Cần bán tập truyện LÊN CAO THẤY TRỜI THẤP THẬT. Giá 50k. Liên hệ anh An đt 0946251996
Tìm kiếm Blog này
Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015
Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015
Tập truyện NGƯỜI RỪNG RỪNG NGƯỜI của DU AN - Liên hệ: 0946251996.
Theo “Người rừng Du An” đến “rừng người” Tây Bắc
(Đọc Người rừng rừng người
của Du An, NXB Hội Nhà văn, 2015)
Trong một lần trà dư tửu hậu, khi bàn về
“nẻo vào văn học” của giới cầm bút, nhà thơ Nguyễn Bình Phương cho rằng: mọi
người đều khởi nghiệp bằng thơ, sau đó tiếp tục “chung thân” với thi ca hay rẽ
sang văn xuôi hay nghiên cứu - phê bình, tùy vào tạng viết bản thân. Chúng tôi muốn nói tiếp thêm rằng, trên con đường
ấy, dẫu đã “trung thành”, “an phận” thì họ (những nhà thơ, tiểu thuyết, nghiên
cứu - phê bình) cũng sẽ có đôi lúc “dính” vào truyện ngắn vào một thời điểm nào
đó trong đời. Có nhà văn cả cuộc đời cầm bút không viết một cuốn tiểu thuyết,
một bản trường ca, một bài nghiên cứu - phê bình nhưng sẽ “dan díu” với truyện
ngắn vì sức quyến rũ của nó. Không viết truyện ngắn, con người ta sẽ có cảm
giác “thiêu thiếu” một cái gì đó.
Du An là một trong những trường hợp như
thế. Xuất phát điểm từ thơ, đã giành nhiều giải thưởng thơ có uy tín như của
Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số, tạp chí Văn nghệ Quân đội… song Du An vẫn “cặp kè” với truyện ngắn một cách
“tất nhiên nhi nhiên”. Sau tập truyện ngắn Lông
gà và lá chuối xuất bản năm 2014,
chỉ sau đúng…365 ngày, anh lại in tiếp Người
rừng rừng người như một lời khẳng định chắc nịch về khả năng cơ động “hai
tay hai súng” của mình.
Truyện ngắn theo quan
niệm của nhà văn Nguyễn Minh Châu là một lát cắt về cuộc sống. Tuy nhiên, lát
cắt ấy dài hay ngắn, dầy hay mỏng, nông hay sâu, ở vị trí nào lại phụ thuộc vào
quan niệm, tài năng của từng người. Trong Người
rừng rừng người, Du An đã lựa chọn cảnh sắc, địa danh, con người, phong tục
tập quán, lề thói sinh hoạt mang dấu ấn đặc trưng của vùng núi Tây Bắc - nơi
anh coi là quê hương thứ hai của mình - làm đích đến của nghệ thuật. Sẽ thật
không ngoa khi nói rằng có một “xã hội” thu nhỏ đang vận động, biến chuyển trong Người
rừng rừng người. Miền núi phía Bắc hiện lên qua ngòi bút của Du An với một
bên là những con trâu cày, ngựa thồ thong thả bước đi trên ghềnh núi ngoằn
ngoèo, một bên là tiếng gầm rú của động cơ xe máy, ô tô lao vun vút trên những
con đường nhựa mới mở. Không gian vùng Tây Bắc ấy trải dài đến mênh mông với
những nương đồi xanh bát ngát đang đến độ thu hoạch của những người dân yêu lao
động và thu mình, nhỏ bé với những viên ma túy đá, những gói heroin được giấu
kín trong bụi cây, lùm cỏ bởi khát vọng đổi đời nhanh chóng và sự tham lam vô
độ của con người. Ở đó, có những con người vùng cao sống thật thà chân chất và
có những màn đấu đá, kèn cựa, vòi vĩnh lẫn nhau của những công chức, viên chức
tỉnh lẻ. Để lột tả chân thực sự vận động, dịch chuyển ấy, Du An đã sử dụng không gian như một giải pháp chính.
Trong nhiều không gian của Người rừng rừng người như núi rừng, vực sâu,
công sở, trường học…chúng tôi đặc biệt chú ý đến không gian ngôi nhà. Nhà là không gian gia đình,
tượng trưng cho tổ ấm, cho sự che chở, yêu thương, đùm bọc với mỗi con người.
Trong tâm thức người Việt Nam
nói riêng, người phương Đông nói chung (và có lẽ là tâm thức của toàn nhân
loại) hai tiếng “nhà - gia đình” ẩn chứa những giá trị thiêng liêng vô cùng.
Nhà - với tư cách là một thủ pháp nghệ thuật - trong truyện ngắn Du An lại mang
tính “hai mặt”. Nhà một mặt vừa là tổ ấm, chỗ dựa vững chắc của mỗi con người,
mặt khác lại là nơi con người muốn chối bỏ, giũ bỏ vì những lý do, hoàn cảnh
khác nhau. Ngôi nhà là chỗ dựa, là nơi Nghiên (Đông xên) tìm lại chính mình sau khi thất bại trong việc hiện thực
hóa giấc mơ công chức, là nơi che chở cho những em thơ (Hạt cơm đau) ngày ngày đi tìm ánh sáng toát ra từ những con chữ.
Nhưng ngôi nhà là chốn mà Liến (Ở nương)
buộc phải chối bỏ vì bố không chấp nhận việc cô lấy chồng sớm, đứt gánh giấc mơ
đại học giữa đường. Bà mẹ (Tìm người)
muốn trốn bỏ khỏi căn nhà nơi các thành viên khác trong gia đình (con trai, con
dâu, cháu) ngày càng hờ hững, không quan tâm gì đến mình. Nhân vật nàng (Bên hồ), phải từ bỏ gia đình vì trót
chửa hoang với một gã Sở Khanh. Bà Dẫn (Tiếng
khóc từ nồi cơm) thường xuyên đến chơi, ăn cơm nhà người quen đến tối mịt
với về. Bà sợ về ngôi nhà của mình, sợ phải đối mặt với di ảnh của hai người
con trai đã hi sinh, sợ phải ăn cơm trong nỗi cô độc một mình. Thúy (Thúy không về) sau những cay đắng, tủi
nhục với người chồng nghiện ngập đã bén duyên với người mới, cô không muốn về
ngôi nhà chỉ để lại trong mình những tủi nhục, uất ức đấy nữa. Quả thật, không
gì thích hợp hơn với việc miêu tả sự biến động của xã hội bằng việc xuất phát
từ những biến động của ngôi nhà. Đây là biện pháp được nhiều nhà văn ưa chuộng.
Tuy nhiên, bên cạnh không gian không thể không kể đến vai trò của
chi tiết. Nếu không có chi tiết hay
thì những thủ pháp nghệ thuật đơn thuần chỉ là cái vỏ vô hồn. Đáng mừng là
nhiều truyện của Du An có những chi tiết độc
và đắt. Trong truyện ngắn Hạt cơm đau, chi tiết các em học sinh
ngỡ ngàng hỏi người phụ nữ rằng ăn cơm với thịt cá, nước canh, nước mắm có làm
cơm… đau không, thật đắt giá. Nó phản ánh chân thật đến mức nhức nhối, khó chịu
hoàn cảnh đói khổ, cơ cực của học sinh vùng cao. Sự giả dối đến đắng lòng của
người lớn, sự hồn nhiên, ngây thơ, chất phác đến tội nghiệp của các em học sinh
qua câu hỏi quyện lại thành những tiếng nén đầy chua xót cho những ai “trót”
đọc. Truyện viết dung dị, ngắn về câu chữ cũng như dung lượng nhưng chỉ bằng
một chi tiết, một câu hỏi đã làm tất cả bừng sáng trong thứ ánh sáng của nước
mắt và tình thương được đánh thức ở tâm hồn mỗi con người. Một chi tiết phản
ánh quá trình thâm nhập thực tế sâu sát của tác giả. Song, chi tiết chúng tôi
đánh giá cao nhất trong toàn tập truyện lại nằm ở truyện ngắn Đông Xên. Một chi tiết cho thấy sức sáng
tạo, trí tưởng tượng phong phú, tinh tế của Du An. Trong truyện ngắn này, Du An
nhắc đến một thứ mùi kì lạ, chưa từng xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ
cuốn từ điển khoa học, sách vở nào: Mùi Nậm Tắc. Nậm Tắc là tên một huyện vùng
cao mà Nghiên, một chàng sinh viên trẻ ra trường, muốn xin về làm. Trong những
tháng ngày thử việc đó, thay vì công việc chuyên môn, Nghiên phải làm những
việc như pha trà, rót rượu, giặt quần áo, nhậu đỡ các bậc cha chú… để mong có
một suất biên chế chính thức. Sống trong tâm trạng lúc phải căng người ra phục
vụ, dạ vâng; Nghiên thấy cuộc đời mình tệ hơn…chó: “Phải, mới tháng trước thôi,
Nghiên làm con chó. Con chó chẳng được sủa gâu gâu, ngoáy đuôi chào mừng”. Không thể chịu được cảnh “vào luồn ra
cúi”, Nghiên bỏ về nhà. Ở nhà, Nghiên bị thứ mùi nhuốm từ Nậm Tắc ấy hành hạ
đến dở sống dở chết. Thứ mùi “tanh tanh lợm lợm như tinh trùng, khai khai nước
đái, chua loét mồ hôi, khăn khẳn rượu thịt từ dạ dày nôn ra” làm Nghiên nôn
thốc nôn tháo, nằm vật ra như người trúng gió. Thứ mùi ấy ngấm vào mùi Nghiên
sâu đến mức “nó trốn vào xương tủy bây giờ bò ra lỗ chân lông sao”. Sau này chỉ
nhờ lao động và bằng lao động, Nghiên mới rũ bỏ được cái mùi Nậm Tắc. Chỉ có
lao động thật sự, không chịu quỳ lạy hay xin ân huệ của ai thì con người mới là
chính mình. Ý nghĩa mùi Nậm Tắc thật thâm thúy, đáng suy nghĩ nhất là trong bối
cảnh cử nhân thất nghiệp chưa bao giờ đông như hiện nay và tình trạng nhờ vả,
chạy chọt xin việc đã là chuyện “thường ngày ở huyện”.
Mọi chi tiết đều được thể hiện qua nhân vật. Nhân vật không
những là người mang vác chi tiết mà còn là linh hồn của câu chuyện. Về khía
cạnh này có thể nói Du An đã xây dựng nên những nhân vật có chiều sâu. Anh có
cái nhìn nhân hậu về con người. Trong
quan niệm của anh, ai cũng có mặt được và chưa được, không ai hoàn hảo tròn
trịa và không có kẻ táng tận lương tâm. Dưới ngòi bút của anh, một gã nghiện
như Đương, Ban (Thúy không về), một
kẻ buôn ma túy như Hoặc (Dưới vực)
đều có những điểm, những cư xử hành động rất con người, những người con gái bỏ
chồng theo giai như Thúy (Thúy không về),
không nghe lời cha mẹ học hành, chạy theo tiếng gọi như Liến (Ở nương) hay nhẹ dạ cả tin bị lừa gạt
như nàng (Bên hồ) đều đáng thương hơn
đáng trách. Mặt khác, Du An còn xây dựng hệ thống nhân vật chức năng năng làm
giảm thiểu những căng thẳng, xung đột, mâu thuẫn trong truyện. Đó đều là những
người tốt, yêu thương và giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn như thầy giáo
Quảng trong Ở nương, thầy giáo Phong
trong Nuôi lợn, tôi trong Hạt cơm đau, mợ Chiên trong Tiếng khóc từ nồi cơm… Chính nhờ các
nhân vật này (và hành động của họ) nên mặc dù đều xoáy vào những bi kịch con
người, nhưng các truyện ngắn của Du An không tạo nên cảm giác nặng nề, bức bối
cho người đọc. Thêm nữa, xuyên xuốt tập truyện ngắn Người rừng rừng người là hình tượng người thầy giáo. Nhân vật này xuất hiện trong khá nhiều truyện. Đó là
thầy Quảng trong Ở nương; cô giáo
trong Hạt cơm đau; các thầy cô giáo Dũng,
Phong… trong Nuôi lợn; Thắng, tôi
trong Chữ đêm; Thanh, Hường, Hoan…
trong Vườn khế. Ở các nhân vật này,
đặc biệt là nhân vật xưng tôi trong các truyện đều phảng phất bóng hình của tác
giả. Du An viết về những đồng nghiệp cũ bằng cảm hứng hồi cố, bằng con mắt của
người từng trải nghề, qua đó giúp mọi người hiểu thêm về nỗi lòng và cả những
“bí mật”, “khúc mắc” của những người “gõ đầu trẻ” nói chung, giáo viên vùng cao
nói riêng.
Nhân vật, chi tiết được hòa quyện vào nhau trong một tổ hợp có
tên gọi kết cấu, hay cấu trúc. Nơi quyết định chi tiết nào xuất hiện trước, chi
tiết nào xuất hiện sau, nhân vật nào còn, nhân vật nào mất, giọng điệu của từng
câu truyện… Và trong trò chơi về kết cấu ấy, Du An đã có sự dụng công, biến hóa
rất khéo trong từng truyện. Với những câu chuyện như Hạt cơm đau, Tiếng khóc từ nồi cơm, truyện có kết cấu theo lối tuyến
tính, giản dị, đưa người đọc đến ngay với điều mình muốn nói bằng những chi
tiết xúc động. Những truyện cần truyền tải thông điệp nhiều tầng được mã hóa
bằng những kết cấu phức tạp hơn. Bài hát
nắng vàng có kết cấu song tuyến khá với dòng ý thức đan xen cùng những đoạn
miêu tả hội thoại, ngoại cảnh, trữ tình… để làm bật lên cái…”phức tạp” trong
đời sống tinh thần của người trí thức. Người
rừng rừng người có kết cấu tựa
bản trường ca huyền thoại nhằm tôn vinh tính mẫu…. Đó đều là những kết cấu hợp
lí giúp câu chuyện có diễn tiến tự nhiên, không gượng gạo.
Có thể nói, với 14 truyện ngắn trong Người rừng rừng người, Du An đã hoàn thành bức tranh cảnh sắc và
con người Tây Bắc của mình. Với những gì đã làm được trong tập truyện ngắn thứ
hai này, chúng tôi tin anh sẽ chiếm được cảm tình của bạn đọc ngay cả với những
người khắt khe nhất.
Đ. M. T
Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015
"Bầu trời trong tầm với của Du An" (Sách mới)
“Thanh bỏ ra ngoài xuôi dốc, rồi ngược dốc.
Mệt, thấy mệt thì đã đỉnh đồi. Gió thật
mát.
Thanh nằm, ngửa mặt lên trời, Giơ tay như
túm lấy trời.”
Lúc hồn nhiên, lúc thâm trầm, lúc tinh
tế, lúc trần trụi, Lên cao thấy trời thấp thật giống như cuốn nhật kí của những giáo
viên miền xuôi lên công tác vùng cao. Đó không chỉ là những bài giảng trong mùa
đi nương, không chỉ dừng lại ở những đêm vượt dốc vận động các em đến trường.
Đó còn là những khát khao, những suy nghĩ trong góc riêng tư của các thầy giáo,
cô giáo, bị cuộc sống xô bồ miền xuôi khỏa lấp đi chỉ trực bùng nổ khi trái tim
họ lơ lửng trên triền núi cao vời vợi. Du An để những nhân vật của mình bộc lộ
tâm hồn một cách thật nhất, thật đến vô tư, thậm chí là trần trụi. Cuộc sống
dưới gầm trời trong mắt nhà văn là một sự hòa hợp thú vị giữa những miền văn
hóa khác nhau, đan xen giữa những trái tim của các nhà giáo miền xuôi với đồng
bào nơi rẻo cao, nó thoắt ẩn thoắt hiện trong từng câu chữ rắn rỏi.
“Tôi ngồi trước tờ giấy trắng. Em ở đâu?
Nghĩ ra cái tít rồi, vẫn không dám đặt bút. Tôi thấy dòng chữ trên khoảng
không. Một chàng trai, không một trái tim khao khát yêu thương đang dò dẫm, con
đường mới mở, đất đỏ bết. Có tiếng chào ông đi đâu. Giọng nói trẻ trung cất lên
trong nắng mai: Tôi đi tìm hạnh phúc. Tiếng xích líp reo vang bình minh. Chòm
râu bay bay…”
Tên sách: Lên cao thấy trời thấp thật
Tác giả: Du An
Thể loại: Truyện ngắn
Khổ sách: 13. 20,5
Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015
Truyện ngắn Du An - BÊN HỒ - Mới in báo VĂN NGHỆ CÔNG AN (6/7/2015) - http://vnca.cand.com.vn/Truyen/Ben-ho-357581/
1
Nàng có một đứa con gái.
Y như nàng, da trắng, tóc dài đen mượt, bảy
tuổi đã thấy dáng thanh mảnh.
Không giống nàng, đôi mắt to, lúc nào
cũng như ngạc nhiên thích thú.
Nàng có nó từ hôm nào - Người bản không
biết tính vòng kinh, ngày rụng trứng như thành phố. Nàng chỉ nhớ… sáng ấy, ăn
củ sắn luộc từ tối hôm trước, nuốt chưa qua họng thì… ọe ọe, rồi ồng ộc. Băng
băng dòng dòng vót vọt sắn loãng, rớt rãi…
Mẹ đến ôm bụng nàng. Nàng rướn thêm mấy chặp
nữa nhưng không còn gì cả, chỉ nước mắt nước mũi vẫn đầm mặt, nhòe mắt.
Mẹ vừa lau mặt cho nàng vừa bảo, khổ rồi
con ơi, mày chửa rồi.
- Bây giờ tính sao? Bố hất hàm vào con và
mẹ.
- Ngủ với ai thì lấy người ấy, còn tính
cái gì nữa. Mẹ giọng chắc chắn.
Nàng bảo anh ấy chăm chỉ, khỏe mạnh, tốt
lắm. Anh hứa nếu con có thai thì hai đứa sẽ về Thái Bình báo cáo bố mẹ, làm
luôn đám cưới dưới đấy, sau lên trên này cưới nữa.
- Thế thì tốt rồi. Nó đã biết mày chửa
chưa?
- Mẹ nói thì con mới biết, chưa báo cho
anh ấy.
Nàng chạy luôn đi. Cái đập nước đã xong,
nhưng anh còn ở lại đợi nghiệm thu. Anh đang uống rượu cùng ba người trong lán.
Nàng vào, tim vẫn thình thình, tiếng thở hãy còn ra tai.
Ngồi xuống luôn đi em, gì mà hớt hải
thế?
Nàng không nói được, lặng lẽ chống đũa
lên miếng cá. Anh nướng cá giỏi như người bản. Chỉ nhìn màu vàng rộm, trong
họng, trong bụng đã nhấp nháy. Nhưng hôm nay…
Anh giục ba lần thì nàng ăn. … Chết rồi
lại giống ở nhà… Nàng chỉ kịp kêu thầm như thế thì cả dòng thác ào ào qua miệng.
Anh chạy sang ôm bụng nàng. Hai anh kia dừng chén.
Một anh hỏi:
- Em bị đau bụng à?
- Không.
- Em ăn gì cũng nôn à?
- Vâng. Em ăn sắn cũng nôn, ăn cá cũng
nôn, mùi khói bếp cũng nôn...
Bữa rượu tan. Hai anh kia thì thầm với
anh, rồi về. Anh đi dọn dẹp. Nàng bảo để em. Anh không cho, dìu nàng vào giường
nằm, tiếp tục bưng bê lau rửa…
Một lúc thì tay anh vào xoa bụng nàng.
Nàng thấy khỏe khoắn liền bảo, chúng mình có con rồi. Anh buông tay ra, nằm
ngửa, nói - anh rất vui, nhưng anh phải ra thành phố gấp để điều chỉnh hồ sơ
nghiệm thu. Nói đoạn anh hôn nàng, bàn tay đi suốt đằng trước, đằng sau nàng. Nàng
hít hà, nuốt nuốt như muốn ăn hết anh.
2
Nàng mang đứa bé đỏ hỏn ra cái lều kỷ
niệm. Một bà mẹ xanh lét, một đứa con non bấy, một ngôi nhà mái chạm vai, một
cái giường một…
Năm ngày thì trong nhà không còn hạt
gạo. Trưa ấy, nồi còn độ lưng bát cơm nguội, nàng đổ nước vào nấu cháo. Cháo
muối ngon, ăn nhanh hết. Cả chiều, con bé khóc ngặt, nàng không nghĩ ra là để
ít nước cháo bón cho nó.
Đến tối thì con bé sưng hết mắt, mặt
phồng đỏ. Lâu lâu nó vục vào vú mẹ một tí rồi lại oặt cổ ra. Nàng bóp, dồn dồn
từng vú. Không được, chỉ ri rỉ vài giọt nhờ nhờ.
Nàng mở to mắt, thấy nghẹn nghẹn trong
cổ, rồi nước mắt bò bò trên má, xuống cằm, hai bầu vú. Nước mắt đang tụ lại ở hai
đầu ti như hai giọt sương, to dần trĩu dần. Nàng đưa miệng con bé lại. Nó chụt
chụt ngay lập tức, rồi ửa cổ ra ngay. Nhìn mặt con tái dại, nước mắt nàng lại
ứa ra. Nàng lấy vạt áo, chặn ngực.
Không, nàng không khóc nữa. Nàng đặt con
bé vào giữa giường, quây khít xung quanh bằng chăn, gối, áo rét và buông màn. Chưa
yên tâm, nàng xếp bên ngoài một hàng gạch nữa. Nàng nhìn con, nghèn nghẹn - mẹ
về bản, một tí mẹ ra, con ngoan nhé.
Nàng khép cái cửa tre lại rồi đứng ngây
ra nhìn. Hình như còn thiếu cái gì… Nàng lại mở cửa, đây rồi cái hộp mì tôm hồi
anh còn ở đây. Nàng xé toạc lấy một mảnh, viết nhanh bằng cục than - Cháu bé ở trong nhà, mẹ cháu vào bản một tí
rồi về.
Nàng nhìn cái cửa tre có tấm biển chữ
đen, rồi quay ngoắt, cắm đầu chạy.
May bố mẹ đều đi nương, chỉ có đứa em ở
nhà.
- Sao chị phải ở ngoài hồ?
- Chị có con nhưng chưa cưới chồng.
- Thế cứ ở đây không được à?
- …
- Chị ở ngoài hồ nhỡ ngã chết đuối thì
sao?
- …
Nàng cúi mặt, lảng chuyện bằng cách đi
xuống bếp. Trên chốc chạn có một miếng bí, trong nồi còn một cái đầu cá, thùng
gạo còn độ ba bữa… Nàng chần chừ rồi hai lần vục như thằng trộm. Nàng ra chào
đứa em, chị về đây thì nó bảo chị đứng lại đã. Nàng giật mình…
- Chị lấy hết gạo trong thùng mà mang về.
- Thôi, chị chỉ lấy thế thôi. Bố biết em
lại bị đòn.
- Em đảm bảo không ai biết chuyện này.
…
Nàng biết em thương mình. Mẹ thương
mình. Bố… cũng thương mình. Nhưng nàng yêu thật nên mới có con. Anh ấy sẽ quay
lại, đón hai mẹ con nàng về Thái Bình, làm đám cưới… Thái Bình nhà ở liền nhau,
đồng lúa bên trên có sáo diều hát gọi, có con cò to bằng bắp đùi… anh vẫn kể
thế.
Nàng chạy như bị con chó đuổi. Tưởng sắp
đứt hơi thì về đến túp lều. Im lặng im lặng im lặng. Nàng vừa gọi con ơi con ơi
vừa giật cửa lao vào.
Đứa bé không làm sao cả. Nó được bế lên,
áp vào ngực mẹ, đang hục hặc tìm vú. Nàng bật ba cái cúc, đầu đứa bé và hai vú,
xoay quanh nhau. Một lúc thì biết bị mẹ “lừa”, nó ngửa cổ ra khóc.
Áo dài, áo con đã rơi xuống đất để lại
một miền trắng mát rượi. Đứa bé tự tìm được sữa. Nàng vui ngắm con, hai má nhịp
nhàng tóp lại phồng lên, nghe cả tiếng ực. Sữa từ đâu ra? Sao lúc nãy không có?
Nàng ngạc nhiên nhưng thích thú. Nàng xoa trán, xoa mông con, rồi vuốt vuốt vú
mình. Khi nàng đã hiểu vì sao có sữa thì đứa bé lại ngửa miệng lên đầu ti mà
khóc. Nàng không còn áo mà cởi, giá lớp da này cũng là một cái áo.
Lúc này thì tất cả quần áo tã lót của
hai mẹ con đang nằm dưới đất. Nàng ngồi xuống, chầm chậm nhẹ nhẹ, đưa con từ
đùi lên. Nàng nằm xuống lấy con làm “bàn tay” vuốt ve từ trên xuống. Một cảm
giác khác, lâu lắm rồi nàng mới có. Nó làm cho nàng nhớ. Có gì như cuộn chảy, giật
giật, như reo lên, kêu lên.
Nàng nằm im tận hưởng.
Nàng cong người, thấy mình giống cây
chuối bóc bẹ trắng muốt. Nàng oằn oài lật trái lật phải, như nước trên nguồn về
gặp phai, đầy ắp, sắp ục một tiếng.
Nàng đợi tích tắc vỡ òa.
Đứa bé bị mẹ “bỏ quên” được một bữa no. Trong
mơ nàng thấy anh, nghe tiếng ực ực anh uống nàng. Xong cơn, nàng tỉnh, hai bầu
vú vẫn căng níc, đứa bé đang quều quào bàn tay bé xíu lên đầu ti. Nàng đã tỉnh
hẳn, rã rời, ngồi thừ ra hỏi mình mơ hay thật. Nàng bóp vú, tia sữa bắn mạnh
vào mặt con. Nó cười khanh khách tưởng mẹ đùa. Nàng bóp vú nữa, sữa bắn như
súng phun nước đồ chơi. Tiếng cười bằng lợi đỏ hỏn của con làm nàng quên hết.
Tại sao nàng lại ra “phát minh” này nhỉ? Tại bất ngờ, tại nhớ anh, tại… chẳng
biết làm sao lại như thế…
Nàng đặt con xuống, kệ tã lót tí nữa
hẵng quấn, trời còn nóng mà. Nàng cúi xuống thơm con. Mỗi cái thơm có một tia
nắng đậu đúng trán con - Nàng thôi, tia nắng cũng thôi. Nàng quay nhìn… ối giời
ôi, cánh cửa vẫn thông thống từ nãy đến
giờ. Nàng giật mình rồi hết sợ ngay, nơi này chỉ có nàng giống ma mới ở. Những
người làm công trình rút hết rồi. Con tôm con cá chưa có vì từ hôm đập làm xong
chưa có trận mưa nào.
Nàng chưa mặc quần áo. Căn lều vẫn đang
rung rung, gió nhè nhẹ vờn quanh khe liếp, nắng vàng óng nhảy nhót một tí lại
ngoái về nàng. Nàng nhìn con, nhìn mình, thấy ngường ngượng, buồn cười thế nào
ý…
Nàng đi nấu cơm. Lửa reo gọi một lúc thì
nồi “cười”. Một đốm sôi ục ục ở giữa như từ dưới đất, dưới củi, đáy nồi… cứ thế
dâng lên, trào ra. Mẹ hay bảo nồi sủi giữa là nhà có khách. Nàng chả bao giờ có
khách, khách chỉ đến gia đình thôi, anh ấy chưa về thì chưa có gia đình. Chắc
là người vui, nồi cũng vui theo thôi.
Nàng ăn cơm trong nghèn nghẹn. Nàng nghĩ
phải cố, cơm nóng, canh nóng sẽ có nhiều sữa. Nàng như con ngỗng vươn cổ mãi mà
vẫn thừa cơm.
3
“Sữa mẹ” lên trang bìa 1 tạp chí ĐẸP. Những
nan nứa nhòe, nắng thủy tinh, nổi bật đôi vú căng mọng hồng tươi, đôi mắt mẹ
mãn nguyện xuống đôi mắt con ngây thơ. Tất cả sáng bừng lên, sức sống.
- Đúng là được trời cho, chuyến này chắc
Quang Hùng phải chục mâm chiêu đãi.
- Tuyệt thật. Ánh sáng, bố cục, nhân vật
tươi mới… khổ quá tôi tìm một chỗ để chê mà không có.
- Đáng nể thật. Người mẫu này… ngoại
giao giỏi cũng không dưới chục triệu một “nháy”. Cho xin địa chỉ đi.
Nhận lời khen từ đồng nghiệp, Hùng chỉ
cười cười, trốn tránh.
Đến bây giờ Hùng vẫn nghĩ là mơ. Sao lại
có túp lều như thế, sao lại thả vào thiên nhiên như thế…?
Hôm ấy, buổi sáng lễ kỷ niệm 70 năm
thành lập tỉnh Y, buổi trưa là tiệc chiêu đãi. Đặc sản địa phương toàn tên lạ;
gái đẹp địa phương cô nào cũng căng mọng, nói tiếng phổ thông ngọng nghịu mời
rượu.
Hùng không thú với món này. Bài vở, lúc
bế mạc đã chuyển một cái tin về tòa soạn, còn tư liệu đầy ắp máy ghi âm, máy
ảnh sẽ thoải mái, kiểu gì cũng ok. Nhưng đấy chỉ là mặt tiền, kiểu vỗ tay hoan
hô mà những thằng ăn lương phải làm.
Bỏ sau lưng ồn ào chúc tụng, Hùng ra,
gọi một cái xe ôm.
- Ông đưa tôi đến một bản xa nhất, có gì
lạ nhất.
- Xa thì anh phải ngủ lại.
- Không được, mai đoàn anh phải về sớm
rồi.
- Thế thì lạ nhất mà đi về trong vòng
buổi chiều được không?
- Được, anh về bản em.
Đến bờ hồ, cậu xe ôm bảo, anh đi theo
lối này, cái lều em kể ở cuối bờ bên kia.
Hùng men theo hồ, nắng chang chang. Lòng
hồ khô khốc, lổn nhổn gạch đá, vỏ bao xi măng… Thế mà cậu xe ôm nói đi nói lại,
hồ bản em đẹp lắm, to lắm. Thôi, thông cảm, nó là công trình lớn, lại ngay sát
nhà, tự hào phóng đại là đúng thôi, dân nông thôn đâu chả thế.
Hùng đã gần đến cái lều. Khoảng cách đủ
thấy rõ - cột tre, vách nứa, mái broximăng, kiểu lán trại xây dựng. Nhìn trời,
xung quanh, Hùng chỉnh lại các thông số máy ảnh, rồi bấm mấy kiểu toàn cảnh.
Anh là khách du lịch… nhà em ở đây à… anh
lên không biết mua gì em cầm lấy gọi là quà thăm nhà… Hùng chuẩn bị sẵn những
câu quen thuộc, tờ hai trăm nghìn khi đôi mắt đã chạm cửa lều.
Những tia nắng vàng vàng tím tím xoay
xoáy vào lều. Chợt một luồng gió, những hạt bụi bị cuốn vào, làn nắng bỗng trở
nên óng ánh như kim tuyến. Bên trong, không tin ở mắt mình nữa - một tiên nữ,
một thiên thần đang phát sáng.
Hùng như mê sảng bấm máy, không nghe
tiếng “tách”, không biết thời gian trôi. Tiên nữ cũng không biết một người đàn
ông đang say ngắm mình. Làn da, đôi vú vẫn phát sáng. Cảm giác đứa trẻ lớn lên
trông thấy sau mỗi nhịp môi bú mẹ.
Hùng đã rút lui lặng lẽ như lúc đến. Tình
thế ấy, mà chào nhau một câu thì sẽ ra sao. Sẽ cứng đơ, thô thiển, chết rí như
những vỏ bao xi măng dưới hồ kia. Thôi âu cũng là trời xui, trời cho.
4
Dạo này, nàng đi mót ngô, hái cà phê,
đào móng nhà thuê… vo véo, tiết kiệm mẹ đủ ăn, nhưng con không đủ sữa. Nàng
không hiểu, mình ăn rất khỏe mà tại sao sữa ít thế. Cái hồi mới ra hồ, nhiều
ngày mẹ nhịn mà đứa bé chả mấy khi phải khóc.
Bao giờ cũng thế, nhọ mặt người là nàng
cắm mặt chạy gằn về. Chân bịch bịch, tim thình thịch, tiếng khóc của con cứ
văng vẳng văng vẳng.
Mồ hôi chỗ làm, mồ hôi dọc đường, theo
nàng ướt rượt vào lều. Đứa con bập ngay vú, mồ hôi vào miệng nó trước. Khóc ré
lên. Nàng lấy tay lau, rẽ mồ hôi ra, một lúc sữa mới vào. Nàng nhìn con nhịp
nhàng ực ực, mệt nhọc tan biến.
Một tuần liền mưa, nàng phải ở nhà nhìn
mưa. Mưa to mà dai, từng sợi nước trắng trắng mờ mờ thẳng xuống, cả ngày không dứt
lấy một phút. Nàng lên giường nằm, thấy ren rét, tiếng mưa vẫn đập, ồ ồ trên
mái bro. Có gì như sờ sợ, nàng đặt con lên ngực. Lạ, nó không hục tìm vú như
bình thường.
Dạo ấy, cũng căn lều này, cái giường
này, nàng cũng ở trên ngực anh. Anh bảo, cái hồ này sau sẽ nhiều cá lắm. Nàng
đã hỏi một câu “rất hay” (anh bảo thế), em là con cá gì? Anh không trả lời mà
riết mạnh tấm thân tròn lẳn của nàng xuống. Nàng thấy mình sắp bẹp vào anh, ở
trong anh.
Bây giờ thì nàng biết mình là con cá mắc
cạn. Ví dụ như nó ở dưới hồ khô chết kia, ăn nắng, ăn vỏ bao xi măng… rồi biến
thành đất đá.
Đứa con đã làm bung cúc áo, đang rứt rứt
bầu vú; nó cắt xoẹt nghĩ ngợi vẩn vơ của nàng. Nó đang khóc, đập đập chân xuống
bụng nàng. Nàng vỗ vỗ vào cái mông êm êm, nựng, con ngoan thì trời hết mưa, mẹ đi
làm, sắp được lấy tiền rồi, mẹ mua hộp sữa… sữa nhiều như trời mưa… mưa đi… mưa
đi…
Nàng thấy trong người rần rật, cảm giác quen
quen lạ lạ đang bò bò trong thịt. Hình như là hôm ấy… mình làm ra sữa? Tiếng ực
ực đều đều của con làm nàng nhớ. Nàng xoa con, xoa khắp người mình. Sữa ơi, sữa
ơi… ở đâu về đi.
Suốt tuần mưa nàng mặc độc cái quần lót.
Nàng nghĩ, như thế cũng là đi làm. Làm thuê lấy tiền mình ăn ra sữa cho con,
làm… này, con cũng được nhiều sữa.
Sáng nay trở dậy, trời quang tinh. Nàng bước
ra, nước mênh mông, xanh mát tận chân núi. Cái đập khô khốc hôm qua hôm kia,
bây giờ đúng là hồ nước, biển nước. Gió thổi, sóng đánh oàm oạp, đuổi nhau đi,
dắt nhau về. Nàng nhẹ bâng trên bờ đập, gió đi theo nàng, sóng từ xa cũng nhìn
thấy nàng. Nàng đến chỗ nước tràn bờ. Những vỏ bao xi măng bị mắc lại, nước
chảy oằn oằn. Nàng khựng lại… rồi lấy cây nứa đẩy một cái. Như chỉ chờ có thế,
nước ào, sóng xô. Vèo vèo những bao xi măng đi. Cái trên cành, cái mắc gốc cây
bên dưới.
5
Lún xe ôm nhìn chằm chằm nàng. Theo phản
xạ nàng nhìn xuống ngực, ngoái đằng sau… kiểm tra mình. Không có gì. Từ ngày đi
làm thuê, nàng cẩn thận, không bao giờ có sự cố quần áo.
- Sao em khác thế!
- Khác thế nào?
- Đen này, gầy này…
- … Xấu này…
- Anh không bảo là xấu nhưng… không
giống người trong ảnh.
Nàng cầm tờ báo, tờ báo rơi luôn xuống
đất. Lún nhặt lên đưa lại.
- Đúng là em rồi, nhận đi.
- … Sao… em lại thế này?
- Anh biết đâu được… anh chỉ thấy, rồi
mang về cho em.
Lún kể, hôm đấy có anh nhà báo… Hôm qua
có người đi xe đánh rơi…
Nàng đứng lặng. Chăm chắm nhìn ảnh, như
soi như tìm điều gì.
- Người đi xe đánh rơi trông thế nào?
- Nhìn đằng sau không biết. Chỉ thấy đội
mũ, quần áo bảo hộ.
Tờ báo lại rơi. Nàng đi như mộng du về phía
phố xa xa, Lún cũng lặng lẽ đi theo.
Độ chục ngày sau, nàng nhận được một
cuộc điện thoại qua máy chủ nhà. Người đầu dây kia giới thiệu là nhà báo và hỏi
anh Mạnh đã về với mẹ con em chưa. Nàng trả lời ngay là chưa, rồi mới hỏi lại
làm sao anh biết. Anh xin lỗi và kể chuyện chụp ảnh trộm, tình cờ gặp Mạnh…
Bảy năm nay, nàng bỏ hẳn mót ngô, núi
đồi nương rẫy. Nàng chỉ đi phụ vữa, dọn nhà, trông trẻ… tức là chỉ làm những việc
ngoài phố. Con gái nàng đã biết nấu cơm, nấu cám lợn. Tối mịt nàng về, nó dọn
cơm sẵn, líu ríu khoe đủ chuyện ở nhà. Nàng nhìn tấm ảnh gài trên vách, tự
nhiên thấy bực vì nó lớn nhanh quá.
Điện
Biên, 08 - 11/5/2015
Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015
CHÙM THƠ PHÒNG CHỐNG MA TÚY
ĐÁM MA NGƯỜI CHẾT TRẺ
Chị như cái vỏ đỗ
Cong vênh nghiêng ngả nắng chiều
Tiếng khóc không còn ra nữa
Chỉ nhịp tim nấc lên
Đứa con
trai hôm nay ra đồng bằng ảnh
Có một cơn gió đi đón
Làm tung bay vàng mã xuống ruộng
Nơi những chiếc kim tiêm cắm mặt xuống
bùn
Như lũ bạn nó lêu vêu
Cúi đầu sau quan tài ân hận
Chàng trai di ảnh tóc vuốt keo như ca sỹ
Có nụ cười rất tươi
Vòng hoa trắng và khói hương trong nắng
Đường ra nghĩa địa toàn mây
Những tiếng thở dài tiếc thay
19 tuổi dính vòng nghiện ngập
22 tuổi trông như hài cốt
25 tuổi những ngày sống nốt…
Chập cheng chập cheng sâu hun hút
Sợ lắm cái tuổi mới lớn
Tùng tùng tùng tùng bầu trời tê tái
Một xóm làng khác đang đi
… Mộ chàng trai đã mấy mùa xanh
Xóm làng không thấy kim tiêm nữa
Chị bảo với tôi, chị hứa
Cúc quì đã vào hạt đen
Hoa ban quả treo lủng lẳng
Gió ề à lối mòn quen
Nắng bừng lên như hốt hoảng
Mấy mùa gió Lào khô khát
Có người vượt biên tìm mưa
Mấy lần có vài ba bánh
Mà đời lên… chả phải mơ
Người ấy mua cả ô tô
Xây cái nhà như nhà vua
Cô vợ đẹp như công chúa
Ai thiếu tiền nó khắc cho
Cơn gió thèm thuồng ngưỡng mộ
Nương ngô thành rừng cỏ gianh
Kẻ theo chân thú vượt núi
Người đứng đầu dốc lính canh?
Một ngày sét đánh về bản
Nó bị bắt dưới Quảng Ninh
Cô vợ hay nói công chúa
Cũng trùm ma túy… tử hình
Bản đau như bị lũ quét
Năm người nữa phải vào tù
Vật vã trong dòng nước mắt
Gió Lào năm ấy u u
Gió Lào năm nay lại thổi
“Ngôi nhà vua” đứng chơ vơ
Người già kể nỗi đau qua
Nhắc cháu con cái gương tối.
TIỄN ANH ĐI TRẠI CAI NGHIỆN
Trăng suông ngấm hơi men
Tắc kè, giun dế giục
Anh đứng lên chiếc cối đá
Chớp lóe một đường ra ngõ
Nhân cách có chảy máu?
Lương thiện có đủ điện?
Đêm đen thuốc liền dấu chăng?
Anh qua, vẫn tiếng hỏi chào
Đánh và tránh thật khó nhọc
Hôm anh đi trại cai nghiện
Mẹ anh khóc
Cả xóm rơm rớm nước mắt tiễn
Như kéo co
Với thân hình gầy guộc
Để chiến thắng sẽ là cả hai
Một tương lai hoàn thiện.
Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015
Chùm thơ mới - Du An - VNQĐ tháng 4/2015
Với chuồn chuồn
Chiu chíu dọc ngang
ăn uống, hỏi han, tình tự
bầu trời chục mét vuông kiểm tra
ai không là chuồn chuồn?
Tao, thằng người mặc quần đùi
không mang nhựa mít
không có thuốc xịt
trâu sắm cho đàn muỗi đến làm quà
Chuồn quan che gió chuồn ngô
chuồn ớt sánh vai chuồn cống
lim rim chuồn kim bình yên
gió đồng vi vu nhạc sống
Nằm ngửa đệm cỏ may
tao bay bằng mắt nhé
bọn mày lộn chao đuổi bắt
rốn đây đứa nào cắn đi
Tao gọi trời cao
tao đứng lên, chúng mày đừng cao nữa
tao về với bạn bè tao
bảo chơi đẹp như chúng mày.
Chiu chíu dọc ngang
ăn uống, hỏi han, tình tự
bầu trời chục mét vuông kiểm tra
ai không là chuồn chuồn?
Tao, thằng người mặc quần đùi
không mang nhựa mít
không có thuốc xịt
trâu sắm cho đàn muỗi đến làm quà
Chuồn quan che gió chuồn ngô
chuồn ớt sánh vai chuồn cống
lim rim chuồn kim bình yên
gió đồng vi vu nhạc sống
Nằm ngửa đệm cỏ may
tao bay bằng mắt nhé
bọn mày lộn chao đuổi bắt
rốn đây đứa nào cắn đi
Tao gọi trời cao
tao đứng lên, chúng mày đừng cao nữa
tao về với bạn bè tao
bảo chơi đẹp như chúng mày.
Nhà hộ sinh bàn phím
Lạch xạch lạch xạch
ì ạch ì ạch đêm đêm
một mình vượt cạn
nhà hộ sinh bàn phím
Tia chớp tháng năm thụ thai
ai đòi ai bắt
sung sướng khổ đau mãi
này khối u văn chương
Cơn co thắt rung màn hình
chữ khóc, chữ cười
chữ thường nhiều
chữ hoa ít
như dân, như sếp
delete lòng dao cắt
những đứa tính từ pê đê
dang tay mà cứu vớt
những đứa độc mộc
Con sinh ra nằm ổ cứng
sợ giống ông hàng xóm
sợ giống con chị thằng anh
mấy lần bế con đi
mấy năm rồi vẫn chẳng khai sinh
Lạch xạch ing ing
chữ chết lưu, chữ oa oa
đã mấy người tình đi tìm bồ khác
nhà văn đau không bao giờ lần chót.
Lúc 0 giờ
Tặng các chiến sĩ biên phòng đánh án ma túy
Đồi gianh u u lốc quẩn
cái đuôi con rắn chìm sâu
tắc kè mê ngủ, rồi ngủ
hơi người hơi sương trong nhau
Rừng khuya vẫn tai lá mở
mi mắt lúc nào đóng băng
nòng súng như khe khẽ thở
rét ào những sợi dây văng
Tất cả cùng hoai mùi đất
tất cả tan trong rừng đêm
tích tắc chỉ còn giun dế
phút giây trời đất thật êm
Rập rình kìa những chiếc phao
lối mòn căng phựt đôi mắt
chân trời bất ngờ sát mặt
giọt sương lóe lóe sao sa
Tia chớp một hai sống chết
cuộc chiến với những bóng ma
máu và mồ hôi thành vệt
một đường trắng hê-rô-in
Bồng bềnh xuân đương bay lên
mây trắng và hoa ban trắng
bao nụ mầm từ những đêm
trưa nay ngời lên sắc thắm.
Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)