Mình chập chờn cùng đom đóm
Và đom đóm bay trong mình thấp thoáng
Không ra đi, không trở về

Đom đóm bay từ bãi tha ma
Đến đậu những cửa chùa
Bay từ đồng cỏ
Đậu vào mình bơ vơ

Linh linh linh linh linh
Nhắm mắt và cất bước
Đom đóm trôi cùng mình
Điềm nhiên và lặng thinh

Ánh sáng sinh ra có phải từ đêm
Và đêm sinh ra có phải từ đom đóm
Mình cứ bận lòng những câu hỏi
Mà đom đóm có bao giờ nói về điều sáng - tối đâu

Đêm mai mình là đom đóm
Hay đom đóm là đêm qua của mình
Linh linh linh linh linh.


Read More..